Những "bông hoa" nở trong khốn khó

12/10/2014 15:28

(Baonghean) - Hai em học trò nghèo, không may mắn, đằng sau các em là những câu chuyện dài về số phận những người thân và sự vượt khó vươn lên. Các em thực sự là những bông hoa nở trong gian khó, mang đến cho chúng ta những ngẫm suy về nghị lực và sự chia sẻ…

Cô bé chăn trâu thuê

Chúng tôi tìm thăm nhà em Đậu Thị Kim Oanh ở xóm 5, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu vào một buổi chiều cuối tháng 9, đúng vào lúc Oanh đang chuẩn bị đi chăn trâu thuê cho người hàng xóm. Bà Trần Thị Liễu, bà ngoại Oanh, biết có khách vào thăm, gượng ngồi dậy tựa người vào thành giường. Vừa nhắc tới chuyện con gái, nỗi đau của người mẹ dường như lại vỡ òa...

Công việc hàng ngày của Oanh.
Công việc hàng ngày của Oanh.

Khi cơn xúc động qua đi, bà Liễu bình tĩnh kể lại chuyện xảy đến với con gái mình là chị Mai Thị Hà cách đây hơn một năm. Khoảng 7 giờ sáng, ngày 21 tháng 9 (năm 2013), lúc ấy trời đã ngớt mưa, chị Hà chạy ra chuồng trâu che chắn và lấy xe đạp ra để cháu Oanh đi học. Vừa dắt xe đạp ra khỏi chuồng trâu, bất ngờ một cơn gió mạnh thổi tới kèm theo mưa lớn, khiến chuồng trâu đổ sập. Nghe tiếng động lớn bà Liễu từ trong nhà chạy ra sân, thấy chị Hà bị một thanh bê tông đập vào sau gáy nằm bất tỉnh trên vũng máu loang lổ, còn cháu Oanh thì bị ngói đè lên người ngất xỉu. Chứng kiến cảnh tượng bi thảm đó, bà Liễu như bấn loạn, khóc gào gọi con cháu, tỉnh dậy rồi lại ngất đi. Tuy đã được bà con lối xóm đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng do vết thương ở đầu quá nặng chị Hà đã tử vong. Cháu Oanh được đưa vào Trạm xá Quỳnh Hoa cấp cứu, vừa qua được cơn nguy kịch lại phải chịu tang mẹ!

Ngày ấy, chị Mai Thị Hà vì không chồng nên đã bỏ ngoài tai mọi điều ong tiếng ve của người đời, để kiếm cho mình một mụn con, những mong được cậy nhờ khi tuổi già đến. Năm 2000 bé Đậu Thị Kim Oanh cất tiếng khóc chào đời trong nỗi mừng tủi của cả hai người mẹ. Nhưng rồi, cảnh mẹ già con dại, mọi gánh nặng trong gia đình đè oằn đôi vai chị. Hơn 1 sào ruộng khoán, lúa không đủ ăn hết mùa. Chị phải thuê mượn thêm đất ruộng của người làng, chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm. Nông nhàn chị lại lên rừng đốn củi, làm thuê, làm mướn kiếm thêm đồng ra, đồng vào, bà cháu mẹ con sống qua ngày. Rồi năm 2008 bà Liễu mẹ chị Hà lên cơn tai biến mạch máu não, bị liệt nửa người phải nằm một chỗ. Cuộc sống của cả ba con người dưới mái nhà lụp xụp càng thêm túng bấn và cùng quẫn. Nhưng cảnh nghèo, cảnh khổ và nỗi bất hạnh không dừng lại ở đó...

Từ ngày mẹ mất, bà ngoại đau ốm triền miên, bé Oanh phải một mình bươn chải, chống chèo. Ngoài một buổi đến trường mỗi ngày, cô nữ sinh mồ côi lại tất tả giúp bà làm lúa trong vườn. Mùa vừa xong, em lại lên rừng đốn củi, rồi đi chăn trâu thuê, tranh thủ mò cua bắt ốc đem về bán lấy tiền mua sách vở. “Họa hoằn lắm các dì trong Nam mới gửi về cho cháu một trăm, dăm chục gọi là, tôi lại đau ốm quanh năm ngồi một chỗ... cũng may là cháu nó ham học nhưng gia cảnh thế này không biết rồi...”, bà ngoại Oanh nói trong nước mắt.

Thiếu thốn đủ bề nhưng nhiều năm liền Oanh đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Oanh cho biết, em học khá nhất môn Sinh học và đang nuôi ước mơ trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho bà ngoại. Năm học vừa qua, em đã được Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Quỳnh Lưu tặng giải Nhất môn bóng đá nữ THCS.

Hiện tại Oanh và bà ngoại đang sống trong căn nhà cấp 4 thấp tè, xập xệ, rui mè đã mục nát, có thể đổ ập bất cứ lúc nào. Trong nhà chẳng có cái gì đáng giá ngoài chiếc giường gỗ ọp ẹp. Ngoài 1 sào đất lúa, bà cháu Oanh không còn biết nhìn vào đâu. Ông Mai Văn Tâm, xóm trưởng xóm 5, xã Quỳnh Hoa cho biết: “Gia cảnh bà cháu Oanh rất đáng thương. Từ ngày chị Hà lâm nạn qua đời, chính quyền và các đoàn thể xóm cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên nhưng cũng không giúp đỡ được nhiều về vật chất cho hai bà cháu”.

Cậu trò giỏi không…nhà!

Tìm về xóm Chí Thành, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, chúng tôi không khỏi chạnh lòng về gia cảnh của một cậu học trò có thành tích học tập đứng vào tốp đầu toàn khối 7, năm học 2013 – 2014 của Trường THCS Quỳnh Bảng.

Mẹ của em là chị Nguyễn Thị Lộc, sinh năm 1970, trú tại xóm Chí Thành, xã Quỳnh Bảng. Năm 1997, chị Lộc lấy chồng tận đâu trong Kiên Giang. Năm 2001, con trai đầu lòng của chị chào đời, đặt tên là Hồ Sĩ Sâm. Sau nhiều năm, cuộc sống gia đình không hạnh phúc, năm 2004 chị Lộc quyết định ly hôn.

Chị Nguyễn Thị Lộc  và con trai Hồ Sỹ Sâm trong căn nhà tạm bợ.
Chị Nguyễn Thị Lộc và con trai Hồ Sỹ Sâm trong căn nhà tạm bợ.

Người đàn bà lỡ dở một lần đò ôm con về tá túc nhà ngoại từ đó. Nhờ có bố mẹ đẻ đỡ đần, chị sớm khuya làm thuê, cuốc mướn rồi chạy chợ lần hồi mưu sinh. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, bố chị Lộc tuổi cao sức yếu qua đời, mẹ chị ngấp nghé tuổi 90 tóc bạc, lưng còng không thể đỡ đần, giúp đỡ con cháu được nữa. Cậu em trai của chị cũng đã lớn, đến tuổi lập gia đình. Nhà ngoại không còn đủ điều kiện để mẹ con chị nương nhờ. Giữa lúc hai mẹ con đang bơ vơ chưa biết đi đâu về đâu, thì thật may có người họ hàng cho mẹ con chị ở nhờ ngôi nhà mà họ bỏ hoang từ nhiều năm nay!

Bao nhiêu vốn dành dụm được, chị Lộc đổ cả vào việc tu sửa nhà cửa. Nhìn căn nhà cấp 4 đơn sơ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp không ai có thể ngờ được cách đây bốn năm, khi mẹ con chị chưa dắt díu về đây, nó chỉ là một ngôi nhà hoang phế. “Ngói bị bể gần hết, nền nhà lại thấp nên cứ mỗi lần mưa xuống là ngập, lội bì bõm... Ở trong nhà cũng không khác chi ngoài trời. Chuột bọ, rắn rết nhiều vô kể...”, chị Lộc nhớ lại.

Ngồi nhẩm tính một lát, chị Lộc buông một tiếng thở dài: “Hai lần sửa nhà rứa là mất 25 triệu... Chị phải liều đến ngân hàng vay mới có tiền sửa nhà mà ở ...”.

Hơn ba năm nay hai mẹ con chị không quản nhọc nhằn, thuê mượn hơn 300m2 đất trồng màu, chăm bẵm đàn lợn gà. Chị cứ nghĩ “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, mình cần cù, chịu khó làm ăn rồi cuộc sống sẽ khác đi. Ai ngờ chăm cây đến ngày hái quả thì ... gà, vịt chết cả đàn, con lợn nái mới đẻ được một lứa vừa chết, con bò cái đẻ - tài sản cuối cùng của hai mẹ con chị cũng “đội nón” ra đi. “Bao nhiêu vốn liếng, công sức của mình rứa là thành muối bỏ biển rồi”, đôi mắt trũng sâu, mỏi mệt của chị Lộc ngân ngấn những giọt nước mắt.

Khó khăn lại càng thêm chất chồng khi cứ năm bữa nửa tháng, người họ hàng của chị Lộc lại tìm đến đòi…nhà. Những đợt sóng dữ liên tiếp kéo đến bủa vây mẹ con người đàn bà khốn khổ. “Biết là ở đậu khổ sở quá nhưng giờ mẹ con chị không còn biết đi đâu, về đâu...”, chị Lộc nghẹn ngào.

Thiếu thốn đủ bề vậy mà từ 7 năm nay, cậu bé Hồ Sĩ Sâm con trai chị Lộc (hiện đang học lớp 8A, Trường THCS Quỳnh Bảng) luôn là học sinh khá, giỏi. Cậu học trò nghèo, nhỏ thó và đen nhẻm ấy không có nổi một góc học tập cho riêng mình. Mỗi khi học bài, Sâm đều phải ngồi chồm hỗm trên giường. Những lúc mỏi quá em lại bắt đầu nằm bẹp, cắm cúi và say sưa như chưa từng có những ngày “bão gió” vừa qua.

Nhìn con học bài, những giọt nước mắt mặn mòi chua xót của người mẹ lại lăn dài trên má. Chị ngậm ngùi: “Thấy cháu sáng dạ, thông minh chị cũng mừng nhưng chị tính chỉ cho cháu học hết lớp 9 thôi...”.

Để nuôi tiếp giấc mơ đi học cho các em, thiết nghĩ, không chỉ ở nghị lực của chính các em và gia đình, mà cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng.

Nguyễn Hòe

Mới nhất
x
Những "bông hoa" nở trong khốn khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO