Những điều cần biết về chi trả BHYT

11/12/2015 17:29

Theo TS Lê Văn Khảm , Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), các quy định về thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đã có nhưng thực tế nhiều người bệnh không biết hoặc không biết đầy đủ, dẫn đến những thắc mắc khi BHYT chi trả.

Vì thế, mới đây Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn đẩy mạnh hoạt động truyền thông về BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh. Chính bác sĩ, nhân viên bệnh viện, giám định viên BHYT sẽ là những tuyên truyền viên cho người bệnh hiểu thêm về thủ tục, quyền lợi của BHYT.

Theo ông Khảm, các nội dung liên quan đến BHYT gồm: Thủ tục và quy trình khám chữa bệnh; Dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm những gì; Bảo hiểm Y tế được hưởng gì: Các dịch vụ, thuốc, xét nghiệm nào BHYT không trả tiền, người bệnh phải tự trả? Trả bao nhiêu… sẽ được tích cực phổ biến để người bệnh hiểu rõ hơn về quyền lợi khi đi khám chữa bệnh.

Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về việc khám bệnh có BHYT:

Khi đi khám bệnh

Người bệnh phải xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.

Trường hợp cấp cứu: Được tiếp nhận tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tùy thân có ảnh hợp lệ trước khi ra viện.

Bệnh nhân được chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định trong trường hợp cơ sở KCB BHYT vượt quá khả năng điều trị hoặc các dịch vụ kỹ thuật đơn vị không triển khai thực hiện. Khi đó, người bệnh phải BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ và giấy chuyển viện của cơ sở KCB chuyển tuyến.

Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị: người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB.

Được quỹ BHYT chi trả như thế nào?

Khi KCB đúng quy định, sử dụng dịch vụ KCB thông thường người bệnh sẽ được hưởng 100% chi phí KCB đối với đối tượng: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan; Người có công cách mạng; Trẻ em dưới 6 tuổi; chi phí KCB đối với trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (lương tối thiểu chung) và KCB tại tuyến xã.

BHYT thanh toán 95% chi phí KCB đối với đối tượng: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn và 80% chi phí KCB đối với các đối tượng khác.

Khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn được thanh toán 100% chi phí đối với: Trẻ em dưới 6 tuổi; Người hoạt động cách mạng trước 1945; Bà mẹ VN anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, thương tật tái phát.

100% chi phí đối với: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan CMKT đang công tác trong lực lượng CANDnhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở (lương tối thiểu chung) cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật. Phần còn lại do cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng chi trả.

BHYT thanh toán 100% chi phí đối với: Người có công CM nhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở (lương tối thiểu chung) cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật.

Các mức thanh toán lần lượt giảm xuống 95%, 80%, 70%, 50%, 30% với các đối tượng cụ thể, tùy thuộc vào hạng bệnh viện.

TS Khảm cũng lưu ý, các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện được hưởng quyền lợi dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn phải đảm bảo thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 180 ngày, kể từ ngày đóng BHYT.

Riêng với nhóm bệnh nhân ung thư, việc thanh toán 50% chi phí theo mức hưởng được áp dụng với người tham gia BHYT liên tục từ 36 tháng trở lên.

Với người bị tai nạn giao thông được hưởng quyền lợi KCB BHYT nếu không vi phạm pháp luật về giao thông. Trừ các trường hợp bị tai nạn giao thông nhưng thuộc phạm vi thanh toán theo quy định của pháp luật về tai nạn lao động.

Theo dantri.com.vn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Những điều cần biết về chi trả BHYT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO