Nhớ ngày Giỗ Tổ

27/04/2015 13:56

(Baonghean) - Giỗ tổ Hùng Vương trở thành Quốc giỗ của dân tộc, là tình cảm thiêng liêng, sâu đậm trong tâm khảm mỗi người Việt từ ngàn đời nay. Những ngày này, trên vùng đất Nghệ an, người dân tìm đến những nơi thờ tự Vua Hùng dâng nén tâm nhang, tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên đã có công khai nguyên, lập quốc.

Đền Cửa (xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc) thờ Quốc mẫu Âu Cơ, Cao Sơn, Cao Các, tam tòa thánh mẫu và các bậc hiền tài có công trong sự nghiệp đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước những ngày này nghi ngút khói nhang. Rất đông người dân vùng đất cửa biển Nghệ An, khách thập phương đến đây hành hương, dâng sản vật bày tỏ tấm lòng thảo thơm, tri ân lên tiên tổ.

Chuyện xưa kể rằng: 2 trong số 50 người con theo cha Lạc Long Quân đi về phía biển đã dừng lại nơi vùng Cửa Xá này khai hoang lập ấp, trồng trọt, đánh bắt, chăn nuôi gây dựng nên một cơ ngơi trù phú. Nhớ tới Mẹ Âu Cơ, họ đã xây dựng một am thờ ngay tại cửa biển. Đó chính là đền Cửa ngày nay. Ông Hoàng Anh Vinh, thành viên Ban quản lý Di tích Lịch sử - Văn hóa đền Cửa cho hay: “Đền luôn nồng ấm hương đèn chăm sóc; rất đông con cháu tìm về, đặc biệt là trong lễ Giỗ Mẫu và ngày khai hội. Lễ giỗ vừa qua, hàng trăm người dân đến đây báo công, hiếu kính, dâng lên 20 mâm lễ và cùng thụ lộc”. Đền Cửa bao đời nay trở thành một trong những điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người dân Nghệ An. Mọi người đến đây, muôn lòng như một hướng mình về chân thiện mỹ, ước vọng về sự hòa bình phát triển cho cộng đồng, đất nước, quê hương.

Ban tổ chức Lễ hội Đền Hồng Sơn (TP. Vinh) tập nghi lễ cúng chuẩn bị cho Ngày Giỗ Tổ.
Ban tổ chức Lễ hội Đền Hồng Sơn (TP. Vinh) tập nghi lễ cúng chuẩn bị cho Ngày Giỗ Tổ.

Lễ hội Di tích Lịch sử - Văn hóa đền Cửa và Mộ tướng Ninh Vệ năm 2015 diễn ra trong 3 ngày 11/3-13/3 (âm lịch) tức là ngày 29/4-1/5/2015 thời điểm khai hội du lịch Cửa Lò. Như vậy, chắc chắn lễ hội năm nay thêm đông… Để lễ hội tưởng nhớ công đức Thánh Mẫu và các danh nhân năm nay thêm phần trang trọng, thành kính, thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa dân tộc, xã Nghi Khánh đã chuẩn bị đầy đủ các phần lễ, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao. Hướng về nguồn cội, người dân Khánh Đền, Khánh Đông tập luyện những làn điệu ví, giặm ngợi ca công cha, nghĩa mẹ để biểu diễn trong ngày lễ trọng.

Cũng như đền Cửa, Làng Vạc - xã Nghĩa Hòa (Thị xã Thái Hòa) lâu nay là một địa chỉ tâm linh hết sức thiêng liêng trong lòng người dân các dân tộc cùng chung tín ngưỡng Vua Hùng ở Nghệ An. Vào ngày lễ, Tết, đặc biệt trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, rất đông người dân địa phương tìm về dâng hương, tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên của người Việt. Truyền thuyết cội nguồn người Việt cổ viết rằng: 1 trong 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên non đã về lập nghiệp ở làng Vạc. Làng Vạc là cái nôi của người Nghệ ở lưu vực sông Cả hiện nay.

Những di chỉ cổ vật được tìm thấy đã chứng minh vị thế Làng Vạc là một dấu ấn quan trọng trong tiến trình mở cõi của ông cha. Ông Tô Thanh Sơn, Trưởng phòng Văn hóa Thị xã Thái Hòa cho biết: Từ minh chứng cội nguồn, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Thái Hòa, Nghĩa Đàn và du khách thập phương, năm 1999, thị xã đã xin phép Ban Quản lý Di tích đền Hùng, Phú Thọ rước tượng của Vua Hùng về thờ tại đền thờ làng Vạc.Trước lễ giỗ, con cháu Lạc Hồng ở Nghệ An và nhiều nơi đã đến đền thờ làng Vạc dâng lên nhiều lễ vật cúng tế các Vua Hùng như hương trầm Quỳ Châu, cam Phủ Quỳ và rượu Nghi Phú.

Đất nước phồn vinh hôm nay bắt đầu từ công tạo lập của ông cha, gốc tích ấy mỗi người dân phải giữ gìn, gây dựng. Nơi vườn tứ linh đền làng Vạc, cột lộ thiên –nối đất với trời nhiều người dân đã tập trung về thắp hương, nguyện ước thái bình thịnh trị. Nhiều người khác lại đọc những tấm bia dẫn tích xưa mà tự hào với truyền thống quê hương, đất nước, ngắm nhìn hàng trăm cổ vật đang được trưng bày tại đây do người dân phát hiện và cung tiến để nhìn thấy một phần cuộc sống cổ xưa của ông cha mình và để thêm nhớ ơn.

Trong những ngày mọi trái tim ở muôn nơi đập chung một nhịp, mọi tâm thức đều hướng về cội nguồn, thì ở Thành phố Vinh, đền Hồng Sơn - nơi thờ tự Vua Hùng và Hưng Đạo Vương chính là một điểm hội tụ phụng thờ công đức tổ tiên, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc… Những ngày này, Ban Quản lý đang hoàn tất các chuẩn bị cho Lễ Quốc giỗ Vua Hùng vào ngày 10/3 âm lịch tới đây.

Bà Nguyễn Thị Thiện, 70 tuổi, ở phường Cửa Nam đã có 50 năm tự nguyện làm nhiệm vụ “tay quỳnh, tay quế” trang điểm cho đội lễ hầu thánh tự hào cho biết: “Để Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trang nghiêm, thành kính, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân và tưởng nhớ, tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước, các bác ở Ban Quản lý Di tích đền Hồng Sơn đã tập luyện nghi lễ từ sau Lễ giỗ Mẫu (3/3 âm lịch). Bên cạnh đó, để tái hiện lại cuộc sống người Việt từ thuở sơ khai lập nước, Ban Quản lý đền Hồng Sơn còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm tái hiện lại không khí sinh hoạt văn hóa với các trò chơi dân gian như: chơi cờ thẻ, thi võ cổ truyền và kéo co…”.

Anh Nguyễn Thế Quyền, xã Nghi Long, (huyện Nghi Lộc), chia sẻ: “Ở chốn thanh tịnh, uy nghiêm này, mọi căng thẳng, buồn phiền nhanh chóng qua đi và tìm được cảm giác cân bằng, thư thái trong tâm hồn… Hôm nay, tôi dẫn con đến để giáo dục cho các con về truyền thống, lịch sử dựng nước, giữ nước, công ơn của các Vua Hùng, giúp con có bài học lịch sử trực quan qua kiến trúc, lời kể của các bác trong ban quản lý và bia dẫn tích ở đền”.

Lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, cội nguồn – dân tộc – công ơn Vùa Hùng tiên tổ mãi là điều thiêng liêng nhất. Tưởng niệm các Vua Hùng, mỗi người con đất Nghệ xin được thêm triệu lần bày tỏ lòng tự hào về truyền thống vẻ vang 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; được thành kính tưởng nhớ và biết ơn công đức, đồng thời kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân nguyện hứa sẽ luôn phát huy khí thế Hùng Vương muôn trượng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

Thanh Sơn – Cảnh Nam

Nhớ ngày Giỗ Tổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO