Những “bước đi” bền vững để phát triển công nghiệp nông thôn

15/08/2013 10:18

(Baonghean) - Nhiều năm qua, Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực nông thôn (KVNT) nhằm tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Nhưng đến nay kết quả đạt được còn rất khiêm tốn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 cụm công nghiệp (CCN) đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, với tổng diện tích quy hoạch 467 ha. Trong đó, có 12 CCN đã đầu tư tương đối hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 185,8ha. Có 10 CCN đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đang thực hiện đầu tư xây dựng. Các CCN này đã thu hút gần 150 dự án (DA) đầu tư, với tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp đạt 1.913 tỷ đồng, bình quân 15 - 20 tỷ đồng/DA. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 119 Làng nghề đủ tiêu chí được UBND tỉnh công nhận. Các Làng nghề có ở tất cả các địa phương, với sản phẩm phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, còn có hàng ngàn cơ sở tiểu thủ công nghiệp (TTCN) hoạt động phân tán tại các địa phương, thu hút một lượng lao động lớn.

Sự phát triển CCN, TTCN và Làng nghề đã tác động, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã “thay da đổi thịt” nhờ sự xuất hiện của các nhà máy, xí nghiệp. Các DA trong CCN đã thu hút được khoảng gần 8.300 lao động, bình quân 50 lao động/DA. Năm 2012, giá trị sản xuất của các dự án trong CCN đạt xấp xỉ 1.300 tỷ đồng, chiếm 12% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, thu ngân sách đạt khoảng 120 tỷ đồng. Các Làng nghề đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 25.000 người có thu nhập ổn định trên 16,5 triệu đồng/người/năm. Một số sản phẩm Làng nghề, làng có nghề được công nhận đạt chất lượng cao. Giá trị sản xuất TTCN tăng bình quân hàng năm đạt 18,32%/năm.

Tuy nhiên, các cơ sở TTCN phân bố rải rác, xen lẫn với khu dân cư; các CCN hạ tầng kỹ thuật chậm phát triển và chưa đồng bộ. Việc phân bố các Làng nghề chưa đồng đều và chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế năng động, còn ở các huyện miền núi khó khăn, vùng xa trung tâm, hầu như chưa có. Cơ cấu ngành nghề chưa phản ánh đúng thế mạnh của huyện, của tỉnh. Cụ thể như, chế biến nông, lâm sản còn ít; nghề sử dụng nhân lực có tay nghề cao như nghề thêu, được hỗ trợ nhiều nhưng chưa phát triển.

Nhiều Làng nghề đang hoạt động cầm chừng, manh mún, nhỏ lẻ nên chưa tạo được khối lượng hàng hóa lớn, tạo ra giá trị sản xuất cao. Đối với TTCN, phần lớn các cơ sở này manh mún, trang thiết bị đã quá cũ, chủ yếu là tổ chức sản xuất đơn lẻ để giải quyết việc làm, cải thiện đời sống trong gia đình. Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp KVNT chưa được quan tâm đúng mức, nếu không nói là còn bỏ ngỏ, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, nhất là trên lĩnh vực khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm đồ uống.

Xác định phát triển công nghiệp ở KVNT là giải pháp hết sức cần thiết và quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, ban hành nhiều chương trình, chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển CN ở nông thôn. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là Nghị quyết 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2015 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011- 2020.

Theo đó, những chính sách ưu tiên cho hoạt động công nghiệp trực tiếp tác động đến nông nghiệp, nông thôn và sử dụng nhiều lao động được ban hành. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn khó khăn, nhưng UBND tỉnh đã sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển CCN. Trong đó, tỉnh hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết từ 100 -120 triệu đồng/CCN; hỗ trợ bồi thường GPMB 100 triệu đồng/ha; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong CCN gồm đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung với mức hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/cụm. Bên cạnh đó, từ nguồn khuyến công quốc gia, tỉnh có 2 CCN được hỗ trợ lập kinh phí quy hoạch chi tiết là CCN Đỉnh Sơn và Na Khứu.



Cụm công nghiệp Nam Giang (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn).

Công tác quy hoạch, hỗ trợ các Làng nghề truyền thống cũng được UBND tỉnh quan tâm. Trong giai đoạn 2002 -2012, UBND tỉnh đã hỗ trợ trên 30 tỷ đồng cho các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng, đào tạo nghề, hỗ trợ phương tiện sản xuất, tham gia triễn lãm…cho các Làng nghề truyền thống. Ngoài ra, nguồn vốn khuyến công của Trung ương cũng đã hỗ trợ mỗi năm trung bình gần 1 tỷ đồng cho các Làng nghề trong tỉnh. Từ nguồn khuyến công của địa phương, tỉnh đã tổ chức bình chọn sản phẩm CN nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, nhằm phát hiện các sản phẩm chất lượng và có tiềm năng phát triển sản xuất để xây dựng kế hoạch hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị…

Ông Phạm Hải Đường, Chủ nhiệm HTX Sa Nam (Làng nghề tương Nam Đàn) cho biết: Năm 2012, sản phẩm tương Nam Đàn đạt danh hiệu sản phẩm CN nông thôn tiêu biểu khu vực miền Bắc. Từ khi sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm CN nông thôn tiêu biểu, tỉnh đã tạo cơ hội cho đơn vị tham gia các hội chợ, triển lãm, nên có thêm kênh thông tin để quảng bá và giới thiệu sản phẩm của mình đến với khách hàng. Hiện sản phẩm tương Nam Đàn được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương và tại các điểm du lịch trong cả nước.

Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ cho các CCN vẫn còn hạn chế. Trung bình, mỗi CCN có diện tích ít nhất khoảng 20 ha, thì nguồn vốn để lập quy hoạch, bồi thường GPMB, hạ tầng kỹ thuật trong CCN phải cần đến ít nhất là 30 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, chính sách hỗ trợ của tỉnh chỉ khoảng hơn 3 tỷ đồng/CCN. Nguồn kinh phí đầu tư vào CCN trong những năm qua là khá lớn, nhưng manh mún, dàn trải do số lượng CCN nhiều nên không hiệu quả. Vì vậy, chưa có doanh nghiệp nào thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN. Công tác này phần lớn do UBND các huyện thực hiện thông qua Ban quản lý CCN.

Cũng do ngân sách hạn hẹp, nhiều huyện gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các CCN hạ tầng kỹ thuật còn dang dở, chưa hoàn thiện, hoặc đầu tư còn bất hợp lý, dẫn đến không thu hút được DN vào sản xuất trong CCN. Ông Lê Quang Nhung, Trưởng phòng Công thương huyện Nghĩa Đàn cho biết: Do thiếu kinh phí, nên CCN Nghĩa Long hiện chưa thực hiện xong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống xử lý nước thải, nền đường và mương thoát nước trong CCN chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Vì thế, các doanh nghiệp muốn vào sản xuất tại CCN phải tự bỏ kinh phí san nền. Đây là một “lực cản” khiến cho CCN chưa thể lấp đầy.

Còn đối với các Làng nghề, hàng năm cũng được hỗ trợ bằng nhiều hình thức để kích thích phát triển. Song, nguồn hỗ trợ đó so với nhu cầu và thực tế là rất nhỏ. Ông Nguyễn Hồng Phong, Gám đốc Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương) cho biết: Sự đầu tư, hỗ trợ các Làng nghề từ nguồn khuyến công của tỉnh chỉ mang tính động viên, kích thích là chính vì số tiền hỗ trợ còn quá nhỏ. Như Làng nghề chổi đót Hòa Hải (xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn), người dân đang rất cần được vay vốn ưu đãi nhưng vô cùng khó khăn. Thiếu vốn, người dân không thể chủ động trong việc mua nguyên liệu, nên hoạt động cũng mang tính cầm chừng, không thường xuyên dẫn tới sản lượng hàng hóa không ổn định.



Các hộ sản xuất tại Làng nghề chổi đót Hòa Hải (xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn) đang cần được vay vốn để sản xuất.

Do đó, việc phát triển CCN, Làng nghề trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhìn chung, các DN, cơ sở CN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu khả năng tiếp cận với thị trường. Bên cạnh đó, nguồn lao động trên địa bàn tỉnh tuy dồi dào, nhưng chất lượng thấp, tay nghề kém, chưa được đào tạo bài bản nên khó tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến; vốn tín dụng, thủ tục hành chính phức tạp... cũng đã cản trở sự phát triển của các DN ở KVNT. Giao thông ở KVNT chưa phát triển, đã tác động bất lợi vào giá thành đầu ra của hàng hóa sản xuất. Nghệ An chưa nằm trong vùng trọng điểm đầu tư, năng lực tài chính của các nhà đầu tư chủ yếu quy mô nhỏ và vừa. Việc huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng từ các DN còn hạn chế.

Đối với các Làng nghề truyền thống, hầu hết đều chưa có hướng phát triển cụ thể và bài bản. Hiện nay, những DN làm “bà đỡ” cho các Làng nghề hoạt động hiệu quả chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Khó khăn lớn nhất của các làng nghề là, thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, thiếu ổn định. Nguyên nhân chính do người dân thiếu thông tin về thị trường, thị hiếu của khách hàng, thiếu định hướng phát triển của chính quyền địa phương, cộng với đó là công nghệ sản xuất lạc hậu, tay nghề kỹ thuật cao ít, khả năng cạnh tranh của sản phẩm kém.

Tâm lý, tác phong sản xuất của người dân chưa quen với lối sản xuất công nghiệp, nóng vội nên gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp. Như làng nghề làm giấy dó ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc), do không có thị trường tiêu thụ giấy dó nên từ 100 hộ ban đầu nay chỉ còn khoảng hơn 30 hộ tham gia. Thế hệ thanh niên trong làng không mặn mà với nghề, mà bỏ đi làm ăn tứ xứ. Những gia đình còn giữ nghề thì ngày làm, ngày không nên nguy cơ mai một nghề luôn hiện hữu.

Trước những khó khăn trên, để đón luồng đầu tư về nông thôn, các cấp, ngành cần có những giải pháp thiết thực. Về nguồn vốn, tiếp tục huy động nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương. Gắn đầu tư xây dựng các CCN với các chương trình hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn, để giảm bớt chi phí đầu tư cho địa phương và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, kêu gọi các DN kinh doanh hạ tầng đầu tư vào CCN, khuyến khích các nhà đầu tư bỏ chi phí tự san nền trên diện tích đã thuê để xây dựng nhà máy theo quy hoạch.

Tổ chức đảm bảo cung cấp đủ các nguồn lực đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi như khai thác nguồn nguyên liệu, thủ tục đầu tư… cho các doanh nghiệp CCN phát triển. Ông Nguyễn Huy Cương, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách nâng mức hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển CN và mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển CN tại nông thôn. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng nhằm hỗ trợ sự phát triển của các DN trên địa bàn.

Đối với các Làng nghề, cần lựa chọn những nội dung hỗ trợ thiết thực. Như hỗ trợ về phương tiện kỹ thuật, hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm, tham quan, hội thảo, hội chợ, dạy nghề. Để tạo sức cạnh tranh, các Làng nghề phải thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã và nắm bắt tốt nhu cầu của thị trường. Điều này đòi hỏi công tác đào tạo nghề cần tập trung cho các lao động có trình độ kỹ thuật cao, chuyên môn hóa nhằm tạo sức hút sản phẩm và giảm sức lao động. Đặc biệt, cần phối hợp với Sở chuyển đổi cơ cấu giống cây con, đưa giống mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp để xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định. Các địa phương cần vào cuộc một cách tích cực và trách nhiệm trong việc tìm nghề, định hướng và có biện pháp chỉ đạo thực hiện cụ thể để TTCN, Làng nghề phát triển.

Cần xây dựng được tính liên kết giữa các Làng nghề với nhau để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đa dạng; xây dựng liên kết giữa Làng nghề với các nhà phân phối, các DN thương mại, dịch vụ để tìm kiếm thị trường và đảm bảo ổn định đầu ra, nguồn nguyên liệu cho sản phẩm. Khi có được thị trường ổn định, việc quan trọng tiếp theo là xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đây là bài toán sống còn đối với các Làng nghề. Vì nếu không có thương hiệu, sản phẩm mà Làng nghề tạo ra sẽ không có chỗ đứng trên thị trường, trong suy nghĩ của khách hàng. Ngoài sự trông chờ hỗ trợ của Nhà nước, các DN trong CCN, Làng nghề phải tự vận động bằng nội lực, tiềm năng của chính mình. Đó là những “bước đi” bền vững để đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn, phấn đấu đến năm 2020, Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp.


Bài, ảnh: Phạm Bằng

Mới nhất

x
Những “bước đi” bền vững để phát triển công nghiệp nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO