Những 'cú hích' từ nguồn vốn chính sách ở Nghệ An
(Baonghean) - Những đồng vốn ưu đãi đang được Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An chuyển đến người nghèo và các đối tượng chính sách tạo “cú hích” quan trọng để họ vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Trong nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, giúp người dân thoát nghèo bền vững ở Nghệ An trong những năm qua, không thể không nhắc đến vai trò của NHCSXH chi nhánh Nghệ An. Sau 15 năm đứng chân trên địa bàn, Chi nhánh đã và đang khẳng định vai trò quan trọng của mình trong thực hiện giải pháp tín dụng nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới . Ảnh Thu Huyền |
Theo Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An, riêng 6 tháng đầu năm 2019, doanh số cho vay trên địa bàn đạt 1.657 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các chương trình trọng điểm dành cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, vùng nông thôn và vùng khó khăn. Trong ảnh: Lãnh đạo Ngân hàng CSXH động viên người dân xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) phát huy hiệu quả vốn vay, phát triển kinh tế hộ. Ảnh: Thu Huyền |
Cùng với tăng trưởng tín dụng, chi nhánh đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, các chỉ tiêu phản ảnh chất lượng tín dụng thường xuyên được quan tâm, giám sát chặt chẽ. Trong Ảnh: Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp kiểm tra mô hình vay vốn phát triển kinh tế trang trại của gia đình ông Chu Quốc Trụ ở xóm Mỹ Đình, xã Châu Đình (Quỳ Hợp). Ảnh: Thu Huyền |
Từ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ được vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Trong ảnh: Gia đình anh Phạm Văn Kiều ở xóm Hồng Phong, xã Lưu Sơn (Đô Lương) vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi đầu tư máy làm nhôm kính. Ảnh: Thu Huyền |
Là hộ nghèo có “thâm niên”, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) xoay xở đủ nghề nhưng cuộc sống cũng không khá lên được. Năm 2014, được Hội Nông dân động viên, giúp đỡ, gia đình chị Thảo vay 44,2 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để trồng 2,2 ha keo nguyên liệu giấy và đầu tư trang trại nuôi gà. Sau nhiều năm chịu khó lao động, đến nay, trang trại của chị Thảo có diện tích gần 10 ha, trong đó có các khu: chuồng trại chăn nuôi gà với trên 2.000 con (thời kỳ cao điểm trên 5.000 con), khu ao thả cá giống, cá thịt, khu trồng rừng. Từ phát triển kinh tế trang trại doanh thu của gia đình đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, là niềm mơ ước của nhiều hộ nông dân trong huyện. Ảnh: Thu Huyền |
Người dân Anh Sơn vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn phát triển kinh tế hộ. Ảnh: Thu Huyền |
Nhiều gia đình thuộc diện đặc biệt nghèo, chỉ với 10 triệu đồng tiền vốn vay đã giúp họ thay đổi tư duy làm kinh tế. Có vốn, cộng thêm sự cần cù lao động, tiết kiệm chi tiêu… các hộ nghèo dần dần mở rộng diện tích trồng trọt, quy mô chăn nuôi, cửa hàng bán lẻ… phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Thu Huyền |
Người dân xã Diễn Bích (Diễn Châu) chế biến hải sản, phát triển kinh tế hộ. Ảnh: Thu Huyền |
Đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH Nghệ An đạt 8.222 tỷ đồng, tăng 478 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 6,17%, các chương trình tín dụng cơ bản đã hoàn thành kế hoạch giao đến 30/6. Trong ảnh: Mô hình kinh tế trang trại ở Khe Mừ, xã Thanh Thủy (Thanh Chương). Ảnh: Thu Huyền |
Qua đó, hàng ngàn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất, bám bản tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Trong ảnh: Hộ chị Vi Thị Nhung ở xóm Thái Quang, xã Châu Thái (Quỳ Hợp) trồng mới 5 ha keo từ chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Ảnh: Thu Huyền |
Sự vào cuộc tận tụy của đội ngũ cán bộ, nhân viên Ngân hàng CSXH Nghệ An đã kịp thời “gieo” vốn đến các hộ nghèo để phát triển kinh tế, qua đó, góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Người dân sử dụng vốn vay trồng chè ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thu Huyền |