Những "bông hồng vàng"...

15/09/2015 11:32

(Baonghean) - Sau 5 năm thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới (2010 - 2015) và Nghị quyết 11 - NQ/CP ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ năng động tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực khác nhau, họ góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của quê hương. Họ là những “bông hồng vàng” ngát hương sắc...

Làm giàu từ nghề truyền thống

Sản phẩm nước tương của gia đình chị Lê Thị Hương.
Sản phẩm nước tương của gia đình chị Lê Thị Hương.

Được sự giới thiệu của Hội Phụ nữ xã Nam Nghĩa (Nam Đàn), chúng tôi đến thăm mô hình làm kinh tế giỏi của gia đình chị Lê Thị Hương, ở xóm 11. Xuất thân từ nghề nông, lại không có nghề phụ trong tay nên mọi khoản chi tiêu chỉ trông vào 5 sào ruộng khoán, kinh tế gia đình lúc bấy giờ hết sức khó khăn. Năm 2006, được cán bộ xã tuyên truyền chủ trương của Nhà nước về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện chuyển đổi ruộng đất làm kinh tế trang trại, chị bàn bạc với chồng làm đơn vay vốn 120 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua 4 con trâu, 5 con lợn nái cùng hơn 300 con gà ri... Đặc biệt, khi xem chương trình "Bạn của nhà nông", thấy ở tỉnh bạn giới thiệu mô hình làm giàu từ trồng rau ngót, năm 2010 chị quyết định chuyển đổi 4 sào đất vườn đang trồng cây ăn quả sang trồng rau ngót cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện. Năm đầu tiên chị không cắt bán, chỉ để nuôi cây và nhân giống. Không bao lâu, vườn nhà chị đã phủ kín một màu xanh của rau ngót; hiện trung bình một ngày cắt bán khoảng 50 - 60 bó, với giá bán trung bình 3 ngàn đồng/bó, có những thời điểm rau xanh khan hiếm giá tại vườn lên đến 5 ngàn đồng/bó.

Chị Lê Thị Hương cho hay: "Rau ngót khoảng 1 tháng lại cho thu hoạch 1 lần, bình quân 1 sào cho nguồn thu khoảng 4 triệu đồng. Đặc điểm của cây rau ngót là ít bị sâu bệnh, hầu như không phải dùng đến thuốc trừ sâu, rau an toàn đối với người tiêu dùng. Để rau xanh, lá dày, to, ngoài bón phân chuồng và bón lót NPK phải thường xuyên tưới nước. Từ đầu năm 2014, tôi đã đầu tư hơn 10 triệu đồng để lắp giàn tưới phun sương cho cây rau ngót. Nay vườn rau lúc nào cũng đủ ẩm nên luôn xanh non mơn mởn ".

Xuất phát từ nhu cầu của các nhà hàng kinh doanh thịt me Nam Nghĩa trên địa bàn xã, năm 2010, chị Hương đã khôi phục lại nghề sản xuất tương truyền thống của gia đình. Trước đây, nếu như làm tương chỉ coi là nghề phụ bên cạnh việc đồng áng, thì từ 3 năm trở lại đây đã trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình chị. Hiện 1 năm chị sản xuất khoảng 60 chum tương, mỗi chum được 100 lít, cung cấp cho các nhà hàng, cơ sở kinh doanh thịt me trên địa bàn xã, huyện; trừ chi phí cho nguồn thu hơn 40 triệu đồng.

Từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp mỗi năm gia đình chị Hương thu lãi trên 120 triệu đồng. Kinh tế gia đình ổn định, chị đã có điều kiện chăm lo cho các con ăn học nên người. Hiện 3 con của chị đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, còn cậu con trai út cũng chuẩn bị tốt nghiệp Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội. Điều đáng nói là chị không chỉ vun vén cho cuộc sống riêng của mình, những kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt chị luôn chia sẻ, giúp đỡ các hội viên.

Ngọc Anh

Nữ khối trưởng tận tụy

Bà con khối Đóng, phường Quang Phong (TX. Thái Hòa) nạo vét làm mương, vệ sinh đường nội khối.
Bà con khối Đóng, phường Quang Phong (TX. Thái Hòa) nạo vét làm mương, vệ sinh đường nội khối.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghĩa Quang và nay là phường Quang Phong (TX. Thái Hòa), chị Nguyễn Thị Anh (SN 1968) sau một thời gian hoạt động ở cơ sở, năm 2005 được bà con trong khối tín nhiệm bầu làm khối trưởng. Lúc đó chị mới 36 tuổi và là khối trưởng nữ duy nhất, trẻ nhất của xã Nghĩa Quang, huyện Nghĩa Đàn.

Những năm đầu làm xóm trưởng, chị gặp không ít khó khăn, thách thức. Khối Đóng có 143 hộ dân thì có tới 124 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 87%). Bên cạnh đó, mặc dù đã lên phường nhưng khối Đóng thực chất vẫn là xóm nông nghiệp thuần túy, tập trung, tư liệu sản xuất, trình độ canh tác còn yếu kém, lạc hậu; chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu theo hướng tận dụng tự cung, tự cấp là chính. Nhận thức rõ những khó khăn thách thức đó, hàng quý, hàng năm, căn cứ vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, nghị quyết của HĐND phường, chị cùng chi bộ đưa ra những nghị quyết chỉ đạo phù hợp, sát đúng thực tế. Cùng với nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình, sự nhiệt tình và năng nổ của chị cùng với Ban cán sự khối đã góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, tạo đà để kinh tế - xã hội phát triển. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên đạt 15,62 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7%, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững….

Đặc biệt, từ năm 2012 - 2014, thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị văn minh, vận động người dân tham gia hiến đất, hiến kế, hiến công làm đường giao thông nông thôn, khối đã vận động được 38 hộ dân hiến 4.900m2 đất, trong đó có 3.000m2 đất thổ cư, 1.900m2 đất sản xuất nông nghiệp, hiến 286 cây gỗ quý và cây ăn quả, 150m tường rào trị giá hàng trăm triệu đồng, 200 ngày công và 650 triệu đồng tiền mặt. Từ toàn đường đất sỏi cát, đến nay các tuyến đường liên gia trong khối cơ bản đã được bê tông hóa. Chị Anh vui vẻ kể: “Chỉ hơn 1 km từ ngã tư đường liên khối vào, nếu nhân dân có cuộc sống khấm khá thì quá đơn giản, đằng này người dân còn nghèo nên ban cán sự phải vất vả hơn, phải khéo vận động thì mới được như hôm nay…”. Quả thực, để làm được đường bê tông, ban cán sự khối phải tỏa đi xuống tận từng hộ để tuyên truyền, vận động. Đến ngày khởi công, động thổ chưa thu được đồng nào. Hai chiếc máy trộn bê tông, chị cũng phải chạy vay tiền để mua, một mặt để có phương tiện chủ động trong quá trình thi công, mặt khác tiết kiệm được chi phí làm đường.

Không chỉ tích cực trong các hoạt động xã hội, chị Anh còn là người phụ nữ “Đảm việc nhà”. Hiện nay, 2 người con đã thoát ly đi làm ăn xa, nhà chỉ 2 vợ chồng nhưng vẫn tham gia sản xuất gần 3 ha mía, ngô, lúa, chăn nuôi 4 con trâu, 4 con lợn nái và hàng trăm con gà, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Chị đã được thị xã và phường tặng thưởng nhiều Giấy khen về thành tích vận động bà con làm ăn, phát triển kinh tế...

Hoàng Thủy

(Ban Tuyên giáo Thị ủy Thái Hòa)

Giỏi việc nước, đảm việc nhà

Gia đình bà Phạm Thị Tuyết, xóm 9A, xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) được nhiều người nhắc đến bởi nếp sống “tứ đại đồng đường” đầm ấm, hòa thuận được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Với vai trò của một người bà, người nội trợ chính của gia đình, bà Phạm Thị Tuyết luôn gương mẫu, tận tụy với công việc, hết lòng chăm lo cho chồng con, đồng thời làm tròn trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng nhờ sống trong gia đình có nề nếp, luôn luôn hòa thuận và được chăm sóc chu đáo nên 2 cụ cố hiện nay vẫn khỏe mạnh, minh mẫn truyền dạy được nhiều kinh nghiệm cho con cháu.

Bà Phạm Thị Tuyết chia sẻ: Về làm dâu đến nay đã gần 40 năm, mặc dù 4 thế hệ cùng sống trong một gia đình nhưng hiếm khi nào hàng xóm nghe thấy các thành viên trong gia đình to tiếng hoặc mâu thuẫn. Để làm được điều đó, bản thân bậc làm cha, làm mẹ phải luôn gương mẫu, các thành viên trong gia đình phải “trên kính, dưới nhường”, biết quan tâm, tôn trọng lẫn nhau, điều quan trọng là biết kiềm chế “cái tôi” ích kỷ để cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình.

Chị Hoa, con dâu thứ 2 của bà Tuyết cho hay: “Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nhiều thế hệ rất phức tạp, mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu nếu không khéo sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn, những lúc đó thì mẹ chồng tôi luôn phân tích cho các con nhận ra đúng, sai và giảng dạy cho con, cháu cần phải đoàn kết gia đình, “trong có ấm thì ngoài mới êm”. Qua đó, các con và các cháu đều nhận ra khuyết điểm của mình để sửa. Với cách sống, cư xử chan hòa đó mà gia đình bà Tuyết chẳng mấy khi thiếu vắng tiếng nói cười vui vẻ. 3 người con đều ngoan ngoãn, trưởng thành, biết thương yêu, quý trọng ông bà, cha mẹ.

Không chỉ là người con dâu hiếu thảo, người mẹ đảm đang, người bà chăm sóc dạy dỗ cháu chu đáo, bà Tuyết còn là tấm gương điển hình trong hoạt động hội phụ nữ của Diễn Châu. Được chị em tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ xóm 9A từ năm 1990. Lúc bấy giờ, tỷ lệ gia đình sinh con thứ 3 trở lên của xóm chiếm tới hơn 40%, hộ nghèo trong hội viên cũng ở mức 35%. Những khó khăn đó thôi thúc bà Tuyết ngày đêm trăn trở tìm ra hướng tháo gỡ cho phong trào hội. Tranh thủ những buổi sinh hoạt hội, bà đã lồng ghép tuyên truyền đến từng hội viên về kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc. Một số gia đình đông con quá khó khăn bà còn mang cho gạo, rồi khéo léo vận động đưa đến trạm y tế thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Với cách làm không ngại khó của bà Tuyết mà xóm 9A, 5 năm liền (từ năm 2005 - 2010) không có người sinh con thứ 3 trở lên và từ năm 2010 - 2015 cũng chỉ có 2 gia đình sinh con thứ 3.

Để nâng cao thu nhập cho gia đình cũng như làm gương cho chị em trong xóm có cách thâm canh mới trên đồng ruộng, mỗi khi xã có chủ trương áp dụng các giống cây trồng mới bà đều tiên phong thử nghiệm đầu tiên. Nhờ đó mà 7 sào ruộng màu chuyên trồng lạc, vừng, ngô của gia đình bà luôn cho năng suất cao. Từ kinh nghiệm học hỏi được bà tích cực tuyền đạt lại cho chị em trong xóm áp dụng. Hiện nay thu nhập mỗi héc tác đất màu ở đây đã đạt tới hơn 100 triệu đồng/năm. Gia đình bà luôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa mẫu mực. 25 gắn bó với công tác Hội, bà đã đưa phong trào Chi hội phụ nữ xóm 9A luôn là đơn vị dẫn đầu mọi phong trào của xã và hàng năm đều đạt tiên tiến xuất sắc. Nhiều năm liền bà được Hội LHPN tỉnh, huyện tặng Giấy khen, được biểu dương là điển hình phụ nữ tiên tiến của tỉnh và là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm./.

Mai Giang

(Đài Diễn Châu)

Mới nhất
x
Những "bông hồng vàng"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO