Nhịp cầu thoả nỗi ước mong!

29/08/2011 11:12

          Cầu Cây Chanh vượt sông Lam nhìn từ phía Tả ngạn.  

(BNA) -Sáng nay 29/8, huyện Anh Sơn (Nghệ An) tổ chức lễ thông cầu Cây Chanh - cây cầu mà nhân dân vùng Tả ngạn sông Lam mong đợi từ rất lâu. Việc đưa cầu Cây Chanh vượt sông Lam vào sử dụng sẽ nối mạch giao thông 2 vùng tả, hữu ngạn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng tả ngạn, và là tiền đề quan trọng để Anh Sơn hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về hạ tầng, định hướng phát triển kinh tế vùng mà Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ XIX đề ra...

Cầu vượt sông Lam tại Cây Chanh, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định đầu tư số 471/QĐ.UB ngày 28/1/2003, do UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư. Cầu dài 276 m, gồm 8 nhịp, mỗi nhịp dài 33m khổ rộng 7,0m, tải trọng H30-XB80, được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Đường dẫn 2 đầu cầu có chiều dài 1.138 m tiêu chuẩn đường cấp V miền núi: Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 49 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu rư Xây dựng Trường Sơn đảm nhận thi công. Sau hơn 3 năm vượt qua những khó khăn về nguồn vốn trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát tăng cao, chủ đầu tư và các nhà thầu nỗ lực triển khai thực hiện, đến nay dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.



Cầu Cây Chanh vượt sông Lam nhìn từ phía Tả ngạn.
Ảnh: Quang Dũng

Có mặt tại cầu Cây Chanh vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là lễ khánh thành chính thức đưa cây cầu vào sử dụng mới thấy hết sự phấn khởi, hồ hởi của người dân vùng được hưởng lợi. Bác Nguyễn Viết Hồng, xóm 3, xã Đỉnh Sơn không dấu được niềm vui mừng, nói: "Mỗi ngày tui chở 2 chuyến hàng sang bên kia sông. Chưa kể chi phí đò giang tốn kém thì mỗi lần ngồi trên đò tui rất lo đến an toàn cả người và hàng hoá, nhất là vào mùa lũ lụt, có cầu rồi tui không còn lo nữa...!" Tâm trạng vui mừng của bác Hồng cũng là tâm trạng chung của hàng ngàn hộ dân 4 xã vùng tả ngạn Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Tam Sơn của huyện Anh Sơn và rất nhiều vùng dân cư khác phụ cận thuộc các huyện Con Cuông, Tân Kỳ, Quỳ Hợp cùng giao thương trên tuyến đường này. Những ngày chưa có cầu, phương tiện qua sông duy nhất là những chuyến đò ngang đã trở thành lực cản rất lớn về giao thương phát triển kinh tế - xã hội của 4 xã vùng tả ngạn cũng như công tác chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của huyện đối với vùng này. Thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, 4 xã vùng tả ngạn đã trở thành vùng nguyên liệu mía tập trung chủ yếu với diện tích gần 1.000 ha mía đứng. Gần 10 năm Nhà máy đường Sông Lam đứng chân vùng đất này thì cũng đã gần 10 vụ ép, cây mía vùng tả ngạn của bà con trồng vất vả nhưng khi đến với nhà máy còn phải qua những chuyến phà bấp bênh, khó nhọc. Mỗi năm có hơn 40.000 tấn mía nguyên liệu (chiếm gần 70% sản lượng ép của nhà máy) từ vùng tả ngạn phải vận chuyển qua phà. Cách trở đò giang cũng là nguyên nhân khiến nhà máy và người dân chưa thực sự mặn mà với việc phát triển vùng nguyên liệu bên phía vùng tả ngạn.


Thông cầu Cây Chanh vượt sông Lam, vụ ép này, hàng chục ngàn tấn mía vùng tả ngạn sẽ thẳng băng đến với nhà máy. Công ty CP Mía đường Sông Lam đang có kế hoạch để củng cố xây dựng nguyên liệu tả ngạn bền vững, đưa giống mới năng suất, độ đường cao đến với bà con nông dân. Ông Đặng Văn Cảnh - Phó Giám đốc Công ty, cho biết: việc đưa cầu Cây Chanh vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Công ty đầu tư vùng nguyên liệu tả ngạn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho kế hoạch nâng công suất ép từ 500 tấn lên 1.000 tấn mía cây/ ngày. Bên cạnh vùng nguyên liệu mía, việc thông cầu Cây Chanh còn hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu giấy 1.200 ha, khai thác tài nguyên khoáng sản sắt, mangan ở xã Thọ Sơn, giúp hàng trăm học sinh THPT và nhân dân thuộc 4 xã vùng tả ngạn không còn cảnh qua đò hàng ngày. Nhịp cầu Cây Chanh sẽ là nhịp nối đáp ứng yêu cầu vận chuyển của các phương tiện từ QL7 đến các xã vùng tả ngạn huyện Anh Sơn và một số xã của huyện Con Cuông, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, góp phần hoàn thiện tuyến đường quốc phòng Trại Lạt - Cây Chanh. Từ đây sẽ kết nối liền mạch giao thông liên vùng, liên huyện, nối QL7 với với tuyến đường tả ngạn sông Lam, với đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 15 tại Thị trấn Lạt (Tân Kỳ)..., tạo động lực thức dậy, khai thác có hiệu quả tiềm năng vùng tả ngạn của các huyện lâu nay chưa được khai thác hết. Mặt khác, việc thông tuyến giao thông nối QL7 với các xã vùng tả ngạn tại Cây Chanh có ý nghĩa hết sức đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở thực tiễn để Anh Sơn hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ XIX đề ra trên lĩnh vực hạ tầng kinh tế- xã hội: hoàn thiện tuyến đường vùng nguyên liệu mía Thung Bùng, Thọ Sơn; kết nối và đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, nhất là vùng nguyên liệu mía - nguyên liệu chè và nguyên liệu giấy...


Qua thực tế triển khai thi công cầu Cây Chanh vượt sông Lam đảm bảo tiến độ, chất lượng đã cho thấy trách nhiệm, năng lực quản lý của chủ đầu tư cấp huyện đối với một công trình trọng điểm, giúp tỉnh có thêm kinh nghiệm phân vai quản lý đầu tư, nâng hiệu quả đầu tư các công trình, dự án.

Hữu Nghĩa

Mới nhất

x
Nhịp cầu thoả nỗi ước mong!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO