Những cảnh báo đối với vụ lúa xuân 2015

01/04/2015 08:55

(Baonghean) - Vụ lúa xuân năm nay toàn tỉnh Nghệ An gieo cấy được 90.371 ha. Đây là vụ lúa xuân có diện tích lúa được gieo cấy nhiều nhất từ trước lại nay. Nhưng với điều kiện thời tiết ấm, độ ẩm cao, sương mù nhiều, nhiệt độ không khí cao hơn trung bình nhiều năm, đầu vụ ánh sáng ít, trời rất ít mưa. Vì vậy, vụ lúa xuân hiện nay đang đối mặt với những bất lợi dễ xẩy ra.

Nông dân xã Bắc Thành (Yên Thành) chăm sóc lúa xuân. Ảnh: Hồ Các
Nông dân xã Bắc Thành (Yên Thành) chăm sóc lúa xuân. Ảnh: Hồ Các

Lúa xuân trổ sớm, nguy cơ giảm năng suất

Đến thời điểm này có thể khẳng định vụ xuân năm nay ấm, thậm chí tiệm cận ngưỡng “quá ấm” và hạn. Vì vậy dự kiến sẽ có khoảng 10.000 ha lúa có khả năng trổ sớm, trổ trước lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp quy định trên dưới 10 ngày (lịch cho lúa trổ trong vụ xuân từ ngày 25/4 - 5/5). Như vậy số diện tích này sẽ trổ tập trung vào những ngày đầu của trung tuần tháng 4 trở đi. Số diện tích còn lại của vụ xuân cũng sẽ trổ trước lịch thời vụ quy định từ 3 - 5 ngày, tùy giống và mức độ chăm sóc. Với thời điểm lúa trổ như dự kiến nói trên rất dễ gặp không khí lạnh, nhiệt độ xuống thấp của tiết thanh minh làm giảm năng suất lúa.

Để hạn chế lúa trổ sớm, các cơ sở sản xuất và bà con nông dân lúc này tuyệt đối không để ruộng lúa khô cạn nước. Ruộng càng khô cạn nước càng kích thích cây lúa phân hóa đòng nhanh, lúa càng trổ sớm, thời gian sinh trưởng rút ngắn lại càng làm giảm năng suất lúa. Vì vậy phải có biện pháp tích cực giữ mức nước trong ruộng thường xuyên từ 3 - 5 cm hoặc sâu hơn càng tốt để làm chậm lại quá trình phân hóa đòng và trổ bông của cây lúa.

Từ bệnh đạo ôn lá dễ chuyển sang bệnh đạo ôn cổ bông

Do thời tiết những ngày qua trời âm u, thiếu ánh sáng, ẩm độ không khí cao, sương mù nhiều đã tạo điều kiện cho nấm bệnh đạo ôn gây hại nặng trên lá lúa. Ở hầu hết các địa phương từ vùng đồng bằng đến các huyện miền núi đã xuất hiện bệnh đạo ôn với mức độ khác nhau. Trong đó bệnh đạo ôn gây hại nặng nhất đối với các giống lúa AC5, BC15, Xi23, NX30, Thiên Nguyên ưu 16, Nghi Hương 2308, Khải Phong, Nhị ưu 986 và Nhị ưu 838. Ở vùng đồng bằng, huyện có diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn khá nặng là Hưng Nguyên với diện tích gần 1.700 ha, chiếm tỉ lệ xấp xỉ 30% diện tích lúa cả huyện. Có những xã như: Hưng Phúc, Hưng Lợi, Hưng Lam… nhiều diện tích gieo cấy giống lúa Xi 23 đã cháy lụi. Ở vùng các huyện miền núi, Thanh Chương là huyện có diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lên đến 736 ha, các xã bị nặng là Thanh Hương, Thanh Thịnh do gieo cấy nhiều giống lúa Nhị ưu 986, giống dễ nhiễm bệnh.

Nông dân phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn
Nông dân phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn

Do phát hiện sớm, tổ chức phòng trừ kịp thời nên khả năng lây nhiễm của bệnh đang được khống chế. Nhưng không vì thế mà xem nhẹ việc phòng chống bệnh đạo ôn sau khi đã phun thuốc phòng trừ. Đối với bệnh đạo ôn, mỗi vết bệnh ở giai đoạn mãn tính có thể phóng thích từ 3.000 – 6.000 bào tử trong 1 ngày đêm và kéo dài trong 15 ngày. Khi thấy vết bệnh đã mãn tính cần phun lại sau 5 - 7 ngày kể từ ngày phun lần thứ nhất và chỉ nên dùng loại thuốc đặc hiệu Filia 525 SE, Amistar Top 321 SC, phun theo chỉ dẫn được ghi rõ ở bao bì, nhãn mác. Chỉ có như vậy thì mới hạn chế được khả năng lây lan từ bệnh đạo ôn lá chuyển sang đạo ôn cổ bông. Nếu không được phòng trừ tốt bệnh đạo ôn ngay ở thời kỳ bệnh đang phát sinh trên lá thì khả năng nấm bệnh sẽ được tích lũy và giữ lại, gặp thời tiết thuận lợi, nấm bệnh sẽ phát triển, để gây bệnh ở giai đoạn từ khi lúa bắt đầu trổ bông. Lúa đã bị bệnh đạo ôn cổ bông, đạo ôn hạt thì chất lượng gạo cũng không thể sử dụng được (kể cả chăn nuôi).

Dễ bùng phát rầy nâu gây cháy lúa

Diễn biến thời tiết ẩm và nắng nóng như hiện nay là điều kiện rất thích hợp cho rầy nâu phát sinh. Khả năng vào những ngày tháng 4 năm nay rầy nâu sẽ phát triển mạnh ở hầu hết các vùng lúa trong tỉnh. Trong đó đáng lưu ý nhất là những vùng đồng trũng có nguồn nước từ nhiều nơi chảy về. Thời kỳ rầy nâu phát triển mạnh cũng là thời kỳ cây lúa vào giai đoạn làm đòng, trổ bông và chín sáp.

Hiện tại trên đồng ruộng ở hầu hết các vùng trong tỉnh đã có rầy xuất hiện, nhưng mật độ chưa nhiều cần phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện rầy, kiểm tra mật độ rầy. Nếu ở thời kỳ lúa làm đòng và trổ bông có mật độ rầy từ 1.000 con/m2 thì phun ngay bằng các loại thuốc như: Chess 50 WG, Oshin 20 WP, Elsin 10 EC, Sutin 50 SC, Chatot 600 WG… phun theo liều lượng khuyến cáo ngoài vỏ bao bì thuốc. Nếu là thời kỳ lúa đã trổ bông và vào giai đoạn chín sáp và mật độ rầy lên cao từ 1.500 - 2.000 con/m2 trở lên thì phải phun ngay để chống cháy lúa. Loại thuốc cần sử dụng lúc này nên dùng các thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi mạnh như: Virtory 585 EC, Penalty gold 40 EC, Bassa 50 EC để phun. Khi phun đảm bảo đủ lượng nước thuốc từ 25 - 30 lít/sào và cần rẽ lúa thành từng băng để phun, phun ướt đều vào phần thân, lá lúa.

Thời kỳ này nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời, rầy nâu sẽ gây cháy lúa hàng loạt và khả năng lây lan rất nhanh làm thiệt hại lớn mùa màng là điều khó tránh khỏi.

Khả năng chuột sẽ gây hại lớn cho vụ lúa xuân

Đã mấy năm nay hầu như không có mưa to, lũ lụt lớn nên càng có cơ hội cho chuột sinh sôi, phát triển mạnh. Vụ lúa xuân năm nay được dự báo là sẽ bị chuột phá hoại mạnh nhất. Hiện nay trên đồng ruộng tỉnh ta, nhất là vùng đồng bằng, có thể nói không có nơi nào không có chuột phá hoại. Đặc biệt ở những vùng gieo cấy sớm, gieo cấy dày, gieo cấy nhiều các giống lúa xuân dài ngày hơn như: IR1820, AC5, BC15, NX30, Xi23 và các giống lúa lai, lại được thâm canh tốt thì bây giờ chuột đã bắt đầu phá hoại mạnh.

Chị Nguyễn Thị Nhuần, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) cho biết: Toàn xã vụ này gieo cấy 255 ha lúa. Hiện tại khắp nơi trên các cánh đồng chuột đang cắn phá lúa. UBND xã đã trích kinh phí mua bả thuốc và diệt chuột để phát cho các xóm trong xã đêm ra đồng đặt diệt chuột. Nhưng xem ra cũng khó tiêu diệt được chuột, nếu UBND huyện không sớm có chủ trương giao nhiệm vụ cho UBND các xã phát động toàn dân tham gia diệt chuột thành một chiến dịch lớn trong toàn huyện…

Tại xã Long Thành (Yên Thành), một vùng đồng chiêm trũng đã nhiều năm nay không có lũ lụt, nên chuột phát triển rất nhiều. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Vụ này toàn xã gieo cấy 553,8 ha lúa bằng các giống BC15, AC5 và một số giống lúa lai. Bây giờ, trên đồng ruộng xuất hiện nhiều chuột phá hoại lúa. UBND xã đã liên tục phát động toàn dân diệt chuột. Các HTX Nông nghiệp trong xã đã trích kinh phí khuyến nông hỗ trợ cho bà con mỗi sào lúa 2.000 đồng để mua thuốc diệt chuột. Do chuột quá nhiều, các HTX còn vận động bà con nông dân góp thêm mỗi sào 10.000 đồng để mua bã sinh học diệt chuột.

Nạn chuột phá hoại lúa hiện nay và nhất là những ngày sắp tới khi lúa làm đòng trổ bông còn là nguy cơ không riêng của một địa phương nào. Vì vậy, các địa phương không thể lơ là, chủ quan và ngay từ bây giờ dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành NN & PTNT cùng với UBND các huyện, thành, thị cần kịp thời phát động thành một chiến dịch tiêu diệt chuột từ trong nhà ra ngoài đồng bằng nhiều biện pháp khác nhau: đào bắt, dùng chó săn bắt, hun khói hoặc đổ nước vào hang ổ chuột để chuột chạy ra mà tiêu diệt, dùng bả làm mồi diệt chuột. Lưu ý loại bả này đặt vào ban đêm, ban ngày đi thu lại và phải bảo quản rất cẩn thận. Phương pháp sử dụng bả độc đánh chuột cũng chỉ nên làm liên tiếp trong vài đêm, rồi sau đó thu lại đi tiêu hủy cẩn thận bằng cách đào hố sâu chôn vùi xuống đất.

Doãn Trí Tuệ

Mới nhất
x
Những cảnh báo đối với vụ lúa xuân 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO