(Baonghean) - Sinh ra trên mảnh đất Ngọc Sơn xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu), lên 6 tuổi, An Phúc đã theo cha mẹ lên sân khấu làng. Ngay từ thuở đầu đời, ca hát đã trở thành “món ăn” không thể thiếu được trong anh. Đến nay, sau 41 năm hoạt động trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, nhận được rất nhiều huy chương vàng, bạc… để lại nhiều vai diễn thành công và danh tiếng của anh được độc giả và đồng nghiệp cả nước biết đến. Nhưng với anh như thế vẫn chưa đủ. Anh vẫn miệt mài, khao khát những vai diễn mới…
Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với anh, khi tôi xin phép được hỏi tại sao ở anh có một đam mê cháy bỏng với nghệ thuật đến như vậy? An Phúc nở nụ cười và mộc mạc: "Cảm ơn tạo hoá và cha mẹ đã sinh ra tôi, cho tôi một đam mê nghệ thuật từ trong bào thai rồi cứ thế theo hết cả cuộc đời...". Đồng nghiệp, bạn bè anh thường nói: "An Phúc là một trong những linh hồn của Nhà hát Dân ca Nghệ An". Phải chăng, những lời nói chân thành ấy càng khích lệ, động viên, giúp anh thành công trên từng vai diễn, được khán giả yêu mến.
Thể loại nào An Phúc cũng diễn khá tốt. Lợi thế của anh là hát được nhiều thể loại: chèo, cải lương, tuồng, dân ca, bồng mạc... Nhưng với vai Bác Hồ, anh được nhiều khán giả ở 2 miền Nam - Bắc điện thoại, viết thư khen: "Anh đóng Bác Hồ giống quá...", các vở mà anh tham gia với vai diễn Bác Hồ đã để lại dấu ấn, tình cảm đặc biệt trong lòng công chúng như: "Lời Người lời của nước non"; "Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng"; "Bác Hồ - lời Bác sáng lòng ta"; "Danh nhân lớn lên từ câu hò ví dặm";...
![]() |
NSƯT An Phúc.
Đến nay, anh tham gia trên dưới 100 vở lớn, nhỏ, những vai diễn từng gắn với tên tuổi của anh, dành được huy chương vàng, bạc như: Bác sĩ Hải trong vở "Đôi Mắt"; Bính trong "Chiếc nón bài thơ"; Lân trong "Chuyện tình trong rừng cấm"; Đức vua Khơ Ru Sát trong "Hoàng hậu Ba Tư"; Chu Bình trong vở "Giông Tố"; Hải trong "Nỗi đau lòng mẹ"; Thái tử Kiên trong "Chuyện tình ông Vua trẻ"; Giám đốc Đặng Vinh trong "Soi vào quá khứ"; Bác sĩ Nhân trong "Vết chân tròn trong bão tố"...
An Phúc nhớ nhất vai diễn đầu tiên năm 6 tuổi: Cu Ti trong "Tần Hương Liên". Lúc đó anh được diễn cùng với bố mẹ tại sân khấu huyện Quỳnh Lưu. Nhân vật "Ti" để lại ấn tượng sâu sắc ở phân đoạn mẹ cu Ti dắt con lên kinh thành tìm cha, khi biết cha đã thi đỗ trạng nguyên, không nhận con, còn kết hôn với công chúa con Vua, Ti khóc thảm thiết, còn bị cha hắt hủi, đá phắt ra, An Phúc diễn rất đạt khiến khán giả không thể cầm được nước mắt.
Đã 41 năm trong nghề nhưng mỗi lần đi diễn cảm giác trong anh như lần đầu tiên, cứ hồi hộp, khấp khởi, một cái gì khó tả, thích thú lắm. Nhìn bà con say sưa xem mình diễn, anh như quên đi mệt nhọc, thêm sức lực để diễn hay hơn. Mới đây, trong chuyến lưu diễn ở các tỉnh miền Đông - miền Tây Nam bộ phục vụ cho các trại giam, các vở diễn đề tài về Bác Hồ, anh thấy nhiều phạm nhân đã khóc, xúc động khi nhìn thấy hình tượng Bác. Khi hình tượng Bác giơ tay vẫy, khán giả cũng đồng loạt đứng dậy vẫy tay chào với cảm xúc nồng nhiệt đặc biệt, anh cảm thấy vô cùng cảm kích.
Lợi thế của nghệ sỹ ưu tú An Phúc là được sinh ra trong một gia đình có cái nôi văn nghệ. Bố mẹ anh là những “cây" văn nghệ của huyện, hát được nhiều làn điệu như: dân ca ví dặm, bồng mạc, tuồng, chèo, cải lương... Anh còn có người chú ruột là nhạc sỹ An Thuyên, chính truyền thống gia đình đã truyền cho anh lòng say mê nghiệp diễn để anh gắn bó cả cuộc đời mình với nghệ thuật.
Mỗi lần nhận thêm một giải thưởng mới anh lại nhớ về kỷ niệm năm 17 tuổi giữa anh và người chú ruột của mình. Nhạc sỹ An Thuyên thấy người cháu đam mê nghiệp diễn, từ tinh mơ đã chở cháu trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng từ Quỳnh Thắng đến Bảo Nham (Yên Thành) - nơi Đoàn chèo Nghệ An sơ tán, để cậu bé Phúc thi tuyển. Hai chú cháu đến nơi vừa lúc chiều tà. "Trụ sở" lúc bấy giờ là một "căn nhà" nửa hầm, nửa nhà, anh em trong đoàn thường gọi "nhà bán âm, bán dương". Tối đến không thể thắp đèn nên An Phúc được thi luôn. Anh thể hiện ca khúc "Trông cây lại nhớ ơn Người" được Đoàn trưởng Cao Danh Giá đánh giá rất tốt, có triển vọng. Hai chú cháu lại đèo nhau về trong đêm. Trên đường về, nhạc sỹ An Thuyên dặn dò: "Mai này có tin trúng tuyển, cháu nhớ không ngừng học hỏi và khổ luyện giọng hát, diễn xuất, như vậy mới chạm đến trái tim khán giả được". Về nhà, bố mẹ và các bác của An Phúc cũng căn dặn anh như vậy. Trúng tuyển, một năm sau được cử đi học khoa Chèo tại Trường Sân khấu Việt Nam, An Phúc mừng lắm. 4 năm ở môi trường sinh viên, anh được tham gia cùng nhà trường đi biểu diễn khắp các tỉnh phía Bắc, chính quãng thời gian đó đã giúp anh có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm trong hoạt động nghệ thuật của mình.
Đồng nghiệp, bạn bè ví anh như "cánh chim không mỏi" cũng chẳng sai. Bởi, chẳng bao giờ thấy anh rời sân khấu. Hễ rảnh một vài ngày lại "nể" tình đồng nghiệp, anh lại lặn lội dạy dân ca, tuồng cổ cho các trường học, Trung tâm Văn hoá tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hoá. Anh tâm sự: "Có được ngày hôm nay là nhờ sự ủng hộ của gia đình, của chú An Thuyên và sự hy sinh của người vợ hiền".
An Phúc mong muốn trước lúc nghỉ hưu, có một vai diễn để khi cởi chiếc áo nhân vật cuối cùng, bước xuống sân khấu cũng là ngày về hưu. Tôi bảo: "Anh vẫn còn dăm năm nữa cơ mà", anh lại cười: "Người nghệ sỹ đam mê nghệ thuật thường có suy nghĩ như vậy đó". Rồi An Phúc lại nở một nụ cười hiền hậu, vội vàng tạm biệt tôi để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn mới.