(Baonghean) - "Giờ thì hầu khắp các bản xa, bản gần của Tương Dương đều có những công trình mang dấu ấn của các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ...". Đó là lời một cán bộ trẻ của huyện Tương Dương trong một lần cùng chúng tôi đi thực tế ở huyện miền núi 30a này.
Bên cạnh những công trình được xây dựng từ các chương trình, dự án của Nhà nước thì vùng đất Tương Dương được đón nhận nhiều những công trình hết sức thiết thực mang dấu ấn của các tổ chức, cá nhân. Dọc tuyến tỉnh lộ, nối Tương Dương với huyện Quỳ Hợp, tại xã Yên Na có công trình Trường Tiểu học Yên Na 2 được Tổng công ty Công nghiệp xi măng tài trợ với số tiền là 7 tỷ đồng. Sát với Yên Na là xã Yên Hòa có công trình trạm y tế đa khoa khu vực được Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tài trợ với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; ngay cạnh bên, là công trình nhà học cao tầng Trường THCS Yên Hòa đang được hoàn thiện do Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam tài trợ với số vốn đầu tư là 5 tỷ đồng.
Còn ở xã Nga My, dấu ấn để lại từ vài năm qua là công trình nhà học cao tầng Trường THCS do Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tài trợ với tổng số tiền 4,360 tỷ đồng... Xuôi về Thị trấn Hòa Bình, qua các xã Lượng Minh, Xá Lượng, Thạch Giám, Tam Thái, Tam Đình..., đó là những công trình: cầu treo dân sinh dẫn vào di tích danh thắng đền Cửa Rào, Trường PTDTNT huyện, Trạm Y tế xã Lượng Minh, Thạch Giám, Trường Mầm non, Tiểu học Tam Thái... Ngược lên các xã vùng lòng hồ có công trình Trạm Y tế xã Mai Sơn, Trường THCS xã Hữu Khuông.
 |
Trường Tiểu học Yên Na 2 (Tương Dương). |
Những công trình do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đầu tư không chỉ góp phần điểm tô cho bức tranh hùng vĩ của huyện miền núi Tương Dương mà thực sự đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên vùng đất này.
Công trình Trường PTDTNT huyện Tương Dương đã là một điểm nhấn tại trung tâm huyện và góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục. Với số vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng, trong đó có 12 tỷ đồng do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tài trợ. Như thầy giáo Bùi Văn Chiến - Hiệu trưởng nhà trường tự hào "hiếm có một trường học nào có được một cơ sở vật chất tốt như vậy". Trường có hai khu vực riêng biệt. Một khu vực gồm nhà làm việc của cán bộ, giáo viên, nhà học 12 phòng, nhà học đa chức năng…; khu vực hai gồm nhà công vụ 2 tầng 8 phòng khép kín cho giáo viên, 3 dãy nhà 2 tầng, với 36 phòng khép kín làm nơi ở của học sinh và nhà bếp, nhà ăn.
Thầy giáo Bùi Văn Chiến tâm sự: "Đã có một thời chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Những năm qua, nhờ có cơ sở hạ tầng tốt, phụ huynh rất yên tâm khi gửi gắm con cho nhà trường, tình trạng học sinh bỏ học kể như đã chấm dứt. Và cũng nhờ vậy mà chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên...".
Ở xã Yên Hòa, trạm y tế xã là một công trình nổi bật và phát huy được tác dụng. Nhờ có cơ sở vật chất đảm bảo, đầy đủ các phòng khám, chữa bệnh, phòng điều trị nội trú nên đã được công nhận đạt bộ tiêu chí quốc gia vào năm 2014. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Hòa, y sỹ Lô Văn Diện cho biết: "Từ Yên Hòa ra Bệnh viện Đa khoa huyện đường xá xa xôi, núi đèo cách trở. Trước đây, cơ sở vật chất của trạm quá tạm bợ, nên nhân dân mỗi khi gặp bệnh tật hết sức vất vả. Nhờ có Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống các khoa, phòng, nơi lưu trú đàng hoàng, người dân đã an tâm điều trị tại trạm y tế xã, chỉ khi mắc bệnh hiểm nghèo thì mới nghĩ đến việc đi bệnh viện tuyến trên. Cán bộ, nhân viên của trạm cũng yên tâm công tác hơn, bây giờ chỉ lo tập trung cho công tác chuyên môn sao cho tốt...".
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã, ông Mông Văn Sính cũng bày tỏ sự cảm kích trước những ân tình của các tổ chức, cá nhân đã dành cho Yên Hòa. Ông cho biết, ngoài những công trình lớn như trường học, trạm y tế, khuất lấp trong những bản làng của Yên Hòa cũng thấm đẫm những ân tình của các tổ chức, cá nhân dành cho đồng bào. "Ấy là những ngôi nhà tình nghĩa, những dự án chăn nuôi trâu, bò, gia súc, gia cầm..." - ông Mông Văn Sính nói. Ở nơi đây, chúng tôi đã vào thăm gia đình ông Lô Văn Lượng và ông Vi Sỹ Tuyển, là 2/5 hộ được hỗ trợ 50.000.000 đồng để xây dựng lại nhà. Trong những ngôi nhà "đã mát trong mùa Hè, ấm trong mùa Đông và không lo cái mưa lũ", thật ngạc nhiên, dù rất xúc động và bày tỏ lời cảm ơn vì "được hỗ trợ có cái nhà mới khang trang để ở" nhưng họ chưa biết chính xác tổ chức nào đã hỗ trợ kinh phí cho mình. Chỉ đến khi được chúng tôi cho biết, ấy là tiền của cán bộ, công nhân viên chức Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam góp lại hỗ trợ thì các ông Lô Văn Lượng, Vi Sỹ Tuyển mới thốt lên: "Mong sao có lần được gặp để gia đình ta nói lời cảm ơn với các cán bộ...".
Theo thống kê sơ bộ của huyện Tương Dương, tổng kinh phí mà các tổ chức, doanh nghiệp đã tài trợ xây dựng các công trình dân sinh cho Tương Dương lên đến gần 71 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam hỗ trợ trên 39 tỷ đồng xây dựng 12 công trình, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hỗ trợ 12 tỷ đồng, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam hỗ trợ 15,5 tỷ đồng, Tổng công ty dầu khí Việt Nam hỗ trợ 4 tỷ đồng, Công ty quảng cáo TN.K hỗ trợ 180 triệu đồng. Với các chương trình hỗ trợ giống vật nuôi, mô hình kinh tế, từ năm 2010 đến nay, các tổ chức, cá nhân đã tài trợ cho Tương Dương gần 3 tỷ đồng.
Nổi bật là Trung ương Hội nông dân hỗ trợ 36 con bê cái với trị giá 324 triệu đồng, Tổng công ty Viettel hỗ trợ 79 con bê cái trị giá trên 1,18 tỷ đồng, Tổng công ty XDCT giao thông 4 hỗ trợ 25 con bê cái trị giá 375 triệu đồng, Sở NN&PTNT hỗ trợ bò giống sinh sản, lợn giống, các dụng cụ sản xuất trị giá gần 170 triệu đồng, Báo Nghệ An hỗ trợ 7 con bò cái, 12 con lợn giống, kinh phí xây chuồng trại, trang bị bàn, ghế, tủ cho điểm trường Đình Tài trị giá gần 100 triệu đồng, Sở Y tế hỗ trợ 10 con bê cái trị giá 100 triệu đồng...
Cũng từ năm 2010 đến nay, Tương Dương đã đón nhận được trên 7 tỷ đồng để thực hiện xóa 451 nhà dột nát, tạm bợ trong dân. Trong đó, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam hỗ trợ trên 3,6 tỷ đồng, Quỹ Thiện tâm hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam hỗ trợ 950 triệu đồng, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 310 triệu đồng, Báo Sài Gòn Giải phóng hỗ trợ 280 triệu đồng, Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ 60 triệu đồng...
Nói về những gì mà các tổ chức, cá nhân đã ưu ái dành tặng cho Tương Dương, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện bày tỏ: "Nếu không có những chương trình, dự án của Nhà nước và không có những sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân thì huyện chưa thể có sự thay đổi như ngày hôm nay. Cán bộ và nhân dân huyện trân trọng những ân tình này...".
Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ đã dành cho các huyện núi cao những sự quan tâm hết sức đặc biệt, có thể kể ra như những chương trình, dự án 30a, 135, 134... Tỉnh ta ngoài tập trung thực hiện có hiệu quả những chương trình, dự án mang tầm quốc gia, đã kêu gọi nhiều sự đóng góp của các cấp, ngành, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân giúp cho đồng bào miền núi. Những công trình, những chương trình, dự án hiện hữu ở Tương Dương thể hiện rõ những ân tình đó. Mong sao các công trình và các chương trình, dự án đều phát huy được hiệu quả để góp phần thay đổi cuộc sống còn nhiều khó khăn của đồng bào miền núi./.
Nhật Lân