Nhìn từ Quế Phong
Đầu tháng 3/2013, Bộ Y tế công bố kế hoạch, từ tháng 6 tới sẽ triển khai Đề án đưa bác sĩ trẻ có năng lực, mới tốt nghiệp Đại học Y tình nguyện về các huyện 30a để phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Là 1 trong 3 huyện của Nghệ An thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, Quế Phong đón nhận chủ trương này như thế nào?
(Baonghean) - Đầu tháng 3/2013, Bộ Y tế công bố kế hoạch, từ tháng 6 tới sẽ triển khai Đề án đưa bác sĩ trẻ có năng lực, mới tốt nghiệp Đại học Y tình nguyện về các huyện 30a để phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Là 1 trong 3 huyện của Nghệ An thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, Quế Phong đón nhận chủ trương này như thế nào?
Khi chúng tôi đề cập về chủ trương trên của Bộ Y tế, không chỉ người dân mà cán bộ trên địa bàn huyện Quế Phong đều tỏ vẻ phấn khởi. Ông Sầm Văn Duyệt, Chánh Văn phòng Huyện ủy Quế Phong cho biết: Có thể nói đây là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời của cấp trên, khi được triển khai không chỉ góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên mà còn trực tiếp đáp ứng nhu cầu của người dân là được các bác sĩ có chuyên môn trực tiếp khám và điều trị.
Bác sĩ Mặc Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quế Phong thì cho rằng, đề án tăng cường bác sĩ trẻ về các huyện 30a là sự tiếp nối chủ trương tăng cường cho y tế tuyến cơ sở theo Đề án 1816 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, điểm khác của lần này là tăng cường các bác sĩ trẻ, mới tốt nghiệp, có chuyên môn giỏi về cho y tế tuyến huyện. Trên thực tế, mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể từ Sở Y tế cũng như UBND tỉnh, nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề, từ Trung tâm Y tế dự phòng cho đến Bệnh viện Đa khoa Quế Phong – 1 trong 2 cơ sở y tế công lập chủ lực của huyện Quế Phong đã hình dung được ra những đầu mối, công việc cần tăng cường nhân lực.
Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quế Phong được thành lập từ năm 2007 và tách ra từ năm 2010 với cơ ngơi khá khang trang, rộng rãi. Hiện nay, trung tâm có 8 bác sĩ, 2 y tá, mỗi tháng phải cử 1 cán bộ xuống cắm ở cơ sở để giám sát, chỉ đạo; được giao quản lý 14 trạm y tế xã. Tại Quế Phong, hầu hết các xã được hưởng lợi, đầu tư của Chương trình 135/TTg (nay là Chương trình mục tiêu quốc gia) nên cơ sở vật chất tại các trạm y tế xã tương đối hoàn chỉnh; 11/14 trạm xá đã có bác sĩ nhưng theo Đề án 1816 năm 2010, Bệnh viện tăng cường 2 bác sĩ, Trung tâm Y tế tăng cường 1 bác sĩ nên đến nay xã nào cũng có bác sĩ.
Cũng theo bác sĩ Mặc Văn Lâm, nếu được tăng cường bác sĩ trẻ thì trung tâm rất cần bác sĩ lĩnh vực sản nhi và sản khoa. Do đặc thù là huyện biên giới, người dân, kể cả phụ nữ quen với nếp sống du canh du cư, không có kiến thức về chăm sóc thai nhi, khi mang thai hầu như không đi thăm khám. Việc tăng cường bác sĩ về y tế tuyến huyện là để cấp cứu, xử lý tại chỗ các ca sinh khó, kèm theo đó là các bệnh khác. Thông qua đánh giá kết quả thực hiện Đề án tăng cường bác sĩ lên địa bàn vùng sâu, vùng xa thời gian qua, thực tiễn cho thấy nếu tăng cường bác sĩ trẻ có chuyên môn thì phải quan tâm đầy đủ đến quyền lợi như cam kết để họ yên tâm công tác, phục vụ người dân.
Bác sĩ Trạm Y tế xã Tiền Phong thăm khám cho bệnh nhân.
Khám bệnh tại Trạm y tế xã Tiền Phong.
Nói về tăng cường bác sĩ, không chỉ y tế tuyến huyện cần mà tuyến xã cũng cần. Bác sĩ Vi Văn Kim, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tiền Phong cho biết: Hầu hết các xã của huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, được hưởng chính sách ưu đãi về y tế. Trạm có 7 người (3 nam, 4 nữ), nếu được tăng cường bác sĩ, thì bác sĩ chuyên về sản khoa cho trạm xá là tốt nhất. Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại thì chỉ nên tăng cường bác sĩ trẻ ở tuyến huyện vì tuyến xã chưa có trang thiết bị đi kèm, công việc cũng đơn giản là khám và cấp thuốc bảo hiểm y tế cho bà con, việc điều trị đã có Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế huyện.
Không giống với sự chuẩn bị của Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thời điểm triển khai Đề án tăng cường bác sĩ trẻ của Bộ Y tế về huyện 30a, Bệnh viện Đa khoa Quế Phong đang trong quá trình góp ý xây dựng Đề án nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Sở Y tế. Hiện nay, Bệnh viện có 11 khoa phòng, tổng số cán bộ là 108 người, trong đó về chuyên môn khám và điều trị chỉ có 4 bác sĩ chuyên khoa 1, 1 dược sĩ, 26 y sĩ, 25 điều dưỡng, 8 hộ sinh…
Với hiện trạng như trên, không chỉ lâu dài mà hiện tại Bệnh viện đang rất thiếu bác sĩ.
Bác sĩ Sầm Văn Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quế Phong cho biết: Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từ nay đến năm 2015, Bệnh viện cần thêm khoảng 6 bác sĩ. Nếu có bác sĩ trẻ về tăng cường theo chủ trương của Bộ Y tế thì Bệnh viện cần khoảng 4 bác sĩ, trong đó 1 bác sĩ chuyên khoa, 1 bác sĩ gây mê và 2 kỹ thuật viên gây mê, 1 bác sĩ ngoại chấn thương. Hiện tại, Bệnh viện mới chỉ có 1 bác sĩ gây mê nên có trường hợp bệnh nhân phải chuyển bệnh viện tuyến trên.
Hiện nay, với quy mô 90 giường bệnh, bình quân mỗi năm Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Phong khám cho trên 60 ngàn bệnh nhân, trong đó điều trị nội trú dao động từ 5.500 đến 5.900 người, mỗi ngày khám cho khoảng 120-130 bệnh nhân. Bệnh viện được đánh giá là một trong những bệnh viện tuyến huyện làm tốt công tác khám, điều trị tại chỗ các bệnh thông thường, cơ bản cho bà con nhân dân, tỷ lệ bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên ở giới hạn cho phép; đội ngũ cán bộ y, bác sĩ được cử đi học về đều cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Theo kế hoạch, năm 2013 này, Bệnh viện sẽ thành lập Khoa Đông y và vào năm 2016-2017 sẽ tăng thêm 3 khoa nữa là phụ sản, Liên khoa Tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt và Chẩn đoán hình ảnh.
Hy vọng, sau khi được tăng cường bác sĩ trẻ, chất lượng khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quế Phong sẽ tiếp tục nâng cao, góp phần chăm sóc sức khỏe và niềm tin cho người dân.
Nguyễn Hải