Những cộng tác viên tiêu biểu năm 2012
Nhà thơ Thạch Quỳ “đã được kéo ra khỏi chăn”
Năm 2012, bạn đọc Báo Nghệ An đã quen thuộc với cái tên Thạch Quỳ được ký dưới nhiều bài viết. Không chỉ có thơ, chuyện làng văn nghệ, bình-bàn về văn hóa, lịch sử, mà ông “nhà thơ-đồ gàn” (“danh hiệu” mà nhiều nhà báo, nhà văn phong tặng) còn tham gia viết cho nhiều chuyên mục, đặc biệt là các diễn đàn, trao đổi về nhiều vấn đề “nóng”, thời sự của tỉnh, của đất nước.
Thực ra, nhà thơ Thạch Quỳ từng tham gia viết cho tờ báo đảng tỉnh nhà từ những số báo đầu tiên. Ông nhớ lại: “Ngày đó tờ báo cũng ít người, mà cộng tác viên cũng có mấy người biết viết báo đâu. Tôi nhớ hội nghị cộng tác viên năm đó, Chủ tịch tỉnh Chu Mạnh còn phải hướng dẫn cách viết báo cho các cộng tác viên”. Thế rồi, bẵng đi một quãng, tên ông ít xuất hiện trên báo, chỉ thảng hoặc một vài bài thơ, ông nói, do bận và cũng thấy “không muốn viết”. Cách đây hơn 1 năm, một người bạn thơ thân thiết của ông có lần kêu ca: “Cái ông này định biến mình thành lão vô dụng chắc. Suốt ngày thấy nằm trong chăn. Ai đó làm ơn kéo lão ra khỏi chăn với, chứ để một Thạch Quỳ ai cũng biết danh tự dưng biến mất như thế này thì thật tiếc!”.
Đúng là đã có thời gian “Thạch Quỳ suốt ngày ở trong chăn”. Ông không ốm, mà ông ngại ra ngoài, ngại tiếp xúc. “Mưa hay nắng/ Cứ trôi/ Ngoài vỏ/ Nắng hay mưa/ Cứ trổ/ Ngoài da” (Bức tượng - Thơ Thạch Quỳ), như “Tảng đá” kia: “Không biết, không thể viết/ Đã biết, không muốn viết”. Thế nhưng, trái tim tha thiết của một nhà thơ đã không thể mãi thờ ơ cùng cuộc sống với bao sôi động. Người ta lại thấy ông lặn lội “đi thực tế”, tới gõ cửa nhà bạn bè và có mặt trong các cuộc họp hội văn nghệ, giao lưu các cây viết. Thi thoảng, tại Tòa soạn Báo Nghệ An, người ta lại thấy cái dáng gầy gò “gió thổi là xiêu” lên tìm gặp và trao đổi với các biên tập viên của Báo về những bài hay, đề tài mới. Ông nhận xét: “Bây giờ, Báo Nghệ An đã có cả một đội ngũ phóng viên, cộng tác viên đông đảo, nhiều cây viết sắc bén. Tờ báo lên 8 trang hàng ngày, cộng với cả số cuối tuần, ăm ắp lượng thông tin. Báo mở ra nhiều chuyên mục, vươn tới sự đa chiều, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Bên cạnh đó, Báo còn động viên được nhiều cây viết, có chính sách thu hút tốt đối với cộng tác viên. Nói như vậy để thấy mừng cho tờ báo đảng tỉnh nhà. Và những người như chúng tôi, nghe thế, nhìn thế, lại được trân trọng như thế cũng không thể đứng ngoài cuộc được”.
Nhà thơ Thạch Quỳ “đã không đứng ngoài cuộc được”, để bạn đọc báo Nghệ An chờ đón lối viết đầy hóm hỉnh, trí tuệ mỗi tuần, và để mừng vui như người bạn thân thiết của ông thông báo: “Thạch Quỳ đã được kéo ra khỏi chăn”!
Thùy Vinh
Dương Huy viết "tiểu phẩm"
Mỗi khi cuộc sống con người trở nên phong phú, đa dạng và có chút phức tạp đan xen, thì các thể văn gần gũi với báo chí như bình luận, tạp bút, thơ châm, tiểu phẩm lại có "đất" phát triển, thậm chí rộ lên trở thành không thể vắng thiếu trên các trang báo, tạp chí nước nhà. Qua trường hợp nhà văn, nhà báo Dương Huy thì rõ.
Khá nhiều độc giả nhỏ tuổi đã đọc và yêu thích một số bài thơ thiếu nhi của Dương Huy. Nhưng có lẽ, cây bút này gây ấn tượng với số đông bạn đọc báo chí là nhờ thơ châm, đặc biệt tiểu phẩm. Tiểu phẩm gần với báo chí, thời sự nhưng phải viết cho có nghệ thuật, cao tay, mới đọc được. Con người Dương Huy đáp ứng được cả hai tố chất này: làm báo và làm văn. Ông từng nhiều năm làm ở Báo Nghệ An, bám thờ sự; lại cũng có nhiều năm ở Hội VHNT tỉnh, quản lý Tạp chí Sông Lam, nên ý thức về văn chương, nghệ thuật rất sâu sắc. Ông lại ham đọc, ham đi. Cách đi của ông cũng có cái khác người: đi thực tế một mình, đi bộ, và ít khi đi xa khỏi mấy con phố của ông. Theo Dương Huy kể lại, đi bộ ngoài rèn luyện sức khỏe, độ dai bền nghị lực, thì nó cũng cho ông rất nhiều thời gian quan sát, ngẫm nghĩ, lập dàn bài, tìm ý tứ, để rồi khi trở về nhà chỉ còn ngồi viết lại nữa thôi!
Hàng trăm tiểu phẩm của nhà văn, nhà báo Dương Huy đã ra đời như thế, để đáp ứng cùng một lúc nhiều tờ báo khắp trong Nam ngoài Bắc, nhất là mỗi độ Tết đến Xuân về. Hơn một năm lại nay, trên Báo Nghệ An cuối tuần, chuyên mục "tiểu phẩm" đều do một Dương Huy đảm nhận. Thường, ông đến tòa soạn xem báo, nhận báo biếu, gửi tiểu phẩm, nên biên tập viên hiếm khi phải "đòi", có chăng chỉ điều chỉnh tí chút cho phù hợp đề tài đang cần ở từng số báo.
Dương Huy từng bộc bạch: "Nhà văn cần có dũng khí nhìn thẳng vào sự thật!". Phẩm chất đó, ngẫm ra cũng rất cần thiết với nhà báo. Sau mấy đầu sách tiểu phẩm ra đời, sắp tới ông cho xuất bản một cuốn sách mới, chủ yếu tập hợp những tiểu phẩm in trên báo Nghệ An cuối tuần năm vừa qua…
Kim Hùng
Cao Duy Thái:
Mỗi bài viết là một lần trải nghiệm
Bắt đầu tập viết báo từ những năm 1995, nhưng kỉ niệm đáng nhớ nhất của Cao Duy Thái là bài báo “Lắt lẻo cầu tre”, bài được đăng ngay trên số đầu tiên của tờ chuyên trang Dân tộc và miền núi. Bài báo phản ánh một hiện thực về giao thông ở các huyện vùng cao, trong đó cầu treo là mối nguy hiểm cho các em học sinh và trẻ nhỏ. Qua hơn mười năm, giờ những chiếc cầu tre ở huyện miền núi Quỳ Hợp quê anh không còn nữa, nhưng anh vẫn tin rằng: có thể từ tiếng nói của mình mà các cấp các ngành đã quan tâm hơn đến giao thông nông thôn, qua đó những chiếc cầu xi măng kiên cố đã được đầu tư xây dựng.
Gần 15 năm viết báo, làm cộng tác viên, Cao Duy Thái vẫn luôn giữ cho mình một niềm tin như thế trước mỗi bài báo. Cũng vì điều đó nên anh thường chọn những đề tài gần gũi, thân thiết với đồng bào dân tộc nơi anh đang sinh sống. Bài báo đôi khi đơn thuần chỉ là một điển hình làm kinh tế giỏi, một lễ hội văn hóa vừa được phục hồi hay là một mô hình về xây dựng làng, bản văn hóa, nhưng đằng sau đó là chứa đựng tâm huyết của người viết. Anh tâm sự, bà con dân tộc thiểu số chẳng những trước kia mà ngày nay cũng rất khát thông tin, họ chỉ có báo Nghệ An làm chỗ dựa tinh thần. Qua đó họ học hỏi được nhiều kinh nghiệm về làm kinh tế, họ biết được phong tục truyền thống của đồng bào mình. Vì thế, dù là bài báo ca ngợi hay là bài báo phản ánh thì nó đều có ý nghĩa nhất định. Việc của mình là làm sao viết để bà con hiểu, bà con nghe và còn có thể học tập theo báo.
