Những ca khúc tạo nên sức hút của 'Làn Sóng Xanh' thời kỳ đầu

30/09/2017 19:42

"Tình thôi xót xa" của Lam Trường, "Có đôi khi" của Hồng Nhung, "Cho em một ngày" của Thanh Lam... là những ca khúc được nghe nhiều trong năm 1997.

Làn Sóng Xanh là một trong những giải thưởng âm nhạc thường niên và uy tín trong làng nhạc Việt Nam, được kênh FM 99.9MHz (thuộc Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) khởi xướng từ tháng 9/1997. Chỉ trong bốn tháng của năm 1997, Làn Sóng Xanh đã tạo ra hàng loạt hit đình đám, mở màn cho sự phát triển của nhạc trẻ hiện đại đồng thời chắp cánh cho các tên tuổi như Hồng Nhung, Thanh Lam, Lam Trường, Phương Thanh...

"Chị tôi" - Mỹ Linh

"Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo
Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh
Ngày chị sinh, trời cho làm thơ
Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở
Cho làm câu hát, để người lý lơi…"

Chị tôi là sáng tác của nhạc sĩ Trọng Đài, phổ thơ Đoàn Thị Tảo. Bài hát thể hiện vẻ đẹp kín đáo, thanh lịch của phụ nữ Tràng An qua những câu hát mộc mạc, khắc khoải. Chất giọng khỏe, truyền cảm của Mỹ Linh đã khắc sâu trong tâm trí người nghe.

Chị tôi cũng là một trong những ca khúc đầu tiên đem lại thành công cho nữ ca sĩ. Bài hát dẫn đầu bảng xếp hạng đầu tiên của Làn Sóng Xanh tháng 9/1997.

"Có đôi khi" - Hồng Nhung

"Ôi có đôi khi thèm như lúc tuổi thơ
Sáng sáng tung tăng, đùa vui hát vang lừng
Chẳng biết suy tư đời kia vấn vương gì
Rồi chiều tới mơ màng
Đợi chờ sáng tưng bừng..."

Có đôi khi là sáng tác của nhạc sĩ Lã Văn Cường, nằm trong album Chợt nghe em hát của "cô Bống". Đây là một trong những bản hit đầu tiên của Hồng Nhung lọt vào Top 10 Bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh. Từ năm 1997 đến 2003, Hồng Nhung bảy lần liên tiếp nhận giải "Ca sĩ được yêu thích nhất" của Làn Sóng Xanh.

Có đôi khi giàu tính triết lý, gửi gắm ước vọng được sống tự do, thanh thản. Ca khúc có giai điệu tươi sáng, nhẹ nhàng, được thể hiện qua tiếng hát trong trẻo, tinh tế của Hồng Nhung.

"Cho em một ngày" - Thanh Lam

"Cho em một ngày, một ngày thôi
Một ngày không khắc khoải chờ đợi
Một ngày không mưa rơi, mưa rơi buồn tủi
Một ngày không tê tái heo may..."

Thanh Lam từng năm lần liên tiếp vào Top 10 ca sĩ được yêu thích nhất của Làn Sóng Xanh, từ năm 1997 đến 2001. Cô ghi dấu ấn với nhiều ca khúc như Bên em là biển rộng, Giọt nắng bên thềm, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, đặc biệt là Cho em một ngày - sáng tác của nhạc sĩ Dương Thụ.

Cho em một ngày có kết cấu đơn giản, nhẹ nhàng, nói về sự phát triển tình cảm của một cô gái mới yêu. Cô luôn mơ về những điều lãng mạn, ngọt ngào như nụ hôn say đắm, vòng ôm ấm áp, những cử chỉ dịu dàng của người yêu.

"Đóa hoa vô thường" - Hồng Nhung

Đóa hoa vô thường do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác, lời bài hát được viết dưới dạng một bài thơ gồm 12 khổ, nói về hành trình tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc. Bài hát dài hơn 11 phút, mang âm hưởng của trường ca. Trước mỗi đoản khúc, nhạc sĩ viết một đoạn nhạc đệm.

MV Đóa hoa vô thường của Hồng Nhung được dàn dựng thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Đây được đánh giá là bước tiến so với thời bấy giờ bởi đa số MV lúc đó khá đơn giản, thường mang tính minh họa. Đóa hoa vô thường đứng số một trên bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh tháng 11/1997.

"Tình thôi xót xa" - Lam Trường

"Từ khi quen em, anh đã biết bối rối
Vì những lúc thoáng nghe em cười
Anh đã biết con tim yêu em mất rồi
Người yêu ơi xin em chớ quên..."

Tình thôi xót xa được nhạc sĩ Bảo Chấn sáng tác từ thập niên 1980. Năm 1997, ca sĩ Lam Trường "khai quật" bài hát này. Ca khúc là tâm sự của chàng trai khi tình tan vỡ. Thế nhưng anh vẫn nuôi giấc mộng người yêu sẽ quay về để "tình thôi xót xa". Nhạc phẩm có nội dung buồn nhưng không bi lụy, lấp lánh những cảm xúc đẹp. Tình thôi xót xa gắn bó với nhiều thế hệ khán giả. Tuấn Hưng, Đan Trường, Hà Anh Tuấn, Phương Vy... từng cover bài hát này.

Năm 2004, Tình thôi xót xa từng vướng nghi án đạo nhạc bài "Frontier" của nữ ca sĩ Keiko Matsui (Nhật Bản). Tuy nhiên, tác giả Bảo Chấn phủ nhận. Ông khẳng định ở thời điểm sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Việt Nam có rất ít cơ hội tiếp xúc với âm nhạc thế giới nên không có chuyện mượn giai điệu.

"Trái tim không ngủ yên" - Mỹ Linh, Bằng Kiều

"Nếu anh nói anh vẫn chưa yêu
Là thật ra anh đang dối mình
Còn anh nói đã trót yêu em rồi
Là hình như anh đang dối em..."

Trái tim không ngủ yên là sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng. Ban đầu, ca khúc do Mỹ Linh thể hiện. Sau đó, bài hát được phối lại thành bản song ca của Bằng Kiều - Mỹ Linh. Nhạc phẩm lập tức trở thành hit, lọt vào Top 10 bài hát yêu thích của Làn Sóng Xanh.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam từng ngợi ca Trái tim không ngủ yên là bản hit không ai có thể thay thế của một trong những cặp nghệ sĩ đẹp nhất showbiz Việt một thời.

"Trống vắng" - Phương Thanh

"Ngồi nhìn chiếc lá rụng rơi theo cội nguồn
Lá rơi... lá rơi...
Rồi khi anh đến dịu êm trong cuộc đời
Nhớ thêm... nhớ thêm..."

Trống vắng do nhạc sĩ Quốc Hùng sáng tác năm 1997. Bài hát khắc họa nỗi cô đơn tột cùng của cô gái dù vẫn ở bên người mình yêu. Những "hờn ghen nhỏ nhoi" đã khiến hai người ngày càng xa cách. Phương Thanh thể hiện thành công ca khúc nhờ chất giọng khàn đục, run run cùng cảm xúc mãnh liệt.

Cô từng tâm sự trong một bài phỏng vấn: "Khi tôi hát Trống vắng thì trống vắng đến kiệt cùng. Có thể nói Trống vắng đã vận vào tôi đến tận cùng của xót xa, của đau đớn. Nhưng có thể chính đau khổ đó lại tốt cho việc ca hát của tôi".

"Dòng sông lơ đãng" - Thu Phương

"Ở chốn nào dòng sông đã hòa cùng đại dương
Cạn bến bờ chiều nay thẫn thờ nhìn hoàng hôn
Rồi chúng ta sẽ đôi lần nuối tiếc
Để một dòng sông lơ đãng trôi qua..."

Năm 1997, Thu Phương vào Sài Gòn lập nghiệp. Cô nhanh chóng ghi dấu ấn với ca khúc Dòng sông lơ đãng (nhạc sĩ Việt Anh sáng tác). Bài hát mượn hình ảnh dòng sông hòa cùng đại dương mênh mông để miêu tả tâm trạng nuối tiếc về những điều đã qua. Dòng sông lơ đãng chất chứa nỗi buồn lãng mạn, đậm chất thơ.

Ca khúc giúp Thu Phương trở thành một trong 10 ca sĩ được yêu thích nhất trong năm do khán giả Làn Sóng Xanh bình chọn.

"Chim sáo ngày xưa" - Quang Linh

"Ngày xưa em như chim sáo
Sống vô tư hay mộng mơ nhiều
Nhìn em đi qua cuối xóm
Làn tóc mây bay má ửng hồng..."

Chim sáo ngày xưa do nhạc sĩ Nhất Sinh sáng tác từ những năm 1980, lấy cảm hứng từ chính câu chuyện tình của anh. Nhất Sinh từng thầm thương cô gái cùng xóm nhưng không dám ngỏ lời, đến lúc anh mạnh dạn thổ lộ thì cô sắp lấy chồng. Ca khúc mượn hình ảnh chim sáo để ca ngợi vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của người con gái ấy.

Chim sáo ngày xưa từng được chính tác giả và ca sĩ Ngọc Tân thể hiện, thế nhưng đến năm 1997, bài hát mới nổi tiếng qua giọng ca của Quang Linh. Nhạc sĩ Nhất Sinh từng đánh giá chất giọng miền Trung mộc mạc của Quang Linh đưa ca khúc đến gần hơn với khán giả.

"Con gái" - Phương Thảo và Ngọc Lễ

"Con gái nói có là không
Con gái nói không là có
Con gái nói một là hai
Con gái nói hai là một..."

Con gái do nhạc sĩ Ngọc Lễ sáng tác, được vợ chồng Phương Thảo và Ngọc Lễ trình bày. Bài hát có giai điệu tươi sáng, ca từ nhí nhảnh, dễ thương. Bài hát "bóc mẽ" tính cách "nghĩ một đằng, nói một nẻo" của phái nữ. Qua đó, nhạc sĩ cũng nhắc nhở những người đang yêu quan tâm đến mong muốn của đối phương. Thông điệp này được gửi gắm qua câu hát: "Hãy nhìn vào đôi mắt thơ ngây. Anh sẽ hiểu được trái tim em".

"Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" - Cẩm Vân

"…Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa
Cái rét đầu đông, khăn em bay hiu hiu gió lạnh
Hoa sữa thôi rơi, ta bên nhau một chiều tan lớp
Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về…"

Hà Nội mùa vắng những cơn mưa được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ từ thơ của Bùi Thanh Tuấn. Bài hát vẽ nên một Hà Nội từng gần gũi nhưng nay quá xa xôi. Nỗi nhớ ấy phảng phất qua từng câu hát: "Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ, ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay, hơi ấm trao em tuổi thơ ngây". Đó là nỗi nhớ về mối tình đầu đẹp đẽ gắn với con đường Cổ Ngư xưa (đường Thanh Niên hiện nay), những quán cóc liêu xiêu ven đường, Hồ Tây tím mờ...

Phiên bản Hà Nội mùa vắng những cơn mưa được khán giả Làn Sóng Xanh bình chọn là của ca sĩ Cẩm Vân.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Những ca khúc tạo nên sức hút của 'Làn Sóng Xanh' thời kỳ đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO