Những góc phố thi nhân

05/09/2015 08:37

(Baonghean) - Có lẽ cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi mùa thu là mùa yêu thương, mùa nhớ nhung, mùa hoài niệm. Thu đến mang theo cơn gió mát lành thổi vào vạn vật, không oi bức, không buốt giá, đủ se lạnh để quyện hòa, vấn vương trong mùi hương hoa sữa. Mùa thu ở Vinh, khí trời dịu nhẹ khiến ta dễ trôi vào khoảng ký ức miên man, đằm mình vào khoảng không gian ưu tư, tĩnh tại, rồi chợt thấy tâm hồn nhẹ bẫng, thảnh thơi…

Trong bộn bề với vòng xoay của công việc, đã có lúc tôi nghĩ rằng những phút giây thong dong dạo bộ ngắm phố phường thật quá xa xỉ. Thế mà trong một buổi chiều không phải cuối tuần như hôm nay, thật không thể kìm lòng trước sức hấp dẫn của những con phố đang độ vào thu của thành Vinh xứ Nghệ. Bạn hỏi phố có gì? Kể ra phố cũng chẳng có gì ngoài những sự vật và con người vốn từ xưa đã thế. Chỉ có điều, phố vào thu mang nét dịu dàng, thơ mộng và nhộn nhịp theo một cách khác mà thôi. “Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần và lần này tự nhiên thấy lạ”. Những dòng chữ trong truyện ngắn của nhà văn Thanh Tịnh bỗng hiện lên trong đầu. Ồ đúng là cái cảm xúc ấy, ý tứ ấy. Lạ mà quen, quen mà lạ, thế nên đường mới đủ sức hấp dẫn ta đến vậy. Tôi nhớ nhà văn Thanh Tịnh còn có những dòng miêu tả mùa thu rất chân thực và dạt dào cảm xúc, bắt đầu bằng những câu từ giản dị: “Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…”. Thì ra ký ức mùa Thu với nhà văn Thanh Tịnh là ngày tựu trường. Con người sống trong đời sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng có lẽ cảm xúc về mùa thu của nhà văn Thanh Tịnh đã chạm đến miền ký ức của tất thảy mọi người, và có lẽ vì thế nên tôi mới nhớ như in từng câu từ trong trang sách ấy dù thời gian đã trôi qua hơn chục năm trời…

Tôi lang thang trên từng con phố, chợt nhận ra mình đã ở trên đường Nguyễn Du. Con đường mà tôi đang đi không phải là con đường ngày xưa dẫn lối tôi đến trường. Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo nên ngôi trường gắn bó với tuổi thơ tôi là những mái nhà tranh lợp bằng lá cọ, nằm khuất sau ngọn đồi. Thuở tôi mới đến trường, tâm hồn non nớt của đứa bé lên 7 chưa đủ để cảm nhận được một cách tinh tế những biến đổi của đất trời như nhà văn Thanh Tịnh. Lúc ấy, tôi chỉ hãnh diện và vui sướng vì thấy mình lớn hơn một chút, chững chạc hơn một chút. Bọn trẻ con ở quê như chúng tôi cũng chẳng ai khóc lóc, sợ sệt hay níu áo mẹ trước khi bước vào cửa lớp, thậm chí còn tự dắt nhau đến trường. Vẫn bỡ ngỡ, vẫn lạ lẫm nhưng vì trường làng là nơi trẻ con chúng tôi vẫn thường tụ tập chơi ô ăn quan, chơi bắn bi mỗi chiều nên cái ngày đầu tiên tựu trường ấy chỉ khác là mỗi đứa mang theo một túi xách đựng sách vở. Cái thời lớp 1 của tôi không có cặp sách đẹp đẽ như bây giờ, bố mẹ sắm cho chúng tôi chiếc túi làm bằng dây cước với nhiều màu sặc sỡ. Cái túi ấy, trẻ con dùng để đi học, các bà, các mẹ dùng để đi chợ...

Đường Hoài Thanh, phường Trung Đô (TP. Vinh).
Đường Hoài Thanh, phường Trung Đô (TP. Vinh).

Dạo bước trên đường, cảm nhận từng hơi thở mùa Thu đang luồn trong từng hàng cây kẽ lá, bất chợt tôi nhận ra một điều khá thú vị: nhiều con ngõ nhỏ thông ra đường Nguyễn Du mang tên các nhà văn, nhà thơ lớn. Đi từ nội thành hướng ra phía cầu Bến Thủy, ngõ đầu tiên tôi bắt gặp mang tên nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Hoài Thanh, tiếp đó là đường Ngô Tất Tố, rồi đến đường Hàn Mặc Tử. Kỳ diệu thay, những ngõ ấy lại nằm san sát nhau dọc theo tuyến đường mang tên đại thi hào của dân tộc, tạo nên một “khu phố thi nhân” đầy thơ mộng. Hàng quán nhiều, dịch vụ cũng nhiều nhưng tôi vẫn cảm nhận được nét yên bình và nhẹ nhàng, lãng mạn của những góc phố nơi đây. Liệu có phải đây là dụng ý của các nhà quy hoạch đô thị khi đặt tên đường trong nội thành? Hay vốn những con phố này đã mang nét trầm tư như vậy? Nhưng cho dù vì lẽ gì đi chăng nữa thì tôi vẫn cảm thấy lòng mình đang hoan hỉ vì vừa khám phá được điều tuyệt vời trong thành phố tôi yêu.

Tên đường, tên phố vốn cũng chỉ là cái tên gọi để phân biệt các lối rẽ, nhưng với mỗi người, cái tên ấy lại gợi lên thật nhiều trường liên tưởng. Đi dưới vòm cây xanh của đường Hoài Thanh, đường Ngô Tất Tố rồi đường Hàn Mặc Tử, trong tâm thức tôi hiện về rõ mồn một cái khoảnh khắc nghe thầy giáo bình thơ thuở còn cắp sách tới trường. Thầy giáo dạy Văn của tôi hồi ấy vẫn thường được học trò nhớ đến vì những điều đặc biệt: mái tóc dài màu trắng cước, chiếc cặp da màu nâu sờn cũ và chiếc thước kẻ “thần thánh”. Tụi học trò chúng tôi vẫn thường đùa nhau đấy là “đặc điểm nhận dạng” của thầy. Là giáo viên dạy Văn nhưng lúc nào thầy cũng kè kè chiếc thước kẻ bằng gỗ bên nách, cũng chẳng bao giờ chúng tôi thấy thầy dùng nó vào việc giảng bài trên lớp. Nhưng bài giảng của thầy thì tuyệt vời lắm, say sưa lắm. Mỗi tiết học Văn là một khoảng thời gian thầy đưa lũ học trò chìm vào thế giới mộng tưởng của thi ca. Thầy ngâm nga từng câu Kiều, vẽ nên trong trí tưởng tượng của chúng tôi từng hình ảnh đầy thi vị, thầy truyền cảm hứng, gieo vào lòng chúng tôi những xúc cảm để thẩm thấu văn chương. Tôi vẫn còn nhớ bài giảng của thầy về thơ Hàn Mặc Tử: “Thơ của Hàn điên dại thế, sầu buồn, u uất thế nhưng nó là mạch sống nhạy cảm nhất của bất kỳ ai. Thơ của Hàn không dành cho nhiều người đọc và cũng không đọc nhiều người. Thế nên sau những lời gợi mở của thầy, các em hãy tự dành những giây phút một mình mà suy ngẫm. Hay lắm đấy!”… Bài giảng văn của thầy bao giờ cũng bỏ ngỏ theo kiểu như vậy. Nhưng lũ học trò chúng tôi thì khoái lắm, tò mò và thích thú với những điều bí ẩn. Cũng đã 5, 6 năm trôi qua, chúng tôi giờ mỗi người một ngả, thi thoảng có dịp về thăm thầy giáo cũ, thầy thường mỉm cười khen chúng tôi khôn lớn, chỉ có thầy, mái tóc trắng cước và gương mặt điềm đạm ấy vẫn như xưa…

Trường Mầm non Việt - Lào trên đường Nguyễn Du (TP. Vinh).
Trường Mầm non Việt - Lào trên đường Nguyễn Du (TP. Vinh).

Trên con phố tôi đang dạo bộ có khá nhiều cửa hàng sách. Bắt gặp một cô bé chừng 10 tuổi đang ngắm nghía bìa cuốn sách bên ngoài cửa hàng, tôi lại gần hỏi: “Cháu học trường nào thế?”. Cô bé cười tươi, đôi mắt sáng nhìn tôi trả lời: “Cháu học hết lớp 5 rồi, mai cháu vào Trường cấp 2 Trung Đô cô ạ. Mai là ngày khai giảng nên mẹ vừa mua sách giáo khoa mới cho cháu. Mùi sách thơm cô nhỉ”. Câu nói hồn nhiên của bé gái khiến tôi mỉm cười. Có một thời tôi cũng háo hức và vui sướng khi được cầm trên tay cuốn sách mới như thế, rồi cùng mấy đứa bạn lật giở từng trang xem những điều mới lạ và lý thú mà mình sắp được học. Kỷ niệm tuổi thơ cứ trôi qua êm đềm với những mùa tựu trường như thế.

Miên man suy nghĩ, tôi bỗng giật mình với tiếng còi xe tấp nập ở sau lưng. Đến giờ tan tầm, dòng người đổ ra phố mỗi lúc một đông, nhiều người chen chúc nhau rẽ vào cổng Trường Mầm non Việt - Lào. Các bé thấy bố mẹ đến đón thì ào ra ôm chầm đầy sung sướng. Những cái ôm, những cái thơm, những lời nũng nịu,… tôi chợt thấy lòng mình nhẹ bẫng và an yên đến lạ. Hạnh phúc đơn giản là thế. Ngôi trường và gia đình – những mái ấm nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ. Mùa Thu, mùa tựu trường, mùa của những yêu thương….

Phương Thảo

Mới nhất
x
Những góc phố thi nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO