Những chuyển động trong công nghiệp xi măng

09/07/2015 07:56

(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2010 - 2015, chương trình mục tiêu phát triển xi măng của tỉnh không đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tuy nhiên, Phân tích những nguyên nhân cho thấy, đó là chặng đường các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực khởi động nhiều dự án, tạo đà cho giai đoạn sau.

Theo dự tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh sản xuất được 1,65 triệu tấn xi măng. Sản lượng đó thấp so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là đến năm 2015, đạt 6,4 triệu tấn xi măng. Nguyên nhân là do tiến độ triển khai thực hiện các dự án xi măng chậm. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 24/2/2011 hướng đến mục tiêu ổn định vĩ mô, thắt chặt tài khóa, cắt giảm đầu tư công nên lượng xi măng tiêu thụ giảm.

Công trình Nhà máy xi măng Sông Lam.
Công trình Nhà máy xi măng Sông Lam.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, lĩnh vực xi măng có nhiều chuyển biến, hoạt động sôi động. Cùng với việc nỗ lực để đưa Dự án Nhà máy xi măng Tân Thắng vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 đến 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488; Bảo vệ để giữ lại Dự án Nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ để làm tiền đề cho việc đầu tư của giai đoạn tiếp theo, Ban chỉ đạo phát triển xi măng tỉnh đã tham mưu chuyển nhượng thành công Dự án Nhà máy xi măng Đô Lương cho Tập đoàn Hoàng Phát Vissai. Hiện dự án đã được khởi công lại và nhà đầu tư đang triển khai thi công dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017.

Về dự án xi măng Tân Thắng, đến nay chủ đầu tư đã hoàn tất cơ bản công tác chuẩn bị đầu tư và các thủ tục pháp lý có liên quan; san gạt xong mặt bằng và thi công xây dựng hàng rào bao quanh mặt bằng nhà máy. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh các mỏ đá vôi Kim Giao, Núi Len, Răng Cưa và mỏ đất sét Đá Bạc tại huyện Quỳnh Lưu từ quy hoạch các mỏ khoáng sản dự trữ cho nhu cầu sản xuất mở rộng và đầu tư mới để bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác trữ lượng khoáng sản làm nguyên liệu xi măng đến năm 2020. Dự án đã hoàn thành công tác đấu thầu, đàm phán hợp đồng gói mua sắm dây chuyền nhà máy với 14 nhà thầu quốc tế với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại bậc nhất trên thế giới, tốt nhất trong các nhóm dự án xi măng có dây chuyền thiết bị xuất xứ EU, G7, chất lượng cao đang sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam với giá thành cạnh tranh. Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường điện 35kV phục vụ thi công xây dựng nhà máy; hệ thống cung cấp nước ngoài hàng rào nhà máy; tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 1A vào nhà máy theo đúng lộ trình.

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản cho phép điều chỉnh tiến độ đầu tư của dự án từ giai đoạn 2011-2015 sang giai đoạn sau năm 2015. Dự án đã được Ngân hàng BIDV và Ngân hàng ViettinBank ký thỏa thuận nguyên tắc thu xếp nguồn vốn với hạn mức 3.899 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư đã hoàn tất thủ tục chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu (khoảng 1.100 tỷ đồng), theo kế hoạch hợp đồng cung cấp tín dụng sẽ được chủ đầu tư và ngân hàng ký kết vào đầu tháng 7/2015 để mua sắm dây chuyền thiết bị nhà máy và triển khai thực hiện, đồng thời các gói thầu xây dựng khác theo đúng kế hoạch tiến độ, phấn đấu hoàn thành đưa nhà máy vào sản xuất cuối năm 2017.

Một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp xi măng, đó là vào tháng 12/2014, Tập đoàn xi măng The Vissai đã thành lập công ty Cổ phần xi măng Sông Lam làm chủ đầu tư, chính thức tiếp nhận Dự án xi măng Đô Lương, thực hiện dự án nâng công suất nhà máy từ 900.000 tấn/năm lên 4 triệu tấn/năm. Đồng thời, nhà đầu tư cũng lập dự án đầu tư trạm nghiền xi măng và cảng quốc tế tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) với công suất 4 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến cho cụm dự án là 12.600 tỷ đồng. Hiện nay, doanh nghiệp đang huy động phương tiện, trang thiết bị gấp rút triển khi thi công, trên công trường xây dựng có gần 500 người làm việc 3 ca liên tục. Đến cuối tháng 6, hệ thống đường giao thông nội bộ đã cơ bản hoàn thành phần cốt đường để phục vụ thi công công trình, san lấp mặt bằng các hạng mục để bố trí thi công cọc khoan nhồi bê tông, đã lắp đặt xong 2 trạm trộn bê tông đảm bảo cung cấp bê tông kịp thời cho các hạng mục công trình với khối lượng thi công lớn…Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, dự án được ngân sách tỉnh Nghệ An hỗ trợ khoảng 120 tỷ đồng để đầu tư 5,5 km đường từ Quốc lộ 7 vào nhà máy và toàn bộ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn vật nổ, xây dựng khu tái định cư. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản cho phép điều chỉnh tiến độ đầu tư của dự án từ giai đoạn 2011-2015 sang giai đoạn sau năm 2015.

Không dừng lại ở đó, tháng 3/2015 Tập đoàn Hoàng Phát Vissai cũng đã nhận chuyển nhượng Dự án Xi măng Dầu khí 12/9 đóng tại Hội Sơn, huyện Anh Sơn, đổi tên thành Công ty CP xi măng Sông Lam 2. Như vậy, sau gần 2 năm phải tạm dừng thi công do thiếu vốn, dự án này dự kiến được đầu tư thêm khoảng 500 tỷ đồng để hoàn thiện, đi vào hoạt động trong quý 3/2015. Việc Tập đoàn Hoàng Phát tham gia đầu tư vào 2 dự án xi măng đang được kỳ vọng rất lớn vào sự phát triển chung của tỉnh. Riêng Dự án xi măng Sông Lam Đô Lương sau khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động có thu nhập ổn định, đóng góp từ 300 - 400 tỷ đồng vào ngân sách địa phương mỗi năm, đồng thời thúc đẩy những dịch vụ phụ trợ bên ngoài nhà máy...

Với những chuyển biến của các dự án nêu trên, trong những năm tới (nhiệm kỳ 2015 - 2020), lĩnh vực sản xuất xi măng đang được kỳ vọng đạt sản lượng 10 triệu tấn/năm (dựa vào công suất của các nhà máy: Hoàng Mai 1,4 triệu tấn/năm; Sông Lam 4,5 triệu tấn/năm; Sông Lam 2 (Anh Sơn) 0,6 triệu tấn/năm; Tân Thắng 1,8 triệu tấn/năm và dây chuyền 1 xi măng Hoàng Mai 2 có công suất 2 triệu tấn/năm).

Ông Nguyễn Văn Thế, Trưởng phòng quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: “Mặc dù sản xuất xi măng chưa đạt mục tiêu nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2010 - 2015 nhưng những năm qua, các doanh nghiệp sản xuất xi măng liên tục mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư nhiều dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường; điều đó đưa Nghệ An trở thành một trong những trọng điểm sản xuất lớn về xi măng của cả nước. Với tổng công suất hơn 10 triệu tấn/năm, tới đây, xi măng sản xuất ở Nghệ An không những đáp ứng được nhu cầu trong nước mà đã có kế hoạch vươn ra xuất khẩu. Các doanh nghiệp xi măng đang đang từng bước ổn định sản xuất với chất lượng sản phẩm tốt, giá thành rẻ sánh ngang với các nước trong khu vực…”.

Thu Huyền

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Những chuyển động trong công nghiệp xi măng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO