Những cách làm sáng tạo
(Baonghean) - Mỗi năm, tỉnh Nghệ An đặt chỉ tiêu 10 - 15% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ được phân luồng, chuyển sang học nghề; xác định đến năm 2020 sẽ có 30% tỷ lệ học sinh THCS sau khi tốt nghiệp sẽ tham gia hệ thống giáo dục chuyên nghiệp. Để đạt được chỉ tiêu này, ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm sáng tạo cần được nhân rộng…
Năm học 2009 – 2010, Sở Giáo dục và Đào tạo xác định đây là năm học tạo bước chuyển mạnh mẽ về công tác hướng nghiệp phân luồng cho học sinh sau THCS. Trên cơ sở đó yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo thành lập ban chỉ đạo hướng nghiệp phân luồng sau tốt nghiệp THCS, đồng thời phối hợp với các trường tổ chức tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh cuối cấp THCS về chủ trương phân luồng hướng nghiệp.
Học sinh Trường THCS Tân An (Tân Kỳ) trong tiết ngoại khóa. |
Năm 2011, dưới sự tài trợ của Dự án VVOB - Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ, công tác hướng nghiệp thực sự được quan tâm. Qua đó, giáo viên dạy hướng nghiệp không những được trang bị những kiến thức về hướng nghiệp, cách dạy hướng nghiệp sao cho hiệu quả mà còn giúp cho họ có những tư duy đổi mới trong dạy nghề, trong hướng nghiệp cho học sinh.
Trường THCS Quang Trung là một trong những trường làm tốt công tác phân luồng ở huyện Hưng Nguyên. Mỗi năm sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THCS, nhà trường tổ chức cuộc họp với phụ huynh cuối cấp. Trên cơ sở đó sẽ thông báo cho từng phụ huynh kết quả học tập và năng lực thực sự của từng học sinh.
Những em nào có điểm tổng kết thấp hoặc không đủ điểm tốt nghiệp, nhà trường sẽ định hướng để phụ huynh lựa chọn việc học tiếp theo cho con em mình. Bên cạnh đó, hàng năm nhà trường còn phối hợp với chính quyền xã Hưng Đạo và thị trấn, tranh thủ hội nghị của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác phân luồng. Từng bước thay đổi nhận thức của phụ huynh về việc học nghề. Với những nỗ lực này, mỗi năm nhà trường có khoảng từ 10 – 15 học sinh sau khi tốt nghiệp chuyển sang học nghề, một số em sau khi học xong trường nghề đã có việc làm ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp trong vùng.
Nhằm giúp học sinh tìm hiểu thông tin nghề ở địa phương, cô giáo Trần Thị Quế, Trường THCS Tân An (Tân Kỳ) đã liên hệ trước với ông Đậu Tiến Sỹ, ở xóm Quỳnh Lưu, xã Tân An, chủ của mô hình trồng cam đang rất có hiệu quả trong vùng. Học sinh được trực tiếp đến đó tham quan mô hình, trò chuyện trực tiếp với các nông dân đang làm việc, hỏi những vấn đề liên quan đến kỹ thuật trồng cam, các giống cam và trực tiếp tham gia vào việc chọn giống, trồng, chăm sóc cam. Nói về hiệu quả của phương pháp này, cô giáo Trần Thị Quế chia sẻ: Rất nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS dù không tiếp tục học lên cấp III vẫn quay lưng với học nghề và chọn con đường vào Nam làm công nhân. Về lâu dài, việc đi làm ăn xa này không có hiệu quả, trong khi Tân An lại có rất nhiều tiềm năng để phát triển nghề trồng trọt. Qua buổi hướng nghiệp dạy nghề này, chúng tôi mong các em thấy được hiệu quả và giá trị của kinh tế vườn đồi, để các em có cách lập nghiệp trên quê hương.
Cách làm của Trường THCS Diễn Tân, huyện Diễn Châu cũng rất hiệu quả. Để hướng nghiệp cho học sinh, ngoài việc giới thiệu cho các em những thông tin về các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh, trường mời một tấm gương về “người thật việc thật” về để nói về quá trình lập nghiệp cho học sinh. Đó là anh Nguyễn Văn Dũng, một cựu học sinh của trường, sau khi học xong THCS đã đi học nghề cơ khí và về mở cửa hàng ngay trên quê hương. Em Nguyễn Văn Tuấn, học sinh lớp 9 chia sẻ rằng: Em thấy mình hiểu được rất nhiều về việc lựa chọn nghề nghiệp; làm sao phải chọn nghề đúng với năng lực, sở trường và đúng với nhu cầu xã hội.
Còn tại Trường THCS Hưng Bình (Thành phố Vinh) lại tổ chức cho các em viết bài để nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chọn nghề có cơ sở khoa học. Sau mỗi bài viết, cô giáo hiểu hơn suy nghĩ của học trò, thấy được ước mơ và hoài bão của các em, trên cơ sở đó sẽ định hướng để các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.
Những “luồng gió mới” trong công tác hướng nghiệp ở các trường THCS trên địa bàn Nghệ An cũng sẽ mở ra những hy vọng mới về công tác phân luồng trong thời gian tới. Để từ đó giảm được tình trạng học sinh đua nhau vào đại học, đào tạo “thừa thầy thiếu thợ”, không sát với nhu cầu thực tế như hiện nay.
Mỹ Hà