Nhớ sao những chuyến điền dã!

31/01/2011 10:00

Đầu năm 1985, tôi từ Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ - Tĩnh, vì vợ ốm con đói phải chuyển về công tác ở huyện Yên Thành. Về đây, may mắn được phân công sưu tầm tư liệu để chuẩn bị viết cuốn lịch sử huyện, lại kèm thêm việc phụ trách tham mưu công tác văn hoá văn nghệ nên được tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà báo.

Đầu năm 1985, tôi từ Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ - Tĩnh, vì vợ ốm con đói phải chuyển về công tác ở huyện Yên Thành. Về đây, may mắn được phân công sưu tầm tư liệu để chuẩn bị viết cuốn lịch sử huyện, lại kèm thêm việc phụ trách tham mưu công tác văn hoá văn nghệ nên được tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà báo.

Dạo ấy, huyện Yên Thành đang phối hợp với Hội Văn nghệ tỉnh Nghệ - Tĩnh xây dựng một tập văn thơ mang tên " Trên quê hương Phan Đăng Lưu", tôi được phân công làm chân dẫn các anh Trần Hữu Thung, Hồng Nhu, Phan Văn Từ, Cảnh Nguyên, Nguyễn Quốc Anh, Phan Thế Phiệt... về các danh lam thắng cảnh, các điển hình nông nghiệp để thâm nhập thực tế.

.Cả huyện uỷ và ủy ban huyện giành hai chiếc xe chở đoàn đi thực tế ba bốn ngày, cứ ngày đi cơ sở, đêm về nghỉ lại nhà khách huyện để viết. Trong chuyến công tác ấy, khi về các cơ sở, ở địa phương nào tôi cũng thấy anh Trần Hữu Thung thông thuộc địa bàn đường đi lối lại và hiểu biết sâu rộng về từng làng, từng vùng. Kết thúc tuần sáng tác, hầu hết các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đều có sáng tác mới về Yên Thành. Riêng anh Trần Hữu Thung có bút ký "Đất xưa của ta nay" dài bảy trang đọc rất hấp dẫn và không lẫn vào ai được.

Sau đợt ấy, tôi đề nghị với lãnh đạo huyện mời anh Trần Hữu Thung và bác Lê Quốc Ân cộng tác giúp huyện đi kiểm kê, khảo tả, tìm hiểu những di tích lịch sử còn lại ở các làng và dịch một số tài liệu Hán văn như sách địa chí của các làng, các bài văn bia, các gia phả, các đại tự, câu đối... Đối với một cán bộ mới vào ngành, mới đọc sơ lược mấy tài liệu cổ sử viết về Yên Thành, vốn Hán tự còn là số không, gặp được nhà thơ Trần Hữu Thung và bác Lê Quốc Ân, hai kho tư liệu, hai nhà Nghệ học của quê hương như bắt được vàng.

Thế là bắt đầu những chuyến đi về các làng. Nơi xa thì đi ô tô, xe huyện chở các anh đến rồi về, nơi gần thì đi xe đạp. Dạo ấy, cả huyện chưa ai có xe máy. Anh Thung còn khoẻ, đạp xe đi băng băng. Theo gợi ý của anh Thung, nơi đầu tiên chúng tôi đến là làng Kẻ Sừng, tên chữ là làng Quỳ Lăng, xã Lăng Thành, xem như một chuyến về nguồn. Làng Kẻ Sừng là một làng cổ nằm dưới chân dãy Bồ Bồ, nơi đây những địa danh, những di tích lịch sử ghi dấu mảnh đất đầu tiên của các quan cai trị phương Bắc chọn làm lị sở Châu Diễn, ấy là năm Trinh quán thứ nhất đời nhà Đường, tức năm 627 theo lịch ta, cách ngày nay hơn một ngàn ba trăm năm.

Cụ Hồ Hưng Dật, vị triều tổ họ Hồ cũng từng về đây xây dựng châu lị để cai quản cả một vùng biên viễn rộng lớn. Rồi những năm 664 - 676, Cao Biền thường gọi là Cao Vương đã đến nơi này và để lại những huyền thoại trên những đỉnh Động Huyệt, đỉnh núi Gám. Về Quỳ Lăng, anh Thung và anh Nguyễn Xuân Phầu đưa chúng tôi ra khu rừng lim, nơi đây năm 1967, các nhà văn nhà thơ xứ Nghệ đã mở Hội nghị thành lập Hội Văn nghệ Nghệ An. Anh Thung còn nhắc nơi đặt mấy dãy ghế giành cho các đại biểu Trung ương như nhà văn Bùi Hiển, nhà thơ Xuân Quỳnh và các quan khách.

Ở Quỳ Lăng, chúng tôi được gặp gỡ nhiều bậc cao niên, nhiều nghệ nhân của làng chèo Quỳ Lăng, ghi chép được nhiều câu chuyện thú vị về một ngôi làng cổ điển hình cho vùng quê lúa Yên Thành. Ban ngày chúng tôi lên di tích Đình Sừng, lên đền thờ bà Thái Thị Liệt đọc câu đối, văn bia hoặc vào các xóm gặp các bậc cao niên, đêm về tụ tập lại nhà anh Nguyễn Xuân Phầu đàm đạo thâu đêm. Chỉ riêng chuyện làng Quỳ Lăng cũng đã xôm trò rồi.

Hình như mảnh đất và con người Quỳ Lăng tích tụ nhiều trầm tích văn hoá - lịch sử, những phong tục, những nét tính cách của người xứ Nghệ. Không biết từ thời nào, bà con ở đây lưu truyền nhiều câu chuyện nói về người Quỳ Lăng "tiết kiệm đến mức keo kiệt", về con gái Quỳ Lăng đẹp nổi tiếng nhất vùng nhưng cũng nghịch ngợm...

Ở làng Quỳ Lăng mấy bữa, chúng tôi sang làng Trúc Hạ viếng mộ Trạng nguyên Bạch Liêu, thấy mộ vị tổ khai khoa của cả xứ Nghệ có vị trí đẹp, đầu gối lên Hòn Võng, chân xoãi về biển Đông nhưng thấy mộ cụ còn đơn sơ " sè sè nấm đất bên đường", anh Thung nói: "Bây giờ còn lo củ khoai, hạt lúa, chưa có điều kiện tôn tạo nhưng sau có điều kiện ta sửa thành nơi thăm viếng cho khách thập phương". Vào nhà ông tộc trưởng họ Bạch, thấy bằng sắc và bài vị Trạng nguyên Bạch Liêu để trên chiếc sập đựng lúa, nghe ông tộc trưởng nói: "Họ Bạch ở đây nghèo lắm, chỉ có sáu hộ..." anh Thung nói: " Chi trưởng họ mô cũng nghèo".

Từ mộ cụ Trạng nguyên Bạch Liêu xuống làng Yên Mã, anh Thung dẫn chúng tôi qua thắp hương cho cụ Nghè Trần Đình Phong. Mộ cụ Nghè xưa ở đầu làng Yên Mã, có bia tiến sĩ, có hồ sen, có nhiều cây cổ thụ. Năm 1932, đào sông nông giang qua đây, các kỹ sư hồi đó, có cả ông Xu-pha-nô-vông đã đo đạc tránh xa mộ cụ Nghè nên khi đào sông đã không động đến âm phần của tiền nhân. Nhưng năm 1976, đào kênh Vách Bắc, đã nhe nhắm qua giữa khu mộ nên phải cất bốc lên ngọn đồi phía sau làng. Anh Thung có nhắc: "Chuyện đào kênh Vách Bắc làm sập cống Hiệp Hoà chết hơn một trăm thanh niên đã là tội lớn nhưng phá mộ cụ Nghè tội càng lớn hơn".

Một chuyện tôi còn nhớ mãi, khi đoàn chúng tôi đang xem phế tích khu lăng mộ cụ Nghè, nghe tin nhà thơ Trần Hữu Thung về, một đoàn dân làng Yên Mã kéo ra xem mặt nhà thơ. Trong đoàn người đông đảo đó, có bác Trần Đình Cư là chắt nội cụ Nghè nằng nặc mời chúng tôi về thăm khu vườn nhà cụ Nghè, tiện đường chúng tôi theo ông Cư vào làng Yên Mã. Khu vườn của cụ Nghè khá rộng nằm trên sườn đồi nay đã chia cho ba bốn gia đình ở từ thời cải cách ruộng đất. Bác Cư đãi chúng tôi một bữa khoai lang luộc, nước chè xanh.

Bác kể chuyện cụ Nghè có để lại một kho sách chữ Hán chật kín cả năm gian nhà. Cuối năm 1954, đoàn cải cách về đóng trụ ở đây, rét quá, lấy sách đốt sưởi cả tháng, mấy ông đội nói là đốt hết tàn tích địa chủ phong kiến nên đốt hết phá hết. Mẹ tôi lấy trộm được quyển " Thanh Khê xã chí", nay con cháu xin gửi huyện làm tư liệu. Nghe bác Cư nói đến đây, anh Thung rân rấn nước mắt. Bữa ấy, từ nhà cụ Nghè ra về, chúng tôi lặng lẽ đi, không ai nói với ai lời nào...

Cứ thủng thẳng đi làng này qua làng khác, tôi gom nhặt thêm được nhiều tư liệu. Cũng có bữa nhặt được những câu ca dao nghịch ngộ của những lão nông tri điền đọc cho nghe, chúng tôi cười đau cả ruột. Những tưởng nghe đọc chơi, anh Thung bảo tôi: " Cậu nhớ ghi vào sổ tay, vàng ròng đó. Nông dân ta ngày xưa cực khổ lắm, có nghịch ngộ, vui nhộn, nói trạng mới chống chịu được gió bão, đói khổ..". Rồi anh đọc to bài ca dao nọ: Những lúc như thế, thấy đôi mắt anh Thung nheo cười thật tinh nghịch.

Có lần, đi qua làng Xuân Đào, xã Phú Thành, anh đọc câu "Ăn Thư Phủ, đ...Xuân Đào", rồi anh giải thích: Làng Thư Phủ xã Diễn Thái, dân Thư Phủ ăn khoẻ, làm khoẻ. Người Thư Phủ ăn một bận hết hơn cân gạo nhưng đào đất bằng ba bốn người dân làng khác. Dân Xuân Đào nghe nói "đám ấy" mạnh lắm, có tục tảo hôn, đẻ nhiều con. Con gái 13/14 tuổi đã lấy chồng. Cũng nhờ đẻ nhiều, nhất là con trai mà trong phong trào Cần Vương, làng Xuân Đào lập một đội tráng đinh lấy tên là Xuân nghĩa hội do cụ Vương Thức chỉ huy đã gia nhập nghĩa quân của cụ Nguyễn Xuân Ôn. Nước ta xưa đánh giặc mạnh ở lính Hoan Diễn, mà lính Hoan Diễn phần lớn là con nông dân.

Đi điền dã với anh Thung thấy tính anh giản dị, chân mộc, chúng tôi cũng chiều anh, lo cho anh từng chén rượu ngon, từng bát nước chè chát. Anh đi giúp huyện hàng tháng trời, đến khi anh về sửa nhà cho mẹ ở Diễn Minh, các anh ở huyện muốn trả công anh một ít tiền và biếu anh một tấn vôi nhưng anh không nhận. Tôi đi theo anh về Diễn Minh, lén đưa tiền cho anh Nguyễn Trung Phong, tác giả kịch bản chèo "Cô gái sông Lam" đang làm đốc công sửa nhà, nhờ anh Phong gửi lại cho chị Phương vợ anh Thung.

Ở nhà được mấy ngày, anh lại lên tiếp. Anh nói việc chưa xong ở nhà không yên. Tính anh Thung là vậy, đã giúp ai làm việc gì là làm bất kể ngày đêm, làm đến nơi đến chốn, nhưng cũng không phải mọi chuyện đều suôn sẻ. Có bận tôi bố trí cho anh Thung xuống dịch tài liệu ở nhà các cụ Thám hoa xã Hoa Thành. Dạo ấy, mới Đại hội VI, Đảng chủ trương đổi mới nhưng xã còn nghèo, dân còn đói, hàng quán không có, khách về xã phải bố trí cơm nước trước mới có cơm ăn. Bữa đó, tôi về xã trước bố trí nấu cơm ở nhà anh Phan Thế Phiệt. Hẹn làm việc với xã 8 giờ sáng, chờ mãi đến hơn 12 giờ chưa thấy anh Thung, anh Phầu xuống, chúng tôi để giành phần cơm cho các anh rồi ăn cơm trước để các anh ở xã làm việc buổi chiều.

Cơm xong tôi nằm chờ mãi, đến 4 giờ chiều mới thấy anh Thung và các anh thủng thẳng đạp xe xuống. Anh Thung thủ thỉ: "Hẹn làm việc 8 giờ sáng, nhưng đi qua Nhà văn hoá huyện, Nhật Tân mời vô nhờ góp ý cho bài hát mới viết về sông Dinh, có chai rượu ngon, anh em đàn hát giờ mới đến đây. Hai cây số mà choa đi cả ngày mới đến, các cậu thông cảm. Thôi ta làm đêm vậy". Tôi đành cười trừ, biết làm sao được. Phan Thế Phiệt nói với tôi: " Rứa mới đúng là Trần Hữu Thung...".

Những chuyến đi điền dã với anh Thung giúp tôi hiểu thêm về mảnh đất và con người Yên Thành, cộng với phần tư liệu tích cóp được mấy lần, năm 1989 tôi viết xong quyển Lịch sử huyện Yên Thành. Ngày tập sử in xong, huyện mời các anh Trần Hữu Thung, Nguyễn Xuân Phầu, Cảnh Nguyên, Phan Văn Từ, Lê Quốc Ân... về dự liên hoan ra mắt tập sách. Anh Thung được ông bí thư tặng thêm một tấm vải lon trắng...

Bây giờ, cuối đông 2010, đất nước đang hưng vượng nhờ đổi mới, nhớ anh Trần Hữu Thung, nhà thơ, nhà Nghệ học đã thành "người xưa", nay tôi viết lại chuyện làm sử của sử, nhìn lại ảnh anh thấy anh như đang nheo mắt cười.
Trại sáng tác Đại Lải, 2010.


N.Đ.T

Mới nhất
x
x
Nhớ sao những chuyến điền dã!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO