Những bất cập ở trung tâm giao dịch "một cửa" cấp xã
(Baonghean) - Hình ảnh bộ phận giao dịch một cửa cấp xã ở nông thôn vắng bóng người, khi nào có dân thì mới mở cửa hoặc bộ phận một cửa được bố trí chung với phòng làm việc chuyên môn nên người dân phải chờ đợi, đứng ngồi lộn xộn là những bất cập mà chúng tôi ghi nhận được trong đợt kiểm tra, giám sát của đoàn liên ngành tỉnh về chấp hành Chỉ thị 17-CT/TU vừa qua…
Người dân chờ giao dịch tại bộ phận 1 cửa xã Châu Quang (Quỳ Hợp). (ảnh chụp ngày 25/7/2014). |
Có mặt tại xã Tam Thái, huyện Tương Dương, do trụ sở đang tạm bợ nên phòng làm việc của cán bộ tư pháp xã và văn phòng bố trí chung với bộ phận một cửa, phòng rộng chỉ khoảng gần 10m2 mà có đến 3 người, cộng với tủ đựng tài liệu nên không gian rất chật chội, chỉ để được 2 dãy ghế nhỏ, người dân đến giao dịch phải đứng ngồi chen chúc. Ông Vang Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thái cho biết: Chuẩn bị vào năm học mới nên số người dân đến xin xác nhận hồ sơ cho con em đi học đông. Do chưa có khu vực riêng cho bộ phận giao dịch một cửa nên người dân phải chờ đợi, chen lấn. Dù biết rất bất tiện nhưng điều kiện khách quan nên phải chịu khó thôi.
Có thể nói, điều kiện làm việc tại bộ phận một cửa xã Tam Thái (Tương Dương) cũng là hình ảnh chung của bộ phận một cửa các xã nghèo ở Kỳ Sơn, Tương Dương hoặc các xã chưa có điều kiện xây dựng trụ sở mới… Đặc điểm chung của các xã này, do trụ sở tạm bợ, phòng làm việc chật chội nên bộ phận giao dịch một cửa đồng thời cũng là nơi làm việc của cán bộ chuyên môn tư pháp hoặc địa chính, xây dựng. Qua trao đổi với lãnh đạo một số xã cũng như cán bộ trực xử lý ở bộ phận một cửa, được biết, việc bố trí chung cũng có ưu điểm là khi nào người dân đến cũng giải quyết xử lý được. Tuy nhiên, cách bố trí này cũng phát sinh những bất cập như: cán bộ rất khó để chuyên tâm làm việc chuyên môn dẫn tới hiệu quả công tác không cao; tình trạng nhiều cán bộ trực một cửa không đeo thẻ công chức khi làm việc nên không phân biệt được đâu là người dân, đâu là công chức dẫn đến khó giám sát, đánh giá. Các xã có điều kiện hơn thì bố trí bộ phận giao dịch một cửa riêng nhưng chưa chắc hiệu quả đã được phát huy tối đa. Có một thực tế các xã nông thôn, nhất là một số xã thuần nông, giao dịch hàng ngày rất ít nên có cảm giác việc xây dựng bộ phận một cửa rất lãng phí. Điển hình như: xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) hay xã Thanh Ngọc (Thanh Chương), Kim Thành (Yên Thành)… mỗi tháng chỉ có dăm ba giao dịch chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng nên khi chỉ đúng ngày trực xử lý các hồ sơ đất đai mới có người còn lĩnh vực khác không có cán bộ trực một cửa thì không được nhưng có thì… thừa.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra cho thấy chất lượng phục vụ tại bộ phận một cửa còn những hạn chế cần khắc phục. Theo lịch làm việc được niêm yết công khai, có xã bố trí 2 buổi/tuần vào thứ 3 và thứ 5, có xã lại bố trí vào các buổi chiều hàng ngày và có xã bố trí cán bộ trực tất cả ngày làm việc trong tuần. Qua kiểm tra đột xuất cho thấy, hầu hết bộ phận giao dịch một cửa cấp xã ở nông thôn đều đóng cửa, không phục vụ vào buổi sáng, chỉ phục vụ vào buổi chiều và khi nào có người dân thì mới mở cửa. Bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ trực một cửa chưa hợp lý. Theo quy định, các sở ngành cấp tỉnh và các huyện, trung tâm giao dịch một cửa được bố trí từ 2 - 3 cán bộ, công chức chuyên trách. Tuy nhiên, đối với cấp xã, phổ biến chỉ có 2 người trực kiêm nhiệm, trong đó chủ yếu là cán bộ tư pháp và địa chính – xây dựng. Thế nhưng qua kiểm tra một số xã, khi 1 trong 2 cán bộ kiêm nhiệm đi công tác, một số lãnh đạo xã thiếu quan tâm, không phân công người thay thế khiến người dân có nhu cầu giao dịch phải chờ đợi một cách rất vô lý. Đây là thực tế đã diễn ra ở xã Châu Quang (Quỳ Hợp) hay Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Ông Sầm Ngọc Dự - Bí thư Đảng ủy xã Châu Quang thừa nhận: “Việc xã không bố trí cán bộ trực thay bộ phận 1 cửa khi có cán bộ đi vắng (tập huấn) là do chủ quan khiến người dân phải chờ đợi”. Ông Cao Cự Tân - Chánh Thanh tra Sở Nội vụ, thành viên đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: Ngay sau khi phát hiện tình trạng trên, đoàn đã đề nghị lãnh đạo xã và UBND các huyện Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu chấn chỉnh, đồng thời rút kinh nghiệm, nhắc nhở chung.
Ông Phạm Văn Lương - Phó Phòng CCHC, Sở Nội vụ cho biết thêm: Thực hiện lộ trình CCHC và nhằm phục vụ người dân theo quy định của Chính phủ, Nghệ An là một trong những tỉnh thiết lập hệ thống giao dịch một cửa từ tỉnh đến cấp xã khá nghiêm túc và đầy đủ. Ở cấp tỉnh, ngoài trung tâm một cửa tại Văn phòng UBND tỉnh, các sở ngành, UBND cấp huyện thậm chí đầu mối lớn cấp huyện như: Chi cục Thuế hay Công an huyện… đều có bộ phận giao dịch một cửa riêng, mỗi bộ phận có từ 2 - 3 cán bộ chuyên trách trực xử lý. Thống kê sơ bộ cho thấy, 21 huyện, thành, thị có 100 cán bộ trực một cửa, trong đó 25 người được bố trí chuyên trách; đối với cấp xã, phường, thị trấn mỗi UBND có bộ phận một cửa thường bố trí từ 2 - 3 người kiêm nhiệm, trong đó 1 lãnh đạo UBND phụ trách chung. Trong điều kiện tỉnh còn khó khăn về ngân sách, thì đây là cố gắng không nhỏ của tỉnh. Vì vậy, với những bất cập trên, sau kiểm tra hiệu quả hoạt động của bộ phận giao dịch một cửa, nên chăng Sở Nội vụ cần sớm đánh giá tổng kết để có hướng dẫn chung về lịch phục vụ nhân dân; thời gian trực, bố trí sắp xếp bộ phận giao dịch một cửa sao cho tiện lợi nhất cho người dân; lĩnh vực nào có nhu cầu lớn thì bố trí thêm thời gian, thêm người; khi cán bộ trực một cửa đi vắng thì phải bố trí cán bộ trực thay để giải quyết cho dân. Bên cạnh đó, thái độ phục vụ và chất lượng phục vụ tại “một cửa” cũng cần được nâng lên để người dân không phải đi “cửa sau” hay phải chịu “một cửa mà nhiều khóa” như người dân và doanh nghiệp phản ánh…
Bài, ảnh: Phương Hà