Nhọc nhằn gánh cả "hai vai"
(Baonghean) - Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu lao động, nhiều thôn xóm ở huyện lúa Yên Thành đang từng ngày đổi thay da diện mạo với những ngôi biệt thự, nhà cao tầng mọc lên san sát. Thế nhưng ở những vùng quê chiêm trũng ấy chỉ có người già và trẻ nhỏ... Những người già ở những gia đình có con đi xuất khẩu lao động phải vừa làm ông bà, vừa làm cha mẹ....
Những ngày nắng nóng, ít có đêm nào bà Nguyễn Thị Vinh ở xóm 11, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành có được giấc ngủ ngon. Vắng mẹ, đứa cháu nội mới 13 tháng tuổi quấy khóc nhiều hơn trong tiết trời oi bức. Cách đây nửa năm, cô con dâu của bà bịn rịn ôm cậu con trai chưa kịp cai sữa trao cho bà để đi nước ngoài lao động. Ngày đó, cả nhà ôm nhau khóc nức nở. Đêm đêm, cậu bé thèm sữa mẹ khóc ngặt nghẽo... “Cũng vì mưu sinh cả, phải đi không thì lấy chi mà sống. Con khó nhọc thì ông bà phải gánh thay”, bà Vinh chia sẻ. Không riêng gì bà Vinh mà rất nhiều cụ ông, cụ bà khác ở xã Bảo Thành cũng đang phải tay bồng, tay bế, thay cha mẹ chăm sóc, nuôi dạy các cháu. Ông Trần Văn Hoàng ở xóm 2, xã Bảo Thành bật cười khi tôi hỏi chuyện ông bà chăm 3 cháu nhỏ khổ cực ra sao. “Xóm này có quá nhiều ông bà nấu ăn, đưa đón cháu đi học chứ đâu riêng gì nhà tôi. Người già “cõng” thay người trẻ, lâu cũng thành quen. Ông bà hy sinh vì con cháu mà” - ông Hoàng tâm sự và cho biết, ngôi nhà khang trang với nhiều vật dụng hiện đại mà ông đang ở cũng là nhờ cả vào 2 cậu con trai và cô con dâu đang đi XKLĐ ở Hàn Quốc.
Bà Trần Thị Lý ở xóm 10A, xã Bảo Thành (Yên Thành) đang chăm sóc bữa cơm cho các cháu nội, ngoại. |
Chia tay ông Hoàng, chúng tôi tìm đến gia đình bà Trần Thị Lý ở xóm 10A, xã Bảo Thành. Năm nay gần 70 tuổi, cụ Lý có tới 4 người con đang lao động ở nước ngoài. Hiện nay, bà đang chăm sóc 7 đứa cháu. Đứa lớn nhất năm nay 14 tuổi, bé nhất mới 5 tuổi. Chứng kiến bữa cơm trưa đạm bạc với đĩa rau muống luộc, một ít cá bé như ngón tay của 7 bà cháu, nhiều người không khỏi chạnh lòng...
Hiện nay, ở Yên Thành đang có rất nhiều làng xuất khẩu lao động như Bảo Thành, Sơn Thành, Nam Thành, Hoa Thành... Ở những làng này, đằng sau những tòa nhà cao tầng khang trang là sự hiu quạnh với những đứa trẻ xa bố mẹ, sống và lớn lên bằng hơi ấm của bà. Nhiều đứa trẻ dù đã học lớp 3, lớp 4 nhưng trong đầu không hình dung nổi về người mẹ của mình, bởi mẹ xa con từ khi còn ẵm ngửa… Thậm chí, một số em chỉ mới 13 - 14 tuổi nhưng đang cùng với ông bà làm thay nhiệm vụ của bố mẹ. Vừa phải chăm lo cho em út, vừa kiểm soát việc chi tiêu, mua đồ ăn, thức uống hàng ngày cho gia đình.
Chúng tôi gặp cháu Lê Na (học lớp 9) ở xóm 10, xã Sơn Thành. Cả bố và mẹ đều ở nước ngoài từ khi em đang học lớp 1. Na và em gái 3 tuổi phải ở với cô ruột. Đến năm lớp 6, hai chị em về nhà của mình, tự quán xuyến, lo liệu mọi việc. Hàng ngày, sau giờ học, Na phải lo việc chi tiêu, chăm sóc em như một người mẹ tảo tần. Mỗi năm, bố mẹ Na về nhà khoảng 2 - 3 lần, chừng ấy không thể đủ thời gian để bù đắp sự thiếu hụt tình cảm yêu thương, sự dạy dỗ, bảo ban học hành... Chính vì vậy, đằng sau vẻ già dặn, đảm đang so với lứa tuổi, chúng tôi cảm nhận rõ sự đượm buồn trong ánh mắt của cô bé Lê Na.
Ở Yên Thành không hiếm những gia đình nhà 2, 3 tầng, nhưng hiu quạnh, vắng vẻ. Ở xã Bảo Thành có tới hơn 70 gia đình đi XKLĐ cả 2 vợ chồng. Riêng ở xóm 10 có 8 cặp vợ chồng để con cho bố mẹ già trông nom để đi nước ngoài, có gia đình có 2 cháu đều phải xa bố mẹ khi mới được 5 tháng tuổi... Ngoài việc thiếu thốn tình cảm thì việc học hành của những đứa trẻ này chắc chắn cũng bị ảnh hưởng. Chưa kể, cuộc sống xa bố mẹ còn đưa đến những tác động tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về tâm, sinh lý của các em. Thậm chí, đã xuất hiện tâm lý ỷ lại, không cố gắng học tập của các em, bởi em nào cũng có suy nghĩ học xong sẽ đi nước ngoài cùng bố mẹ... Ông Nguyễn Trí Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành ái ngại: Xa bố, mẹ khiến cho một số học sinh không còn hào hứng với việc học. Động lực để phấn đấu trở thành học giỏi, xuất sắc bị giảm sút... Mặc dù kinh phí khuyến học, khuyến tài của xã khá tốt, các dòng họ, các tổ liên gia cũng thành lập quỹ khuyến học từ nguồn tiền mà con em xa quê gửi về nhưng thành tích học tập của con em lại chưa tương xứng.
Theo đánh giá của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành cũng như các địa phương có số lao động xuất khẩu cao, đến thời điểm này, hầu hết các em có cả bố lẫn mẹ đi XKLĐ đều ngoan, chưa có trường hợp phạm tội hoặc dính vào các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, việc thiếu vắng sự chăm lo của bố mẹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các em. Đứng trước thực trạng đó, một số địa phương đang giao trách nhiệm cho các tổ chức đoàn thể quan tâm hơn đến số học sinh bố mẹ vắng nhà, chia sẻ tâm tư tình cảm, trang bị cho các em kiến thức về pháp luật, kỹ năng sống cho các cháu để vượt qua khó khăn, vững vàng hơn trong cuộc sống. Ở xã Bảo Thành đang triển khai tư vấn tâm lý, hỗ trợ giáo dục học tập, hỗ trợ và giám sát trẻ em để đảm bảo sự ổn định về tâm lý, sức khoẻ của trẻ em...
Ngọc Anh