Những bức thư thời chiến
(Baonghean) - Trong Bảo tàng Quân khu 4 (Thành phố Vinh) giữa thời bình. Những bức thư đã được viết cách đây nhiều năm, chúng có thể được viết bằng những nét chữ nắn nót hay vội vàng, trên những trang giấy trắng hay vàng ố, vẹn nguyên hay rách nát, có thể được gói trong những bì thư giản đơn hay có nhiều hình vẽ trang trí…, nhưng tất cả đều khiến chúng ta xúc động đến rơi nước mắt!
(Baonghean) - Trong Bảo tàng Quân khu 4 (Thành phố Vinh) giữa thời bình. Những bức thư đã được viết cách đây nhiều năm, chúng có thể được viết bằng những nét chữ nắn nót hay vội vàng, trên những trang giấy trắng hay vàng ố, vẹn nguyên hay rách nát, có thể được gói trong những bì thư giản đơn hay có nhiều hình vẽ trang trí…, nhưng tất cả đều khiến chúng ta xúc động đến rơi nước mắt!
Chị Bùi Thị Ngọc, cán bộ Bảo tàng Quân khu 4, dẫn chúng tôi vào Phòng trưng bày di vật liệt sỹ. Là người thường xuyên giới thiệu các hiện vật cho khách thăm Bảo tàng, chị nhớ đến từng chi tiết gốc tích hay các thông tin có liên quan của từng hiện vật, từng bức thư. Chị Ngọc cho biết, hầu hết các di vật liệt sỹ trong Bảo tàng được thu gom từ nhiều năm nay, sau các đợt quy tập mộ liệt sỹ hoặc do người thân, người nhà các liệt sỹ trao tặng. Đó là các chiến sỹ chiến đấu trên nhiều mặt trận, nhưng chủ yếu là từ chiến trường Lào. Nhiều di vật Bảo tàng có được là do nhân dân nước bạn Lào yêu quý và biết ơn các liệt sỹ đã chôn cất cùng hoặc giữ lại thờ cúng. Trong các di vật ấy, những bức thư chính là bầu tâm tình, là nhật ký, là chứng nhân…, và giờ đây là người kể chuyện chân thực nhất cho chúng ta, để chúng ta hiểu được những điều từ quá khứ dội về, những điều mặc sự tàn ác của chiến tranh hay sự nhẫn tâm của thời gian vẫn không bị lãng quên.
Gây ấn tượng với chúng tôi là 136 bức thư của liệt sỹ Nguyễn Anh Mậu, chiến sỹ Đoàn 559 thuộc một đơn vị vận tải Trường Sơn. Những bức thư này được gửi cho vợ là chị Hoàng Thị Síu ở Hưng Yên, người vợ trẻ mới cưới, được viết trong khoảng thời gian 1963 – 1968. Ngoài thư, Bảo tàng còn giữ cả nhật ký của anh Mậu. Điều đặc biệt là cuốn sổ do Chi đoàn tặng nhân ngày cưới của anh với chị Síu, trong đó còn lưu lại bút tích của anh với những lời “giao ước” yêu thương cùng chị. 136 bức thư, mỗi bức được gửi từ một địa chỉ khác nhau dọc đường chiến trường, lúc ở Bắc Ninh, lúc Hà Nội, khi Quảng Bình, khi ở Huế… Những con tem khác nhau, thậm chí có những bì thư mà tem là do chính tay người lính vẽ, vậy mà thư vẫn đến tay chị, người đàn bà đang đau đáu chờ đợi phía hậu phương. Người đưa thư nào đó đã lặng thầm làm cái việc tốt đẹp ấy, để ở chiến trường bão lửa và hậu phương xa xôi, anh chị vẫn gửi được đến nhau những lời yêu thương. Trong một bức thư, anh Mậu viết: “Síu ạ! Vì chiến tranh chúng mình có bị thiệt thòi mọi mặt, nhất là về tình cảm em nhỉ? Đó là tất nhiên em ạ. Trong giai đoạn lịch sử vĩ đại này, việc giải phóng miền
Cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 giới thiệu về 136 bức thư của liệt sỹ
Nguyễn Anh Mậu
Những bức thư với những nét chữ mềm mại, nắn nót của anh Mậu được người vợ gom giữ với tất cả yêu thương, mong chờ khắc khoải. Song anh đã hy sinh sau khi đã gửi tới chị hàng trăm bức thư tràn đầy nhớ nhung và khát vọng gặp mặt. Chị giữ lại toàn bộ thư của chồng, thống kê cụ thể số lượng thư nhận được trong khoảng thời gian 6 tháng hay 1 năm, cất riêng một góc để tưởng nhớ anh. Rồi chị viết lời vĩnh biệt anh với tất cả đau đớn. Sau này, chị Síu đi bước nữa, sinh 3 đứa con và sống một cuộc sống giản dị như bao người khác, nhưng chị vẫn luôn dành một góc thiêng liêng nhất trong tâm hồn mình cho người chồng đã hy sinh. 136 bức thư được chị Síu trân trọng giữ gìn cho đến khi trao tặng lại Bảo tàng cách đây 4 năm. Đó là lần chị nằm viện và tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Tiến, cán bộ Bảo tàng. Qua chuyện trò tâm sự, chị Tiến đề nghị chị Síu trao lại cho Bảo tàng những bức thư. Và rồi 136 bức thư cùng chuyện tình của chị đã trở thành một trong những câu chuyện cảm động trong Phòng trưng bày di vật liệt sỹ của Bảo tàng.
Trong phòng còn trưng bày bức thư của liệt sỹ Đậu Sỹ Hùng, sinh năm 1941, nhập ngũ tháng 4 năm 1959, cấp bậc Chuẩn úy, Trung đội phó đơn vị C2D45764, quê ở Đông Hiền, Công Thành, Yên Thành, Nghệ An, hy sinh ngày 7/6/1967 tại mặt trận phía Nam, hài cốt được tìm thấy ở bản Mây, xã Tà Ria, Sepôn, Xavanakhet, Lào. Đó là thư anh Hùng viết cho vợ là chị Nguyễn Thị Lâm: “Anh ra đi có hy sinh tính mạng cho Tổ quốc thì em cũng phải can đảm bớt đau khổ, đừng khóc lóc buồn nản. Em thay anh dạy dỗ con, để có người nối nghiệp. Giọt máu đầu tiên của anh và em cũng có thể là giọt máu cuối cùng. Đó là lẽ dĩ nhiên trong cuộc sống của những người lính chiến đấu. Nếu anh có chết đi em nhớ sau này nói cho con nghe về người cha của nó chưa bao giờ nhìn thấy. Em cố gắng giữ bức thư này cho đến ngày thống nhất nếu anh còn về với mẹ con em. Nếu không, bức thư này em sẽ giữ mãi cho tới khi con khôn lớn, em giao lại cho con.
Em yêu, kể từ tháng này anh sẽ gửi về cho em mỗi tháng một lá thư. Nếu vắng đi vài ba tháng không gửi thì coi như anh vừa có việc xảy ra không lành. Và nếu mỗi khi bắt được thư thì em sẽ viết ngay thư trả lời em nhé!...”.
Những người lính, dù ở chiến trường nào, trong thời điểm lịch sử nào, luôn tâm niệm hy sinh cho Tổ quốc là chuyện bình thường, cái chết là lẽ tất yếu của chiến tranh và là vinh quang cho những người sống vì lý tưởng cao đẹp. Trong thư gửi người thân, các anh thường dự cảm trước những chuyện không lành xảy ra cho mình, nhưng luôn luôn ở đó rạng ngời một niềm tin vào một ngày chiến thắng.
Trong Bảo tàng còn trưng bày nhiều di vật khác như sổ tay, mảnh lược, mảnh võng dù, tấm thiệp… Đâu đó trên các di vật ấy còn khắc những cái tên, những lời nói yêu thương, những dòng trăng trối. Đó cũng giống những bức thư, mặc dù không được gửi đi nhưng là những điều các anh muốn nhắn nhủ người thân của mình. Có lẽ ai đến thăm Bảo tàng cũng phải rơi nước mắt khi đọc được những dòng chữ cuối cùng của liệt sỹ Cao Cự Thìn. Đó là trang cuối trong nhật ký của anh: “Em không thể sống được. Chào mẹ, anh, cháu”. Dưới đó là những vệt máu còn hằn rõ cả đường vân tay. Anh đã viết dòng ấy khi những hơi thở cuối cùng đang hắt xuống. Đó là bức thư ngắn nhất và cũng đau xót nhất.
Chị Ngô Thị Nga - một cán bộ khác của Bảo tàng tiếp tục dẫn chúng tôi sang thăm các kho trưng bày kỷ vật. Trong hàng trăm, hàng ngàn bức thư mà các cán bộ Bảo tàng có được, ngoài những bức gửi cha mẹ, gia đình, có rất nhiều thư gửi cho vợ hay người yêu. Tình yêu đã giúp người chiến sỹ quên đi mọi khó khăn nhọc nhằn và cả sự đe dọa của cái chết để chiến đấu, hy vọng và tin tưởng. Trên cái nền xám xịt của chiến trận, trên gam màu tàn khốc của chết chóc, họ - những người lính đã thề nguyện cống hiến hết lòng cho lý tưởng cao đẹp - vẫn dành một góc trong tâm hồn mình để yêu, để nhớ, để khát vọng. Chính nhờ tình yêu, lý tưởng của họ càng trở nên sáng ngời, ý chí của họ càng mạnh mẽ, và đời sống tinh thần của họ như được xông hương.
Chúng tôi được đọc bức thư dài hàng chục trang của người lính Phạm Xuân Sinh, sinh năm 1937, quê ở Thanh Long, Thanh Chương, Nghệ An, hiện trú tại khối 8 phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh. Anh Sinh nhập ngũ năm 1961, trong một lần về phép đã tình cờ gặp và yêu chị Lê Thị Kim Dung. Trở lại chiến trường, mang theo trong tim hình ảnh người con gái dịu hiền, anh Sinh viết một bức thư chan chứa tình cảm gửi cho chị Dung lúc đó đang học tại Trường Cơ điện Thái Nguyên. Bức thư nhắc lại những cuộc gặp mặt dù ít ỏi nhưng có ý nghĩa quyết định đối với cuộc sống riêng của cả hai người. Ngày 17/5/1964, lời yêu đã được nói vào “một đêm trời đầy sao, trăng non mới ló, quênhà đang gặt vụ chiêm”. Đêm thứ hai là đêm của chờ đợi, và đến đêm thứ ba, khi hai người vừa áp mái đầu để cùng “gội ánh trăng” thượng tuần thì nghe thấy tiếng trống báo động, đành phải “hai đứa ra sân đình, cùng dân quân tập họp”. Sau đó anh ra trận. Thư viết đề ngày 26/3/1969 là thời điểm yêu nhau được gần 5 năm nhưng 3 năm qua hai người chưa gặp lại. Bởi vậy mà trong thư anh viết: “Gần 5 năm chúng ta chưa được gần nhau trọn một tuần trăng”. Anh còn viết: “Từ trận địa phòng ngừ của một đơn vị, anh viết thư này gửi em. Lẽ ra để lúc khác có thời gian lại viết, nhưng anh nghĩ nên tranh thủ viết ngay thư cho em trên mảnh đất đang rực khói lửa do bom đạn này thì hay hơn”. Trong bức thư này, người lính đã nói về đồng đội mình bằng những lời đẹp nhất. Anh ca ngợi những người lính trẻ mười tám đôi mươi dám xả thân hy sinh vì Tổ quốc, anh gọi họ là hoa của đất. Anh cũng tự nhận thức về mình, về sự trưởng thành của mình sau khi đã trải nghiệm những đau đớn và gian khổ do chiến tranh mang lại. Nếu như 18 năm trước, khi giặc Pháp tàn phá gia đình và quê hương anh, anh mới chỉ là cậu bé 12 tuổi ôm lấy xác bà ngoại mà khóc lặng, thì giờ đây, khi biết tin giặc Mỹ đang giày xéo tại quê nhà, anh đã là người lính vững vàng tay súng và sẵn sàng chiến đấu…
Bước vào không gian ấy của Bảo tàng Quân khu 4, tôi cảm thấy như đang phải đối diện với một ánh nhìn. Đó có thể là ánh nhìn từ quá khứ, từ lịch sử, thăm thẳm trầm buồn và tin cậy, linh thiêng, còn có thể là ánh nhìn từ chính tôi, buộc mình đối diện với mình. Đã nhiều lần đến thăm Bảo tàng rồi mà lần nào ra về, tôi cũng nghĩ sẽ còn phải quay trở lại...
Phạm Thùy Vinh