Nhà giáo Ưu tú Võ Thị Tuyết Chinh: 'Với nghề giáo, chữ tâm phải đặt lên hàng đầu'

Mỹ Hà 10/03/2024 07:52

(Baonghean.vn) - Gần 30 gắn bó với giáo dục vùng cao, dù ở cương vị giáo viên hay nhà quản lý, cô giáo Võ Thị Tuyết Chinh - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương luôn trăn trở, đau đáu với nghề.

PV: Thưa chị, để được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, một trong các tiêu chuẩn mà người được đề cử cần có là “Tâm huyết, tận tụy với nghề”. Chị có suy nghĩ gì về tiêu chuẩn này?

Nhà giáo Ưu tú Võ Thị Tuyết Chinh: “Tâm huyết, tận tụy với nghề” không phải là tiêu chuẩn mà ta có thể đo, đếm được, nhưng theo tôi, đó là tiêu chuẩn cần có nhất của một Nhà giáo Ưu tú. Với nghề giáo, chữ tâm càng phải đặt lên hàng đầu. Cái tâm chính là lòng yêu trẻ, lòng khoan dung, là đạo đức nghề nghiệp. Đó là tâm huyết, tận tụy với công việc, làm việc có trách nhiệm. Giáo viên có tâm huyết, tận tụy với nghề thì họ sẽ luôn nỗ lực tìm cách để khắc phục những tồn tại một cách hợp lý nhất để đưa lại những giá trị đích thực.

bna-co-giao-vo-tuyet-chinh-va-cac-hoc-tro-vung-cao-tuong-duong-5929.jpg
Cô giáo Võ Thị Tuyết Chinh và các học sinh vùng cao của huyện Tương Dương. Ảnh: NVCC

Một giáo viên không tâm huyết, không gắn bó với nghề thì liệu những giá trị mà họ đưa đến cho các em thực sự có hữu ích, thực sự có hiệu quả hay không? Thiếu sự tâm huyết, tận tụy thì liệu có bám trụ được với nghề giáo hay không? Chính vì vậy, là một Nhà giáo Ưu tú, trước tiên phải là một nhà giáo tâm huyết, tận tụy với nghề.

P.V: Chị đã công tác ở huyện miền núi cao trong thời điểm khó khăn nhất. Vậy trong quãng thời gian đó, đã khi nào chị nghĩ đến việc về xuôi?

Nhà giáo Ưu tú Võ Thị Tuyết Chinh: Tuy huyện miền núi cao không phải là quê hương của tôi, nhưng Tương Dương là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nên tôi luôn xem mảnh đất này là quê hương thứ hai của mình. Gắn bó với giáo dục Tương Dương trong nhiều năm, từ khi đường đi lại còn khó khăn, trường lớp còn tạm bợ, chất lượng đội ngũ, chất lượng học sinh còn nhiều hạn chế. Tôi luôn trăn trở, làm thế nào để giáo dục miền núi có thể khởi sắc. Để làm được điều đó, bản thân tôi luôn suy nghĩ, tìm tòi ra các giải pháp.

nha-giao-uu-tu-vo-tuyet-chinh-257-3332.jpg
Sau gần 30 năm gắn bó với giáo dục vùng núi cao, cô giáo Võ Thị Tuyết Chinh vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Ảnh: NVCC

Niềm vui trong công việc, hòa quyện với lòng đam mê, tôi đã bị cuốn vào vòng xoay đó. Tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi mình luôn bận rộn, luôn trăn trở với nghề. Chính vì vậy, bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mình sẽ về làm việc ở một môi trường khác.

P.V: Chị từng đạt thành tích ấn tượng khi nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh chỉ sau 2 năm làm công tác giảng dạy. Chị có thể chia sẻ về cuộc thi này và giải thưởng khi đó có ý nghĩa như thế nào đối với chị?

Nhà giáo Ưu tú Võ Thị Tuyết Chinh: Khi ra trường, nhận công tác tại một đơn vị cách nhà 10 km. Sáng đạp xe đi, trưa lại đạp về, trên con đường đất cùng bụi và đá dăm. Có lúc xe thủng xăm dọc đường, có lúc lại trượt đá, cả xe và người lộn nhào. Chưa kể những hôm trời mưa rét, trời nắng gắt.

Vì vậy, động lực của tôi lúc đó là làm thế nào để được về gần nhà, bởi theo như lời của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo hồi đó, đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh thì sẽ được ưu tiên sắp xếp nơi công tác theo nguyện vọng. Chính vì vậy, tôi đã đăng ký tham gia kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh ngay năm thứ 2 bước vào nghề.

Trong quá trình tham gia thi, bản thân tôi cũng khá may mắn khi lọt qua vòng lý thuyết và vòng thực hành một cách dễ dàng. Tuy nhiên, khi nhận được thông báo kết quả, tôi cũng khá bất ngờ khi bản thân được xếp loại xuất sắc. Kết quả kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh lần đó, chính là cú hích để tôi tiếp tục tham gia các chu kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh tiếp theo.

Trong suốt 10 năm giảng dạy, tôi đã không bỏ lọt chu kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh lần nào. Đã có lần, tôi chủ quan, vì một lỗi nhỏ nên đã bị trượt.

Nhưng chính vì sự thất bại lần đó, mà tôi lại đặt ra mục tiêu cho thời gian tiếp theo: Phải lấy lại danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh mà mình đã có được. Cho đến khi được Sở Giáo dục và Đào tạo điều động đi chấm thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh thì tôi mới dừng tham gia thi.

NHÀ GIÁO ƯU TÚ Võ Thị Tuyết Chinh

Trong quá trình chỉ đạo chuyên môn, tôi thường hay nói chuyện với giáo viên: Việc tham gia các kỳ thi giáo viên dạy giỏi chính là một cơ hội để được rèn luyện năng lực của bản thân. Bởi sự tích lũy kinh nghiệm từ bản thân, học hỏi qua các đồng nghiệp, bởi sự mạnh dạn, tự tin khi được va chạm các góc độ chuyên môn. Qua mỗi kỳ thi, giáo viên sẽ trưởng thành lên rất nhiều.

bna-thu-vien-be-yeu-cua-hoc-sinh-truong-mam-non-mai-son-8220.jpg
Thư viện trường học của học sinh xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Ảnh: NVCC

P.V: Một trong những khó khăn hiện nay của giáo dục vùng cao đó là tình trạng giáo viên xin về xuôi công tác, trong đó có không ít giáo viên dạy giỏi. Trên góc độ cá nhân và trên góc độ quản lý, chị nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Nhà giáo Ưu tú Võ Thị Tuyết Chinh: Trong nhiều năm qua, tình trạng giáo viên chuyển về xuôi công tác khá nhiều, mà số giáo viên thuyên chuyển phần lớn là những giáo viên đã từng đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, những giáo viên cốt cán của ngành. Xét về góc độ cá nhân thì bản thân cũng nhận thấy, việc lựa chọn môi trường làm việc thuận lợi, tạo điều kiện để bản thân phát triển hơn, cho con cái được học nơi có điều kiện tốt hơn là điều ai cũng muốn.

Tuy nhiên, về góc độ là nhà quản lý, chúng tôi thấy cũng khá chạnh lòng. Mảnh đất Tương Dương đã tôi luyện và giúp họ trưởng thành. Chúng tôi hy vọng họ sẽ là những cánh tay đắc lực trong công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn. Nhưng giáo dục Tương Dương không đủ sức giữ chân giáo viên ở lại.

Để hạn chế tình trạng trên, điều mong muốn của tôi đó chính là sự đãi ngộ thỏa đáng đối với giáo viên vùng cao. Làm sao để giáo viên vùng cao có một môi trường làm việc đảm bảo về cơ sở vật chất, làm sao để cộng đồng xã hội có sự quan tâm thấu đáo đến giáo dục, để giáo viên vùng cao được ở đúng vai trò là người thầy, chứ không phải ôm đồm các việc như một người thợ.

bna-thu-vien-truong-hoc-duoc-xay-dung-than-thien-tai-nhieu-truong-hoc-o-tuong-duong-5488.jpg
Bằng sự nỗ lực, thư viện trường học đã được xây dựng tại nhiều trường học ở huyện Tương Dương. Ảnh: NVCC

P.V: Trên mạng xã hội, chị chia sẻ rất nhiều chuyến đi, nhiều việc làm vừa thiết thực, vừa ý nghĩa mà các giáo viên vùng cao đã dành cho học trò. Phải chăng chính “cái khó ló cái khôn” và đâu là động lực để các chị vượt qua khó khăn?

Nhà giáo Ưu tú Võ Thị Tuyết Chinh: Như tôi đã nói ở trước, điều kiện giáo dục tại huyện miền núi Tương Dương nói riêng, và các huyện vùng khó khăn nói chung còn nhiều khó khăn vất vả. Người giáo viên không chỉ với nhiệm vụ là cầm phấn lên bảng, mà họ còn phải lo bao nhiêu thứ: Đầu tiên đó là lo vận động học sinh đến lớp; lo kêu gọi, lo tìm kiếm kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho trò đến ăn, ở, học hành, lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho trò... với nhiều nỗi lo như vậy, đòi hỏi thầy, cô phải tâm huyết, trách nhiệm, cố gắng để thích nghi với các yêu cầu đặt ra.

bna-hoc-sinh-mam-non-huyen-vung-cao-tuong-duong-nghe-an-2165.jpg
Học sinh Mầm non huyện vùng cao Tương Dương. Ảnh: NVCC

Tôi muốn kể lại câu chuyện về xây dựng thư viện trường học ở các trường. Cách đây 6 năm khi chủ trương mới đưa ra, chúng tôi từng nghĩ rằng, điều này thực sự khó khăn bởi lúc bấy giờ không chỉ phụ huynh, học sinh mà có không ít giáo viên đều chưa nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc trong nhà trường, hoặc nghĩ rằng, điều này là không khả thi vì giá cho một quyển sách là quá đắt so với mức sống vùng cao.

Vậy nhưng, đến khi triển khai, nhà trường và các giáo viên đã hết sức sáng tạo, tâm huyết như xây dựng thư viện mini, thư viện xanh, đưa thư viện về từng điểm trường lẻ, từng thôn bản, đến từng nhà giáo viên để xây dựng môi trường đọc sách cho học trò. Các giáo viên cũng đã kết nối với nhiều tổ chức, nhóm thiện nguyện để vận động, quyên góp mỗi năm được hàng nghìn quyển sách.

bna-co-giao-vo-thi-tuyet-chinh-va-cac-hoc-tro-vung-cao-2180.jpg
Gắn bó với giáo dục vùng cao, cô giáo Võ Thị Tuyết Chinh cho rằng, chữ tâm phải đặt lên hàng đầu. Ảnh: NVCC

Giờ thì ở Tương Dương trường nào cũng có thư viện, phong trào đọc sách lan tỏa đến từng học sinh và cả phụ huynh. Ngoài trường tiểu học, THCS, chúng tôi đang tiếp tục mở rộng đến trường mầm non để xây dựng thư viện trong các nhà trường.

Với nhiều việc làm thiết thực và bằng sự nỗ lực, giáo dục Tương Dương đã có sự chuyển biến tích cực.

Tôi nghĩ rằng, đằng sau những kết quả đó có bóng dáng của cô, thầy. Có lẽ, các thầy, cô giáo cũng như bản thân tôi, ngoài việc đi làm để lo kinh tế gia đình, động lực để bám trụ và làm tốt các công việc của nhà giáo đó chính là niềm vui trong công việc, ý nghĩa của những việc mình làm đưa lại, và là giá trị của một nhà giáo khi được trân trọng.

Nhà giáo ưu tú VÕ Thị Tuyết Chinh

P.V: So với các huyện đồng bằng, miền xuôi, giáo dục vùng cao đang còn nhiều khoảng cách với nhiều lý do khác nhau. Với chị, hơn 30 năm gắn bó, điều chị trăn trở nhất là gì. Ngoài lý do khách quan, theo chị còn lý do nào khác?

Nhà giáo Ưu tú Võ Thị Tuyết Chinh: Tương Dương vẫn là một huyện nghèo, điều kiện kinh tế của người dân còn quá nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhân lực ngày càng mỏng, bởi giáo dục Tương Dương chưa đủ sức để thu hút nhân tài. Trong khi đó, nhiều sinh viên ra trường về không có việc làm. Đa số người trong độ tuổi lao động phải đi làm ăn xa, một số ít, sau khi học ngành nghề xong cũng lập nghiệp nơi đất khách. Họ xem việc học hết THCS, THPT không phải là con đường duy nhất để kiếm tiền.

Vì vậy, nhiều em học sinh không mặn mà với việc học, dẫn đến tình trạng bỏ học giữa chừng chưa giải quyết dứt điểm. Chính vì vậy, điều trăn trở lớn nhất của bản thân tôi đó chính là sự phát triển bền vững của giáo dục Tương Dương.

Làm sao có đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu cho công tác dạy - học, làm sao để thu hút, níu giữ được giáo viên, làm sao để các em học sinh có động lực học tập. Có như vậy, giáo dục Tương Dương nói riêng, giáo dục vùng cao nói chung mới có sự phát triển bền vững.

bna-co-giao-vo-thi-tuyet-chinh-giua-va-cac-hoc-sinh-o-truong-mam-non-tam-hop-5995.jpg
Những chuyến về cơ sở giúp cô giáo Võ Thị Tuyết Chinh hiểu và chia sẻ hơn với những khó khăn của các thầy cô cắm bản. Ảnh: NVCC

P.V: Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú có ý nghĩa như thế nào với chị? Bản thân chị tâm niệm như thế nào để xứng đáng với sự vinh danh này?

Nhà giáo Ưu tú Võ Thị Tuyết Chinh: Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú không chỉ là một danh hiệu cao quý đối với bản thân tôi mà là sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với nghề giáo. Đây là động lực rất lớn để tôi tiếp tục cống hiến. Tuy nhiên, tôi sẽ không lấy đó làm tự mãn, mà luôn tự nhắc nhở bản thân, ngày càng phải có trách nhiệm hơn để tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục, cho quê hương, đất nước./.

Mới nhất
x
Nhà giáo Ưu tú Võ Thị Tuyết Chinh: 'Với nghề giáo, chữ tâm phải đặt lên hàng đầu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO