Nhọc nhằn sinh viên thuê trọ
Tháng 9, khi các trường ĐH, CĐ và TCCN vào mùa nhập học, cũng là lúc các tân sinh viên nháo nhác tìm phòng trọ. Lượng sinh viên đông, hầu hết là ở các huyện xa và ngoại tỉnh, trong khi số ký túc xá ít, đã tạo sức ép lớn về chỗ ở, nhà trọ vào mỗi mùa nhập học. Chỉ số ít sinh viên may mắn tìm được nhà trọ ưng ý...
(Baonghean.vn) Tháng 9, khi các trường ĐH, CĐ và TCCN vào mùa nhập học, cũng là lúc các tân sinh viên nháo nhác tìm phòng trọ. Lượng sinh viên đông, hầu hết là ở các huyện xa và ngoại tỉnh, trong khi số ký túc xá ít, đã tạo sức ép lớn về chỗ ở, nhà trọ vào mỗi mùa nhập học. Chỉ số ít sinh viên may mắn tìm được nhà trọ ưng ý...
Sắp đến ngày nhập học, tân sinh viên Ngô Thị Oanh (Khoa Luật - Đại học Vinh) cùng bố lặn lội vào Vinh tìm phòng trọ, ổn định ăn ở, bước vào 4 năm học đại học.
Ròng rã cả ngày trời, đi hết ngõ hẻm ở khu vực gần Trường ĐH Vinh nhưng hai bố con Oanh vẫn chưa tìm được phòng trọ ưng ý. "Những phòng thấy tàm tạm thì giá lại cao. Còn những phòng vừa tiền thì lại xập xệ, ẩm thấp. Gia đình nông thôn, lo tiền học phí cho con đã "mướt mồ hôi", giờ thêm chi phí thuê trọ đắt đỏ thế này, không biết có gắng gượng được không..." Anh Ngô Văn Lâm, bố em Oanh chia sẻ.
Chỉ 5% sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh được ở nội trú (ảnh chụp tại KTX ĐH SPKT Vinh).
Không chỉ em Oanh mà hàng ngàn sinh viên vào mùa nhập học cũng có chung hoàn cảnh. Trên địa bàn TP Vinh hiện có 3 trường đại học, 1 phân hiệu đại học, 10 trường cao đẳng, cùng nhiều trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề với hàng vạn học sinh, sinh viên (HSSV), phần lớn trong số HSSV này phải ở ngoại trú.
Trong đó, Trường ĐH Vinh có số lượng sinh viên đông nhất (khoảng 36.000 sinh viên) nhưng khu KTX của trường chỉ đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu chỗ ở cho sinh viên, 95% sinh viên còn lại phải thuê trọ ở các địa bàn xung quanh trường.
Anh Lê Công Đức - Phó trưởng phòng CTCT-HSSV Trường ĐH Vinh cho biết: "Khu KTX của trường có 1.500 chỗ, chủ yếu giành cho lưu học sinh Lào, sinh viên khoa Giáo dục quốc phòng, đối tượng thuộc diện gia đình chính sách, con em hộ nghèo... Còn lại, sinh viên đều phải tự lo liệu chỗ ăn, chỗ ở cho mình".
Trường ĐH SPKT Vinh có 13.000 sinh viên nhưng khu KTX của trường cũng chỉ đáp ứng được 500 chỗ ở nội trú. Hơn 12.000 sinh viên còn lại tạm trú rải rác trên địa bàn phường Hưng Dũng, Hưng Lộc, Trường Thi.
Trước nhu cầu trọ học của sinh viên, người dân ở khu vực lân cận các trường ĐH, CĐ xây dựng các dãy trọ cho thuê với đủ loại, từ bình dân đến cao cấp.
Nhà khách sinh viên trên đường Bạch Liêu gồm 6 tầng, các phòng ở đây rộng chừng 15m2, công trình phụ khép kín, giá từ 1,1 - 1,6 triệu/2 người/tháng. Nhà khách T50 (QK4), với nhà cấp 4, rộng 17m2, giá từ 1-1,5 triệu/2 người/tháng. Nếu sinh viên có nhu cầu, Nhà khách cho thuê các phòng khách sạn có giá từ 2,5-3 triệu đồng/2 người/tháng.
Những khu nhà giá rẻ, vừa tầm thì hoặc ở rất xa trường, hoặc rất tồi tàn, xập xệ. Với 700.000 - 800.000 đồng, sinh viên chỉ có thể thuê được phòng trọ có diện tích khoảng 8m2, với 7-10 phòng trọ/dãy nhưng chỉ có chung một nhà tắm và một nhà vệ sinh. Điều đáng nói là các loại nhà trọ này hầu hết ẩm thấp, lợp Phibrô-xi-măng, trời mưa thấm dột, trời nắng nóng bức, chật hẹp không đảm bảo không gian sống, học tập. Đó là chưa kể tình trạng các nhà trọ thường "tăng giá đột biến" vào các đợt cao điểm mùa nhập học, sau Tết... gây không ít khó khăn cho sinh viên.
Bên cạnh đó, sinh viên thuê trọ còn chịu thiệt thòi về giá điện, nước, dù Nhà nước đã quy định rất rõ giá điện, nước áp dụng cho đối tượng sinh viên thuê nhà trọ.
Theo bảng giá điện bán lẻ cho mục đích sinh hoạt (ban hành ngày 25/02/2011) thì mức cao nhất là 1.962 đồng/KWh và giá nước 4.500đ/m3 (ban hành ngày 02/06/2009). Tuy nhiên, giá điện, nước ở các khu vực nhà trọ đều gấp đôi, gấp ba giá hiện hành. Các chủ nhà trọ tự ấn định giá điện, nước và thu "vô tội vạ". Phổ biến, các chủ trọ thu tiền nước theo đầu người, mỗi người từ 25 - 35 ngàn đồng/tháng. Những khu nhà trọ thu tiền nước các phòng theo chỉ số đồng hồ thì có mức giá 7.000-12.000đ/m3 (gấp 2-3 lần so với giá Nhà nước ban hành), tiền điện giá ở mức 2,5 - 3 ngàn đồng/kWh, cá biệt, có nơi thu đến 5 ngàn đồng/kWh.
Sinh viên Nguyễn Xuân Hòa, thuê trọ tại phường Hưng Dũng, cho biết: "Ở đây chủ nhà thu tiền nước theo đầu người, mỗi tháng 30.000 đ/người, nhưng qui định nước máy chỉ dùng để nấu nướng, còn tắm rửa, giặt giũ thì dùng nước giếng khoan. Tiền điện giá 4.500đ/KWh. Biết là cao hơn qui định, nhưng chúng em không biết thắc mắc với ai?".
Ông Phạm Văn Nga - Giám đốc Điện lực TP. Vinh, cho biết: "Những chủ trọ đưa đăng ký tạm trú của sinh viên đến chi nhánh, chúng tôi sẽ làm thủ tục để những sinh viên này được sử dụng điện áp giá bán sinh hoạt bậc thang. Theo định kỳ, chúng tôi tiến hành kiểm tra số lượng đăng ký này có đúng hay không. Dựa vào đó, chúng tôi quản lý số công tơ và thu tiền theo hóa đơn. Giá điện các chủ trọ thu của sinh viên cao hơn giá quy định, chi nhánh không có thẩm quyền xử lý".
Được coi là trung tâm giáo dục, đào tạo của khu vực Bắc Trung bộ, thu hút sinh viên từ 39 tỉnh, thành đếnhọc tập nên nhu cầu về phòng trọ cho sinh viên rất lớn. Để giảm bớt gánh nặng nơi ăn ở, sinh hoạt cho sinh viên, thiết nghĩ, các cấp các ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu KTX, mở rộng quy hoạch các làng sinh viên. Mặt khác, đối với các nhà trọ tư nhân, các cấp, ngành cần tăng cường quản lý về giá điện, nước, chấm dứt tình trạng biến sinh viên thuê trọ thành đối tượng để kiếm lời như hiện nay.
Đức Thiện