Xã hội

Nhớ liệt sỹ Dương Thanh Hoàng - người con trung hiếu của Làng Quỳnh

Phan Văn Toàn 18/07/2024 17:10

Đúng ngày bạn ngã xuống, tôi đang hành quân vào mặt trận trên đường Trường Sơn. Bạn ơi, bài viết của người đồng đội Làng Quỳnh này xin thay nén tâm nhang tưởng nhớ về bạn - liệt sỹ Dương Thanh Hoàng.

Từ ngày ông nội của Hoàng (gọi ông Hưng, là tên con trưởng, bất kể trai hay gái - Đó là điểm khác biệt tiến bộ của làng Quỳnh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, quê hương Danh nhân Văn hóa thế giới Hồ Xuân Hương) chuyển tới ở trên đất Đình Xóm Ao, cách nhà tôi mấy chục mét, nên hai đứa chơi thân với nhau. Hồi cấp 1, Hoàng đi theo cậu (khi bố còn dạy học) ở Nam Thanh, Nam Đàn. Nên mấy tháng hè tôi mới gặp Hoàng. Lên cấp 2, cấp 3 thì Hoàng chuyển về học ở Quỳnh Đôi. Hoàng hơn tôi 1 tuổi- tuổi Thìn, học trên tôi 1 lớp.

1(3).jpg
Ảnh: Gia đình liệt sỹ cung cấp

Hồi đó, hệ thống truyền thanh kéo tới các ngõ xóm. Năm đầu cấp 2, Hoàng chuyển về học cấp 2 Quỳnh Đôi, là học sinh giỏi Văn của trường làng. Hè về, hai đứa hay nghe chương trình phát thanh thiếu nhi của Đài Tiêng nói Việt Nam được tiếp âm. Nhất là nghe phát thanh viên đọc thơ Trần Đăng Khoa. Đặc biệt Hoàng còn rất nhớ thơ Trần Đăng Khoa. Khi viết những dòng này, tôi còn nghe đâu đây giọng đọc diễn cảm của Hoàng về bài "Hạt gạo làng ta": "Hạt gạo làng ta/ Những năm bom Mỹ/ Trút trên mái nhà/ Những năm cây súng/ Theo người đi xa/ Những năm băng đạn/ Vàng như lúa đồng/ Bát cơm mùa gặt/ Thơm hào giao thông... Hạt gạo làng ta/ Gửi ra tiền tuyến/ Gửi về phương xa...".

Hoàng có năng khiếu văn thơ. Hoàng rủ tôi tận dụng giấy học trò đóng từng cuốn to hơn bàn tay để tập làm thơ thiếu nhỉ. Chữ viết của Hoàng khá đẹp, khiến tôi tập viết theo. Hoàng là anh cả của 3 em nhỏ ở với ông nội từ bé. Sau ngày ông bà nội chuyển nhà tới đất Đình Xóm Ao, thì hai đứa thân nhau hơn. Nhờ năng khiếu lại chăm chỉ tập làm thơ, Hoàng viết được hàng chục bài trong mùa hè. Sau này tôi biết, Hoàng tham gia cuộc thi viết về “Tuổi nhỏ chống Mỹ” trên báo Thiếu niên Tiền Phong, Hoàng có bài thơ “ Yêu quê hương” được đăng số 649, ngày 3/7/1970. Bài thơ có đoạn: “Yêu quê màu xanh/ Yêu bao nhiêu hoa lá/ Yêu nhà tranh đơn sơ/ Yêu bao nhiêu cô chú/ Đang tô thắm đồng quê/ Nắng hè trời đỏ lửa/ Mồ hôi tuôn đầm đìa/ Ôi quê hương giàu mạnh/ Nhộn vui như vần thơ” (Dương Thanh Hoàng 14 tuổi, xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Bài thơ “Yêu quê hương” của Dương Thanh Hoàng đã được phát mấy lần trong chương trình thiếu nhi, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Phụ huynh của Hoàng là chú Dương Chấn Hưng (phát triển từ giáo viên, lên nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm Nghệ Tĩnh, Thư ký Công đoàn Nghệ Tĩnh, Trưởng Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, trước khi nghỉ hưu là Phó Bí thư Đảng bộ các cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh). Hoàng thường gọi bố mẹ là cậu mẹ. Dương Thị Hà, em gái thứ tư của Hoàng, từng là cô giáo dạy văn THCS phường Hưng Bình, TP.Vinh, cho biết: gia đình nội là nhà nho nghèo, 15 tuổi ông Hưng đã đi dạy học, nên ông muốn các con gọi là cậu mẹ. Tuổi thơ Hoàng khá vất vả. Khi học ở trường cấp 2 Quỳnh Đôi, Hoàng vừa giúp ông bà nội, vừa chăm cho 3 em ăn ở, học tập tốt. Hoàng và Huy lớn hơn cả là trụ cột cho ông bà già yếu. Tôi còn có những kỷ niệm cùng Hoàng đi vơ lá thông làm chất đốt ở rừng thông Quỳnh Văn, cách nhà 7-8 cây số (có dịp sẽ kể sau).