Cao Duy Thái là người Kinh, gốc ở huyện Hưng Nguyên. Anh cùng gia đình chuyển lên Quỳ Hợp theo đợt di dân về vùng kinh tế mới. Gắn bó đã lâu với đồng bào dân tộc thiểu số, với dân bản, anh tự nhận mình là “người con của núi rừng”. Cái chất đó, cũng gắn vào trong từng bài viết của anh qua giọng viết, qua ngữ điệu. Để chuyên nghiệp hơn, anh cũng tham gia vào một lớp đào tạo tại chức Báo chí do Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở. Sau khóa học, bạn đọc thấy anh "nghề" hơn qua những bài viết về vụ lật xe chở lâm sản ở rừng Quốc gia Pù Huống, chuyện ghi từ “Chợ đuổi” đến “Chờ Mời”... Mới đây, sau 5 kì bài viết về sự xuống cấp của di tích đền Chọong ở xã Châu Lý, anh bảo rất vui bởi sau khi bài báo ra, lãnh đạo huyện đã xuống kiểm tra thực trạng, nhiều doanh nghiệp cũng đã hứa sẽ đóng góp, tu bổ, nâng cấp ngôi đền. Với anh, đó là một thành công, là một động lực để anh say nghề và gắn bó lâu dài với nghề. Và tôi, tin rằng anh sẽ làm được.
Song Hoàng
Nguyễn Nhật Minh:
Muốn bày tỏ quan điểm của mình trên tờ báo đảng
Hiện đang là học sinh lớp 11A2 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, sở trường của Nguyễn Nhật Minh là các môn tự nhiên và tiếng Anh, nhưng việc viết lách cũng trở thành niềm đam mê của cậu. Khi chúng tôi hỏi, cơ duyên nào em lại "đầu quân" vào đội ngũ cộng tác viên Báo Nghệ An, Nhật Minh trả lời rất chững chạc "là một học sinh, em rất muốn được bày tỏ quan điểm của mình, và hơn thế là trên một tờ báo đảng".
Là cộng tác viên nhỏ tuổi, đến với báo Nghệ An, trước tiên Nhật Minh xác định mình là một người trẻ, vì vậy những vấn đề Nhật Minh thể hiện cũng rất trẻ, rất tươi mới, nhưng cũng không kém phần "thời sự". Dấu ấn riêng của Nhật Minh thể hiện rõ trên báo Nghệ An cuối tuần, đó là những ý kiến ngắn bày tỏ quan điểm sống, là những mong muốn được tự do sáng tạo, được khẳng định mình... Tuy số lượng bài gửi tòa soạn không nhiều, song những bài viết của Minh đã giãi bày được tâm tư nguyện vọng của các bạn trẻ, trong đó không thiếu những đề xuất, những mong muốn, khiến người lớn, những bậc làm cha làm mẹ, thầy cô... phải ngẫm nghĩ.
Bài viết đầu tiên, cũng là bài viết gây chú ý với độc giả của Nhật Minh đó là "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng...". Dù chỉ là ý kiến ngắn, rất ngắn, nhưng với sự trải nghiệm của riêng mình, Nhật Minh đã bày tỏ quan điểm rất rõ ngay từ câu mở đầu "Cuộc sống của mỗi con người chúng ta đều phải tuân theo quy luật của tạo hóa, dòng đời cứ thế trôi, cuốn đi mọi thứ về với cát bụi. Nhưng có một thứ sẽ đọng lại mãi, đó là tình thương- điều mà ta sẽ cho đi và nhận lại...". Quả đúng như vậy, tình yêu thương sẽ còn mãi và cho đi ắt sẽ được nhận lại. Nhưng với người trẻ, nhất là độ tuổi như Nhật Minh thì không phải ai cũng nhận ra điều đó!
Không riêng bài này mà hầu hết bài viết của Nhật Minh, như "Cảm ơn thầy đã lắng nghe", "Hãy chắp cánh ước mơ của con"... đều thể hiện những cảm nhận riêng về cuộc sống, những tâm sự rất thật với bố mẹ, thầy cô, bạn bè... Đó cũng là định hướng của Nhật Minh cho những bài viết gửi Báo Nghệ An trong thời gian tới, bởi Nhật Minh quan niệm báo đảng không chỉ dành cho những người lão thành cách mạng, những người lớn tuổi, mà phải trở thành tờ báo của số đông quần chúng, trong đó không thể thiếu lớp trẻ. Vì vậy, em mong muốn sẽ được góp thêm tiếng nói, làm trẻ hóa không chỉ đội ngũ cộng tác viên mà còn cả đối tượng người đọc báo Nghệ An.
Quảng An