Những cách làm sáng tạo ở Nghĩa Đàn

07/01/2015 09:30

(Baonghean) - Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới mà nhiều con đường ở Nghĩa Đàn đã được bê tông hóa, đường làng, ngõ xóm ở các thôn bản không còn lầy lội khi trời mưa, bụi mù khi trời nắng. Thay vào đó là những con đường bê tông bằng phẳng, rộng rãi. Tuy nhiên, đường đẹp nên không ít người dân, nhất là thanh, thiếu niên đã bất cẩn phóng nhanh, chạy ẩu gây không ít vụ tai nạn ở đường liên thôn, liên xóm. Để hạn chế tình trạng này, người dân khối Tân Mai, Thị trấn Nghĩa Đàn đã đưa ra sáng kiến xây dựng các cột mốc ở đường liên thôn và làm các gờ giảm tốc độ.

Năm 2014, các con đường đất ở khối Tân Mai đã được thay bằng đường bê tông rộng 5 km, tất cả đều có cột mốc báo hiệu và vạch giảm tốc độ. Ông Trần Đình Châu, Bí thư Chi bộ Tân Mai cho biết: “Thực tế một số nơi khi đường đất được thay bằng đường bê tông thì người dân chủ quan nên phóng nhanh, vượt ẩu, đặc biệt là thanh niên, tai nạn vì thế gia tăng. Khi làm đường người dân đã chủ trương đóng thêm tiền là làm cột mốc hai bên đường và làm gờ giảm tốc độ nhằm hạn chế tai nạn giao thông xảy ra”.

Sau khi làm đường, khối Tân Mai cũng quán triệt toàn dân tham gia bảo vệ đường, các tổ chức hội như hội nông dân, phụ nữ, thanh niên nhận các đoạn đường tự quản và tuyên truyền cho các hội viên nâng cao ý thức bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Việc làm của người dân khối Tân Mai đã được Đảng ủy, chính quyền Thị trấn Nghĩa Đàn đánh giá cao và khuyến khích nhân rộng.

Ông Nguyễn Văn Thao, Bí thư Đảng ủy Thị trấn Nghĩa Đàn cho biết: “Đảng ủy, chính quyền thị trấn đánh giá cao sự đồng thuận và cách làm sáng tạo của người dân khối Tân Mai trong làm đường giao thông nông thôn. Thị trấn cũng khuyến khích các khối, xóm sau khi làm đường cần bảo vệ đường và tăng cường tuyên truyền để bảo đảm an toàn giao thông”.

Ở nhiều địa phương, sau khi dồn điền, đổi thửa lại nảy sinh vấn đề hoàn nguyên ruộng, đó là các hố sâu do máy xúc múc đất để lại, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Ông Lê Viết Sỹ, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh cho biết: “Là xã thuần nông, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn khó khăn, do đó, để tiết kiệm chi phí và thuận lợi cho nhân dân sản xuất, thay vì thuê máy móc xã đã huy động nhân dân dồn điền, đổi thửa bằng sức lao động”.

Chỉ trong vòng 15 ngày, xã Nghĩa Thịnh đã huy động 25 nghìn ngày công đắp 11.000 m3 đất ở 92 ha đất hai lúa. Làm đến đâu san phẳng ruộng đến đó. Trong thời gian huy động, mỗi gia đình có ít nhất 2 lao động tham gia đắp bờ vùng bờ thửa. Từ ruộng manh mún đến nay mỗi hộ chỉ có từ 1 đến 2 thửa ruộng, đường nội đồng đều được mở rộng 8m đối với các tuyến chính và 4m đối với các tuyến phụ. Nhìn những cánh đồng được san bằng phẳng, những con đường nội đồng trước đây 2 người gánh lúa tránh nhau còn khó, thì giờ rộng 8m, đủ cho ô tô chạy đến tận nơi, mới thấy giá trị của sự đồng sức, đồng lòng của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Thịnh.

Đinh Thùy

Mới nhất

x
Những cách làm sáng tạo ở Nghĩa Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO