Những bệnh nghề nghiệp mà các nhà giáo cần lưu tâm

17/11/2017 10:40

Đặc thù của các nhà giáo là nói nhiều, thở nhiều, hít nhiều, đứng nhiều, đi nhiều, cũng khi ngồi nhiều, nhìn nhiều... Tất nhiên, cái gì nhiều quá cũng gây ra bệnh tật. Dưới đây là những bệnh nghề nghiệp của nhà giáo.

Giáo viên luôn nói nhiều và đứng nhiều

Giáo viên luôn nói nhiều và đứng nhiều.

Bệnh do hậu quả của nói nhiều

Các nghiên cứu cho thấy, giáo viên ở các cấp học càng nhỏ thì nói càng nhiều và cường độ cũng lớn hơn. Giáo viên mẫu giáo và cấp một ngoài việc dạy hát, dạy chữ, dạy múa, dạy vẽ... còn phải “la hét” liên tục để nhắc nhở và uốn nắn đủ điều.

Nhiều cô giáo cấp một và các cô nuôi dạy trẻ cuối ngày có cảm giác mệt đừ, khô họng, rát cổ, khàn giọng sau một ngày phát thanh liên tục. Giáo viên dạy các môn khoa học xã hội, làm công tác chủ nhiệm, phụ trách thanh thiếu niên nói nhiều hơn các giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên, không làm công tác chủ nhiệm và đoàn thể.

Nhiều giáo viên trẻ mới bước vào nghề chưa được rèn luyện nói và chưa có kinh nghiệm nói nên sau một ngày nói thường “đuối” hơn những giáo viên từng trải và đầy kinh nghiệm trong nghề nói này.

Do đó, để đảm bảo nói tốt và nói cả đời, ngành giáo dục đã nghiên cứu đưa ra quy định thời gian đứng lớp cho mỗi giáo viên là 16 - 18 tiết trong một tuần. Tuy nhiên, cũng có lúc, có nơi do thiếu giáo viên, do dạy thêm - học thêm nên nhiều giáo viên phải nói quá tải, gây ra tình trạng đau họng do viêm họng, khàn tiếng do viêm thanh khí quản và thậm chí là... tắt tiếng ca!

Giờ giải lao giữa các tiết học chính là “thần dược” để cho các giáo viên tái phục hồi giọng nói. Chính nhờ giờ giải lao này mà các học sinh từ nhỏ đến lớn tạm dừng việc tập trung căng thẳng, liên tục và quá mức gây ra sự mệt mỏi, khó tiếp thu.Việc uống một cốc nước mát, nếu có nước cam hoặc chanh thì càng tốt.

Uống khoan thai, từng ngụm sẽ giúp cho họng đỡ khô rát, bù lại lượng nước mất từ hơi thở, từ nước bọt vì... nói nhiều. Tất nhiên, nhờ việc bù nước và nghỉ ngơi mà giọng nói trong giờ tiếp theo sẽ khỏe hơn và không bị rè...

Ở một số nơi, do điều kiện kinh tế, nhiều giáo viên vẫn phải dùng phấn viết bảng nhiều bụi. Quá trình nói nhiều cũng chính là quá trình xâm nhập của bụi phấn vào mũi, họng và phổi gây các bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản và bệnh bụi phổi.

Để khắc phục tình trạng này không gì khác hơn là cải thiện điều kiện và phương tiện giảng dạy, sử dụng phấn viết ít bụi, lau bảng bằng khăn ẩm, dùng bảng và bút viết xóa không bụi. Những nơi có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy qua máy tính và màn hình trình chiếu đã loại trừ các bệnh đặc thù do bụi phấn mang lại trong quá trình đứng trên bục giảng bên cạnh bảng đen để viết, xóa và nói.

Nếu xảy ra tình trạng chảy mũi, nhức đầu, đau họng, ho hoặc mất tiếng kéo dài cần phải đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý liên quan đến công việc đang làm. Đồng thời các nhà chuyên môn sẽ tư vấn để cùng tìm ra biện pháp thích hợp nhằm hạn chế và khắc phục.

Bệnh do hậu quả của đứng nhiều

Các giáo viên lên lớp dạy, thường đứng nhiều hơn ngồi. Phải chăng vì vậy mà khi lên lớp dạy người ta gọi bằng một thuật ngữ rất hình tượng là “đứng lớp”! Việc đứng dạy giúp cho người giáo viên dễ dàng di chuyển trên bục giảng và trước bảng để viết xóa thuận tiện.

Các động tác khi đứng cũng dễ biểu đạt hơn lúc ngồi. Khi cần, thầy cô cũng di chuyển về phía học trò của mình. Ở các lớp toàn học trò nhỏ, sự tiếp cận của thầy cô với học trò rất quan trọng, xem học trò có chép bài, làm toán, vẽ... hay không để nhắc nhở, uốn nắn và sửa chữa.

Việc di chuyển qua lại, tới lui trong một không gian hẹp và liên tục cứ tưởng là không đi đâu xa. Nhưng thật ra, nếu đem các đoạn đường đó nối lại, có những giáo viên trong buổi dạy đã đi bộ nhiều km là chuyện thường tình.

Việc “đi bộ” nhiều sẽ gây mệt mỏi, đau nhức xương khớp, nhất là ở bộ phận cổ chân. Biểu hiệu này thường gặp ở những cô thầy mang giày dép cao gót và nhất là giày dép mới mua mang còn chật. Các dấu hiệu khó chịu này sẽ được khắc phục khi thay đổi giày dép đế phẳng, thấp, mềm và không bó chặt bàn chân.

Việc đứng nhiều, dồn trọng lượng cơ thể trên hai chân khiến cho tuần hoàn máu từ hai chi dưới lưu chuyển về tim khó khăn. Máu ứ đọng cục bộ gây cảm giác tê bì, nặng chân và phù chân. Cấu tạo của thành tĩnh mạch mềm mại và khá mong manh dễ bị máu ứ đọng gây giãn thành búi tạo ra bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới. Một số trường hợp, tuần hoàn máu ngưng đọng gây viêm tắc tĩnh mạch chi dưới biểu hiện qua cảm giác đau đớn dữ dội ở chân.

Đề phòng các bệnh lý này xảy ra bằng cách thay đổi tư thế đứng ngồi xen kẻ nhau một cách phù hợp, nghỉ ngơi và xoa bóp chân trong giờ giải lao. Đồng thời lưu ý không mang giày dép quá chật, vì giày dép chật gây tuần hoàn máu khó khăn góp phần làm cho bệnh nặng hơn. Người bị bệnh giãn tĩnh mạch có thể khắc phục bằng cách mang tất thun “ép” cho các tĩnh mạch không bị phình to thành búi.

Theo CAND

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Những bệnh nghề nghiệp mà các nhà giáo cần lưu tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO