Nhớ thầy giáo cũ khôn nguôi…
(BNA) - Tôi có mặt tại sân trường từ rất sớm, không phải là cựu học sinh tựu trường, cũng không phải là giáo viên cũ về thăm, mà đơn giản là mang máy ảnh đi săn tìm những giây phút cảm động về tình thầy trò, về người xưa trường cũ…
Tôi nhận ra Nhà giáo ưu tú TS Lê Văn Đệ - Hiệu trưởng đầu tiên (năm 1961) ngồi cạnh Nhà giáo ưu tú Phan Kế Trần trên hàng ghế danh dự. Thầy Nguyễn Ngọc Hợi (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh) và nhiều cựu học sinh khoá 1 cũng tề tựu từ trước một ngày. Rồi nhà thơ Thạch Quỳ, nhà văn Nguyễn Thế Quang… từng là giáo viên của trường cũng có mặt.
Thầy Lê Xuân Hường - Hiệu trưởng đương nhiệm, hào sảng ngân lên mấy vần thơ:
“ Nửa đời, trường cũ về thăm
Gió sương đã phủ hoa râm mái đầu…”.
Nhiều lắm, những mái tóc pha sương, những bàn tay da mồi, những giọt lệ mừng vui tuôn trào…
Bất chợt, tôi gặp một khuôn mặt thẫn thờ với một bó hoa hồng nhỏ khép mình cuối sân trường. Cởi lòng, tôi chủ động bắt chuyện. Người đàn ông đã luống tuổi không nói về mình, anh đang đi tìm người thầy giáo cũ sau 41 năm xa cách. Đã nhiều năm, nhờ nhiều bạn bè nhưng anh vẫn vô vọng. Hôm nay ngày tựu trường kỷ niệm 50 năm, anh không phải là học sinh của trường nhưng vẫn đến đây với kỳ vọng... Tôi muốn giúp anh, nhưng thông tin anh cho biết về người thầy giáo cũ quá ít ỏi: Thầy giáo Phan Văn Vỹ, dạy vật lý cấp 3 Nghĩa Đàn những năm 1967-1970, quê ở Thanh Chương (không rõ xã nào).
Thầy Hường đang trao đổi với tác giả.
Tôi dẫn anh đến gặp thầy Lê Xuân Hường - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 1 ( huyện Thanh Chương) nhờ giúp đỡ. Thầy Hường rất nhiệt tình, sốt sắng cho biết: “Ở trường có thầy giáo Phan Văn Vỹ dạy vật lý, nhưng đã nghỉ hưu gần 10 năm nay, và thầy đã mất do căn bệnh hiểm nghèo”. Bó hoa trên tay người học trò cũ rung lên, anh gục đầu xuống bàn… Gian khách như chật lại, mọi người nghẹn ngào, không gian tĩnh lặng…
Cô Thuỷ dạy ở trường PTCS Thanh Phong ( Thanh Chương) , là con dâu thầy Vỹ, đưa tôi và anh đến một căn nhà nhỏ lưng đồi ẩn mình giữa xóm 5 xã Thanh Hưng.
Kính cẩn đặt bó hoa, chút lễ mọn lên bàn thờ, anh chắp hương trước ngực: - “Thưa thầy Phan Văn Vỹ, em là Nguyễn Minh Thông đây, cậu học trò nhỏ nhất lớp 10B cấp 3 Nghĩa Đàn đây! Những năm chiến tranh phá hoại ác liệt, thầy yêu thương chúng em như người nhà, dạy bảo chúng em như tấm lòng người mẹ, che chở chúng em khi bom thù cày xới… Tốt nghiệp phổ thông, em đi bộ đội, thầy cũng chuyển công tác, rời xa mái trường trên miền Tây thân yêu ấy. Chừng ấy năm thầy trò cách biệt, trong lòng chúng em vẫn nhớ Thầy không nguôi. Nhớ cả thầy Thao dạy toán, thầy Kiêm dạy văn, thầy Tá dạy sinh, thầy Đạo dạy hoá,…Thầy Kiêm đã mất, thầy Thao vẫn khoẻ ở Thạch Hà - Hà Tĩnh, thầy Tá thầy Đạo vẫn ở Vinh. Còn thầy…! Em tìm được nhà thì…muộn quá rồi, Thầy ơi” !
Anh Thông thưa chuyện cùng bác Tú (vợ thầy Vỹ) và cô Thủy, chị Đào.
Tôi đỡ anh trở lại bàn. Thưa chuyện với bác Lê Thị Tú (vợ thầy Vỹ) cùng con gái Phan Thị Đào và con dâu Nguyễn Thị Thuỷ, chúng tôi được biết: sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh, năm 1967 thầy Vỹ lên nhận công tác ở cấp 3 Nghĩa Đàn, năm 1970 chuyển về dạy ở cấp 3 Đô Lương, rồi về Ty Giáo dục. Khoảng năm 1995 thầy trở về dạy ở quê nhà, năm 2004 nghỉ hưu, rồi mất.
Lớp 10B Cấp 3 Nghĩa Đàn do thầy Vỹ làm chủ nhiệm-năm 1970
(Thầy Vỹ ngồi hàng đầu, chính giữa, áo trắng).
( Ảnh tư liệu do anh Thông cung cấp).
Khói lam chiều chầm chậm men theo mái rạ, toả khắp vườn xanh. Tiếng mõ trâu lốc cốc về dàn. Tạm biệt gia đình, tôi ra đến cuối ngõ, ngoảnh lại vẫn thấy anh còn bịn rịn. Tôi hiểu, người học trò xưa nhớ thầy giáo cũ khôn nguôi…
Bài và ảnh: Hà Lành - Chợ Chùa, Thanh Chương