Những hoạ sĩ xứ Nghệ vẽ Bác bằng tình yêu
Không cần sự ghi danh hay nổi tiếng, những họa sĩ trên quê hương Bác lặng lẽ vẽ Người như một cách sống, một kiểu tri ân. Và trong mỗi tác phẩm, hình ảnh Bác Hồ hiện lên vừa giản dị, vừa vĩ đại, như chính cách mà người dân xứ Nghệ cất giữ hình bóng Người trong tim mình bao đời nay.

Không cần sự ghi danh hay nổi tiếng, những họa sĩ trên quê hương Bác lặng lẽ vẽ Người như một cách sống, một kiểu tri ân. Có người vẽ Người bằng ký ức từ những lần được diện kiến, có người chắt chiu từng giọt cảm xúc từ khung phim, trang sách, rồi để trái tim mình dẫn lối trên giá vẽ. Và trong mỗi tác phẩm, hình ảnh Bác Hồ hiện lên vừa giản dị, vừa vĩ đại, như chính cách mà người dân xứ Nghệ cất giữ hình bóng Người trong tim mình bao đời nay.
Hoạ sĩ, nhà điêu khắc Trần Minh Châu
Gặp hoạ sĩ, nhà điêu khắc Trần Minh Châu ở tuổi 86, điều đầu tiên gây ấn tượng với chúng tôi là mái tóc bạc phơ, khuôn mặt luôn ánh lên nụ cười hiền hậu và phong thái mẫn tiệp đến ngạc nhiên. Ở ông, dường như thời gian chỉ có thể điểm bạc mái tóc, còn tinh thần ham lao động, khát khao sáng tạo thì vẫn căng tràn như thuở nào. Trong căn nhà nhỏ yên tĩnh, bên giá vẽ, bàn tạc tượng, ông vừa hoàn thành một bức phù điêu mới về Bác Hồ – thêm một minh chứng cho mạch nguồn cảm hứng chưa bao giờ cạn trong ông khi khắc hoạ về Người.

Suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, Trần Minh Châu luôn dành một phần tâm huyết lớn cho đề tài về Bác Hồ. Từ những ngày còn là sinh viên Trường Mỹ thuật Hà Nội, ông đã may mắn ba lần được gặp Bác, những lần gặp gỡ đầy xúc động đã trở thành ký ức thiêng liêng, thôi thúc ông dành trọn trái tim sáng tạo cho hình ảnh Người. Trong các cuộc gặp ấy, hình ảnh Bác hiện lên thật gần gũi: mái tóc bạc, ánh mắt ấm áp, bàn tay nắm chặt, chòm râu điểm bạc... Những chi tiết bình dị ấy đã theo ông suốt cuộc đời, len lỏi vào từng tác phẩm.

Trần Minh Châu có một gia tài đồ sộ các tác phẩm về Bác Hồ, trải dài từ tượng đài, tranh phù điêu đến các tác phẩm sơn dầu, khắc gỗ... Trong đó, tranh vẽ tiêu biểu với các tác phẩm "Tháng 5", "Bạn cũ quê nhà", “Nhà quê nội Bác Hồ”, “Bác về thăm nhà” … Ở mỗi tác phẩm, ông không chỉ tả thực chân dung Bác, mà còn tìm cách khắc hoạ được thần thái ung dung, trí tuệ sáng ngời và tấm lòng nhân ái bao la của Người.
Điều đáng quý ở Trần Minh Châu là phong cách thể hiện giàu cảm xúc nhưng chắt lọc. Ông tìm đến sự mộc mạc, giản dị, nhưng luôn dồn hết tâm tư để mỗi tác phẩm vừa đậm chất hiện thực, vừa thấm đẫm lý tưởng nhân văn sâu sắc. Mỗi một tác phẩm của ông luôn gắn với những thông điệp rõ ràng, rất đời nhưng rất sâu sắc. Chính lối đi ấy khiến cho tượng Bác của ông luôn toát lên vẻ đẹp gần gũi mà thiêng liêng, giản dị mà vĩ đại.

Ở tuổi xưa nay hiếm, trong ngôi nhà nhỏ bên triền đê Hưng Hoà, người họa sĩ già vẫn miệt mài với nghệ thuật với danh sách dài những tác phẩm chưa từng được công bố. Ông bảo: “Sáng tác là cách để tôi tri ân Người, Bác mãi là tấm gương, là nguồn cảm hứng sáng tạo trong tôi”. Người hoạ sĩ đáng kính này cũng bày tỏ tâm nguyện hiến tặng toàn bộ những tác phẩm nghệ thuật của mình cho quê hương, đất nước, để những tác phẩm có thể thay ông kể chuyện về vị lãnh tụ vĩ đại cho thế hệ mai sau.
Hoạ sĩ Tạ Quang Tâm
Những ngày này, tại trại sáng tác, họa sĩ Tạ Quang Tâm (Tạ Tâm, sinh năm 1952) lại cần mẫn bên giá vẽ, tiếp tục hành trình sáng tạo dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bức tranh mới nhất của ông - "Người là Hồ Chí Minh" - ra đời từ cảm xúc trong những ngày tháng Năm lịch sử - kỷ niệm 135 năm ngày sinh Bác và Lễ hội Làng Sen 2025. Trong tranh, Bác giản dị trong màu áo nâu sòng quen thuộc, đứng giữa trời xanh hoà bình, dưới sắc cờ đỏ rực và giữa những đoá sen quê hương nở hồng. Không chỉ tái hiện hình ảnh, Tạ Quang Tâm còn gửi gắm một ước vọng sâu sắc: Bác trở về trong khúc khải hoàn của dân tộc, trong vòng tay chào đón hân hoan của nhân dân, vào những ngày thống nhất đất nước.

Suốt hơn nửa thế kỷ, Tạ Quang Tâm đã sáng tác gần 20 bức tranh về Bác Hồ, từ chân dung hiện thực đến tranh cổ động. Với ông, điều quan trọng không chỉ là vẽ đúng từng đường nét - từ mái tóc bạc, chòm râu hiền từ - mà còn phải "chớp" được thần thái sống động bên trong. Và ông đã tỉ mẩn thể hiện điều đó bằng cả trái tim ngưỡng mộ dành cho Người. "Ánh mắt Bác luôn cười - đó mới là cửa sổ tâm hồn. Miệng thể hiện chân dung, nhưng mắt mới thể hiện tình cảm, sự sống động" - ông chiêm nghiệm.

Chặng đường sáng tác về Bác của hoạ sĩ Tạ Quang Tâm vẫn chưa dừng lại. Ông đang ấp ủ tiếp những đề tài mới: Bác Hồ với bộ đội, thiếu nhi, đồng bào dân tộc… - để tình yêu quê hương, đất nước, và hình ảnh Người tiếp tục sống động trong từng nhịp cọ, từng gam màu không phai.
Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hiệp
Là một người con quê lúa, lớn lên trong tình yêu đất nước và hội họa, hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hiệp coi việc vẽ Bác như một hành trình tôn kính, một cách gửi trọn niềm tri ân sâu sắc đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Trong gia tài nghệ thuật phong phú của mình, Nguyễn Trọng Hiệp có ba tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nổi bật nhất là bức tranh "Bác Hồ với Hoàng thân Xuphanuvông". Được vẽ từ năm 2010 đến 2012, bức tranh không chỉ tái hiện một khoảnh khắc lịch sử, mà còn thấm đẫm tình cảm, sự sáng tạo riêng biệt của ông. Dựa trên tư liệu về cuộc hội ngộ giữa Bác Hồ và Hoàng thân Xuphanuvông tại Việt Bắc năm 1951, ông đã hư cấu thêm không gian nên thơ: ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, hoa Chămpa - linh hồn nước Lào, và những cánh chim bồ câu bay lên từ cảm hứng thơ Tố Hữu. Màu sắc trong tranh của Nguyễn Trọng Hiệp luôn mạnh mẽ, đầy sức gợi, như chính tình yêu nồng nhiệt ông dành cho hình tượng Bác.

Không chỉ dừng lại ở những khoảnh khắc lịch sử, Nguyễn Trọng Hiệp còn dành nhiều năm nghiên cứu ảnh tư liệu, phim tư liệu, sách báo để khắc họa hình ảnh Bác Hồ qua từng giai đoạn với sự chuẩn xác về tạo hình và thần thái. Các tác phẩm tiêu biểu như "Bác về thăm quê", "Đoàn kết là sức mạnh", "Niềm tin tất thắng"... đều cho thấy nỗ lực không ngừng của ông để làm mới đề tài quen thuộc bằng chính cảm xúc riêng, không lặp lại dấu chân của những người đi trước.

"Bác Hồ là hình tượng bất tử trong lòng dân tộc. Tôi chỉ mong qua từng nét vẽ, mọi người có thể cảm nhận được vẻ đẹp lớn lao ấy", ông chia sẻ bên một tác phẩm về Người đang được hoàn thiện. Ở tuổi 80, đam mê với hội hoạ và cảm hứng sáng tác về lãnh tụ Hồ Chí Minh của ông chưa hề vơi cạn.
Hoạ sĩ Hồ Huy Hùng
Là một trong những gương mặt trẻ hiếm hoi vẽ về Bác Hồ theo cách riêng biệt, họa sĩ Hồ Huy Hùng - người con của Nam Đàn - đang khẳng định dấu ấn cá nhân bằng những tác phẩm đậm chất phóng khoáng và xúc cảm. Trong những ngày lễ lớn của dân tộc, anh vừa hoàn thành 3 bức tranh mới về Bác, như một cách dâng tặng thầm lặng từ trái tim đến hình tượng Người.

Với anh, đề tài lãnh tụ là một vùng thiêng liêng, nhưng không đồng nghĩa với sự gò bó. Anh tìm đến Bác không bằng những nét tròn trịa, duy mỹ thường thấy, mà bằng mảng màu lớn, đối lập, thô mộc nhưng đầy nội lực. Da Bác không mịn màng mà được tạo nên từ chất liệu acrylic mạnh mẽ; ánh mắt, chòm râu hay vầng trán cũng không sa vào chi tiết mà được nhấn nhá vừa đủ để toát lên vẻ hiền từ, dung dị. Không gian trong tranh thường thoáng rộng, như được đổ đầy nắng - vừa tôn vẻ đẹp giản dị của Bác, vừa cho thấy sự tự do trong tư duy của người vẽ.

“Với tôi, chỉ khi thật sự xúc động thì mới có thể cầm cọ vẽ Bác”, anh chia sẻ. Trước khi bắt tay vào sáng tác, anh dành thời gian dài để xem phim tư liệu, ảnh, lặng lẽ ký họa những khoảnh khắc khiến trái tim mình rung lên. Khi thần thái đã thuộc vào tâm trí, anh mới phóng bút – trung thành với cảm xúc hơn là hình thức.

Lớn lên trên quê hương Bác, với Hồ Huy Hùng, Nam Đàn không chỉ là quê hương, mà còn là nguồn mạch âm thầm chảy trong từng nét cọ, âm thầm gieo trong lòng mình hạt giống yêu nước, yêu nghệ thuật. Và hình ảnh Bác Hồ luôn ở đó, không bao giờ cũ trong thế giới nghệ thuật rất riêng của anh.