Nhớ bến nước quê
Đến chập tối, những người đàn bà đi nương mới về bản. Đây là thời gian dành cho đàn bà, con gái, đàn ông không ai ra bến nước lúc ấy. Các bà, các chị, lưng đeo cờ tịp, hông mang phắc pạ (cái giỏ tre nhỏ) lần lượt từ các hướng nương rãy, ruộng lúa nước, con đường về bản. Dù ở ngã nào cũng đều đi qua bến nước. Họ cùng xoã tóc cho mát, vừa nói chuyện công việc râm ran, vừa cởi xái hiệt (thắt lưng), cởi áo, xoay váy giũ sạch bụi rừng, rồi từ từ ngồi xuống, cuốn gọn tấm váy lên trên đầu, thay nhau hứng bờ vai và toàn thân vào dòng nước mát... Luật bản không thành văn, nhưng lại rất nghiêm khắc, mọi người đều tự giác chấp hành, rất ít người dám xâm phạm: Nếu có ai đó dám cả gan đi rình ngó lúc đàn bà, con gái tắm ở tà lin bị phát hiện, thường phải chịu phạt rất nặng và mang tiếng cả đời...!
Bến nước gắn bó với bản làng vùng cao cũng như nương rãy, ruộng bậc thang và nhà sàn vậy. Tuy nhiên, ngày nay ở nhiều bản, nhiều vùng đã không còn bóng dáng tà lin nữa, bởi do ô nhiễm môi trường của quá trình khai thác quặng thiếc bừa bãi, cộng với việc khai thác rừng đầu nguồn tự do.. đã dẫn đến hậu quả cạn kiệt nước. Nhiều bản vùng cao ngày nay phải nhờ đến các chương trình nước sạch quốc gia và các chương trình tài trợ của các tổ chức quốc tế khác, mới có điều kiện xây bể chứa nước, và những ống thép dẫn nước từ trên núi cao về, cả bản mới có nước sạch để sinh hoạt... Nhưng cũng chỉ đủ nước phục vụ chủ yếu cho ăn uống mà thôi, làm sao có được một tà lin như trước đây nữa!?
Thái Tâm - BNA