Nhịp sống mớinơi thượng nguồn Nậm Nơn
Mấy tháng lại nay, mỗi lần đi trên cung đường Quốc lộ 16 nằm vắt ngang phía Tây xứ Nghệ, đoạn qua xã Mỹ Lý, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều đống gỗ tạp, củi khô được cắt ngắn, xếp gọn gàng bên đường. Hỏi ra mới biết, đó là "lộc trời" mà người dân vớt được trên dòng Nậm Nơn sau mỗi trận lũ về...
Mùa vớt... "lộc trời"
Chúng tôi ghé thăm bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý một ngày cuối năm 2024, khi thời gian gần đây, những lớp củi, gỗ tạp từ thượng nguồn, nương theo cơn lũ trôi dạt thành mảng dài về đây. Có thể đơn giản gọi đó là... rác, nhưng xen giữa những mảng rác này là dịp để người dân địa phương có thể tìm kiếm những cơ hội mưu sinh.
Thực ra, không phải bây giờ, mà từ xa xưa, dòng Nậm Nơn đã là một sự đảm bảo cho sinh tồn và phát triển bền vững của nhiều thế hệ người dân Kỳ Sơn, Tương Dương sống ven con sông này. Từ chài lưới đánh bắt cá, lái thuyền đưa người vượt sông và cả vớt củi - một thứ "lộc trời" trôi từ thượng nguồn về xuôi sau mỗi mùa mưa lũ.
Lần theo tiếng cưa máy vang lên xoèn xoẹt mà hướng về phía bờ sông Nậm Nơn. Chúng tôi gặp vợ chồng anh Lương Văn Xí và chị Học Thị Xuyến (trú tại bản Hoà Lý, xã Mỹ Lý), khi cả hai vợ chồng đang cố gắng cắt những khúc cây đã vớt được thành những đoạn ngắn đều tăm tắp rồi đưa lên tập kết trên đường lớn.
...dưới nắng nhạt, khúc sông vốn hiền hòa, soi bóng núi và thấp thoáng ẩn hiện những mái nhà sàn đơn sơ đã không còn. Chắc phải tầm vài tháng nữa, dòng Nậm Nơn mới được trả lại những gì vốn có của nó, khi rác được vớt dần...
Anh Xí cho biết kể từ tháng 9, khi lũ từ thượng nguồn bắt đầu đổ về, người dân bản Hòa Lý nói riêng và xã Mỹ Lý, nơi có con sông Nậm Nơn uốn lượn chảy qua lại ra bờ sông... canh củi. Tức là theo dõi xem có gỗ hay củi từ thượng nguồn trôi về thì ra vớt. Mỗi khi phát hiện gỗ hoặc củi trôi trên mặt sông, họ nhanh chóng chuẩn bị thuyền, đinh, và dây thừng để chèo ra thu nhặt. Sau khi tiếp cận được khúc gỗ thì đóng đinh chặt vào và buộc dây neo vào bờ. Đợi đến khi nước lũ rút dần, không còn chảy xiết thì ra cắt ngắn vận chuyển lên bờ.
Anh Xí và chị Xuyến, chia sẻ rằng hoạt động này đem lại thu nhập không nhỏ. Từ đầu mùa lũ đến nay, hai vợ chồng đã vớt được hơn 50 khối gỗ, bán được hơn 40 triệu đồng. Đó là con số đáng kể đối với người dân nơi đây.
Sau khi thấy gỗ hoặc củi trôi trôi về thì lấy thuyền, mang theo đinh, dây thừng ra buộc và neo vào bờ. Đợi đến khi nước lũ rút dần, không còn chảy xiết thì ra cắt ngắn vận chuyển lên bờ...
