Những con số ấn tượng về triển vọng du lịch Việt Nam

28/09/2015 15:08

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế đến Việt Nam là 8,9% trong thập kỷ qua, vượt xa con số 3,4% trung bình trên toàn thế giới.

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã dự kiến nhiều con số mục tiêu tích cực như: tổng thu từ khách du lịch tăng lên 18 – 19 tỷ USD vào năm 2020, đóng góp vào GDP tăng 6,5 – 7%.

Những con số ấn tượng nêu trên vừa được công bố tại Chương trình Mít tinh hưởng ứng thông điệp Ngày Du lịch thế giới 2015 với chủ đề "Một tỷ du khách, một tỷ cơ hội" vừa diễn ra ở Hà Nội.

Tại buổi mít tinh, thông điệp nhân Ngày Du lịch Thế giới 2015 với chủ đề “Một tỷ du khách, một tỷ cơ hội” của Tổng thư ký UNWTO đã được công bố. Theo đó, hiện nay, mỗi năm có hơn một tỷ du khách đến thăm các điểm du lịch quốc tế. Chính một tỷ du khách này đã đưa du lịch trở thành ngành kinh tế hàng đầu, đóng góp 10% tổng GDP toàn cầu, 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới.

Hội An nổi tiếng là 1 trong những điểm du lịch thu hút khách nước ngoài.
Hội An nổi tiếng là 1 trong những điểm du lịch thu hút khách nước ngoài.

Bàn về tiềm năng phát triển du lịch thế giới và cũng như tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết: “Du lịch Việt Nam đã đi tiên phong trong công cuộc hội nhập quốc tế: Năm 1981 đã chính thức trở thành thành viên của UNWTO; năm 1989 là thành viên của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA); và tham gia có hiệu quả nhiều định chế song phương khác trên thế giới. Đến nay, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định”.

“So với năm 2014, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 1990 đã tăng 30 lần; lượng khách du lịch nội địa tăng 35 lần; tổng thu từ du lịch đóng góp khoảng 6% vào GDP. Du lịch trở thành ngành xuất khẩu hàng hóa đứng thứ 4 sau dầu thô, dệt may và thủy sản”, ông Nguyễn Quang Lân nói.

 Vẻ đẹp ngỡ ngàng của Tây Bắc.
Vẻ đẹp ngỡ ngàng của Tây Bắc.

Đồng quan điểm, tại buổi mít tinh, ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng nhận định: “Chúng ta có thể nhìn thấy trên chiều dài và chiều rộng của đất nước Việt Nam, nhiều khu nghỉ dưỡng hiện đại với những thương hiệu khách sạn nổi tiếng thế giới đã và đang được xây dựng. Việc mở cửa nhà ga T2 của Sân bay quốc tế Nội Bài, đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, cũng như việc Chính phủ miễn thị thực cho các nước Tây Âu tháng 7 vừa qua là công cụ quan trọng tạo thuận lợi cho du lịch và thúc đẩy khách du lịch đến Việt Nam”.

Trên thực tế, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, ngành Du lịch Việt Nam đã hội tụ điều kiện để có thể khẳng định rõ vị thế là một ngành kinh tế quan trọng. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động từ đô thị tới nông thôn, từ vùng ven biển, hải đảo đến vùng núi, cao nguyên… Các hoạt động du lịch đã và đang đóng góp hiệu quả cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, đồng thời có vai trò tích cực trong xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước với nền văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đến bạn bè quốc tế trong quá trình giao lưu hội nhập quốc tế.

Nhiều loại hình mới vừa được đưa vào khai thác trên sông Hàn nhằm tăng sức hút du khách đến Đà Nẵng trong dịp lễ 2/9 năm nay (Ảnh: HC)
Nhiều loại hình mới vừa được đưa vào khai thác trên sông Hàn nhằm tăng sức hút du khách đến Đà Nẵng.

Ở góc nhìn của nhà quản lý, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, "trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển du lịch của quốc gia cần được xác định như một định hướng chiến lược với quy hoạch rõ ràng và nghiên cứu cụ thể trên nhiều lĩnh vực. Du lịch phải thực sự là mô hình do người dân thực hiện và vì cuộc sống của chính người dân. Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi trên khía cạnh tinh thần và kinh tế thì lúc đó du lịch mới phát huy hết tác dụng, góp phần tạo cơ hội việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao ý thức xã hội về bảo tồn văn hóa".

Cũng tại buổi mít tinh, rất nhiều con số ấn tượng về tiềm năng phát triển của du lịch Việt Nam đã được công bố. Chẳng hạn, theo UNWTO, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế đến Việt Nam là 8,9% trong thập kỷ qua, vượt xa con số 3,4% trung bình trên toàn thế giới. Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới dự đoán vào năm 2023, ngành du lịch Việt Nam sẽ tạo ra 2,307 triệu việc làm trực tiếp (chiếm 4,1% tổng số việc làm).

Và Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã cho thấy một triển vọng tích cực của du lịch Việt Nam, qua những con số như: tổng thu từ khách du lịch tăng lên 18 – 19 tỷ USD vào năm 2020, đóng góp vào GDP tăng 6,5 – 7% với 42,5 tỷ USD trong thu hút vốn đầu tư.

Theo Infonet

Mới nhất
x
Những con số ấn tượng về triển vọng du lịch Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO