Những điển hình trong phong trào Thi đua quyết thắng

28/11/2012 15:25

Đại úy Lê Xuân Ngọc
(Thuyền trưởng, Hải đội 2)

Trong tiếng sóng biển ầm ào, Đại úy Lê Xuân Ngọc-thuyền trưởng Hải đội 2 cho biết: “Chúng tôi xác định để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì yêu cầu đảm bảo kỹ thuật phải được đặt lên hàng đầu, thường xuyên thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy trình về công tác bảo quản, bảo dưỡng để kịp thời phát hiện, khắc phục, sửa chữa những sự cố, hỏng hóc của máy móc và các trang thiết bị đảm bảo tàu thuyền sẵn sàng xuất kích khi có lệnh. Điển hình, vào ngày 3/10/2010, chúng tôi đang thường trực chống bão, nhận được lệnh của Bộ Chỉ huy BĐBP, đơn vị cử tàu BP 06.11.02 và tàu BP 06.13.01 xuất kích ra biển cách bờ 52 hải lý để cứu tàu NĐ 3356TS của ngư dân Nam Định và tàu NA 5060 TS của ngư dân Quỳnh Lưu bị nạn trôi dạt trên biển. Lúc này, để tàu ra cửa lạch Hội trong điều kiện sóng to, gió lớn (có lúc giật lên cấp 8, cấp 9) là hết sức nguy hiểm, nhưng nghĩ đến tính mạng và tài sản của ngư dân có thể chìm trong sóng dữ, tôi đã động viên anh em và hạ quyết tâm vượt qua cửa lạch. Sau một đêm vật lộn với sóng gió tìm kiếm trên biển, gần sáng hôm sau, tàu của chúng tôi đã phát hiện tàu Nam Định khi các ngư dân đã vô cùng mệt mỏi và hoảng loạn. Lúc này rất khó tiếp cận tàu bị nạn để triển khai các biện pháp cứu nạn. Nhưng vì tính mạng của ngư dân và bằng kinh nghiệm nhiều năm đi biển, tàu chúng tôi đã tiếp cận được tàu bị nạn, chuyển toàn bộ ngư dân của tàu bị nạn sang; tiếp đó tổ chức chống lật, chống nước vào tàu để kéo vào bờ. Sau 8 giờ vừa chống chọi với sóng gió, biên đội đã cứu được 2 tàu và 14 ngư dân đưa vào bờ an toàn”.

Với nhiều thành tích đã lập được, Đại úy Lê Xuân Ngọc cùng tập thể tàu đã nhiều lần được các cấp tặng thưởng, bản thân anh liên tục 2 năm liền (2010 - 2011) là Chiến sĩ thi đua.

Đại uý Nguyễn Đình Hương
(Trinh sát đặc nhiệm, Phòng Phòng chống tội phạm ma túy)

Tháng 5/2010, nhằm ngăn chặn từ xa ma túy thẩm lậu qua biên giới, BĐBP Nghệ An xác lập Chuyên án “306L” để đấu tranh, triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ khu vực Tam Giác Vàng qua Xiêng Khoảng (Lào) vào Nghệ An tiêu thụ. Thực hiện kế hoạch phá án, Đại úy Nguyễn Đình Hương cùng với tổ đánh án lên đường qua nước Bạn. Ngày 17/5, Ban chỉ đạo chuyên án được báo tin các đối tượng tình nghi đã xuất hiện tại Pôn Xa Vẳn (Xiêng Khoảng), chúng tập kết lượng lớn hêrôin và sẽ vận chuyển bằng ô tô về hướng Cửa khẩu Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Thẩm định nguồn tin trên, Ban chuyên án khẩn trương hội ý và thống nhất với Công an tỉnh Xiêng Khoảng triển khai lực lượng phá án. Vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 18/5, trên đoạn đường qua khu vực trạm kiểm soát Khăng Khải - Mường Pẹc, tỉnh Xiêng Khoảng, 1 xe ô tô bán tải màu ghi cùng các đối tượng xuất hiện. Lập tức, Nguyễn Đình Hương cùng các trinh sát đặc nhiệm triển khai tiếp cận, kiểm tra, sử dụng vũ thuật bắt giữ 3 đối tượng, thu 22 bánh hêrôin, 1 điện thoại di động, 1 xe ô tô biển kiểm soát Lào đang trên đường vận chuyển ma túy vào Việt Nam tiêu thụ. Mở rộng chuyên án khám xét nơi ở của các đối tượng thu thêm 6 bánh hêrôin.

Ngoài Chuyên án “306 L”, từ năm 2009 đến nay, Nguyễn Đình Hương gia tham đấu tranh 5 chuyên án khác; bắt giữ 16 vụ/ 21 đối tượng, trong đó có 8 vụ/ 17 đối tượng tội phạm ma tuý; thu giữ: hơn 33 bánh hêrôin, 2 ô tô, 1 xe máy, 2 ĐTDĐ cùng nhiều tang vật khác. Với thành tích suất xắc trong thực hiện nhiệm vụ, Đại úy Nguyễn Đình Hương đã được UBND tỉnh tặng 3 Bằng khen (2010, 2011, 2012), nhiều năm là Chiến sỹ thi đua.

Thiếu tá Đàm Thiên Thương
(Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ, huyện Quế Phong)

Thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ cho cơ sở, Thiếu tá Đàm Thiên Thương được lựa chọn về xã Tri Lễ, (Quế Phong) đảm nhiệm chức danh Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách xây dựng cơ sở chính trị và QP – AN. Biết được anh có sở trường trong công tác vận động quần chúng, uy tín với nhân dân (trước đó anh Thương đã được tăng cường sinh hoạt tại Chi bộ bản Nậm Tột và Tà Pàn, xã Tri Lễ) nên Đảng ủy xã tín nhiệm giao thêm nhiệm vụ Phó ban Chỉ đạo phát triển kinh tế nhằm giúp dân nhanh chóng thoát đói, giảm nghèo.

Lần thử thách đầu tiên là khi xã bắt đầu triển khai mô hình trồng chanh leo. Bước đầu bà con chưa hiểu gì về loài cây này và hiệu quả kinh tế ra sao, nên công tác vận động nhân dân trồng gần như bế tắc. Đồng bào đã quen với tự cung, tự cấp, có thể nói là chưa mặn mà với việc làm ra sản phẩm hàng hóa để tiêu thụ. Để đồng bào tin và làm theo, anh Thương đã miệt mài học tập, nắm vững quy trình kỹ thuật trồng chanh leo. Anh trực tiếp hướng dẫn cho bà con theo lối “cầm tay, chỉ việc” từ khâu làm đất đến làm dàn, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch... Ban đầu chỉ có một số hộ làm thử nghiệm nhưng do thực hiện đúng kỹ thuật, cây chanh leo trên đất Tri Lễ đã phát triển tốt, cho năng suất đạt: 35 - 40 tấn/ha. Sản phẩm làm ra được thương lái thu mua với giá trung bình 8 nghìn đồng/1 kg, đảm bảo người trồng loại cây này nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, thậm chí làm giàu. Thấy được lợi ích thiết thực, đến nay cả xã đã có 82 hộ ở các bản Yên Sơn, Xan, Na Niếng, Đ1, Đ2 và bản Tà Pàn trồng được 16 ha chanh leo.

Cùng với cây chanh leo, anh còn vận động nhân dân trồng thành công lúa vụ 2 tại 8 bản đồng bào Mông; vận động dân trồng 4,3 ha mía tại bản Đ1; trồng 6 ha lạc tại bản Na Chạng, Na Niếng…

Sự năng nổ, nhiệt tình, tận tụy sâu sát với dân của cán bộ xã mang quân hàm xanh Đàm Thiên Thương đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã đạt 12%; Đảng bộ xã Tri Lễ từ năm 2009 đến nay liên tục đạt TSVM, tiêu biểu xuất sắc. Bản thân anh năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; được Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh tặng 4 Bằng khen về thành tích dân vận khéo, được thăng quân hàm và nâng lương trước niên hạn.


Hùng Phong

Mới nhất
x
Những điển hình trong phong trào Thi đua quyết thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO