Những bất cập trong công tác đào tạo nghề

11/12/2014 08:53

(Baonghean) - Theo số liệu của Sở LĐ-TB & XH công bố vào tháng 7/2014, toàn tỉnh có khoảng gần 8.000 cử nhân, thạc sỹ thiếu việc làm, trong đó có 4.000 người thất nghiệp hoàn toàn. Trong khi đó, lại thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao (cả tỉnh mới chỉ có 5,54% lao động đạt trình độ từ trung cấp nghề trở lên). Để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đòi hỏi phải đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay, công tác đào tạo nghề vẫn còn nhiều bất cập…

(Baonghean) - Theo số liệu của Sở LĐ-TB & XH công bố vào tháng 7/2014, toàn tỉnh có khoảng gần 8.000 cử nhân, thạc sỹ thiếu việc làm, trong đó có 4.000 người thất nghiệp hoàn toàn. Trong khi đó, lại thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao (cả tỉnh mới chỉ có 5,54% lao động đạt trình độ từ trung cấp nghề trở lên). Để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đòi hỏi phải đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay, công tác đào tạo nghề vẫn còn nhiều bất cập…

Những chuyển biến

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 64 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 40 cơ sở dạy nghề (gồm 6 trường cao đẳng nghề, 9 trường trung cấp nghề, 25 trung tâm dạy nghề) và 24 cơ sở có nghề. So với những năm trước, các cơ sở đào tạo nghề đã được phân bố đồng đều hơn ở các vùng, miền; khoảng 75% cơ sở đào tạo lao động kỹ thuật đã được bổ sung, nâng cấp đáp ứng yêu cầu thực hành cơ bản; một số cơ sở đã được trang bị đồng bộ, hiện đại ở một số nghề phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp như hàn, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử, điện lạnh, kỹ thuật chế biến món ăn. Hiện, Nghệ An được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt lựa chọn 12 trường với 34 nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.

Học sinh Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc thực hành nghề cắt gọt kim loại
Học sinh Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc thực hành nghề cắt gọt kim loại

Giai đoạn 2010 - 2014, mỗi năm các cơ sở đào tạo nghề cho hơn 80.000 học viên. Trong đó, cao đẳng nghề là 4.518 người; trung cấp nghề 8.975 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 63.052 người, trong đó dạy nghề theo Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn là 8.764 người. Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 33% (năm 2010) lên 44% (năm 2013) và dự kiến 46% (năm 2014).

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hàng năm, tỷ lệ học sinh trung cấp nghề và cao đẳng nghề tốt nghiệp đạt trên 95%, trong đó loại khá giỏi chiếm 29%. Một số trường đã gắn kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ, giải quyết việc làm sau đào tạo tốt như: Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Cao đẳng Nghề kỹ thuật Việt - Đức, Cao đẳng Nghề Du lịch - Thương mại, Trung cấp Nghề kinh tế công nghiệp - Thủ công nghiệp... Chất lượng đào tạo còn được thể hiện ở kết quả tại các “Hội thi tay nghề cấp toàn quốc”, cấp khu vực của học sinh các trường dạy nghề trên địa bàn (như năm 2014, Nghệ An có 1 học sinh đạt giải Nhì trong Hội thi tay nghề giỏi ASEAN).

Và những bất cập

Hiện nay, phần lớn các cơ sở dạy nghề vẫn còn tình trạng đào tạo theo năng lực của cơ sở, tập trung vào các nghề như điện, điện tử, sửa chữa xe máy, cơ khí, may mặc, kế toán, tin học… mà chưa chú trọng đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Ngay cả những trường được đầu tư bài bản, thì các ngành nghề đào tạo giữa các trường còn chồng chéo, chưa có các ngành nghề kỹ thuật cao theo yêu cầu của thị trường. Có thể thấy rõ ở việc các trường được coi là có chất lượng như Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Cao đẳng nghề Việt - Đức, Cao đẳng nghề số 4, Cao đẳng nghề số 1…, đều đào tạo các ngành cơ khí, sửa chữa ô tô, xe máy, điện, hàn…., trong lúc đó, các ngành nghề mũi nhọn, thế mạnh để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh như: xi măng, vật liệu xây dựng; thủy điện, chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa, vận hành và sửa chữa máy thủy... lại đang bị “bỏ quên”.

Thực tế, một số trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh cho thấy giáo trình và chương trình đào tạo ở các trường nghề chưa phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các chủ cơ sở kinh doanh, chủ doanh nghiệp trong thành phố. Ví như nghề may, dù ngành may mặc thời trang khá phát triển, nhu cầu tuyển dụng khá cao, nhưng đa phần các đơn vị chấp nhận tuyển người chưa có tay nghề về và đào tạo lại. Trong khi đó, chương trình dạy nghề may ở các trường từ trung cấp đến cao đẳng nghề chỉ đào tạo công nhân may công nghiệp hoặc đào tạo theo đơn đặt hàng của các công ty, chậm đổi mới, chậm thích nghi với yêu cầu thực tiễn. Hay nghề cắt tóc, là nghề cho thu nhập cao, nhưng thợ làm tóc trên địa bàn Thành phố Vinh lại chủ yếu từ các tỉnh thành khác, ở Nghệ An chưa có một cơ sở đào tạo uy tín nào về nghề này. Sự bất cập đó, khiến cho học sinh không mặn mà hứng thú với việc học nghề.

Hệ quả là, dù số lượng cơ sở đào tạo nghề phát triển nhanh, nhưng thực tế chỉ có các trường cao đẳng nghề ở TP. Vinh tuyển đủ chỉ tiêu, còn các trường trung cấp nghề, dù được xây dựng khá quy mô nhưng hàng năm nguồn tuyển sinh rất hạn chế do việc quy hoạch, đặt các trung tâm không hợp lý, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, chưa theo kịp với xu thế phát triển của xã hội.

Có nhiệm vụ hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, liên kết đào tạo trung cấp nghề, nhưng hiện nay, hầu hết các trung tâm dạy nghề hướng nghiệp ở các huyện cơ sở vật chất hạn chế, thiếu giáo viên, giáo trình cũ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người học và nhu cầu của địa phương. Ví như trung tâm dạy nghề của huyện Anh Sơn chỉ có 2 nhà xưởng thực hành; cơ cấu đội ngũ giáo viên của trung tâm hiện cũng đang bất cập: trung tâm có 8 người, nhưng cán bộ hành chính chiếm tới 4 người, giáo viên có 3 thì 2 người là giáo viên Tin học, 1 người là giáo viên chăn nuôi thú y. Hiện trung tâm đã mở lớp dạy nghề nấu ăn, dạy nghề hàn, cơ khí, nhưng đang phải liên kết hoặc thuê giáo viên ở các trung tâm khác về dạy. Ở huyện Tân Kỳ, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề của huyện cũng đã được đầu tư khá khang trang, nhưng lại chưa có máy móc, trang, thiết bị kỹ thuật. Các lớp đào tạo muốn mở đều phải thuê giáo viên của Trường Trung cấp nghề huyện Đô Lương về dạy vào dịp cuối tuần, nên bất tiện cho học viên theo học…

Theo ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động dạy nghề của các cấp, các ngành chưa thường xuyên; công tác điều tra khảo sát, nhu cầu thị trường sử dụng lao động với nhu cầu học nghề còn hạn chế. Đặc biệt, công tác kiểm định đánh giá chất lượng dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề chưa được thực hiện triệt để: trong 2 năm (2013 -2014), mới chỉ tiến hành đánh giá chất lượng dạy nghề toàn diện tại 3 cơ sở và kiểm định chương trình dạy nghề tại 2 cơ sở dạy nghề.

Để đạt mục tiêu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 52% vào năm 2015 và trên 70% vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hộ Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII nhiệm kỳ (2011 - 2015), tỉnh ta cần phân định rõ các nhóm lao động trong đào tạo nghề để có định hướng, kế hoạch đào tạo phù hợp, sát với nhu cầu học nghề của người lao động và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm và nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước về đào tạo nghề, nhất là các chính sách cho người học nghề, người lao động qua đào tạo nghề, chính sách đối với doanh nghiệp tham gia dạy nghề,…

Xây dựng, quy hoạch phát triển mạng lưới các sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật; những cơ sở không đảm bảo các quy định, điều kiện về dạy nghề trình cấp có thẩm quyền thực hiện xóa bỏ, giải thể; đồng thời tập trung củng cố, nâng cấp, mở rộng quy mô đào tạo các cơ sở dạy nghề có đủ các điều kiện và khả năng, năng lực tham gia đào tạo nghề. Ngoài ra, cần mở rộng thị trường lao động trong và ngoài nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút nhiều tập đoàn kinh tế vào Nghệ An để đầu tư hoặc mở các cơ sở đào tạo nghề, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề…

Bài, ảnh: Minh Quân

Mới nhất
x
Những bất cập trong công tác đào tạo nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO