Những điểm mới của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

Hoài Thu (Tổng hợp) 26/05/2022 09:56

(Baonghean.vn) - Có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng điều chỉnh nhiều quy định về chế độ, chính sách dành cho thương bệnh binh.

1.Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể:

- Thương binh loại B có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên được giám định lại.

- Điều kiện khám giám định: Giống Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013.

Điểm mới là bổ sung thêm đối tượng thương binh có vết thương đặc biệt tái phát. Vết thương đặc biệt là: Cụt hoặc liệt hoàn toàn hai chi trở lên; mù hoàn toàn hai mắt; tâm thần nặng dẫn đến không tự chủ được trong sinh hoạt.

- Hồ sơ, thủ tục khám giám định: Cơ bản giống quy định tại Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH. Tuy nhiên, chỉ khác về thủ tục hồ sơ giám định lại là cá nhân gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; sau đó sở gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xin ý kiến.

2. Bảo hiểm y tế:

- Bổ sung đối tượng hưởng bảo hiểm y tế gồm: Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác. Thân nhân người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945. Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 còn sống, bao gồm: vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, hoặc từ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.

* Lưu ý nguyên tắc áp dụng: Người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế của đối tượng có mức hưởng cao nhất. Đối tượng hưởng bảo hiểm y tế được xác định căn cứ vào giấy tờ, hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp. Trường hợp người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì chỉ hưởng chế độ cao nhất của một đối tượng.

Cử tri cụm Hội - Bình - Nga dành nhiều quan tâm đến các chế độ chính sách của Nhà nước... Ảnh tư liệu: TG

3. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe:

- Đối tượng và nguyên tắc hưởng: Giống Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC.

- Điểm mới: Chế độ điều dưỡng thực hiện theo Nghị định số 75/2021/NĐ-CP.

- Thủ tục, quy trình giải quyết chế độ: UBND cấp xã căn cứ tình trạng sức khỏe của đối tượng để lập danh sách người được điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà theo Mẫu số 86 Phụ lục I Nghị định này trong quý I của năm, gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau đó Phòng Lao - động Thương binh và Xã hội gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nếu đủ điều kiện thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định hưởng).

5. Chế độ miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất:

- Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến. Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hoá học trên 81%. Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.

Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.

- Giảm tiền sử dụng đất: Người có công quy định tại các Điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m Khoản 1, Điều 3, Pháp lệnh Người có công với cách mạng; thân nhân liệt sĩ quy định tại Khoản 2, Điều 3, Pháp lệnh này.

Điểm mới: Nghị định này đã chia người bị nhiễm chất độc hoá học được hưởng chế độ thành 04 mức giống như thương binh, bệnh binh (nhóm thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hoá học nặng từ 81% trở lên được miễn tại mục 1 nêu trên). Còn thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hoá học từ 80% trở xuống theo 3 nhóm được giảm tương ứng theo 3 mức tại mục 2 này theo quy định tại Điều 105 của Nghị định. Đồng thời bổ sung thêm đối tượng người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương thay vì trước đây chỉ có người được tặng thưởng Huân chương hạng Nhất mới được xem xét.

Như vậy, tất cả người có công đều được xem xét, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất.

- Hồ sơ, thủ tục, quy trình giải quyết miễn, giảm tiền sử dụng đất: Thực hiện theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất và pháp luật về quản lý thuế.

6. Hỗ trợ cải thiện nhà ở:

- Về đối tượng: Đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở là các đối tượng được quy định tại các Điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m tại Khoản 1, Điều 3, Pháp lệnh và thân nhân liệt sĩ.

Trong đó quy định rõ về: Đối tượng được miễn tiền thuê nhà ở. Đối tượng và mức giảm tiền thuê nhà ở Theo quy định tại Điểm 2, Điểm 3, Điều 100, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.

- Hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng: Đối tượng, điều kiện, phương thức thực hiện, trình tự lập và phê duyệt đề án giống Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Điểm mới: UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kèm theo Đề án. Tiếp theo, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thay vì ngân sách Trung ương hỗ trợ 95%, ngân sách địa phương hỗ trợ 5% theo mức quy định (xây mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa 20 triệu đồng/hộ).

Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hoàng Mai làm việc với người dân phường Quỳnh Xuân về giải quyết chế độ chính sách cho người có công với cách mạng. Ảnh tư liệu

7. Ưu tiên giao đất hoặc cho thuê đất, mặt nước, khu vực biển; giao khoán bảo vệ và phát triển rừng; vay vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh; miễn hoặc giảm thuế:

- Đối tượng và nguyên tắc hưởng: Người có công quy định tại các Điểm d, đ, e, g, h, i, Khoản 1, Điều 3 và Khoản 1, Điều 38; Thân nhân liệt sĩ quy định tại Khoản 2, Điều 3, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Trường hợp người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì chỉ hưởng chế độ cao nhất của một đối tượng.

- Các nội dung ưu đãi: Ưu tiên giao đất hoặc cho thuê đất, mặt nước, khu vực biển, giao khoán bảo vệ và phát triển rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, biển, hải đảo, tài nguyên, bảo vệ và phát triển rừng. Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật về tín dụng, ngân hàng.

Miễn hoặc giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế.

- Hồ sơ, thủ tục, quy trình giải quyết: Cá nhân có đơn đề nghị kèm bản sao các giấy tờ sau gửi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận: Giấy chứng nhận người có công hoặc quyết định hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi (đối với người có công). Giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ (đối với thân nhân liệt sĩ).

Hồ sơ, thủ tục xem xét giải quyết đối với đối tượng hưởng chế độ ưu đãi thực hiện theo quy định của các pháp luật chuyên ngành.

8. Sửa đổi bổ sung thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công:

-Trường hợp áp dụng: Giống Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH và Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH.

Điểm mới: Quy định thêm nội dung người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy vợ hoặc chồng khác đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin cá nhân.

- Nguyên tắc sửa đổi: Giống Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH và Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH. Tuy nhiên quy định thêm điểm mới là: Trường hợp không xác định được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thông tin thì cơ quan, đơn vị quản lý hồ sơ chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung thông tin trong quyết định hưởng trợ cấp ưu đãi.

- Hồ sơ, thủ tục: Giống Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH và Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH chỉ khác biểu mẫu.

9. Di chuyển hồ sơ khi người hưởng trợ cấp ưu đãi thay đổi nơi thường trú:

- Hồ sơ, thủ tục di chuyển (từ tỉnh Nghệ An đi các tỉnh khác): Theo Nghị định 131 thì cá nhân làm đơn kèm bản sao căn cước công dân hoặc giấy xác nhận của cơ quan đăng ký nơi cư trú gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ. Tuy nhiên, để tiện cho việc theo dõi, quản lý đối tượng đồng thời vẫn thực hiện đồng bộ như trước đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn hồ sơ, thủ tục di chuyển như sau:

- Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 27 Phụ lục I Nghị định 131 kèm bản sao được chứng thực từ căn cước công dân hoặc giấy xác nhận của cơ quan đăng ký cư trú gửi đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội lập giấy giới thiệu chi trả trợ cấp và xác nhận các chế độ ưu đãi đã và chưa được hưởng kể từ ngày, tháng, năm nào kèm hồ sơ của cá nhân gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Mới nhất

x
Những điểm mới của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO