Những cánh chim nhỏ mùa tựu trường

20/08/2016 14:04

(Baonghean) - Những tiếc nấc nghẹn trong cổ họng cứ thế bật ra, vòng tay ôm chặt lấy người thân như không muốn rời… Ấy là tâm trạng buổi đầu của những cô cậu học trò bước vào lớp 6 phải rời xa gia đình, làng bản để đến với một môi trường mới đầy bỡ ngỡ.

Chiều đầu Thu, sắc trời miền Tây xứ Nghệ nhuộm vàng như màu mật. Những cơn mưa rào bất chợt ào đến rồi qua nhanh khiến cảnh vật như xanh tươi. Trên những con đường nhỏ, những ánh mắt vừa e dè vừa lưu luyến, những bàn tay bé nhỏ như không muốn rời xa bố mẹ, anh em. Cũng đến lúc các em phải rời bản làng, gia đình để tiếp tục theo đuổi ước mơ với con chữ. Có những em đã thấy mình lớn hơn thật nhiều. Dù vậy vẫn cứ lo lắng.

Chúng tôi gõ cửa phòng ký túc xá trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS Tương Dương sau một ngày khi học sinh đã nhập trường chuẩn bị cho năm học mới. Những cô cậu học sinh lớp 7,8,9 dường như đã quen với cảnh sống xa nhà, quen thầy cô, bạn bè nên mạnh dạn, tự tin và có phần phấn khởi khi được trở lại trường. Nhưng với các em học sinh lớp 6 lại rất rụt rè, bỡ ngỡ. Trong nhà đa năng, thầy giáo Nguyễn Xuân Đồng đang tổ chức cho các em những trò chơi vui nhộn để giúp các em hòa mình vào cuộc sống mới. Thầy cô giáo chủ nhiệm của các em học sinh lớp 6 cũng thường xuyên có mặt tại ký túc xá để động viên tránh việc các em tự ý bỏ về.

“Thế đấy, các em còn nhỏ mà đã phải xa gia đình đến một môi trường mới, buồn lắm. Trước đây được sống ở bản làng, trong vòng tay của người thân, bây giờ mọi thứ đều xa lạ nên nhiều em muốn bỏ về. Vì vậy thời gian đầu nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí để các em dần dần thích nghi với môi trường học tập mới” – cô Nguyễn Thị Kiều giáo viên nhà trường chia sẻ.

Trường PTDTNT THCS Tương Dương - nơi học tập của những học sinh vùng cao.
Trường PTDTNT THCS Tương Dương - nơi học tập của những học sinh vùng cao.

Chúng tôi đến thăm phòng số 8 của khu ký túc xá. Hầu hết học sinh ở đây đều ở các xã xa xôi của huyện Tương Dương như: Mai Sơn, Nhôn Mai, Nga My, Tam Hợp… Các em cũng thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau như: Thái, Mông, Ơ đu, Khơ mú…Và khi đến trường các em đều xem nhau như anh chị em trong 1 nhà. Mọi việc không ai bảo ai, từ quét nhà, dọn dẹp phòng ở đều được các em tự giác cùng phân công nhau giữ gìn vệ sinh chung. Với các em học sinh miền núi làm những việc như thế các em đã quen khi còn ở nhà.

Đang lúi húi quét dọn chợt em Lô Thị Khuyên vùng dậy chạy ra khỏi phòng. Nhìn theo phía cuối hành lang, chúng tôi thấy Khuyên 2 tay ôm lấy bố, khóc nức nở. Mấy bạn cùng phòng bảo rằng, dạo mới vào Khuyên khóc nhiều lắm. Ngày nào cũng đòi về với bố với mẹ. Những giọt nước mắt thấm vào áo người cha già, mắt ông cũng ầng ậng nước khi tay không ngừng vuốt ve mái tóc của đứa con gái bé bỏng. Hai cha con chẳng ai nói câu nào, cứ thế ôm chặt lấy nhau. Ai cũng hiểu đã có một sự thay đổi sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay.

Lau vội nước mắt còn vương trên mặt con gái, anh Lô Văn Việt bảo rằng, nhà anh ở bản Lườm (xã Yên Thắng) cách trường hơn 45 km. Khuyên là con gái út trong gia đình, học cũng khá nhất nên được trúng tuyển vào trường nội trú. Ban đầu gia đình anh cũng sợ sống xa nhà cháu không chịu được nhưng vì tương lai của con nên đưa cháu lên đây học tập. Hàng tuần anh đều tranh thủ lên thăm cháu vài ba lần để cháu nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.

Nhiều hoạt động vui chơi được tổ chức giúp các em học sinh lớp 6 hòa nhập vào môi trường mới.
Nhiều hoạt động vui chơi được tổ chức giúp các em học sinh lớp 6 hòa nhập vào môi trường mới.

Ngồi cặm cụi đọc báo trong căn phòng ký túc, em Lô Khoa Hà Trang thỉnh thoảng lại đưa đôi mắt nhìn ra xa xăm. Đến từ xã Nhôn Mai xa xôi, phải vượt qua chặng đường hơn 100 km để đến trường nội trú ở thị trấn Hòa Bình. Vì nhà xa nên bố mẹ Trang cũng ít có điều kiện đến thăm con. Với Trang bây giờ ký túc xá là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em. Trang tâm sự, ở bản Nhôn Mai của Trang có những ngôi nhà sàn ở san sát bên những hàng cọ mát rượi. Lúc nào thích thì xuống khe vùng vẫy cùng các bạn. Ấy vậy mà em phải xa gia đình ra đây để sống với những người “lạ”. Mấy ngày đầu em cũng định trốn về nhưng nghĩ lại thương bố mẹ nên thôi. Cũng may, ở đây các bạn và thầy cô đều quan tâm nên em cũng đỡ phần nào.

Ở cùng xã với Trang có em Xồng Bá Và người Mông. Nhìn vào ánh mắt non nớt của Bá Và chúng tôi hiểu rằng em đang cố gắng để thích nghi với môi trường mới. Nhà em ở trên dãy núi Huồi Pe quanh năm sương mù bao phủ. Nơi ấy có những con người chân chất, từ sáng đến tối mịt chỉ miệt mài trên nương rẫy, trồng bắp ngô, gieo hạt lúa, nuôi trâu, nuôi gà để mưu sinh. Nhà Và có 7 anh chị em và hầu hết đều không được đi học đến nơi đến chốn do kinh tế gia đình khó khăn. Chỉ có mình em học tốt hơn cả nên bố mẹ nhịn ăn nhịn mặc tạo điều kiện cho để có cái chữ để sau này đỡ khổ.

Cùng nhau bước vào năm học mới..
Cùng nhau bước vào năm học mới..

Trong căn phòng ký túc chật hẹp, tôi bắt gặp ánh mắt 1 em học sinh bỗng chùng xuống. Nước mắt ngắn dài, giọng mếu máo, em nói: “Các bạn ở đây đều đã được bố mẹ đưa về thăm nhà cả rồi, còn em từ khi ra đây chưa 1 lần được về. Em nhớ nhà lắm”. Hỏi ra mới biết, đó là em Lò Thị Kim Chi, người dân tộc Ơ đu – dân tộc ít người nhất của Nghệ An. Kim Chi bảo, ngày nào bố mẹ cũng tất bật bên nương rẫy kiếm cái ăn nên chưa có thời gian ra thăm em. Từ bản Văng Môn (xã Nga My) ra đây chỉ gần 65 km thôi mà những lúc nhà trường cho về em cũng không về được. Em nhớ bố mẹ, nhớ những ngôi nhà màu vàng trong khu tái định cư của bản, nhớ những hàng rào bằng cây xương rồng thẳng tắp trên con đường làng… Tối đến, các bạn trong phòng nhớ nhà ngồi tỉ tê với nhau về bản làng, gia đình mình làm Kim Chi lại rớt nước mắt. Cũng may vì thi thoảng cô giáo chủ nhiệm đến tâm sự, động viên nên em cũng cảm thấy đỡ tủi.

Em Lô Khoa Hà Trang cặm cụi bên bàn học.
Em Lô Khoa Hà Trang cặm cụi bên bàn học.

Thầy Bùi Văn Chiến – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS Tương Dương chia sẻ: “Các em học sinh ở đây đều đến từ những xã xa xôi, tuổi còn nhỏ nên không tránh khỏi nỗi nhớ nhà. Nhiều em còn muốn trốn ra khỏi trường về với gia đình. Nắm được điều đó, nhà trường huy động giáo viên trực nội trú, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên động viên học sinh để các em coi đây là ngôi nhà của mình mà yên tâm học tập”.

Chia tay các em, chúng tôi đã nhìn thấy những ánh mắt ấy vẫn còn nhiều bỡ ngỡ nhưng đã tự tin hơn. Các em đã tìm thấy niềm vui trong tổ ấm mới của mình. Và tôi tin những cánh chim bé nhỏ ấy khi rời khỏi tổ sẽ bay cao, bay xa để yêu hơn mảnh đất đại ngàn.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Những cánh chim nhỏ mùa tựu trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO