Những điểm đến trong hành trình về nguồn
(Baonghean) - Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng hào hùng; là quê hương của nhiều danh nhân, nhiều nhà cách mạng tiền bối. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 di tích, trong đó có 125 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 109 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nghệ An là điểm đến lý tưởng cho hoạt động du lịch về nguồn. Du khách nào đã một lần đến với Nghệ An chắc không thể nào quên “trường học cách mạng” Hưng Nguyên - Nam Đàn - Đô Lương…
Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn) nằm cách Thành phố Vinh khoảng 15 km theo Tỉnh lộ 46. Trong tâm thức người Việt Nam, Kim Liên đã trở thành “quê chung”, gần gũi, thân quen và ấm áp. Nơi đây vẫn giữ nguyên những hàng chè mạn hảo, ao chuôm, những dây tơ hồng phủ đầy rặng canh giới; ngôi nhà nhỏ của ông Phó bảng với hình ảnh tối đến bên ngọn đèn, cha đọc sách, mẹ ngồi dệt vải quay tơ. Hiện tại ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên vẫn còn nhiều tài liệu, kỷ vật quý: Chiếc giường làm bằng gỗ xoan nơi nghỉ của Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh; chiếc rương gỗ dùng để đựng thóc và những vật quý của gia đình - là quà hồi môn của bà ngoại Bác Hồ - cụ Nguyễn Thị Kép, dành tặng cho con gái khi đi lấy chồng; bộ phản gỗ là nơi tiếp khách của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sống tại làng Sen,…
Học sinh Trường THCS Thượng Sơn (Đô Lương) nghe thuyết minh tại Khu di tích Kim Liên. |
Là 1 trong 4 di tích quan trọng bậc nhất tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là Di tích Quốc gia đặc biệt. Khu di tích bao gồm 2 cụm di tích chính, với hàng chục di tích thành phần, đó là: Cụm di tích tại quê nội - làng Sen, (Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý, lò rèn cố Điền, giếng Cốc, núi Chung, Sân vận động Làng Sen, đền làng Sen...); Cụm di tích tại quê ngoại - làng Hoàng Trù (nhà của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Chùa, nhà cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại của Bác, nhà thờ chi họ Hoàng Xuân...); Ngoài 2 cụm di tích trên, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có di tích Mộ Bà Hoàng Thị Loan và Mộ Cụ Hà Thị Hy, thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn.
Mỗi năm, Khu di tích Kim Liên đón từ 1,5 - 1,8 triệu lượt người từ khắp mọi miền về hội tụ, bày tỏ lòng biết ơn và thành kính sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Đài liệt sỹ Thái Lão
Từ Thành phố Đỏ anh hùng, ngược về phía Tây theo Quốc lộ 46 đến km 5 là du khách đã đến với Khu di tích Đài Liệt sỹ Thái Lão ở Thị trấn huyện Hưng Nguyên. Khu di tích, bao gồm nhiều công trình kiến trúc có giá trị lịch sử và nghệ thuật, ghi công những người con trên quê hương Xô viết Nghệ - Tĩnh đã anh dũng hy sinh dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng. Ngày 12/9/1930, cuộc biểu tình của 8 vạn nông dân huyện Hưng Nguyên và các vùng lân cận ngay tại cánh đồng Thái Lão đã bị thực dân Pháp đàn áp dã man làm 217 người yêu nước hy sinh.
Để tưởng nhớ và nêu gương phong trào cách mạng của các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, năm 1956, tỉnh Nghệ An đã khởi công xây dựng khu nghĩa trang liệt sỹ Thái Lão thành Khu di tích Đài liệt sỹ Thái Lão. Trong 2 lần về thăm quê, Bác Hồ đều đến Đài liệt sỹ Thái Lão dâng hương, dâng hoa, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ hương hồn các liệt sỹ và căn dặn: "Hãy biến nơi đây thành công trình kỷ niệm hoành tráng, ghi nhớ công ơn tên tuổi những liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, lật đổ thực dân phong kiến lập nên Xô viết công nông đầu tiên ở Việt Nam"; "Máu của các liệt sỹ đã hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh đã tô thắm thêm lá cờ của Đảng. Cán bộ và nhân dân phải xây dựng và bảo vệ khu vực này thành một khu di tích lịch sử cách mạng".
Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin đã cấp bằng công nhận Di tích Đài liệt sỹ Thái Lão là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia. Ngày 19/10/2009, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn và Phát huy giá trị Xô viết Nghệ - Tĩnh. Dự án xây dựng trên diện tích hơn 222,8 ha, với tổng mức đầu tư 328 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, xây dựng các hạng mục công trình chính, bao gồm: Khu mộ và đền thờ, Quảng trường Xô viết Nghệ - Tĩnh và Tượng đài; các hạng mục hạ tầng và phụ trợ liên quan.
Khu di tích tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
Từ Khu di tích Đài liệt sỹ Thái Lão đi tiếp theo đường 558 (còn gọi là đường 12/9) khoảng 5 km rồi rẽ trái sẽ tới Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người cộng sản kiên cường, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Xô viết Nghệ - Tĩnh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tọa lạc trên một vùng đất đẹp, cao ráo, thoáng đãng thuộc làng Đông, xã Hưng Thông, xung quanh được bao bọc bởi làng xóm trù phú yên vui, phong cảnh làng quê hữu tình, ruộng lúa, bờ tre, giếng nước. Năm 1990, Khu lưu niệm được Bộ VHTT xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia.
Năm 2012, quần thể Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong được Đảng và Nhà nước xây dựng với tổng mức đầu tư là 250 tỷ đồng, gồm 13 hạng mục công trình mà Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là một trong số đó. Khuôn viên Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong được mở rộng với tổng diện tích là 31.230 m2, tổng giá trị đầu tư là 35 tỷ đồng. Ngôi nhà nơi Tổng Bí thư cất tiếng khóc chào đời vẫn được giữ nguyên trạng.
Khu lưu niệm trở thành địa chỉ đỏ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau; một điểm du lịch văn hóa – tâm linh thu hút đông đảo người dân trong tỉnh và khách du lịch muôn phương tới thắp hương, thăm viếng và tham quan.
Khu Di tích lịch sử Truông Bồn
Từ Thị trấn Nam Đàn đi theo đường 15A chừng 10 km là đến với Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (xóm 9, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương). Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đường 15A là tuyến lửa, 1.240 chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hy sinh để bảo vệ tuyến đường huyết mạch này. Trên tuyến đường 15A, Truông Bồn là một địa danh huyền thoại – nơi bắt đầu một ngã đường của đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nơi 13 liệt sỹ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh vào rạng sáng 31/12/1968. Truông Bồn không chỉ trở thành biểu tượng bất khuất của tuổi trẻ Việt Nam, của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà còn là tượng đài của ý thức, ý chí vươn lên, khát vọng hòa bình, tinh thần bất khuất của con người Việt Nam mọi thời đại.
Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn |
Tháng 1/1996, Truông Bồn được công nhận là Khu Di tích lịch sử Quốc gia. Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước đã có quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 13 liệt sỹ TNXP hy sinh tại đây. Ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt Dự án “Bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Truông Bồn” với tổng mức đầu tư gần 175 tỷ đồng, diện tích xây dựng 217.327m2, gồm hàng chục hạng mục lớn nhỏ.
Khu Di tích lịch sử Truông Bồn là sự tri ân, tôn vinh công lao của các liệt sỹ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mang ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, có 21 công trình chính, gồm: Khu mộ - nhà che mộ 13 anh hùng liệt sỹ TNXP, nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng liệt sỹ, phục hồi 3 hố bom gần khu mộ, tháp chuông, nhà trưng bày truyền thống, sân nhà trưng bày truyền thống, hồ điều hòa cảnh quan - môi trường, sân lễ hội, Khu đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, 4 chòi nghỉ chân, trụ biểu ghi tên di tích, bức phù điêu ghi danh các anh hùng liệt sỹ, 2 nhóm tượng, 6 trụ huyền thoại, nhà điều hành và đón tiếp khách, nhà bán hàng lưu niệm, khu nhà công vụ, nhà dịch vụ phía Nam, nhà dịch vụ phía Bắc...
T.C – C.N