Những chiêu "lách" trạm cân trên QL1A

08/04/2014 17:55

(Baonghean) - Cùng với cả nước, từ đầu tháng 4, Nghệ An đưa trạm cân lưu động vào phục vụ trên Quốc lộ 1A. Những ngày đầu ra quân kiểm tra, có hơn 74% xe tải vi phạm chở quá tải trọng, có xe vượt quá 327,5%. Các chiêu thức vượt trạm cân cũng đã được tài xế sử dụng.

Sáng 4/4, chúng tôi có mặt tại Trạm cân trọng tải xe số 15 trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Diễn An, huyện Diễn Châu. Vừa hướng dẫn một tài xế xe tải chở vật liệu xây dựng chạy vào vị trí làm thủ tục cân, anh Phan Văn Tiến, Đội phó Đội Thanh tra giao thông, phụ trách tổ công tác số 1 của trạm cân lưu động vừa nhắc các đồng nghiệp chuẩn bị máy móc, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Khi chiếc xe tải mang biển kiểm soát 37C 07480 ì ạch chạy vào vị trí thì tài xế thông báo không mang theo giấy tờ xe, và không xuất trình được các giấy tờ tùy thân vì đang bị chủ hàng quản lý. Lúc này, các cán bộ của trạm cân đề nghị tài xế đánh xe vào bãi đậu, chờ chủ hàng mang giấy tờ đến mới thực hiện thủ tục cân xe. Trước khi chấp hành lệnh của tổ công tác, tài xế tuôn ra một loạt câu chửi thề khiến những người đứng ngoài cũng cảm thấy “nóng mặt” vì bị xúc phạm. Anh Phan Văn Tiến cho biết: dù mới lập trạm cân được ít ngày nhưng chuyện tài xế, chủ hàng có các hành vi xúc phạm cán bộ trạm cân xảy ra thường xuyên khiến cho khu vực này luôn “nóng”.

Các tài xế đậu xe quanh cây xăng chờ cơ hội vượt trạm.
Các tài xế đậu xe quanh cây xăng chờ cơ hội vượt trạm.

Trạm cân lưu động số 15 chính thức hoạt động từ ngày 1/4 với sự tham gia của lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát an ninh trật tự và kiểm soát quân sự. Ngoài hệ thống trạm cân được đặt ở khu vực đối diện Đền Cuông, xã Diễn An, các tổ công tác còn sử dụng xe tuần tra giao thông ở quanh khu vực trạm 2 km để tuyên truyền, giải thích cho các tài xế xe tải, các chủ hàng về mục đích hoạt động của trạm cân cũng như đề nghị các xe vào trạm để cân theo yêu cầu. Ông Phan Huy Chương, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ An, Trạm trưởng trạm cân lưu động số 15 cho biết, từ ngày 1 - 6/4, trạm đã thực hiện 135 lượt cân xe. Kết quả có 100 xe vi phạm (tỷ lệ hơn 74%). Trong đó, từ ngày 1 – 3/4, tỷ lệ quá tải lên đến hơn 90%. Riêng ngày 1/4 có 100% số xe vi phạm, ngày 2/4 tỷ lệ này giảm xuống khoảng 95 – 98%. Xe vượt tải ít cũng nằm khoảng 15 - 20%, đa số các xe đều vượt trên 100%. Thậm chí, một số xe chở hoa quả, chở sắt thép có tỷ lệ vượt tải lên đến 327,5%,… Tất cả các xe quá tải đều bị lập biên bản xử phạt hành chính và đề nghị giảm tải rồi mới được tiếp tục lưu thông.

Những ngày đầu trạm cân hoạt động, các tài xế xe tải trước khi đi qua đoạn đường này đã sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau để tìm cách thoát trạm. Ông Chương cho biết, chiêu trò đầu tiên mà cánh tài xế thực hiện ở trạm cân là tập kết xe chở hàng ở các bãi đất trống, các cửa hàng xăng dầu, các nhà hàng hai đầu trạm cân, chờ cơ hội đánh xe chạy vượt trạm. Những tài xế này sử dụng một số “chim mồi” đứng vởn vơ trước trạm cân, khi theo dõi thấy lực lượng chức năng đang mải mê cân xe, sẽ xi nhan cho tài xế liều mình vượt trạm. Một số tài xế lại dừng xe ở hai đầu trạm, thuê xe tải hạ bớt tải trọng và chở qua trạm còn mình vẫn đưa xe vào cân. Khi cân xong, không bị quá tải, những tài xế này sẽ đi qua trạm cân rồi tiếp tục chất hàng lên xe.

Thậm chí, một số “cò trạm cân” còn lợi dụng tài xế nghỉ tại các ki ốt xăng, cửa hàng ăn uống lân la làm quen và thu mỗi người từ 500 ngàn đồng - 1 triệu đồng nói là để “làm luật”. Lái xe đưa tiền, những đối tượng này giả vờ gọi điện để nhờ vả rồi bảo tài xế cứ mạnh dạn vào cân. Khi xe vào trạm, tài xế mới biết là mình bị lừa. Hiện nay, một số cò đã tìm cách dẫn xe tải đi đường tắt ven biển đoạn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc để vượt trạm cân. Đặc biệt, có nhiều tài xế tụ tập, kích động người dân gây áp lực với cán bộ của trạm cân, rất nhiều tài xế khi bị kiểm tra, đề nghị vào trạm cân đã khóa cửa, bỏ đi khỏi xe, không chấp hành. “Đêm 3/4, chúng tôi đã xử lý 22 trường hợp tài xế xe tải bất hợp tác với trạm cân và có thái độ chống đối, gây kích động khi bị yêu cầu đưa xe vào trạm. Đối với những chiêu thức để vượt trạm cân của các tài xế, chúng tôi phải vừa mềm mỏng tuyên truyền cho họ hiểu được mục đích hoạt động của trạm cân đồng thời phải kiên quyết, cứng rắn xử lý đối với những kẻ xem thường pháp luật”, Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết.

Những ngày đầu đi vào hoạt động, Trạm cân số 15 Nghệ An đang gặp phải những khó khăn về nhân sự cũng như về cơ chế làm việc. Ông Phan Huy Chương cho biết, theo quyết định thành lập, trạm cân lưu động có 17 cán bộ tham gia gồm lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và kiểm soát quân sự. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 13 người tham gia, còn lực lượng kiểm soát quân sự vẫn chưa có mặt vì nhiều lý do khác nhau. Thiếu nhân lực nên trạm cân chưa thể bố trí hoạt động 24/24h. Từ ngày 1 – 4/4, trạm cân chỉ hoạt động từ 6h sáng đến 24h đêm, có rất nhiều xe tải đã tập kết ở các xây xăng, nhà hàng quanh trạm để đêm đến mới đi qua. Trước thực trạng đó, trạm cân đã bố trí 2 ca ngẫu nhiên trong ngày để tránh việc xe tải nắm quy luật và tìm cách vượt trạm trái phép. Ông Chương cho biết, hiện nay, kinh phí hoạt động, kinh phí xây lắp trạm vẫn chưa được bố trí khiến các cán bộ làm việc ở đây gặp nhiều khó khăn.

Lâu nay, tình trạng xe chở quá khổ, quá tải lưu thông xảy ra thường xuyên và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tai nạn giao thông và làm xuống cấp đường sá nhưng lực lượng chức năng chưa có biện pháp mạnh và hiệu quả. Có thể khẳng định rằng, việc đưa trạm cân lưu động vào hoạt động trên Quốc lộ 1A là chủ trương đúng đắn, góp phần giảm thiểu từng bước và tiến đến chấm dứt tình trạng xe chở quá khổ, quá tải tham gia giao thông, góp phần bảo vệ an toàn giao thông, an tòan cho chất lượng các công trình giao thông trên Quốc lộ 1A. Các cơ quan chức năng trong tỉnh cũng cần sớm có chế tài và hình thức xử lý nghiêm đối với các tài xế cố tình vi phạm, lách trạm cân, đồng thời có biện pháp tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của trạm cân một cách rộng rãi với nhân dân cũng như các doanh nghiệp, chủ xe, tài xế, giúp họ thấy được rằng đây là chủ trương đúng đắn và phải tích cực chấp hành pháp luật.

Điểm a, Khoản 2, Điều 24 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định: Các xe chở hàng vượt trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường từ 10% đến 40% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và từ 5% đến 30% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Điều 33, Nghị định 171/2013/NĐ-CP có một số quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường từ 10% đến 20%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe khi có tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe; chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ; Điều khiển xe có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe nếu có) vượt quá quy định trong Giấy phép lưu hành; Điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 50%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng; Chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong Giấy phép lưu hành; Điều khiển xe vượt quá khổ giới hạn của cầu, đường hoặc chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường tham gia giao thông, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung khác, đồng thời bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ; nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra,…

Bài, ảnh: Nguyên Khoa

Mới nhất
x
Những chiêu "lách" trạm cân trên QL1A
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO