“Những điều trông thấy…”

05/04/2013 17:37

Trong 2 ngày 30, 31/3/2013 tại thành phố vinh, đã diễn ra kỳ thi tuyển công chức đợt 2 năm 2012 vào các sở, ban, ngành và các huyện của tỉnh ta. Kỳ thi này được đánh giá là “căng” hơn thi vào đại học vì hơn 1.500 người nộp đơn dự thi chỉ chọn 159 người. Kỳ thi với mục tiêu tìm được người có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên...Cận cảnh “trường thi”

(Baonghean) Trong 2 ngày 30, 31/3/2013 tại thành phố vinh, đã diễn ra kỳ thi tuyển công chức đợt 2 năm 2012 vào các sở, ban, ngành và các huyện của tỉnh ta. Kỳ thi này được đánh giá là “căng” hơn thi vào đại học vì hơn 1.500 người nộp đơn dự thi chỉ chọn 159 người. Kỳ thi với mục tiêu tìm được người có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên...

Cận cảnh “trường thi”


Sáng 30/3, trong vai người nhà đưa thí sinh đi thi, chúng tôi tìm đến Trường CĐSP Nghệ An để “mục sở thị” kỳ thi tuyển công chức của tỉnh ta. Phía trước cổng trường, hàng trăm xe máy, ô tô “hộ tống” các thí sinh đi thi đậu tràn ra cả lòng đường một đoạn dài. Trước cổng Trường CĐSP Nghệ An - nơi diễn ra kỳ thi, đập vào mắt chúng tôi là một thông báo: Phô-tô Đức Lộc có bán tài liệu thi công chức. Địa chỉ: Cách cổng Trường CĐSP Nghệ An 200m, bên cạnh cổng phụ đối diện Trường Dầu khí.



Chủ quán Phô tô đang xếp tài liệu bán cho thí sinh.

Lần theo địa chỉ này, chúng tôi đến quán phô tô và gặp một người đàn ông đang bận rộn với công việc phô tô thu nhỏ các loại tài liệu thi công chức. Anh này cho biết, sáng nay thi môn Hành chính thì tài liệu có sẵn, nhiều người đã vào mua tài liệu ở đây rồi. Giờ anh chị cần mua tài liệu gì, thi vào ngành nào? Cần tài liệu loại gì thì cứ nói cụ thể để em lấy cho. Giá cả thì tuỳ từng loại tài liệu. Thích phóng to thu nhỏ gì cũng được. Vừa nói với chúng tôi, anh này vừa nhanh tay gấp một loạt tài liệu thu nhỏ cho một khách hàng. Khi chúng tôi làm ra vẻ chưa nắm rõ môn thi của người nhà, anh này nói: Nếu chưa nắm rõ thì tí nữa người nhà ra hỏi môn gì thì em lấy cho.



Thông báo bán tài liệu thi công chức tại cổng trường thi.

Khoảng hơn 10 giờ, lác đác vài thí sinh làm xong bài thi môn Hành chính đã bước ra khỏi phòng thi. Một thí sinh nam thi vào công chức TX Cửa Lò cho biết: “Chuyên ngành của mình tỉ lệ 1 chọi 14. Môn Hành chính ni thì mình học thuộc lòng hết cả rồi nên làm nhanh thôi, nhưng trong phòng thấy anh nào cũng giở tài liệu thì không biết ai sẽ đậu đây? Thôi, coi như năm ni đi thi cho biết để rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau vậy”. Vừa bước ra đến cổng trường, một thí sinh nữ ôm quyển sổ và chiếc điện thoại di động trên tay khoe với bạn: “Điện thoại tau vẫn đưa vô. Tau vô “gúc gồ” (trang tìm kiếm điện tử google - PV) để tìm kiếm, vẫn tìm được, viết gần xong thì máy hết tiền không tìm tiếp được nữa nên phải ngồi bịa viết tiếp”. Chúng tôi liền hỏi: “Vậy có ai đưa tài liệu vào phòng được không em?”. Cô gái nhanh nhảu nói: “Họ đưa tài liệu cả anh ạ”. Nói rồi cô cười và dắt tay người bạn ra về.

Thấy một cô gái đang cất các tập tài liệu vào cặp, chúng tôi làm quen: “Em thi vô ngành mô đó?”.

- Tài chính anh ạ.

- Rứa vẫn giở được tài liệu à?

Cô gái hồ hởi trả lời: “Dạ, giở được ạ”.

Tỏ vẻ lạ lẫm, chúng tôi nói: “Sao một số bạn nói họ không cho giở?”

Cô gái nói: “Các cô bảo chỉ cần giữ kín là được. Các cô nói thẳng rứa mà. Nhà em chỉ cần giữ kín là được thôi mà”.



Thí sinh dự thi giở tài liệu

Cùng lúc đó, hai thí sinh ở phòng thi khác ra trao đổi với nhau: “Giở thì cũng giở được”. Một người khác thì tỏ vẻ tiếc nuối: “Biết rứa đưa tài liệu đi mà giở thì hay rồi”.

Sáng 31/3, ở môn thi nghiệp vụ chuyên ngành, tại một phòng thi, chúng tôi đã “cận cảnh” được hình ảnh thí sinh lần lượt đưa các loại tài liệu đem theo và vô tư giở, tìm kiếm, rồi để trên bàn chép mà không hề thấy giám thị đến nhắc nhở. Gần hết buổi thi, một thí sinh nam bước ra cầm trên tay quyển tài liệu được phô tô nhỏ, tôi hỏi: “Có mần được bài không?”. Thí sinh này nói: “Mần được anh ạ. Trai gái chi cũng đưa tài liệu vô cả, giở bình thường thôi mà. Cứ đưa tài liệu vô, đọc thấy đoạn nào trùng với đề ra thì chép thôi”. Thí sinh này tỏ vẻ tự tin chỉ vào tài liệu nói: “Chép ở đây thì chỉ có đúng thôi!”.

Hết giờ thi, dạo quanh một vòng, tại các phòng thi chúng tôi đều thấy có tài liệu của thí sinh vứt lại trong các gầm bàn, trên nền nhà. Các tài liệu này nhanh chóng được các chị lao công tất bật thu dọn lại thành từng bao. Một chị cho biết: “Dọn đi để chiều họ còn thi nữa!”.

Những vấn đề đặt ra…

Theo ông Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban coi thi - Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh thì năm nay số lượng thí sinh dự thi đông (theo danh sách ban đầu có 1.663 hồ sơ đăng kí, trong đó có 1.030 thí sinh dự thi) trong khi chỉ tiêu tuyển chỉ có 159 suất (39 chỉ tiêu diện thu hút) nên tỷ lệ cạnh tranh khá cao, bình quân 1 “chọi” 10, thậm chí có những ngành 1 “chọi” 25, 1 “chọi” 77. Để phục vụ kì thi, Hội đồng thi tuyển đã huy động 43 phòng thi với gần 100 giám thị là cán bộ, giảng viên của Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An và Cao đẳng Nghề Việt- Đức làm nhiệm vụ coi thi. Cũng theo đánh giá của ông Lý thì: “Kỳ thi diễn ra thuận lợi, an toàn, đảm bảo đúng nội quy, quy chế. Các trường hợp sử dụng tài liệu đều bị giám thị phát hiện và tịch thu. Cá biệt, có phòng thi trong một buổi giám thị lập 4 biên bản và thu 1 máy điện thoại di động….”

Tuy nhiên, với những gì chúng tôi “thu thập” được sau 2 ngày cận cảnh trường thi, hiện tượng “quay cóp”, “sao chép” tài liệu diễn ra lúc “âm thầm”, khi “công khai” của các công chức tương lai thì thật khó có thể nhận biết ai là người có “năng lực” đáp ứng yêu cầu công việc cần tuyển chọn. Về đề thi, cũng có nhiều vấn đề đang phải cân nhắc. Năm nay là năm thứ hai Nghệ An triển khai thi tuyển công chức theo Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ. Theo đó, các thí sinh sẽ phải dự thi 4 môn gồm: Môn kiến thức chung, môn nghiệp vụ chuyên ngành, môn Ngoại ngữ và môn Tin học văn phòng. Bài thi dự tuyển công chức được chấm theo tổng điểm 400, trong đó, môn Ngoại ngữ và môn Tin học văn phòng chỉ là điều kiện, không tính vào tổng số điểm thi. Kết quả đậu hay không phụ thuộc nhiều vào môn kiến thức chung (mà các thí sinh thường gọi là môn Hành chính - PV) và môn nghiệp vụ chuyên ngành cộng với điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó điểm môn kiến thức chung tính hệ số 1 (100 điểm); môn nghiệp vụ chuyên ngành phần bài thi viết tính hệ số 2 (200 điểm) và phần bài thi trắc nghiệm chuyên ngành tính hệ số 1 (100 điểm). Chiếm đến ¾ số điểm, nhưng bất cập ở đây là môn nghiệp vụ chuyên ngành hiện chưa có ngân hàng đề thi mà được giao cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh có thí sinh dự tuyển tự ra đề. Cũng bởi không có kĩ năng, kinh nghiệm nên tính chuyên nghiệp hóa trong khâu ra đề sẽ không cao. Bên cạnh đó, câu hỏi đặt ra là việc giao cho các sở, ban, ngành tự ra đề thi chuyên ngành, tự chịu trách nhiệm như hiện nay liệu có đảm bảo được tính bảo mật đề thi, tính khách quan, công bằng cho các thí sinh trong khi một số thí sinh.



Thu dọn tài liệu sau buổi thi.

Có thể nhận thấy, hình thức thi tuyển “cạnh tranh”, lấy điểm thi cao nhất để xét duyệt vào các vị trí, biên chế mà các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị thay vì xét tuyển là một biện pháp để chuẩn hóa đầu vào, nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế diễn ra, từ khâu ra đề thi cho các môn chuyên ngành (môn có ý nghĩa quyết định) đến khâu coi thi, hình thức thi liệu có thực sự tuyển chọn được đội ngũ công chức có năng lực, trình độ, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm ở các địa phương, đơn vị? Hay lại như “con số 30%” số công chức làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào” mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. Ở tỉnh ta, qua kiểm tra công vụ hàng năm ở một số sở, ban, ngành, địa phương, số cán bộ công chức chậm việc, quên việc, không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao bắt nguồn từ nguyên nhân ý thức trách nhiệm chưa cao, trình độ, năng lực hạn chế cũng không phải là hiếm.

Để đánh giá đúng thực chất và tuyển chọn người thực tài cho bộ máy nhà nước, Bộ Nội vụ đang chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tổ chức thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”, trong đó có việc nghiên cứu hình thức thi tuyển công chức theo phương thức thi trắc nghiệm trực tuyến trên máy tính. Ưu điểm của phương pháp này là máy tính tự ra đề thi, tự đánh giá bài thi, quản lý thời gian thi và tự chấm điểm khi thí sinh ấn nút nộp bài thi. Thí sinh sau khi làm bài thi xong là có thể biết ngay kết quả thi, trúng tuyển hay không trúng tuyển. Thế nhưng, thiết nghĩ, cho dù triển khai dưới hình thức nào thì việc thi tuyển công chức chỉ thực sự có ý nghĩa nếu bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, trung thực không có những hiện tượng tiêu cực. Nếu không bảo đảm các yếu tố nêu trên, chẳng những không chọn được đúng người cần tuyển mà còn trở thành tấm bình phong che đậy những “phần chìm” mà không ai phải chịu trách nhiệm và chuyện “tuyển công chức” vẫn trở thành vấn đề “nóng” mà dư luận đồn thổi!


Nhóm P.V

Mới nhất
x
“Những điều trông thấy…”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO