Những "hạt ngọc" trong bản hương ước cổ

19/03/2012 16:20

(Baonghean) - Đến nay, làng Mỹ Thanh, xã Hưng Mỹ, Hưng Nguyên (xưa gọi là làng Ngọc Hốt, xã Đô Yên, tổng Đô Yên, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) vẫn còn lưu giữ được bản hương ước bằng chữ Hán có niên đại trên dưới 200 năm. Bản hương ước này được toàn thể người dân và các hào lý làng Ngọc Hốt bàn bạc, soạn thảo từ năm Gia Long thứ 5 (1806). Nội dung cơ bản của hương ước quy định việc tổ chức các nghi lễ trong năm của làng Ngọc Hốt (lễ tế điền, chính đán, tế chủ, lễ tạ, lễ yến lão mừng thọ, lễ khai hạ thần, lễ cầu phúc...) và các quy định về cưới hỏi, hiếu hỷ...

(Baonghean) - Đến nay, làng Mỹ Thanh, xã Hưng Mỹ, Hưng Nguyên (xưa gọi là làng Ngọc Hốt, xã Đô Yên, tổng Đô Yên, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) vẫn còn lưu giữ được bản hương ước bằng chữ Hán có niên đại trên dưới 200 năm. Bản hương ước này được toàn thể người dân và các hào lý làng Ngọc Hốt bàn bạc, soạn thảo từ năm Gia Long thứ 5 (1806). Nội dung cơ bản của hương ước quy định việc tổ chức các nghi lễ trong năm của làng Ngọc Hốt (lễ tế điền, chính đán, tế chủ, lễ tạ, lễ yến lão mừng thọ, lễ khai hạ thần, lễ cầu phúc...) và các quy định về cưới hỏi, hiếu hỷ...


Bản hương ước gồm 19 điều quy định. Bên cạnh những quy định về việc tổ chức các nghi lễ trong năm, bản hương ước còn nói đến việc xử phạt những người dính đến rượu chè, cờ bạc. Cụ thể: "Nếu bản xã có tổ chức ăn uống, người nào uống say, nói năng xằng bậy, nếu là người có tiếng tăm và sắc dịch phạt tiền 3 quan, còn thứ dân phạt đánh 30 roi" (điều 18). Hoặc: "Nếu bản xã có người nào đánh bạc, bị Lý trưởng phát giác, hoặc người ở nơi sở tại phát hiện mà bị bắt quả tang thì phạt rượu ngon và 12 quan tiền, người ngồi cùng chiếu phạt mỗi người 6 quan và 30 roi để trừng trị. Hoặc tụm 5, tụm 3 đánh bạc các khoản, trước lễ khai hạ tháng Giêng còn du xuân thì được châm chước miễn bàn, sau lễ khai hạ phải tuân theo đúng lệ, cấm không được thoái thác" (điều 19).




Trang đầu của bản hương ước làng Ngọc Hốt

Đến năm Tự Đức thứ 33 (1880), xét thấy một số nội dung của hương ước không còn phù hợp, toàn thể người dân và chức sắc làng Ngọc Hốt lại họp bàn để sửa đổi. Về mặt hình thức, những điều quy định trong bản hương ước mới của làng Ngọc Hốt được diễn đạt ngắn gọn, súc tích hơn. Còn về mặt nội dung, bên cạnh những quy định về các nghi lễ trong năm, một số quy định mới nhằm mục đích khuyến khích việc học hành, trọng dụng người tài năng và giữ gìn trật tự trị an cũng được đưa vào hương ước. Đặc biệt, bản hương ước này đã dành 3/19 điều quy định để khuyến khích việc học hành, khoa cử. Điều này chứng tỏ rằng từ rất lâu, làng Ngọc Hốt đã có truyền thống hiếu học và việc học hành không chỉ là việc riêng của mỗi gia đình mà còn là việc chung của cả làng, cả xã. Hương ước quy định: "Lệ bản thôn có người thi đỗ đại khoa, tiền mừng là 60 quan, 1 bức trướng, trầu cau và rượu chúc mừng. Cử nhân thì 30 quan, 1 bức trướng cùng trầu cau" (Điều 8); "Trong thôn có sỹ tử theo học gặp khoa thi, dự định đi thi, bản thôn đặt lệ tiễn là 3 quan" (Điều 10); "Nhà nào có con em theo học, bất luận đỗ hay không thì các hạng sưu dịch đều theo lệ nước mà được miễn để bồi thêm văn phong" (Điều 11).


Đối với việc đảm bảo an ninh trật tự và giữ gìn thuần phong mỹ tục, hương ước làng Ngọc Hốt dành 7/19 điều để quy định về việc xử phạt những người vi phạm. Đây là quy định xử phạt những kẻ phá hoại của công và lợi ích của toàn thể cộng đồng: "Người nào phá hủy đường sá, xuyên phá mạch đất, làm hỏng cầu cống, ích kỷ hại người, xử người ấy phải bồi hoàn như cũ và phạt 6 quan tiền" (Điều 12). Còn đây là quy định xử phạt những người có hành vi phá hoại các công trình văn hóa tâm linh: "Người nào trong thôn làm tổn hại đến đền thờ Thánh, chùa thờ Phật, lại hại cây cối, Tuần phu hoặc người khác bắt được thưởng 1 quan tiền, còn kẻ ấy bị phạt 6 quan, nếu biết mà giấu giếm khi bị phát hiện phạt 2 quan" (Điều 12). Bản hương ước cũng quy định những hình thức xử phạt khá nghiêm khắc đối với hành vi trộm cắp tài sản: "Người nào trong thôn trộm lúa thóc và tài sản hoa màu trên ruộng vườn của người khác bị Tuần phu hoặc người khác bắt được tố cáo bị phạt 3 quan tiền, tài sản và các thức khác phải bồi hoàn lại cho gia chủ và phải viết đơn xin sửa đổi, hoàn lương để trừ tệ lậu. Nếu ngang ngạnh không chịu nhận, hoặc xấu hổ chối quanh, lập tức bị bắt giải về trị tội. Các vị chức sắc họp bàn quyết định suốt đời không được dự ngôi thứ trong làng" (Điều 15). Để giữ gìn hòa khí cho mỗi gia đình, người dân làng Ngọc Hốt đi đến thống nhất: "Người nào phạm tội bất hiếu, không hòa thuận, việc xấu như con lăng mạ cha mẹ, chị dâu lăng mạ em chồng, em lăng mạ anh, người ít tuổi lăng mạ người lớn. Người thân của người đó phát giác tố cáo, mắt thấy tai nghe chính xác, tùy tội nặng nhẹ sẽ bị phạt tiền nhiều ít khác nhau. Tội nhẹ phạt 3 quan, nặng phạt 6 quan" (Điều18).


Có lẽ do xây dựng, soạn thảo được bản hương ước khá chặt chẽ, vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa chứa đựng tính nhân văn sâu sắc nên người dân làng Ngọc Hốt luôn giữ gìn được những giá trị văn hóa tốt đẹp của tổ tiên để lại. Các thế hệ người dân nơi đây luôn có ý thức nhắc nhở cháu con giữ gìn thuần phong mỹ tục, giữ lấy đất lề quê thói, đảm bảo những chuẩn mực ứng xử và giao tiếp trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Vì thế, đến nay làng Mỹ Thanh (Ngọc Hốt cũ) vẫn còn duy trì được khá nhiều nét đẹp cổ truyền trong sinh hoạt cộng đồng làng xã, tình làng nghĩa xóm luôn luôn bền chặt, trật tự trị an luôn được đảm bảo an toàn.


Chúng ta đang phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và xây dựng làng văn hóa, trong đó khuyến khích các làng bản xây dựng hương ước. Dù được soản thảo đã trên dưới 200 năm, lại ra đời trong chế độ xã hội phong kiến, nhưng bản hương ước của làng Ngọc Hốt vẫn có nhiều điểm còn hợp lý, rất đáng để chúng ta tham khảo.


Công Kiên

Mới nhất
x
Những "hạt ngọc" trong bản hương ước cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO