Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Những đóng góp tích cực của đồng chí Lê Mạnh Duyệt cho quê hương Xô viết

ThS.Trần Thị Hồng Nhung - Phó Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 01/11/2024 07:10

Ngày 10/10/1930, đồng chí Lê Mạnh Duyệt vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau khi tham gia cuộc vây bắt thực dân Pháp ở đồn Dừa, đồng chí đã thoát ly quê nhà lên Môn Sơn (Con Cuông) hoạt động và có nhiều đóng góp cho cách mạng.

Đồng chí Lê Mạnh Duyệt (bí danh Thi Duyệt) sinh năm 1904 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Bố mẹ mất sớm, ba anh em Lê Mạnh Duyệt phải đùm bọc nuôi nhau. Lên 10 tuổi, Lê Mạnh Duyệt bắt đầu đi ở, chăn trâu cho những gia đình khá giả trong vùng để kiếm miếng cơm, manh áo qua ngày.

Sinh ra và lớn lên trên một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trải qua tuổi thơ cơ cực, hàng ngày chứng kiến sự áp bức, bóc lột bất công của bọn thực dân, phong kiến, Lê Mạnh Duyệt sớm thấu hiểu nỗi thống khổ của bà con và càng căm ghét bọn tay sai bán nước. Năm 1928, Lê Mạnh Duyệt từ giã quê hương rồi ra Thanh Hóa, Hải Phòng, xuống tàu để đi vào Nam, vào làm cu li trong đồn điền Phú Riềng.

Đồng chí Lê Mạnh Duyệt (1904-1990).

Sau 8 ngày đêm, tàu đến Nam Bộ và sau 4 ngày thì đến Phú Riềng. Tại đây, Lê Mạnh Duyệt cũng như bao công nhân khác phải chịu sự bóc lột nặng nề của chủ đồn điền. Cả ngày làm việc tới 7h tối công nhân mới được nghỉ, chậm một chút là bị đánh, bị cúp lương. Ăn cơm toàn gạo mục với cá thối nên ai cũng bị kiết lỵ, ốm đau không thuốc men, cuộc sống của phu đồn điền vô cùng khổ cực.

Trong 3 năm làm tại đồn điền Phú Riềng, Lê Mạnh Duyệt càng thấm thía hơn nỗi khổ của người con mất nước, sự bóc lột đến tận xương tủy của bọn tư bản Pháp. Từ đó, trong anh âm ỉ khát khao được đấu tranh để giành lại tự do, cơm áo. Rồi các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của công nhân trong các đồn điền nổ ra, Lê Mạnh Duyệt hăng hái tham gia không chút do dự.

Anh tham gia vận động anh em công nhân bàn kế hoạch biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện chế độ ăn uống cho công nhân, cấm đánh đập tàn nhẫn cu li, phụ nữ được nghỉ trước hoặc sau 2 tháng sinh và vẫn có lương... Tháng 2/1930, anh tham gia vào cuộc đình công đầu tiên; tiếp đó là các cuộc biểu tình diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo công nhân các nhà máy và bà con nhân dân trong vùng.

Thực dân Pháp hoảng sợ điều lính khố xanh, khố đỏ đến đàn áp. Đoàn biểu tình giải tán, Lê Mạnh Duyệt cùng một số anh em bị bắt đưa thẳng về giam tại đồn điền Phú Riềng. Tại đây, anh bị gọi lên tra khảo, đánh đập dã man nhưng vẫn kiên quyết không khai. Chúng kết án anh 6 tháng tù giam rồi giải vào giam tại Khám Lớn, Sài Gòn với tội danh là một trong những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn.

Sau một thời gian bị giam cầm, giữa năm 1930, đồng chí Lê Mạnh Duyệt được ra tù và trở về quê hương. Lúc bấy giờ, tin tức về phong trào đấu tranh của nhân dân miền xuôi diễn ra mạnh mẽ đã tác động nhanh chóng đến đồng bào các huyện miền núi Nghệ Tĩnh.

Cuộc đấu tranh sôi nổi của khoảng 1.200 công nông Vinh – Bến Thủy hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 đã mở đầu cho phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tiếp đó là các cuộc đấu tranh tiêu biểu của nhân dân Thanh Chương vây phá đồn Ký Viễn, cuộc đấu tranh của nhân dân Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Hưng Nguyên... cũng như nhiều cuộc đấu tranh trong huyện Anh Sơn đã tác động mạnh mẽ đến Lê Mạnh Duyệt.

Đồng chí Lê Mạnh Duyệt tích cực tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương không quản ngày đêm và được tổ chức Đảng giao nhiệm vụ đi diễn thuyết tại các cuộc biểu tình như ở Vĩnh Sơn, Đô Lương… Đến ngày 10/10/1930, Lê Mạnh Duyệt vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau khi tham gia cuộc vây bắt thực dân Pháp ở đồn Dừa, đồng chí đã thoát ly lên Môn Sơn (Con Cuông) hoạt động.

Cuối năm 1930, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bắt đầu bị thực dân và phong kiến Nam Triều tiến hành khủng bố trắng, hàng ngàn đảng viên, quần chúng bị bắt, giết; nhiều cơ sở Đảng tan vỡ. Để duy trì phong trào, Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An quyết định phát triển lực lượng cách mạng và chuyển phong trào lên các huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Nhận thấy Môn Sơn là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ sở, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Lê Xuân Đào (Trưởng ban Tài chính Xứ ủy), Tỉnh ủy Nghệ An cử đồng chí Lê Mạnh Duyệt và đồng chí Nguyễn Hữu Bình cùng lên Môn Sơn xây dựng phong trào cách mạng, tạo bước chuyển biến mới quan trọng ở địa phương.

Qua tuyên truyền, vận động của các đồng chí, bà con đã giác ngộ cách mạng, đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh có hiệu quả như cuộc đấu tranh tháng 3 năm 1931 đánh đuổi chủ thầu Đức Ký, xóa nợ cho dân. Trong đấu tranh, nhiều quần chúng hạt nhân của phong trào đã xuất hiện như: Vi Văn Khang, Vi Văn Hanh, Vi Văn Lâm, Vi Văn Quý, Hà Văn Hoa… Họ chính là người rải truyền đơn, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, vận động quần chúng, bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ Đảng.

Trên cơ sở đó, tháng 4 năm 1931, Chi bộ Đảng ở Môn Sơn được thành lập gồm 6 đảng viên: Vi Văn Khang, Lê Mạnh Duyệt, Vi Văn Hanh, Vi Văn Lâm, Vi Văn Quý, Trần Ngân, do đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư. Sau một thời gian ngắn, các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ ra đời, khí thế cách mạng của quần chúng lên cao.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Xuân Đào và đồng chí Lê Mạnh Duyệt, chi bộ Đảng đã phát động cuộc đấu tranh lớn vào ngày 9/8/1931. Sáng sớm hôm đó, khoảng 300 quần chúng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng đã tập trung tuần hành thị uy quanh xã. Lần đầu tiên ở Con Cuông, cờ đỏ búa liềm của Đảng được tung bay trên cây Đa Cồn Chùa, cây Trổ Bãi Cánh… Trống của nhà thờ họ Vi được khiêng đi cổ vũ đoàn biểu tình. Xuất phát từ làng Bãi Cánh đến làng Nậm Bơ, lên Cửa Rào, đền Cả, đến cây đa Cồn Chùa, qua bản Hủa Na, đoàn biểu tình kéo đến nhà Chánh đoàn gian ác Ba Uôn. Hắn hoảng sợ chạy lên huyện báo cáo có phong trào cộng sản.

Lính trong nhà Ba Uôn bắn tên độc vào đoàn biểu tình làm một số người bị thương, nhưng đồng chí Lê Mạnh Duyệt và đồng bào vẫn không hề nao núng, vây chặt nhà Ba Uôn khiến người nhà sợ hãi phải đưa 5 tạ lúa, bạc nén nộp cho cách mạng. Nông hội đã đứng ra phân phát cho các gia đình nghèo. Cuộc đấu tranh của nhân dân Môn Sơn thắng lợi như một ngọn lửa rực sáng ở miền núi cao Nghệ An, làm cho kẻ địch hoang mang lo sợ. Có được những thắng lợi đó là nhờ một phần công lao không nhỏ của đồng chí Lê Mạnh Duyệt.

Sau cuộc đấu tranh ngày 9/8/1931, thực dân – phong kiến đã đàn áp khốc liệt phong trào ở Môn Sơn. Tri huyện Lang Vi Năng đưa lính vào bắt 30 người cả đảng viên và quần chúng. Lê Mạnh Duyệt bị sa vào tay giặc lần thứ hai ở Xếp Phon (biên giới Việt - Lào), chúng giải đồng chí về đồn Yên Phúc. Sau khi tra tấn dã man vẫn không lấy được lời khai, thực dân Pháp đã kết án đồng chí 3 năm tù, đưa về Nhà lao Vinh giam giữ...

Nhà lao Vinh lúc bấy giờ chật ních tù nhân cùng với chế độ lao tù vô cùng khắc nghiệt. Tại đây, bộ máy tay sai đã sử dụng những thủ đoạn tinh vi, nham hiểm với chế độ sinh hoạt, ăn uống vô cùng cực khổ: Ăn toàn gạo hẩm, mốc, trấu, sạn nhan nhản. Thức ăn chỉ có muối và nước mắm thối, một tuần thì được một bữa thịt hoặc cho cá mắm ôi thiu. Tù nhân ốm đau không có thuốc men nên hầu hết đều bị ghẻ lở, ai bị bệnh kiết lỵ, bệnh tả sốt rét... địch đưa ra nhà thương một vài hôm là chết.

Ngoài ra, chúng còn sử dụng thủ đoạn mua chuộc, tra tấn, đánh đập tù nhân với những hình thức dã man như cho lộn ngược những người tù chính trị lên để đánh hay dùng điện dí vào người, đốt 10 đầu ngón tay trên đèn cồn, đốt mâm đồng đỏ rực để bắt tù nhân ngồi, hoặc đứng vào, thịt da cháy bỏng, bốc mùi khét lẹt. Chúng dùng gậy đóng đinh để đánh tù, dùng roi cao su, roi xương cá sấu, roi vặn thừng, roi da bò, dùi cui và nhiều dụng cụ khác để tra tấn. Riêng đối với tù nhân nữ, chúng còn bắt lột hết quần áo, đứng trên tổ kiến lửa...

Tất cả thủ đoạn đó đều nhằm phục vụ âm mưu: giam cầm, đàn áp, khủng bố, đày ải và tiêu diệt các chiến sĩ cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh cả về thể xác lẫn tinh thần.

Tuy nhiên, những âm mưu thủ đoạn nham hiểm ấy đã không thể khuất phục nổi tù chính trị Nhà lao Vinh nói chung và đồng chí Lê Mạnh Duyệt nói riêng. Ngược lại, nó đã trở thành động lực để các đồng chí giữ vững bản lĩnh, khí tiết của người cộng sản, vững vàng vượt qua mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Trong lao tù đế quốc, Lê Mạnh Duyệt vẫn tiếp tục đứng lên cùng anh em đồng chí đấu tranh tuyệt thực, làm reo, đòi thả tù chính trị, cải thiện chế độ ăn uống, sinh hoạt…

Năm 1936, Lê Mạnh Duyệt được thả tự do và tiếp tục tham gia phong trào tại quê nhà. Năm 1940, được đồng chí Trần Văn Quang (cán bộ Tỉnh ủy Nghệ An phái lên Anh Sơn củng cố lại Phủ ủy) giao nhiệm vụ khôi phục một số cơ sở Đảng ở Anh Sơn, Lê Mạnh Duyệt hoạt động tích cực. Đến cuối năm 1940, Chi bộ Lạng Điền được khôi phục.

Sự phục hồi tổ chức Đảng, các hội quần chúng ở Anh Sơn đã tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh nổ ra khá mạnh với hình thức chủ yếu là mít tinh, rải truyền đơn, nghe diễn thuyết, treo cờ. Đồng chí Lê Mạnh Duyệt đã hòa mình vào phong trào đấu tranh của quần chúng, góp phần vào thắng lợi của nhiều cuộc đấu tranh chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa trên quê hương Anh Sơn.

Sau một thời gian hoạt động, đồng chí sa vào tay thực dân Pháp lần thứ 3 khi đang diễn thuyết và bị đưa về giam tại Nhà lao Vinh. Sau 2 tháng giam cầm tại xà lim và tra tấn với nhiều hình thức dã man, địch không lấy được lời khai, đồng chí Lê Mạnh Duyệt bị chúng kết án 15 năm tù, đày đi Buôn Ma Thuột.

Nhà đày Buôn Ma Thuột được xây dựng năm 1931 để đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ cùng những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong thời kỳ 1930-1945, đã có 3.855 tù nhân bị giam giữ ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, đại bộ phận là đảng viên cộng sản.

Đúng như tên gọi “nhà đày”, các tù nhân - nhất là tù chính trị, bị giam giữ trong điều kiện chật chội, mất vệ sinh, ăn uống thiếu thốn, kham khổ. Những phạm nhân “nguy hiểm” bị cùm chân cố định tại chỗ, thường xuyên bị tra tấn tàn nhẫn. Ngoài thời gian bị giam, tù nhân còn phải làm việc khổ cực trong các đồn điền, nhà xưởng. Làm lụng vất vả mỗi ngày từ 11 – 12 giờ, lại bị đánh đập, ốm đau không có thuốc, không được nghỉ ngơi, các bệnh hiểm nghèo như đau phổi, phù thũng, kiết lỵ, đái ra máu... đã đưa hàng trăm người tù đi an nghỉ nơi rừng xanh, núi thẳm, nhất là bệnh đái ra máu, 99,9% người bệnh này đều nằm lại mảnh đất này.

Tuy nhiên, sự áp bức tàn bạo của thực dân - đế quốc không thể khuất phục được ý chí của những người cộng sản. Họ đã biến nhà tù thành “trường học cách mạng”, nơi truyền bá cho các tù nhân khác những tư tưởng tiến bộ, tinh thần yêu nước cùng quyết tâm tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Bằng rất nhiều cách, họ đã trao truyền đơn, tài liệu cho nhau. Nhiều chiến sĩ cộng sản đã được tôi luyện và trưởng thành trong “trường học cách mạng” này.

Trong những năm tháng giam cầm tại đây, đồng chí Lê Mạnh Duyệt đã gặp lại nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung như Trần Văn Quang, Nguyễn Chí Thanh, Hồ Thị Nhung, Trần Hữu Dực… Dù chế độ lao tù khắc nghiệt nhưng Lê Mạnh Duyệt và các đồng chí khác vẫn kiên trung, bất khuất, biến lao tù thành trường học cách mạng với các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ như diễn tuồng, sáng tác thơ, văn… đồng thời giác ngộ một số anh em binh lính theo cách mạng.

Vào khoảng cuối năm 1940, để đáp ứng yêu cầu trên, một số tù nhân cũ và mới liên hệ với nhau lập một tổ chức bí mật gọi là “Lực lượng trung kiên” của nhà đày. Tuy không gọi là Chi bộ Đảng, nhưng lực lượng này trên thực tế đã đóng vai trò một chi bộ cộng sản. Số thành viên của “Lực lượng trung kiên” lúc mới thành lập có 10 đồng chí, đến tháng 4/1945 đã có hơn 100 đảng viên. Sự ra đời của chi bộ đánh dấu bước chuyển mình trong phong trào đấu tranh của tù chính trị tại nhà đày, đồng thời góp phần tạo bước phát triển mới trong phong trào cách mạng ở Đắk Lắk.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, đồng chí Lê Mạnh Duyệt đã tham gia tích cực vào các cuộc đấu tranh trong lao tù. Nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra để chống việc bớt xén khẩu phần ăn, phản đối lao động khổ sai, phản đối đánh đập tù nhân. Tuy bị đàn áp đẫm máu, nhưng cũng buộc bọn cầm quyền ở đây phải nhượng bộ một số yêu cầu. Qua đấu tranh, tinh thần cách mạng và lòng tin của tù nhân vào sức mạnh tập thể được nâng cao, tạo đà cho các cuộc đấu tranh tiếp theo phát triển ở mức độ cao hơn. Tháng 3/1945, nhân sự kiện Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Lê Mạnh Duyệt được trả tự do, ở lại Nha Trang tiếp tục bắt mối hoạt động cách mạng.

Tháng 8/1945, đồng chí tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện Diên Khánh. Tháng 10/1945, do sức khỏe yếu, đồng chí được Khu ủy Khánh Hòa giới thiệu về điều trị tại Nhà thương Nghệ An. Sau khi ổn định, đồng chí được Tỉnh ủy Nghệ An điều động nhận nhiệm vụ củng cố các đoàn thể Việt Minh ở huyện Yên Thành trong các vùng công giáo.

Tháng 6/1946, đồng chí Lê Mạnh Duyệt tiếp tục được Tỉnh ủy điều động lên huyện Con Cuông đảm trách nhiệm vụ quốc phòng, sau đó làm Bí thư Huyện ủy kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện. Trong thời gian công tác 4 năm ở huyện Con Cuông, đồng chí Lê Mạnh Duyệt đã xây dựng được 6 cơ sở Đảng ở các xã như Môn Sơn, Lục Dạ, Châu Yên, Châu Khê, Mẫu Thạch và thị trấn Con Cuông. Do thông thạo tiếng Lào nên công tác của đồng chí ở vùng biên giới rất thuận lợi.

Tháng 11/1949, Tỉnh ủy Nghệ An tiếp tục điều động đồng chí về phụ trách công tác trường Đảng. Tháng 8/1951, đồng chí tiếp tục được điều động sang làm công tác mậu dịch, rồi làm quản trị Trường Đào tạo cán bộ tuyên truyền. Tiếp đó, đồng chí được Khu ủy điều động tham gia Chiến dịch Thượng Lào, làm Trạm trưởng Khe Kiều. Chiến dịch kết thúc, đồng chí được điều động làm Trạm trưởng Y20...

Tháng 4/1953, đồng chí được điều về lập Ban Viện trợ cách mạng Lào, công tác tại huyện Hồi Xuân (Thanh Hóa), làm trạm trưởng công tác viện trợ Lào và chuẩn bị kế hoạch vận chuyển lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch kết thúc, đồng chí lại về Hồi Xuân phụ trách cửa hàng đặc biệt của Trung ương để giao thiệp với nước bạn Lào cho đến Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc.

Tháng 8 năm 1954, Khu ủy điều động đồng chí Lê Mạnh Duyệt về bổ sung cho cán bộ Thanh Hóa. Tháng 1 năm 1955, đồng chí về phụ trách công tác sửa sai ở huyện Nông Cống. Trong thời gian làm công tác sửa sai, đồng chí đã được Tỉnh ủy, Huyện ủy Nông Cống tặng Bằng khen. Sau đó, đồng chí tiếp tục được điều đi làm công tác sửa sai ở Hà Tĩnh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tháng 6 năm 1959, đồng chí về làm Quản đốc Xí nghiệp gạch Thanh Hóa. Tháng 12 năm 1961, đồng chí được điều động đi học Trường Nguyễn Ái Quốc, phân hiệu 2 ở Vinh.

Năm 1964, do di chứng của những lần bị bắt giam, tra tấn trong lao tù đế quốc, sức khỏe của đồng chí Lê Mạnh Duyệt giảm sút nên được tỉnh cho đi an dưỡng chờ ngày nghỉ hưu.

Năm 1990, đồng chí Lê Mạnh Duyệt qua đời do tuổi cao sức yếu. Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân, đồng chí đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

60 năm tuổi Đảng, gần 30 năm hoạt động cách mạng, 3 lần bị bắt giam trong lao tù đế quốc, nhưng đồng chí Lê Mạnh Duyệt kiên trung bất khuất, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản và trở thành tấm gương sáng ngời cho các thế hệ noi theo.

-----

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Anh Sơn, Tập 1 (1930-1963), 2003

- Hồi ký của đồng chí Lê Mạnh Duyệt lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

- Tiểu sử của đồng chí Lê Mạnh Duyệt do thân nhân cung cấp.

- Kỷ yếu Tọa đàm Khoa học kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn, huyện Con Cuông – Nghệ An.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-le-manh-duyet-tam-guong-cong-san-kien-trung-tren-que-huong-xo-viet
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-le-manh-duyet-tam-guong-cong-san-kien-trung-tren-que-huong-xo-viet
Những đóng góp tích cực của đồng chí Lê Mạnh Duyệt cho quê hương Xô viết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO