Nhọc nhằn nghề muối: Bài II- Phận muối hẩm hiu

25/08/2011 09:40

Nhiều năm nay, ở các vùng muối trong tỉnh, luôn xảy ra cảnh nghịch lý. Đó là khi giá muối thấp, tư thương tranh thủ mua hết lượng muối trong diêm dân. Còn nếu thị trường ổn định, muối được giá thì hầu như bà con không còn muối để bán.


Xem Bài I -> Muối... đắng!

Chị Nguyễn Thị Lý- xóm Nam Tiến (An Hoà - Quỳnh Lưu) chán nản cho biết: Gia đình chị có 150m2 ô nại làm muối. Nếu mọi năm, đến thời điểm này đã thu về 15-16 tấn muối thì năm nay, dù rất cố gắng "bòn mót", chị cũng chỉ làm được gần 10 tấn, trong khi hiện thời vụ chính đã hết, vụ muối chiêm may lắm được vài ba tấn. Hiện giá muối đã nhích lên được 1.100 đồng/kg, nhưng để có tiền cho con đi học, chị đã bán gần hết từ đầu và giữa vụ, khi giá từ 700 đồng, 800 đồng rồi nhích lên 900 đồng/kg.

Diêm dân An Hoà đang dốc sức sản xuất muối


Giá muối thấp là tình trạng chung của rất nhiều năm. Trong ký ức những người làm muối, hầu như có rất ít năm giá muối tăng đột biến như năm 2008, bình quân lên tới 1.300 - 1.400 đồng/kg. Còn lại, dù ở những thời điểm "bão giá", thì những người diêm dân vẫn ngậm ngùi chấp nhận đi mua với giá cao, còn sản phẩm mình làm ra giá vẫn dẫm chân tại chỗ.

Trên cánh đồng muối đang giờ cao điểm ở Diễn Kỷ (Diễn Châu), quệt vội giọt mồ hôi trên gương mặt khắc khổ, bà Trần Thị Lan (Xóm 6, Đông Kỷ) buồn bã: "Dù đã gắn bó bao đời với nghề làm muối, nhưng hiện giờ, dù con cái đã bỏ đi làm thuê hết, còn lại có một mình, cuộc sống của tui cũng không thể chỉ trông chờ vào hạt muối. Như năm ngoái, một yến muối cũng chỉ 11- 12 nghìn đồng, nhưng vẫn mua được một cân gạo, còn năm nay, do giá muối không tăng nên một yến rưỡi muối mới mua được một cân gạo. Cái gì cũng lên giá cả, riêng muối thì không, nhưng không làm, tui cũng chẳng biết làm nghề chi khác". Trong cái nắng oi nồng của biển, những gương mặt diêm dân sạm đen không dấu được nỗi buồn


Anh Vũ Hồng Tuyên - Phó Chủ nhiệm HTX diêm nghiệp Vạn Nam - xã Diễn Vạn (Diễn Châu), cho biết: Thường vào đầu mùa muối, Xí nghiệp sản xuất muối iốt đóng ở Diễn Kỷ có tổ chức họp với các HTX diêm nghiệp để đưa ra một mức giá sàn thu mua nhưng mức giá này thường không tương xứng với giá thị trường. Ví như năm 2010, nhà máy đưa ra mức giá 700 đồng/kg, trong khi ngoài thị trường ở thời điểm đó thấp nhất đã 900 đồng/kg.

Do vậy, hầu như người dân tự bán ra ngoài cho các tư thương thu gom hoặc tự đem đi tiêu thụ ở các huyện miền núi và ra các tỉnh bạn như Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Từ xưa đến nay, cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, chưa bao giờ có một mức giá ổn định cho muối. Thậm chí, hạt muối mặn chát, mang nặng bao vất vả khó nhọc của những người diêm dân "bán mặt cho muối, bán lưng cho trời" cũng không theo được "quy luật": được mùa mất giá, được giá mất mùa. Như năm nay, dù sản lượng muối sụt giảm, nhưng ở đầu vụ, giá muối cũng chỉ ở mức 900 đồng, sau đó nhích lên 1.000 đồng, rồi lại giảm xuống 800- 900 đồng/kg. Anh Tuyên cho biết, hiện giá đã nhích lên 1.300 đồng/kg, nhưng thời vụ chính đã không còn, bà con chỉ còn "vớt vát" muối vụ chiêm, ngày mưa ngày nắng, lượng muối trong dân hầu như đã hết.


Giá muối thấp và hầu như không tăng trong lúc giá tất cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác tăng chóng mặt đang đẩy đời sống người làm muối lâm vào cảnh lao đao. Bí thư Đảng ủy xã An Hoà - địa phương có đồng muối đẹp và rộng nhất nhì huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Cũng như nhiều vùng muối khác, giá muối ở đây vào đầu vụ chỉ khoảng 700 - 800 đồng/kg, đến thời điểm hiện tại nhích lên được 1.100 - 1.200 đồng/kg thì không sản xuất được nữa, bà con hầu như phải bán muối khi giá còn thấp để có tiền trang trải cho các nhu cầu của cuộc sống. Rất ít khi muối bị ế, nhưng ngoài việc giá muối thấp, việc tiêu thụ nhiều lúc cũng rất bấp bênh. Như năm nay, muối mất mùa nên dễ bán, nhưng nhiều năm, nắng nhiều, muối lắm, bà con ngoài việc bán cho tư thương, lượng muối tồn đọng lại đành bán dần với mức giá rẻ mạt.


Trao đổi về vấn đề tiêu thụ muối cho diêm dân Nghệ An, ông Hồ Lê Đức- Giám đốc Công ty muối Nghệ An, cho biết: Đơn vị chủ yếu thu mua muối của Quỳnh Lưu, ngoài ra có mua ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, lượng muối mua ở các tỉnh bạn chỉ chiếm chưa đến 10%. Theo đánh giá, muối Nghệ An có độ mặn tương đương với muối của các tỉnh miền Bắc, nhưng độ trắng sạch lại hơn hẳn. Ông Đức cho biết, hiện với mức lãi suất ngân hàng cao (22%/năm), nhiều doanh nghiệp đang do dự và thận trọng trong mua bán muối, và dù với sản lượng muối thấp như năm nay, Công ty có thể đảm bảo thu mua hết lượng muối tồn trong dân, tuy nhiên chỉ có thể lo liệu trả tiền cho diêm dân sau 1-2 tuần, chứ không thể nâng được mức giá lên cao hơn giá thị trường cả nước.


Phú Hương- Văn Trường

Mới nhất

x
Nhọc nhằn nghề muối: Bài II- Phận muối hẩm hiu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO