Những "cô gái vàng" của thể thao Quế Phong

07/06/2015 09:31

(Baonghean) - Nghiệp thể thao vốn lắm gian truân, gắn với nghiệp thể thao truyền thống thì sự vất vả tăng lên gấp bội. Thế nhưng, những “cô gái vàng” của thể thao truyền thống huyện Quế Phong vẫn luôn giữ được ngọn lửa đam mê với nghiệp thi đấu...

Nổi bật trong số những môn thể thao truyền thống ở Quế Phong có môn bắn nỏ và đẩy gậy. Đây là hai môn thể thao được phát triển từ trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái, Mông… Hiện nay, cũng là hai bộ môn “hút” huy chương nhất của ngành thể dục – thể thao huyện nhà trong các kỳ thi đấu. Chúng tôi tìm gặp VĐV đẩy gậy Quang Thị Hồng (bản Mồng, xã Châu Kim) khi em vừa trở về sau Giải Vô địch đẩy gậy toàn quốc diễn ra tại tỉnh Sơn La. Sau gần 1 tuần căng thẳng trên đấu trường, Hồng lại tất bật ra đồng gặt lúa giúp mẹ. Cô gái “vàng” của bộ môn đẩy gậy huyện Quế Phong gạt vội những giọt mồ hôi chia sẻ: “Giải Vô địch đẩy gậy toàn quốc vừa rồi em đạt HCV. Về đến nhà, chỉ kịp mang huy chương khoe với mẹ, với bà con dân bản, rồi lại ùa ra đồng ngay mà. Bố em mất sớm, nhà chỉ có 2 mẹ con …”.

Gia đình của Quang Thị Hồng thuộc diện khó khăn trong xã, nhưng Hồng luôn giữ được ngọn lửa đam mê với bộ môn đẩy gậy truyền thống của đồng bào mình. Em bảo, duyên với nghề đến rất tình cờ, đó là vào năm 2012, UBND xã Châu Kim tổ chức hội thi thể thao nhân dịp đầu xuân năm mới. Hồng bất ngờ được cử đại diện cho bản tham gia thi đấu môn đẩy gậy. “Thật lòng, môn đẩy gậy thì em đã biết từ nhỏ, do đây là trò chơi truyền thống của đồng bào Thái vào những dịp hội hè, lễ tết. Nhưng tham gia thi đấu thì đây mới là lần đầu tiên, và lần ấy may mắn em đoạt giải Nhất đối kháng. Các HLV của Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện có mặt tại hội thi đã nhận ra tố chất của em nên nhanh chóng gặp gỡ, động viên em tập luyện chuyên nghiệp” – VĐV Quang Thị Hồng nhớ lại. Từ duyên nghề ban đầu ấy, Hồng mới chú tâm tìm hiểu về thể thức thi đấu, kỹ thuật sử dụng gậy đấu, lối chuyển chân phù hợp với từng đấu thủ…

VĐV Lương Thị Xuân (phải) trao đổi về kỹ thuật bắn nỏ với huấn luyện viên.
VĐV Lương Thị Xuân (phải) trao đổi về kỹ thuật bắn nỏ với huấn luyện viên.

Đến với nghiệp thi đấu khá muộn, nhưng cô gái 23 tuổi ấy đã khẳng định được năng khiếu và sự nỗ lực của mình bằng bảng thành tích ấn tượng: HCB môn đẩy gậy Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số khu vực I toàn quốc diễn ra tại tỉnh Lai Châu; HCV môn đẩy gậy tại Đại hội TDTT tỉnh Nghệ An lần thứ VII… Có được những thành tích nổi bật ấy, Hồng chia sẻ, ngoài cố gắng và đam mê của bản thân, không thể không nhắc đến sự đồng hành nhiệt tâm của những người thầy, HLV và lãnh đạo ngành Văn hóa – Thể thao cũng như chính quyền các cấp. “Đã nhiều lần em toan bỏ cuộc vì thú thực, VĐV thể thao cấp huyện còn thi đấu theo kiểu “mùa vụ”, khó đảm bảo được kinh tế để trang trải cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, còn tâm lý “con gái có thì…”. Nhưng rồi, thương các thầy lặn lội gần xa, động viên, bày bảo, thậm chí, đồng cam, cộng khổ cùng trò, lại thêm yêu cái nghiệp đã dấn thân” – Quang Thị Hồng tâm sự.

Cũng như Quang Thị Hồng, nữ VĐV bắn nỏ Lương Thị Xuân (Khu TĐC Piêng Cu, xã Tiền Phong) là gương mặt khá ấn tượng trong làng thể thao truyền thống huyện Quế Phong. Ấn tượng bởi Xuân có phong thái cá tính, cùng tình yêu với cây nỏ một cách kỳ lạ. Cây nỏ mà Xuân thường dùng trong các hội thi do chính tay Xuân chế tạo. Lương Thị Xuân chìa đôi bàn tay ra trước mặt, đôi bàn tay trắng muốt nhưng hằn những vết sần chai đặc trưng của một VĐV bắn nỏ kỳ cựu, đoạn bảo: “Từ khi mới 8, 9 tuổi, em đã mê môn bắn nỏ. Từ trước đến nay, các cây nỏ em sử dụng đều do chính tay em làm. Vào rừng chặt tre, mua gỗ, quấn gai …, rồi hì hục đo đạc, cưa gỗ theo đúng tỷ lệ, mài nhẵn, lên dây… Ai cũng bảo tự làm làm gì cho khổ, giờ nỏ ở bản cũng có người làm bán mà. Thế nhưng em nghĩ, cây nỏ gắn bó với sự nghiệp thi đấu của mình, với từng khoảnh khắc thành công – thất bại, nên em tự làm lấy”.

Thế là cây nỏ đặc biệt ấy đã gắn với Lương Thị Xuân suốt bao nhiêu năm thăng trầm cùng nghiệp đấu và giúp em giành được nhiều thành tích trong các kỳ thi, hội thao các cấp. Tính đến nay, Xuân là chủ nhân của 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ cả cá nhân lẫn đồng đội bộ môn bắn nỏ tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số miền Trung năm 2015; HCĐ bắn nỏ tại Ngày hội Dân tộc Thái vùng Tây Bắc năm 2014; nhiều huy chương tại các kỳ đại hội TDTT cấp tỉnh … Yêu nghề, gắn bó với nghề, cống hiến hết mình cho ngành thể thao huyện nhà, nhưng vẫn còn đó những trăn trở trước nhiều hạn chế mà thể thao truyền thống gặp phải. Đó là khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư tập luyện, chế độ sinh hoạt của HLV, VĐV… Lương Thị Xuân chia sẻ: Khó khăn hiện rõ trước mắt, nhưng với em và những đồng đội khác, đã, đang và sẽ vượt qua tất cả bằng tâm niệm đam mê, cống hiến hết mình.

Ông Nguyễn Đình Bảo, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện Quế Phong cho biết: “Những gương mặt VĐV nữ của các bộ môn thể thao truyền thống đã làm nên dấu ấn mạnh mẽ cho ngành thể dục – thể thao huyện nhà trong thời gian qua, đồng thời, là nhân tố triển vọng đóng góp cho sự nghiệp thể thao tỉnh nhà nói chung. Cái khó nhất là cơ chế đãi ngộ xứng đáng dành cho họ, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực và quan tâm hơn nữa để các nữ VĐV có điều kiện tốt nhất luyện tập và thi đấu”.

Phước Anh

Mới nhất
x
Những "cô gái vàng" của thể thao Quế Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO