Nhức nhối chuyện "da cam" ở Nghi Lộc

26/02/2012 14:37

(Baonghean)- Tháng 9/2011, Báo Nghệ An đã có loạt bài điều tra về tình trạng "chạy" chế độ hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, trong đó đã đề cập đến việc thực hiện chế độ chính sách và tình trạng "cò" da cam ở huyện Nghi Lộc. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện chế độ hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc dam cam ở Nghi Lộc vẫn còn gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Người dân bất bình


Tại xã Nghi Quang, chúng tôi được người dân đọc vanh vách về các trường hợp không đủ điều kiện, song đã được hưởng chế độ chất độc da cam như: Bà Nguyễn Thị C, bà Phạm Thị T (đi bộ đội từ năm 1968, đóng quân ở Nghi Lộc từ ngày đi cho đến khi phục viên); ông Võ Sĩ N (nhập ngũ 1963, công an biên phòng, đóng quân ở Lạch Quèn - Quỳnh Lưu, đến 1970 thì phục viên); ông Trần Đức T (nhập ngũ 1963, đóng quân ở xã Nam Anh, Nam Đàn cho đến ngày nghỉ hưu); ông Nguyễn Hồng N (nhập ngũ 5/1972, huấn luyện tân binh tại Đoàn 22 - QK4, khi đơn vị đi Nam thì ông N chuyển đơn vị mới đóng quân tại Hà Nội đến tháng 10/1975 thì xuất ngũ); ông Nguyễn Đức N (nhập ngũ 12/1972, huấn luyện tại Đoàn 22 - QK4 xong thì chuyển về công tác tại Trung đoàn 249 Công binh đóng tại huyện Thanh Chương, sau về Bộ Tư lệnh Hải quân, công tác tại Hải Phòng và Quảng Ninh).

Những trường hợp này không thuộc diện được hưởng chế độ hỗ trợ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam do chỉ đóng quân từ Quảng Bình trở ra, có người không đi chiến trường, nhưng hồ sơ đều đã từng đi B và hiện giờ đã được hưởng chế độ hỗ trợ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Trong lúc đó, cũng tại xã Nghi Quang, có những trường hợp thương tâm như ông Võ Trung Tao, ông Lê Xuân Đình, đều có con bị dị tật, hoàn cảnh khó khăn, hồ sơ đã làm đầy đủ các giấy tờ hợp lệ gửi cùng lúc với những trường hợp đã được hưởng, nhưng đến bây giờ vẫn chưa được xét duyệt.



Ông Nguyễn Minh Đức và ông Võ Trung Tao mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ các trường hợp không xứng đáng được hưởng chế độ.


Ông Nguyễn Minh Đức (xóm Thành Vinh 2 - xã Nghi Quang) - bức xúc nói: "Có người đã nói tôi được hưởng chế độ rồi (ông Đức đã được hưởng chế độ thương binh và chế độ chất độc da cam) thì im đi. Nhưng tôi nói đây là nói cho đồng đội và đòi lẽ phải. Tại sao những người đóng quân ở ngoài Bắc mà cũng được hưởng chế độ, trong lúc đó, những người đi chiến trường đáng được hưởng lại không được hưởng"! Ông Đức còn cho biết, trước đây ông cũng khiếu nại với xã Nghi Quang, Phòng LĐ, TB và XH huyện Nghi Lộc về những trường hợp này và đã chất vấn lãnh đạo xã Nghi Quang, phòng LĐ, TB và XH huyện, song các cơ quan chức năng vẫn chưa có động tĩnh gì. Ông Đức cam đoan, nếu ông tố cáo sai những trường hợp này, ông sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, nhưng trong lần chất vấn đó, ông Võ Văn Ba (Phó phòng LĐ, TB và XH huyện Nghi Lộc) khẳng định với ông Đức là, hồ sơ của những trường hợp trên là hợp lệ (?) Ở xã Nghi Thiết, người dân cũng rất bất bình và chỉ ra một số trường hợp như ông Nguyễn Gia T, bà Hoàng Thị P, ông Vũ Hữu Q, ông Nguyễn Văn V... đều đóng quân từ Quảng Bình trở ra nhưng cũng được hưởng chế độ chất độc da cam.


Chúng tôi tìm gặp ông Võ Văn Ba - (Phó phòng LĐ,TB và XH Nghi Lộc) hỏi về các trường hợp người dân phản ánh không thuộc diện hưởng chế độ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, nhưng vẫn được hưởng thì ông Ba cho biết: Theo ông, những trường hợp này hồ sơ đều đầy đủ và hợp lệ. Chúng tôi hỏi, khi xét hồ sơ có phân biệt được hồ sơ thật hay giả không thì ông Ba cho rằng, thấy hồ sơ đầy đủ giấy tờ thì duyệt gửi lên trên chứ làm sao mà biết được hồ sơ thật, hồ sơ giả (?). Khi chúng tôi hỏi các số liệu và tình hình thực hiện chế độ chính sách da cam ở Nghi Lộc trong những năm gần đây, ông Ba hẹn dịp sau vì bây giờ nhân viên của ông đang đi vắng ?!


"Cò" da cam vẫn lộng hành


Tiếp xúc với chúng tôi, những người làm đơn tố cáo cho biết, những trường hợp không thuộc diện được hưởng chế độ hỗ trợ nhưng vẫn làm hồ sơ và đã được xét duyệt là nhờ có "cò" và "đường dây" làm hồ sơ (?!). Chúng tôi còn được biết, ngoài những "cò" Nguyễn Văn M. (Nghi Lâm), Minh Q. (Nghi Văn) mà chúng tôi đã đề cập đến ở loạt bài đăng vào dịp tháng 9/2011, thì ở Nghi Lộc hiện còn có "cò" N. (Nghi Khánh), "cò" Tr. (Nghi Hợp) vẫn đang hoạt động.

Trong vai những người đi "làm " giấy tờ da cam, chúng tôi lân la làm quen và nhờ ông D (từng đi bộ đội với ông Tr.) giới thiệu đến gặp "cò" Tr. Ông D cho biết, "cò" Tr. từng bị đi tù 6 năm về tội lừa đảo và làm giấy tờ giả, bây giờ vẫn nhận làm hồ sơ chạy các loại chế độ.


Khi ông D gọi điện cho "cò" Tr. bảo có mấy người cần nhờ làm hồ sơ. Ông Tr. bảo có gì thì tối đến nhà, gọi qua điện thoại như thế không tiện. Mặc dù được giới thiệu qua ông D, khi chúng tôi tìm đến nhà (ở xã Nghi Hợp), ông Tr. vẫn tỏ ra cảnh giác trước người lạ. Sau một hồi chuyện trò, "cò" Tr. mới nhận "làm giúp" và hỏi chúng tôi cần làm giấy tờ gì? Khi nào làm thì ở nhà có giấy tờ gì đưa đến để ông xem, thiếu gì thì bổ sung cái đó. Chúng tôi bảo là làm chế độ da cam. Ông Tr. bảo: Làm thương binh hơi khó chứ làm da cam thì miễn có đi bộ đội về là làm được! Ông Tr. và vợ bảo đã từng "giúp" cho hàng trăm người ở các huyện làm hồ sơ và đều đã được hưởng chế độ!


Trong lúc nói chuyện, ông Tr. khoe là có người quen làm chính sách ở trên, nên thiếu giấy tờ gì ông sẽ "xin giúp" cho giấy tờ đó. Ông Tr. còn bảo: "Có người đi hàng tháng không được, nhưng tôi chỉ cần đi một bữa là xong. Nếu chưa đi viện thì phải làm bệnh án. Biết đường, biết cửa sẽ làm được. Có tôi nói họ sẽ làm, nếu chú lạ có đưa tiền trăm, tiền triệu thì họ cũng không dám làm đâu. Kẹt chỗ nào giải chỗ đó thì mới có hồ sơ được. Khi đã có hồ sơ rồi thì đơn giản. Nếu không quen biết thì họ bắt hồ sơ bệnh án từ 2008-2009 trở về trước, nhưng với tôi thì bệnh án bây giờ vẫn làm được. Lúc nào làm thì tôi sẽ đưa hồ sơ cho mà phô tô làm thành 6 bộ". Ra về, ông Tr. vẫn thận trọng bảo tốt nhất là nói với ông D (người đã gọi điện giới thiệu chúng tôi với ông Tr - P.V) dẫn sang đây nhé.


Trao đổi với chúng tôi, ông D cho biết, thường làm một bộ hồ sơ đầy đủ các loại giấy tờ giá là 10 triệu đồng, khi bắt đầu làm thì phải đưa trước cho "cò" 3 triệu đồng. Làm các loại giấy tờ bổ sung hồ sơ thì mỗi loại khoảng 1,5 triệu đồng. Do chi phí này chưa bằng số tiền 1 năm hưởng chế độ hỗ trợ nên nhiều người đã đầu tư để "chạy", vì tính ra "vẫn lời" !


Xem ra câu chuyện về những hệ lụy, tiêu cực liên quan đến giải quyết chế độ hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam ở Nghi Lộc vẫn chưa chấm dứt. Các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ những trường hợp đã được hưởng chế độ mà người dân không đồng tình, để đưa chính sách nhân đạo này trở về với đúng với ý nghĩa cao cả nhân văn của nó.


Đức Chuyên - Đạm Phương

Mới nhất

x
Nhức nhối chuyện "da cam" ở Nghi Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO