Nhớ ngày Thu trên đất Thái

29/08/2015 08:57

(Baonghean) - Những ngày thu lịch sử trên dải đất hình chữ S luôn rộn ràng với những bản hùng ca, bóng cờ đỏ sao vàng rợp khắp mọi ngả đường, con phố. Đã hơn 50 năm kể từ ngày những người Việt xa xứ như chúng tôi được trở về sống trong lòng đất mẹ, được cảm nhận một cách trọn vẹn không khí náo nức của những ngày thu đất nước, hân hoan và vui sướng đến tột cùng…

Ba mẹ kể rằng vào năm 1946, khi đó tôi mới lên 3 tuổi, thực dân Pháp núp dưới bóng quân đồng minh, với sự giúp đỡ của quân đội Anh quay trở lại xâm chiếm Đông Dương. Chúng mở cuộc tấn công vào các thành phố lớn của Lào như Xa-vẳn-na-khẹt, Thà Khẹt, Viêng Chăn,… So sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc đó, Trung ương đã chỉ thị cho các lực lượng vũ trang tạm rút về nước, thu xếp cho bà con Việt kiều lánh nạn sang Thái Lan. Gia đình tôi lúc bấy giờ đang làm ăn sinh sống tại Lào. Sau khi nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ”, hoà theo dòng người hơn 6 vạn đồng bào Việt kiều ở Lào, ba mẹ tôi cùng 11 người con sơ tán sang Thái Lan với hai bàn tay trắng. Không riêng gì gia đình tôi, biết bao nhiêu gia đình người Việt đã để lại trên đất Lào tất cả tài sản, nhà cửa, vườn tược, với biết bao công sức tạo dựng nên sau gần nửa thế kỷ. Ngày ra đi, lòng căm thù không đội trời chung với quân xâm lược và hy vọng vào một tương lai tươi sáng chính là sức mạnh to lớn, là nguồn cổ vũ và gắn kết cộng đồng Việt kiều thành một khối đoàn kết.

Ông Hồ Bá Lộc với những tấm ảnh lưu niệm những ngày ở Thái Lan.
Ông Hồ Bá Lộc với những tấm ảnh lưu niệm những ngày ở Thái Lan.

Ký ức về đợt tản cư năm ấy, suốt cuộc đời này ba mẹ tôi không thể nào quên. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ,… dắt díu nhau chạy trốn khỏi sự truy đuổi của thực dân Pháp. Sau lưng là tiếng máy bay chao liệng, đạn liên thanh xé nát vòm trời bình yên. Phía trước là sông Mê-kông sóng nước mênh mang. Từng đoàn người nối chân nhau bước lên con thuyền sinh mệnh hướng về đất Phật, hướng về vùng đất lạ với sự lo lắng, hoang mang nhưng không hề vơi đi niềm hy vọng. Cuộc vượt sông sinh tử đầy gian nan và nguy hiểm chính là khởi đầu cho một chặng đường mới, với nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng nhờ sự cố gắng, lao động cần cù của Việt kiều ta và sự giúp đỡ của Chính phủ, nhân dân Thái Lan, cuộc sống đã dần ổn định. Người Việt ở Thái không chỉ làm việc chăm chỉ để duy trì cuộc sống mà còn dành dụm để gửi tiền bạc, của cải về nước, đóng góp phục vụ kháng chiến.

Những ngày Thu, khi đồng bào trong nước mừng vui đón ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, bà con Việt kiều ở Thái Lan cũng hân hoan không kém. Hôm đó, mọi người xin nghỉ làm, tổ chức ăn uống, tụ họp, trẻ em được mặc quần áo mới, nô nức như ngày hội. Bàn thờ trong nhà được trang trí và bày biện chu đáo, đặt ảnh Bác Hồ trang trọng và treo cờ đỏ sao vàng. Hồi ấy, mặc dù hoạt động cách mạng không được công khai nhưng cũng không ngăn được niềm vui của bà con Việt kiều hướng về ngày Quốc khánh của dân tộc. Gần 20 năm sống trên đất Thái, tôi vẫn nhớ như in không khí vui mừng, hoan hỉ ấy. Người Việt ta giàu lòng yêu nước, dù đi xa đến đâu và đến bao nhiêu lâu đi chăng nữa, vẫn luôn đau đáu nỗi niềm hướng về quê cha, đất Tổ. Khoảng cách địa lý không thể nào cắt đứt được mối dây máu thịt, gắn kết bà con kiều bào với Tổ quốc, dù là khi sinh mệnh đất nước gặp hiểm nguy hay khi hoà bình đã được lập lại. Chúng tôi đau cùng nỗi đau, vui cùng niềm vui của dân tộc.

Vui cùng dân tộc bao nhiêu, đau cùng đất nước bao nhiêu thì mỗi con dân Việt kiều trên đất Thái lại càng thêm quyết tâm làm ăn để ủng hộ kháng chiến. Những của cải, vật chất gửi về từ đất Thái chính là gửi trọn cả tấm lòng của bà con Việt kiều bên đó. Trong ký ức của tôi, không bao giờ có thể quên được thời khắc nghe tin quân và dân ta giành chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, chấn động địa cầu ngày 7/5/1954. Cảm xúc vỡ oà, mọi người ôm nhau vừa khóc vừa cười, những giọt nước mắt xen lẫn niềm vui, niềm tự hào. Thế nhưng, thời điểm đó, cũng vì lo sợ lực lượng chiến đấu của ta ngày càng lớn mạnh nên Việt kiều ở Thái Lan lại càng bị thực dân kìm kẹp. Kiều bào ở Thái Lan chỉ có thể ngóng theo niềm vui của dân tộc từ xa và thẳm sâu trong trái tim mình mà thôi. Nhưng có hề gì, tất cả chỉ khiến cho tình yêu và nỗi nhớ quê hương, đất nước càng mãnh liệt, thôi thúc đồng bào sống và làm việc thật tốt, tin tưởng vào một tương lai tương sáng sẽ mở ra với vận mệnh dân tộc. Ngày ấy, họ sẽ trở về, úp mặt vào lòng đất mẹ chở che…

Nhưng, thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp, đất nước một lần nữa gồng mình chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Nỗi niềm mong mỏi của những người con xa xứ phải trễ hẹn với đất mẹ thêm lần nữa. Chia ly một lần hẹn sớm trở về, ngờ đâu xa cách mấy mươi năm, tình yêu, nỗi nhớ cứ thế đong đầy mỗi bận thu về. Khi đồng bào trong nước kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Việt kiều ta ở Thái Lan lại hòa chung nhịp đập hân hoan cùng dân tộc.

Năm 1960, khi Bác Hồ kêu gọi Việt kiều hồi hương xây dựng đất nước, không ai đắn đo, lưỡng lự mà sẵn sàng đăng ký về nước. Từ đầu năm 1960 đến năm 1964 đã có 75 chuyến tàu thủy chở hơn 4 vạn Việt kiều ở Thái Lan về nước. Chuyến tàu đầu tiên mang tên Anh Phúc chở 922 kiều bào ta do phía Thái đảm nhiệm cập Cảng Hải Phòng ngày 9/1/1960 đưa những đứa con trở về quê hương sau bao năm xa cách. Điều mà không một người hồi hương nào dám nghĩ đến là trong cuộc đón tiếp long trọng và thân tình ấy có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những người con Việt kiều khi thấy rõ hình dáng lãnh tụ, có phần ngỡ ngàng, ngỡ như lạ mà hoá ra đã quen thuộc, gắn bó từ lâu. Bác Hồ chính là Thầu Chín năm xưa - người từng đồng cam cộng khổ với bà con khi còn là khách tha phương xứ người, từng cùng bà con gánh gạch xây trường cho con trẻ, mang hàng đi “bạn” đổi chác, đi nơm cá bỏ oi chung. Bà con kiều bào vỡ oà vui sướng, tự hào và xúc động. Bởi nhân dân trong nước được gặp mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người xuất hiện với bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, còn Việt kiều ở Thái Lan đã cùng chung sống với lãnh tụ và được Người tổ chức, giáo dục từ năm 1928. Đó là sự an ủi, khích lệ to lớn nhất đối với những người con dù xa xôi nhưng không lúc nào ngừng trông ngóng về quê hương.

Đã hơn 50 năm kể từ ngày tôi và kiều bào rời đất Thái trở về quê hương. Đất nước mình giờ đây đổi thay nhiều, kỷ niệm ngày lễ lớn cũng được tổ chức trọng đại hơn. Nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tình yêu quê hương đất nước của những người con đất Việt. Dù trong chiến tranh bom đạn hay sống trong hòa bình, dù cách thể hiện của mỗi người khác nhau nhưng ai nấy đều có chung lòng nồng nàn yêu nước. Cũng như thế hệ Việt kiều chúng tôi ngày trước, sống ở đất nước Thái Lan xa xôi, không được tự do tổ chức mừng ngày chiến thắng nhưng lòng yêu đất nước và ý chí căm thù giặc lúc nào cũng sục sôi. Tôi vẫn thường kể cho các cháu nghe về những ngày xa quê gian khổ, về lịch sử dân tộc ta lớn lên từ trong đau thương, vất vả. Khi đã sống gần trọn một đời người, được trở về quê hương xứ sở, được thấy cháu con no đủ, nên người, vậy là Tổ quốc đã cho tôi tất cả.

Phương Thảo

(Ghi theo lời kể của ông Hồ Bá Lộc, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tỉnh Nghệ An)

Mới nhất
x
Nhớ ngày Thu trên đất Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO