Khẩn cấp tu bổ tháp cổ ở xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn)
(Baonghean.vn) - UBND tỉnh vừa đồng ý chủ trương, giao huyện Kỳ Sơn lên phương án tu bổ, tôn tạo khẩn cấp di tích tháp cổ Xốp Lợt ở xã Mỹ Lý trong bối cảnh ngọn tháp nguy cơ bị đổ sập.
Ngày 30/3, lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, sau khi được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, địa phương đã giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng rốt ráo lập phương án tu bổ, tôn tạo khẩn cấp tháp Xốp Lợt (xã Mỹ Lý), để cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Động thái này diễn ra sau khi UBND tỉnh Nghệ An có văn bản vào ngày 26/3 về việc đồng ý chủ trương tu bổ, tôn tạo khẩn cấp di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh tháp Xốp Lợt. UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất nguồn vốn, gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.
Theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, tháp Xốp Lợt là công trình kiến trúc cổ Phật giáo tồn tại hàng thế kỷ trên mảnh đất miền Tây xứ Nghệ. Tháp cao 21,91m, được tạo bởi các lớp gạch thẻ xếp chồng lên nhau, ở giữa các viên gạch sử dụng một lớp vữa để kết dính. Xung quanh các mặt của tháp trang trí nhiều họa tiết, hoa văn mang tính nghệ thuật cao: hoa sen, hoa cúc, vân mây sóng nước, lá đề, tượng Phật. Tháp Xốp Lợt được xem là một công trình nghệ thuật quý hiếm, độc đáo của Nghệ An cần được bảo tồn và phát huy. Di tích này đã được xếp hạng cấp tỉnh ngày 26/01/2024.
"Trải qua thời gian, do bị tác động bởi con người, môi trường, tháp đã bị hư hỏng nặng. Một phần chân tháp đã bị sụt lở dẫn đến tháp bị nghiêng và có nguy cơ đổ sập", bà Hạnh nói.
Tháp cổ này được cho là xây từ thế kỷ VII. Đây là ngọn tháp lớn nhất và cũng là tháp duy nhất còn sót lại ở đây. Trước đây, ở xã Mỹ Lý còn có một quần thể tháp cổ, nhưng trải qua thời gian tất cả đều đã bị đổ sập, nay cũng chẳng còn phế tích. Tháp cổ này hiện có hàng chục lỗ thủng chi chít từ chân tháp lên đến đỉnh. Đó đều là những dấu vết để lại sau mỗi lần kẻ gian đục tháp để lấy trộm tượng Phật bằng đồng.
Ông Lương Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý kể rằng, trước đây bên trong tháp cổ này có rất nhiều tượng Phật bằng đồng đen. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trước, khi đồng đen lên cơn sốt, kẻ gian bắt đầu đục phá tháp cổ để lấy trộm tượng Phật bên trong. “Cứ chỗ nào bên ngoài có hình vẽ tượng Phật thì bên trong đều có bức tượng bằng đồng giống như vậy. Vì thế, kẻ gian cứ nhắm vào vị trí đó để đục phá, lấy trộm tượng đồng đen mang đi bán”, ông Bảy kể. Chỉ một thời gian ngắn, các lỗ thủng xuất hiện chi chít trên thân tháp cổ.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, người dân Yên Hòa lại phát hiện nhiều bức tượng được kẻ gian âm thầm trả lại, đặt bên trong những lổ thủng của tháp. Đến nay, đã có 7 tượng Phật bằng đồng được trả lại. Phần lớn kẻ gian lấy trộm tượng Phật đều là người ở địa phương khác.
Hiện nay, lo sợ đặt ở tháp cổ không có bảo vệ sẽ tiếp tục bị mất nên 5 tượng Phật đang được xã Mỹ Lý bảo vệ nghiêm ngặt, còn 2 bức tượng khác do Ban Quản lý bản Yên Hòa cất giữ.
“Chúng tôi dự kiến sau này tháp cổ được trùng tu, tôn tạo xong sẽ trả lại cho tháp cổ những bức tượng còn sót lại này. Còn bây giờ nếu để bên trong tháp sợ tiếp tục bị mất”, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý nói.