Anh Lương Văn Xí - bản Hoà Lý, xã Mỹ Lý
Không chỉ có gia đình anh Xí, nhiều nhóm người trong bản cũng tham gia vớt "lộc trời". Nhóm anh em Lô Văn Dương, Lô Văn Hòa, và Lô Văn Tớn đã trở thành một đội vớt gỗ chuyên nghiệp. Họ sắm cưa xăng, dao, và rìu để nhanh chóng xử lý gỗ sau khi thu nhặt. Gỗ được chẻ ra thành những khối vuông vắn, xếp gọn gàng bên Quốc lộ 16 để bán cho người mua từ các xã lân cận như Mường Lống, Huồi Tụ. Mỗi khối gỗ có giá từ 400 đến 600 nghìn đồng, tùy vào chất lượng.
Việc khai thác gỗ trôi đem lại thu nhập đáng kể cho người dân Hoà Lý. Trong bối cảnh nông nghiệp địa phương phụ thuộc nhiều vào nương rẫy, thì việc có thêm nguồn thu từ vớt củi giúp người dân cải thiện đời sống và giảm bớt áp lực kinh tế.
Đặc biệt, nếu chịu khó, chỉ trong vài ba tháng, một gia đình có thể kiếm được từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Điều này không chỉ giúp người dân trang trải cuộc sống hàng ngày mà còn hỗ trợ việc mua sắm các vật dụng trong gia đình hoặc đầu tư vào giáo dục cho con cái.
Tuy nhiên, việc vớt "lộc trời" không phải lúc nào cũng dễ dàng. Và không phải năm nào cũng có gỗ, có củi cho người dân ra vớt. Có khi gỗ, củi lại tập kết ở khúc sông khác, dọc Nhôn Mai, Mai Sơn, có khi xuống tận Hữu Khuông của Tương Dương. Chưa kể, người dân tham gia vớt củi còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, đặc biệt khi chèo thuyền ra giữa dòng sông để kéo gỗ. Dòng nước lũ mạnh mẽ có thể cuốn trôi, làm lật thuyền hoặc gây tai nạn không mong muốn.
Mạch nguồn Nậm Nơn
Sông Nậm Nơn có chiều dài 102km bắt nguồn từ tỉnh Hủa Phăn (Lào), sau đó chảy vào Việt Nam ở xã Keng Đu, qua Mỹ Lý (Kỳ Sơn), rồi xuôi về Tương Dương để hợp lưu với dòng Nậm Mộ ở Cửa Rào (xã Xá Lượng), “khai sinh” ra dòng sông Cả (còn gọi là sông Lam).
Trong suốt hành trình của mình, Nậm Nơn đã gom vào mình những dòng suối nhỏ, để thành dòng sông mạnh mẽ, cuộn chảy đầy sức sống. Khi chảy qua biên giới Việt - Lào tại xã Keng Đu để về xuôi, dòng Nậm Nơn trở thành biểu tượng thiên nhiên hùng vĩ với hàng trăm thác, ghềnh lớn nhỏ, hệt như những trận đồ bát quái trên sông, thử thách lòng dũng cảm của những tay chèo.
Dọc Nậm Nơn, hầu hết đàn ông người Thái ở xã Hữu Khuông, Mỹ Lý, Keng Đu đều có thể thành thục sông nước. Nậm Nơn nuôi họ lớn lên. Họ có thể lái thuyền vượt thác, lái thuyền đánh bắt cá, bởi đó là công việc gắn với nhu cầu đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Đến những thác ghềnh, luồng lạch, vệt đá, xoáy nước trên sông rồi cũng trở nên quen thuộc.
Tôi đã may mắn được ngồi thuyền vượt Nậm Nơn những ngày đầu đặt chân vào nghề Báo. Ngày đó, đường bộ từ vùng trung tâm huyện lỵ Tương Dương lên các xã vùng cao như Nhôn Mai, Mai Sơn hay lên Mỹ Lý, Keng Đu (Kỳ Sơn) chưa thuận tiện như bây giờ, thế nên dòng Nậm Nơn trở thành huyết mạch đưa khách dưới xuôi lên vùng biên giới và ngược lại.
Khi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ tích nước, nhiều ghềnh, thác trên con sông Nậm Nơn đã dần chìm xuống đáy lòng hồ. Dẫu vậy, Nậm Nơn vẫn giữ cho mình được vẻ đẹp hoang sơ, nhất là đoạn từ xã Mỹ Lý lên đến tận biên giới Việt Lào. Nó âm thầm chảy, âm thầm tưới tắm cho những bản làng người Thái ven sông. Trở thành mạch nguồn văn hóa của người dân địa phương, chứng kiến biết bao đổi thay của thời cuộc.
Nằm cách bản Hoà Lý không xa, ngược về phía thượng nguồn Nậm Nơn chúng tôi ghé đến bản Yên Hoà. Ngay cạnh bờ sông còn có ngôi tháp cổ Xốp Lợt, hay còn gọi là tháp Yên Hòa, là một công trình kiến trúc cổ kính.
Không ai biết đích xác ngọn tháp này có nguồn gốc từ khi nào, do ai xây dựng nên. Chỉ mang máng rằng, trong những huyễn hoặc, u linh mà cha ông kể lại cho con cháu sau đêm hội rượu cần, là bao chuyện linh thiêng về tháp cổ. Có người bảo nó được xây dựng từ thế kỷ thứ 7, cũng có người nói là thế kỷ 12. Nhưng cũng có người đưa ra giả thuyết muộn hơn, vào thế kỷ 16 khi dòng Phật giáo tiểu thừa từ Thái Lan, qua Lào đặt chân lên đến đây.
Họ bảo rằng cha ông dựng lên để hướng con cháu bản làng đến những giá trị của chân, thiện, mỹ. Đôi lúc lại đồn, nó là một ngôi bảo tháp rất thiêng, đến nỗi có một ông cán bộ dưới xuôi lên công tác khi cầm súng bắn vào “mắt ngọc” đặt trên đỉnh tháp đã bị thần linh quở trách làm cho mù mắt…
Ngọn tháp này có chiều cao 21,91m, được xây dựng từ những lớp gạch thẻ xếp chồng lên nhau, kết dính bằng một lớp vữa bền chặt. Trải qua hàng thế kỷ, vẻ đẹp của tháp vẫn trường tồn với thời gian, nổi bật nhờ những họa tiết tinh xảo và giàu tính nghệ thuật như hoa sen, hoa cúc, vân mây sóng nước, lá đề và những tượng Phật đầy trang nghiêm.
Dẫu mang trong mình biết bao câu chuyện huyền bí, tháp cổ Xốp Lợt không tránh khỏi sự tàn phá của thời gian và có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào.
Dẫu mang trong mình biết bao câu chuyện huyền bí, tháp cổ Xốp Lợt không tránh khỏi sự tàn phá của thời gian và có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào.
Ông Vi Văn Sơn - Bí Thư đảng ủy xã Mỹ Lý nói, hai bên dòng Nậm Nơn, đoạn qua địa phận xã Mỹ Lý, là các bản làng người Thái sinh sống hàng bao đời. Sông chia đôi Mỹ Lý nhưng không ngăn cách được mối quan hệ cố kết cộng đồng.
Một điều đáng mừng là vào ngày 16/5/2024, tại Quyết định số 1188/QĐ-UBND, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục tu sửa cấp thiết 15 di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án tu sửa cấp thiết di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Xốp Lợt, huyện Kỳ Sơn. Hiện tại, việc trùng tu tháp cổ này đang bắt đầu được tiến hành. Đây là cơ hội có thể giúp ngọn tháp này hồi sinh, và có thể trường tồn với thời gian.
Rời Mỹ Lý, để lại sau lưng những mảng màu xanh của bóng núi, in hằn xuống dòng Nậm Nơn. Nhìn dòng sông vừa hiền hòa, vừa mãnh liệt, tôi hiểu rằng, Nậm Nơn không chỉ là một dòng sông, mà còn là linh hồn của cả vùng đất này – nơi ghi dấu bao ký ức, và là biểu tượng bất diệt nơi miền Tây xứ Nghệ.