Những cung đường đến với dân

04/02/2014 12:52

(Baonghean) - Bác Hồ từng mượn hình ảnh chiếc đồng hồ để nói về vai trò, nhiệm vụ của mỗi người trong một tập thể. Theo Bác, trong một chiếc đồng hồ, bộ phận nào cũng đều có nhiệm vụ riêng và nếu cứ tranh nhau chỗ đứng thì không còn là cái đồng hồ. Mỗi người đều làm tốt vị trí, nhiệm vụ của mình thì sẽ có một tập thể tốt. Câu chuyện đã giúp chúng tôi mạnh dạn hơn trước nhiệm vụ làm cầu nối giữa người dân với tờ báo đảng tỉnh nhà.

(Baonghean) - Bác Hồ từng mượn hình ảnh chiếc đồng hồ để nói về vai trò, nhiệm vụ của mỗi người trong một tập thể. Theo Bác, trong một chiếc đồng hồ, bộ phận nào cũng đều có nhiệm vụ riêng và nếu cứ tranh nhau chỗ đứng thì không còn là cái đồng hồ. Mỗi người đều làm tốt vị trí, nhiệm vụ của mình thì sẽ có một tập thể tốt. Câu chuyện đã giúp chúng tôi mạnh dạn hơn trước nhiệm vụ làm cầu nối giữa người dân với tờ báo đảng tỉnh nhà.

Những cung đường đến với dân

Đến với phòng Tiếp dân của Báo Nghệ An có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu hoàn cảnh, tính cách. Có người chưa thấy mặt đã nghe tiếng, chưa kịp ngồi đã nói xối xả; có trường hợp mỗi tuần lại đến toà soạn bổ sung thêm một thông tin mới chỉ để hỏi xem sự việc đã xử lý đến đâu... Nhiều lúc quá bức xúc, bất bình, người dân không còn minh mẫn để diễn đạt vấn đề một cách mạch lạc, thậm chí có người chẳng biết bắt đầu từ đâu. Những lúc ấy, đòi hỏi chúng tôi phải biết lắng nghe, khéo gợi chuyện, thậm chí động viên, an ủi để biết được vấn đề người dân muốn phản ánh. Sau mỗi lần tiếp dân, chúng tôi ngộ ra rằng, lắng nghe nhưng cũng cần phải có phương pháp hướng người dân đi đúng trọng tâm để hiểu hết vấn đề mà người dân muốn đề cập và tìm ra hướng giải quyết.

Những câu chuyện ở phòng Tiếp dân đa dạng, phong phú. Có những câu chuyện bắt đầu từ việc xe đằn chết một con vịt mà dẫn đến cả 1 vụ án, mất 1 con lợn có 2 xoáy trên lưng mà phải đánh đổi cả một mạng người, hay đến những sự việc rất đơn giản chỉ bằng việc giải thích cho dân hiểu mà cũng để kéo dài năm này qua năm khác. Chúng tôi cũng gặp nhiều trường hợp khiếu kiện kéo dài và vượt cấp. Lúc đó, chưa bàn đến sự việc sai đúng, chúng tôi giải thích cho dân hiểu về việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo đã đúng quy trình và thiện chí hay chưa; cùng với đó là sự chỉ đạo của Ban Biên tập, phóng viên điều tra viết bài, thì sự kích động và những hành vi vượt quá giới hạn của người dân đã không còn tiếp diễn.

Có những sự việc phân tích cho người dân hiểu, giúp họ nhìn lại mình đã có tinh thần vì tập thể hay chưa, trong sự việc đó mình có ích kỷ, có cá nhân hay không. Chẳng hạn như khiếu kiện về đền bù giải phóng mặt bằng làm đường giao thông, tạm gác lại đơn thư, chúng tôi kể cho họ nghe về những tấm gương hiến đất làm đường, phân tích cho dân hiểu, để rồi họ tự “soi” lại mình, xem mình có nên cò kè từng đồng đền bù, trong khi đó làm đường là cho bản thân, cho con cháu mình hưởng, cho cộng đồng, xã hội sạch đẹp, tiện ích hơn? Phóng viên cũng đã có những bài viết rất khách quan và đi sâu vào tận cùng vấn đề để phân tích và giải quyết dứt điểm mà ở đó người dân không hoàn toàn đúng.

Ví như câu chuyện của một công dân ở Thị trấn Hưng Nguyên, anh thuộc diện bị khuyết tật, được xã cho mượn mảnh đất để dựng lều bán quán từ nhiều năm nay, đến lúc xã thu hồi thì anh viết đơn kiện; hay một trường hợp ở Thanh Chương mà chúng tôi gọi hiện tượng đó là "kiếm củi ba năm đốt một giờ". Ông từng có nghĩa cử đẹp đẽ, được người dân trong xã, trong huyện nể phục là đổi đất của gia đình mình cho xã xây nhà văn hóa. Cam kết chưa ráo mực, ông quay sang kiện xóm, kiện xã cấp đất cho gia đình ông không đúng theo thỏa thuận. Trong nhiều năm liền ông liên tục có những đòi hỏi khắt khe trong việc đo đất. Sự việc này, có sự non kém trong nghiệp vụ của cán bộ địa chính, sự nhân nhượng của chính quyền địa phương.

Vấn đề chỉ được giải quyết khi Báo Nghệ An đưa bài viết lên dư luận với cái nhìn nhân văn, phân tích thuyết phục để người dân hiểu. Những ngày cuối năm 2013 chúng tôi nhận được khá nhiều đơn (bằng 1/3 lượng đơn của cả năm) của những bạn đọc tự nhận là những người theo đạo Hoàng Thiên Long. Không chỉ gửi đơn, họ còn tập trung thành một nhóm người từ Hà Nội, Sơn La, Nam Định, Nghệ An kéo đến Báo Nghệ An để khiếu nại bài viết "Hành trình đi tìm sự thật về tà đạo Hoàng Thiên Long". Họ cho rằng, Báo đã ngăn cản những người dân tự do tín ngưỡng, chữa bệnh bằng tâm linh. Phòng Tiếp dân và đại diện Ban Biên tập đã tiếp thu ý kiến mà bạn đọc phản ánh, đồng thời ghi nhận thiện chí cũng như giữ vững quan điểm, lập trường của Báo Nghệ An và hướng những người dân thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và pháp luật Việt Nam…

PV Báo Nghệ An đi thực tế, tìm hiểu cuộc sống, bà con vùng lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ. Ảnh: Hữu Nghĩa.
PV Báo Nghệ An đi thực tế, tìm hiểu cuộc sống, bà con vùng lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ. Ảnh: Hữu Nghĩa.

Đó là câu chuyện của bà Lương Thị Lợi, người dân tộc Thái, ở bản Tùng Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, đã bước sang tuổi cổ lai hy (106 tuổi) nhưng vẫn chờ đợi con trong vô vọng khiến chúng tôi luôn day dứt. Khi nhận được đơn và tiếp người nhà chuyển mong muốn cuối đời của mẹ, Ban Biên tập đã cử phóng viên về tìm hiểu và làm việc với các ban ngành liên quan cũng như chuyển công văn để xác minh sự việc và có bài viết đăng trên báo. Sau những động thái đó, các ban ngành đều rất nhiệt tình, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban chỉ huy Quân sự huyện Tương Dương, xã Tam Quang đã thành lập đoàn xác minh sự việc, tìm về đơn vị, địa chỉ đóng quân mà các anh tham gia và gặp được những người làm chứng. Cũng bởi thời gian quá lâu và sự việc liên quan đến những địa chỉ ngoài tỉnh, ngoài cả Quân khu 4; họ tên, năm sinh, cũng như các địa danh không trùng khớp và những giấy tờ gốc không còn nữa...

Cuối cùng xã Tam Quang, Ban chỉ huy Quân sự huyện Tương Dương và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã nỗ lực để đưa ra kết luận: các anh Lô Thanh Vĩnh, Lô Văn Bá đều từng tham gia quân đội nhân dân Việt Nam. Riêng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh khẳng định bà Lương Thị Lợi có 2 người con Lô Thanh Vĩnh, Lô Văn Bá, đến nay gia đình vẫn chưa có thông tin về hai người con và chưa được hưởng chế độ chính sách gì của Đảng và Nhà nước là đúng thực tế. Tuy nhiên, Bộ CHQS tỉnh vẫn phải chờ văn bản xác minh của QK9 và các văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Quốc phòng về thực hiện NĐ số 31/2013 mới thực hiện được.

Trong năm qua, từ những sự việc, vấn đề Báo Nghệ An phản ánh trên mặt báo cũng như chuyển công văn cho các ban, ngành đã có 250 lượt ban ngành, địa phương có công văn trả lời vấn đề báo nêu. Nói vậy để biết rằng, những thông tin của người dân, những vấn đề báo Nghệ An phản ánh đã có hiệu ứng. Từ tháng 8/2013, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, mỗi tuần báo Nghệ An đăng tải ít nhất 1 công văn của UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, trả lời đơn công dân. Việc đăng tải công văn xử lý, trả lời đơn thư công dân của UBND tỉnh nhằm mục đích công khai, dân chủ, đưa thông tin lên dư luận trước sự giám sát của người dân và cơ quan báo chí, trả lại công bằng, đem lại niềm tin trong nhân dân.

Như vấn đề bất cập trong hạ tầng lưới điện nông thôn đã được đưa ra chất vấn và tìm ra giải pháp tại cuộc họp HĐND tỉnh dịp cuối năm; những đối tượng chi trả sai chế độ chính sách ở Thanh Chi, Thanh Chương đã có hình thức kỷ luật thích đáng; Chợ Nhà Đỉn (phường Hưng Dũng, TP. Vinh), đền bù giải phóng mặt bằng ở xã Nghi Phú (TP. Vinh) được xem lại và sớm giải quyết theo nguyện vọng chính đáng của người dân... Từ những kết quả đó, chúng tôi có cảm nhận, đã rút ngắn khoảng cách, làm tròn vai là cầu nối cho Đảng, Nhà nước nhân dân, cụ thể là Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở Tư pháp, Sở TN&MT, Bảo hiểm xã hội, Cục Thuế,... đã đến gần với người dân hơn và kể cả chính quyền các cấp cũng gần với dân hơn.

Sau mỗi ngày tiếp dân, sau mỗi bài viết, sau những cuộc gặp báo tin vui, hay những cú điện thoại đầy hồ hởi báo tin sự việc đã được giải quyết thỏa đáng chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm và thêm yêu công việc của mình. Tuy nhiên, không tránh khỏi những trăn trở, lo lắng và có cả những áp lực trước nguyện vọng, mong muốn của người dân là những gia đình chính sách chưa được cấp đất làm nhà và cả những khắc khoải trước lá thư như của mẹ Lợi đã nói ở trên...

“Đường dây nóng” làm “mát” lòng dân

Tròn 2 năm qua, chuyên mục “Thông tin đường dây nóng” đi vào hoạt động, đã có gần 800 cuộc điện thoại của bạn đọc gọi đến Tòa soạn Báo Nghệ An thông qua số điện thoại đường dây nóng (0383 843124; 0913.843124). Những thông tin bạn đọc đem đến dù ngắn gọn, nhưng đây là sự tin tưởng, kỳ vọng lớn lao của người dân đối với tờ báo đảng tỉnh nhà, là nguồn động viên khích lệ đối với những người làm Báo Nghệ An. Càng có ý nghĩa hơn, nhiều kiến nghị của người dân sau khi được đăng tải đã được cơ quan chức năng, chính quyền các cấp giải quyết và có phản hồi tích cực.

Cán bộ Phòng bạn đọc tiếp dân.
Cán bộ Phòng bạn đọc tiếp dân.

Năm 2013, với trên 400 cuộc điện thoại bạn đọc gọi đến Tòa soạn, mỗi thông tin là một nỗi niềm, tâm tư của người dân, là kênh thông tin nóng hổi tính thời sự trên nhiều lĩnh vực mà bạn đọc đã tin tưởng cung cấp cho báo đảng. Có thể nói, những vấn đề mà bạn đọc quan tâm, trong đó nhiều nhất là những sự việc liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân như sai phạm về đất đai, vướng mắc về chế độ chính sách đối với người có công, ô nhiễm môi trường... Dù rằng, gọi điện thoại mất cước phí nhưng thật đáng trân trọng, nhiều người đã gọi hàng chục phút, gọi nhiều lần để giãi bày, để cung cấp tư liệu, chứng cứ. Từ những thông tin này, nhiều “điểm nóng” đã được Ban Biên tập Báo Nghệ An chỉ đạo xác minh làm rõ, đi đến tận cùng sự thật, trả lại sự công bằng cho xã hội. Từ những thông tin ngắn ngủi, nhiều vấn đề lớn đã được đem ra ánh sáng, góp phần đẩy lùi tiêu cực, nhũng nhiễu, sự mất công bằng, dân chủ, làm trái pháp luật đâu đó vẫn xẩy ra đã được các nhà báo vào cuộc điều tra.

Ví dụ như: Việc lấy danh nghĩa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để kinh doanh sản phẩm sữa bột đậu nành Vạn Xuân kém chất lượng; hành động tiếp tay cho hành vi buôn bán gỗ lậu ở Diễn Mỹ (Diễn Châu), nạn khai thác vàng trái phép ở Tương Dương, Quế Phong, vấn đề xử lý ô nhiễm kho thuốc sâu ở Tân Long (Tân Kỳ)… Qua đó tạo niềm tin cho nhân dân đối với tờ báo của Đảng. Người dân coi đây là kênh thông tin tin cậy, là chỗ dựa tinh thần cho họ mỗi khi gặp chuyện bất bình, là nơi để họ bày tỏ những băn khoăn, bức xúc khi phải chịu, phải chứng kiến hoặc nhìn thấy những việc làm sai trái. Họ tin tưởng những người làm báo đảng, chính vì vậy, Thông tin đường dây nóng nhiều khi như một chỗ dựa niềm tin trong cuộc sống.

Bác Nguyễn Công Hoàn, khối Trường Phúc, phường Hưng Phúc, TP Vinh cho rằng, đây thực sự là kênh thông tin hiệu quả, phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng của người dân. Đơn cử, vào tháng 7/2013, sau khi chúng tôi phản ánh việc người dân tổ 5, khối Trường Phúc không đồng tình với việc Chi nhánh dịch vụ cấp nước số 4 Công ty cấp nước Nghệ An thi công không đúng thiết kế ban đầu hệ thống dẫn nước vào khu dân cư qua đường dây nóng Báo Nghệ An. Ngay sau đó, báo đã đăng tin, đồng thời cử phóng viên về tìm hiểu thực tế viết bài. Sau khi báo ra, sự việc nhanh chóng được giải quyết, người dân rất phấn khởi, bởi Chi nhánh dịch vụ cấp nước số 4 đã thi công đúng như thiết kế ban đầu, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Cứ thế, mỗi ngày qua đi, chuyên mục Thông tin đường dây nóng đã tự làm giàu thêm cho mình những thông tin giá trị từ nhân dân gửi gắm. Sự tin tưởng, phản ánh tích cực, kịp thời của nhân dân cũng chính là lý do để đường dây nóng luôn “nóng”, hoạt động hiệu quả và góp phần làm “mát” lòng dân trong suốt 365 ngày qua.

Thảo Nhi - Đặng Cường

Những cung đường đến với dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO