Những điều cần làm khi có dịch bệnh trên đàn vật nuôi
(Baonghean) - Tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp. Một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu là phát hiện kịp thời, khống chế dịch trong diện hẹp.
Người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát sức khỏe đàn vật nuôi và tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Nếu phát hiện trong đàn có con ốm chết hoặc có dấu hiệu bị bệnh, phải báo cáo ngay cho trưởng thôn, thú y xã hoặc UBND xã, phường (bằng điện thoại hoặc bằng hình thức khác một cách nhanh nhất...).
Từ đó, Thú y xã tham mưu cho UBND xã thành lập ban chống dịch ở cấp xã, thị (nếu là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và thuộc danh mục bệnh phải công bố). Cách ly con ốm, theo dõi diễn biến tình hình dịch, tiến hành điều trị bệnh cho vật nuôi nếu có thể hoặc kết hợp với thú y huyện. Đồng thời tổ chức triển khai tiêm phòng vaccin vùng vành đai cho những gia súc khỏe mạnh đạt 80% trở lên.
Bất kỳ ai khi có tiếp xúc với động vật bị bệnh và dụng cụ chăn nuôi đều phải mang quần áo bảo hộ lao động, sau khi ra khỏi khu vực có dịch phải tắm rửa sạch sẽ trước khi tiếp xúc với người thân trrong gia đình nhằm hạn chế mang mầm bệnh ra môi trường bên ngoài làm lây lan dịch bệnh.
Xử lý gia súc mắc bệnh, xác chết bằng cách: Đốt rồi đem chôn hoặc cắt nhỏ thành từng miếng trọng lượng từ 1- 2 kg luộc sôi từ 45 phút đến 2 giờ, sau đó tuỳ thuộc vào tính chất nguy hiểm của bệnh mà có những cách xử lý khác nhau.
Tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng, môi trường chăn nuôi bằng dung dịch xút, Benkocid (2-3%), có thể thêm nước vôi 20% quét 1lít/1m2. Cấm vận chuyển, mua, bán chạy và giết thịt động vật bị bệnh ra, vào vùng có dịch. Cấm hoặc hạn chế các phương tiện giao thông, người không có trách nhiệm và một số động vật khác ra vào vùng dịch.
Đồng thời, các cấp chính quyền tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để nhân dân biết và có kế hoạch phòng chống dịch bệnh.
Phú Hương (Tổng hợp)