Nhọc nhằn nghề "rau cạo"
(Baonghean) Ba, bốn giờ sáng đã thấy từng tốp người lom khom trên các ghềnh đá, rạn đá dọc bãi biển cạo rau (rong mứt). Một tay họ cầm lưỡi hái áp vào bề mặt đá mà cạo, một tay hứng nắm lấy rau.
“Năng nhặt” mới “chặt bị”
Khoảng giữa cuối tháng 12 năm trước tới nửa đầu tháng tư (âm lịch) năm sau là mùa rau cạo (cây rong mứt) mọc. Người dân Quỳnh Tiến (Quỳnh Lưu) lại ra biển, dầm mình trong dòng nước mặn mòi. Người đi cạo về nấu canh, làm bánh, bởi rau ăn mát và bổ dưỡng; người đi cạo để kiếm thêm thu nhập, bởi rau bán được sẽ có "tiền tươi thóc thật". Năm nào mất mùa, câu kéo không được mấy thì cả làng đổ xô ra bãi, đàn bà con gái đi cạo rau đã đành, đàn ông trai tráng cũng cầm lưỡi hái đi tìm rau.
"Muốn cạo được rau thì phải gan sóng", chị Vũ Thị Liên, 40 tuổi, ở xóm Minh Sơn (Quỳnh Tiến) bám lấy một hòn đá trơn tuột, nhoài người sang phía bên, vừa cạo rau vừa nói.
Bãi gần bờ rau mọc ít, người cạo đông, lựa chỗ sóng yếu dăm ba người níu lấy nhau lội ra bãi cách đó không xa, nước ngập đến cổ, ai nấy đều ướt sũng. "Mùa ni, sóng rứa là hiền rồi, có lạnh nhưng so với hồi tháng chạp thì thấm chi", chị Liên tâm sự.
Người dân xã Quỳnh Tiến đang đi cạo rau.
Làm cái nghề này cũng gian nan lắm: Người nhẹ thì tay bị phồng rộp do phải cầm lưỡi hái áp vào đá, bị chảy máu vì hàu cứa, người nặng thì bị gãy chân, tay vì sóng xô ngã dúi dụi... và có những người phải bỏ cả tính mạng. Thế mà rau cạo về được tới nhà cũng đâu đã xong! Rau đến được với người dùng lại là "một trời gian khổ". Rau cạo rửa sơ ngoài biển, đem về phơi nắng rồi đâm, giã, dần, sàng, cứ thế ba, bốn lượt cho sạch đá, miểng. Rau ấy lại được đem ngâm tiếp trong nước ngọt, dùng tay đãi, vò, chà, khi nước trở lại nguyên màu vốn có, rau sạch rong tạp, đất, cát cũng mất cả chục lượt thay nước.
Hiện nay, 1 kg rau cạo tươi có giá dao động từ 60 đến 70.000 đồng, khô có giá 300.000 đồng. Người cạo rau chuyên nghiệp mỗi lần ra biển cũng chỉ được 2-3 kg rau tươi. Vì vậy, những lúc rảnh rỗi, các chị em ở xóm biển Quỳnh Tiến lại tranh thủ làm bánh rau cạo bán. Mỗi lần hông và đóng bánh cũng mất vài ba tiếng đồng hồ. 150.000 đến 200.000 đồng là thu nhập của ít nhất một buổi cạo rau, một buổi làm sạch và một buổi nhọc nhằn đạp xe hàng chục cây số rảo về các chợ bán.
Lấy công làm lãi, vậy mà cũng bấp bênh, bởi không phải mùa nào rau cũng "đúng hẹn lại lên", cứ như năm nay trời nắng hạn, rau mọc muộn và ít, còn cằn cỗi, thế nên người làm nghề rau cạo càng thêm chật vật.
Duyên nợ...
Người dân biển Quỳnh Tiến vẫn còn truyền tai nhau về những tai nạn thảm khốc mà người làng họ gặp phải lúc cạo rau. Nhưng vì cơm áo, gạo tiền mỗi mùa rau cạo đến, họ lại lặn lội, lại dầm mình, bám vào đá mà cạo.
Hơn 40 năm quăng quật với nghề, bà Tô Thị Lý ở xóm Minh Sơn (Quỳnh Tiến) không thể nhớ được bà là đời thứ mấy trong nhà theo đuổi cái nghiệp này. Hồi mới 10 tuổi, bà đã phải theo cha mẹ cuốc bộ hàng trăm cây số đi cạo rau. Lấy chồng rồi sinh con, cái gia đình nhỏ bé của bà cũng chỉ biết trông chờ vào những mớ rau kiếm được.
Từng đi khắp các bãi dọc bờ biển Quỳnh Lưu để cạo rau, như bãi Quỳnh Lập, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long..., hơn ai hết bà hiểu rõ tính nết từng con nước, đặc điểm từng bãi biển. Vừa thoăn thoắt cạo rau, vừa liếc nhìn canh chừng sóng biển, bà Lý tâm sự: "Tháng có hai đợt nước ròng, không kể giờ giấc, cứ khi mô nước ròng thì tụi tui ra biển".
Theo bà Lý, cạo rau cạo đừng dại mà quay lưng lại với biển, bởi những con sóng dữ có thể ập đến bất cứ lúc nào. Một giây lơ là của người thợ cạo có thể phải trả giá bằng máu, nước mắt, thậm chí là cả sinh mạng. Đến bây giờ bà vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện về người phụ nữ đi cạo rau cùng bà bất ngờ bị sóng cuốn trôi cách đây hai năm.
Hay như chồng bà Lý là ông Mai Thế Vinh (54 tuổi) mùa rau trước đang cạo ở bãi Trắp (Quỳnh Lập) thì bị một miểng sạn văng vào mắt. Gần một năm chạy chữa khắp các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc, hai lần mổ ở Bệnh viện Mắt T.Ư không khỏi, tháng 9/2012, ông phải phẫu thuật bỏ một mắt, tiêu tốn mất gần 80 triệu đồng.
Bà Lý cùng chồng đau yếu lại nai lưng ra làm trả nợ, vì hai cô con gái của bà giờ đã lập gia đình. Tuổi ngoài năm mươi, tóc bạc da mồi, cái nghề lắm nhọc nhằn, gian truân ấy vẫn cứ bám riết lấy cuộc đời bà.
Từ dạo tết ra tới giờ, bà cùng người em dâu Tô Thị Cẩn ba lần đạp xe men theo đê chắn sóng vào tận Cửa Lò cạo rau. Đồ nghề mưu sinh của bà cũng đơn giản lắm, một cái rổ nhựa con con, một cái lưỡi hái tự chế, vài cái bao bì; tư trang chỉ một bộ quần áo mặc trên người, một bộ đem theo thay đổi, chiếc áo bê mặc ngoài (áo lao động), đôi dép mòn gót, cái nón cũ bạc màu; thêm mấy ký gạo, một nồi cá mắm kho.
Mỗi chuyến đi như thế thường kéo dài từ năm đến bảy ngày. Hai người đàn bà lót lòng bát cơm nguội, rồi ra đi khi trời còn tờ mờ sáng. Đói thì dở nắm cơm, củ khoai mang theo ra ăn, tận chiều muộn mới trở về nhà trọ. Vất vả là thế, mà có đợt phải về không, có đợt chỉ đủ tiền mua thuốc. Vì đạp xe đường trường và những lần cạo rau bị ngã do trơn trượt, ngoài đôi chân chằng chịt các vết thương mới cũ, bà Lý còn phải chịu đựng những cơn đau khớp dai dẳng, triền miên.
Tôi tìm thăm xóm biển vào một chiều cuối xuân, được biết ông Minh, chồng bà Lý, từ hôm ở bệnh viện trở về người đau yếu, không còn đi cạo rau được nữa. Một người bạn tận đâu trong Yên Thành mướn ông đi chăn vịt đồng. Bà Lý vừa làm xong mẻ bánh chạy chợ, tranh thủ sao lá lốt và ngải cứu tẩm rượu rịt vào chân. Bà nói: "Mong cho cái chân nhanh khỏi để còn đi cạo rau". Và lần này cái xe đạp cà tàng, hoen rỉ lại làm bạn đồng hành cùng bà vượt hàng chục cây số ra tận xứ Thanh…
Rong biển là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài đạm, rong biển còn chứa nhiều khoáng chất, các vitamin và nhiều yếu tố vi lượng quý. Đặc biệt, rong biển có hàm lượng chất i-ốt rất cao. Rong mứt (porphyra) là một trong ba loại rong được ưa chuộng nhất. Cây rong mứt có màu nâu cà phê, thân sụn mềm, tạo thành chùm ở phần ngọn, mọc trên ghềnh đá, rạn đá ở biển, thường được người dân đi cạo về để nấu canh. |
Nguyễn Thị Hòe (Quỳnh Lưu)