4(1).jpg
Đường về làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ - quê hương liệt sỹ Dương Thanh Hoàng. Ảnh tư liệu: BNA

Năm tháng tuổi thơ qua nhanh. Mấy năm đầu cấp 3 tôi rời làng Quỳnh đi học theo chị cả ở Thái Bình. Học kỳ 3 năm lớp 9 tôi chuyển về trường Quỳnh Lưu1 sơ tán tại xã Quỳnh Ngọc. Năm đó, Hoàng học lớp 10, thỉnh thoảng hai đứa đi bộ cùng đường xuống Quỳnh Ngọc. Thời gian này phong trào "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược" phát triển rộng khắp. Đặc biệt với nam thanh niên có phong trào viết đơn tình nguyện bằng máu xung phong nhập ngũ.

Dương Thanh Hoàng cũng có tên trong phong trào này. Hồi đó, đã học cuối cấp 3, nhưng Hoàng người gầy, nhỏ hơn cùng lứa. Một lần cùng tôi đi gánh nước giếng Ao, Hoàng cho biết đã viết đơn bằng máu xin nhập ngũ, được xã chấp nhận. Tôi hẹn Hoàng năm sau sẽ gặp nhau ở chiến trường, Hoàng xiết chặt tay tôi như người đồng đội. Hôm đi khám sức khỏe để đủ cân nặng, Hoàng phải giấu mấy hòn đá trong túi quần. Vậy là, gần thi tốt nghiệp cấp 3, ngày 26/4/1970, Hoàng nhận được quyết định nhập ngũ và được đặc cách tốt nghiệp. Còn tôi nhập ngũ sau Hoàng 1 năm vào mùa thu Tháng Tám năm sau... Cái năm "71 đến nghiêm trang như người lính/ Có lệnh là đi tư thế sẵn sàng" (Tố Hữu)...

Viết đến đây, tôi nhớ vô cùng những địa danh, ngõ ngách của làng, những nơi Hoàng và tôi hay đi qua và tham gia những trò chơi thuở nhỏ. Thiết nghĩ, chính từ những tình yêu giản dị ở quê hương, mà tuổi trẻ chúng tôi nhân lên sức mạnh và tỉnh yêu Tổ quốc. Dương Thanh Hoàng ngã xuống trong đánh Mỹ ở miềnTây Nam bộ. Với tôi, Hoàng luôn xứng đáng là người con trung hiếu của hương và sáng mãi tuổi thanh xuân.

Gia đình liệt sỹ Dương Thanh Hoàng dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang - nơi Dương Thanh Hoàng hóa thân vào đất Mẹ Tổ quốc. Ảnh: Gia đình cung cấp
Gia đình liệt sỹ Dương Thanh Hoàng dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang - nơi Dương Thanh Hoàng hóa thân vào đất Mẹ Tổ quốc. Ảnh: Gia đình cung cấp

Ngày 26/4/1970, Hoàng nhập ngũ. Sau 6 tháng huấn luyện ở Quỳnh Lâm để đi B dài, đúng ngày 21/11/1970, Hoàng được lệnh hành quân vào chiến trường. Theo những lá thư Hoàng viết vội thì ngày 26/11 tới Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, ngày 29/11 tới đất Quảng Bình, cuối tháng 1/1971 Hoàng đặt chân tới đất nước Triệu Voi, 2 tháng sau tới đất Miên. Khoảng tháng 3/1971, sau hơn 5 tháng hành quân theo đường Trường Sơn và đi qua 2 nước bạn Lào và Campuchia, Hoàng tới miền Tây Nam Bộ với hòm thư số 796220 Ấp 2.

Trong thư viết dịp đầu năm mới ngày 1/2/1972, Hoàng cho biết nhận nhiệm vụ mới là Tuyên huấn của Đoàn 4, Quân khu 9; nhiệm vụ chính là viết báo tuyên truyền phong trào giết giặc lập công của đơn vị. Thư Hoàng gửi về gia đình rất thời sự: "Từ năm 1969 đến 13/1971, đơn vị đã diệt và bắt hơn 20.000 tên địch ( có 4334 lính Mỹ), bắn rơi 263 máy bay, bắn cháy 452 xe các loại, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự. Được tặng 7 Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba và 80 Huân chương Chiến công các loại". Về cá nhân, Hoàng khiêm tốn viết: "Đã cùng đơn vị chiến đấu 5 trận, được thưởng 1 danh hiệu Dũng sỹ quyết thắng, 3 Bằng khen, 3 Giấy khen, được kết nạp Đảng."

Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sỹ 17/7/1947 - 27/7/2024, tôi càng nhớ về người bạn thiếu thời đã dành trọn tuổi xuân cho đất nước. Cũng là người lính tham gia chiến dịch 1972 ở Quảng Trị, phục vụ chiến đấu quanh Thành Cổ, lại tiếp tục chiến đấu ở biên giới Tây Nam, Hà Tiên, Kiên Giang, giải phóng Campuchia, cùng địa bàn Dương Thanh Hoàng ngã xuống trong đánh Mỹ, rồi cũng làm công tác tuyên truyền - viết báo, khi đơn vị Công binh của Quân khu Thủ đô làm nhiệm vụ ở Vỵ Xuyên biên giới phía Bắc, tôi hiểu rõ cái giá của Độc lập - Tự do, tình đồng đội và niềm tin chiến thắng. Cũng như niềm tin của Dương Thanh Hoàng khi viết thư về gia đình ngày 1/2/1972 tại đơn vị Hòm thư 796 200, Ấp 2, Quân giải phóng miền Tây Nam Bộ: "Song con tin chắc rằng, một mùa Xuân không xa con sẽ về sum họp với gia đình khi nước nhà thống nhất".

Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ dịp 27/7/2023 tại Nghĩa trang liệt sỹ Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang - nơi Dương Thanh Hoàng hóa thân vào đất Mẹ Tổ quốc. Ảnh: Tư liệu huyện Vĩnh Thuận
Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ dịp 27/7/2023 tại Nghĩa trang liệt sỹ Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang - nơi Dương Thanh Hoàng hóa thân vào đất Mẹ Tổ quốc. Ảnh: Tư liệu huyện Vĩnh Thuận

Và sự khốc liệt của chiến tranh rất rõ, chỉ 2 tháng 17 ngày sau khi viết lá thư ấy, Dương Thanh Hoàng đã anh dũng hy sinh, hóa thân vào lòng đất mẹ tận cùng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu - mảnh đất Kiên Giang. Đó là ngày 18/4/1972. Đúng ngày Hoàng ngã xuống, tôi đang hành quân trên đường Trường Sơn qua địa bàn Quảng Bình để nhanh chóng bổ sung lính mới cho Đại đoàn quân tiên phong 308. Bài viết của người đồng đội Làng Quỳnh này về Hoàng như nén tâm nhang tưởng nhớ về bạn tôi - liệt sỹ Dương Thanh Hoàng...

Phan Văn Toàn

Mới nhất
x
x
Nhớ liệt sỹ Dương Thanh Hoàng - người con trung hiếu của Làng Quỳnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO