Vương Thừa Phong - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Anh, Cộng hoà Séc, Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu•14/05/2025 14:26
Năm 1998, tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Anh. Chỉ vài ngày sau khi sang London nhậm chức, một trong những việc làm đầu tiên của tôi là đưa vợ và các con đến thăm Di tích về Bác Hồ ở nước Anh.
Đó chính là tòa nhà trước đây là khách sạn Carlton Tower trên Đại lộ Haymarket, ngay liền bên cạnh Quảng trường Trafalgar lịch sử ở trung tâm Thủ đô London, về sau nơi này trở thành trụ sở chính của Đại sứ quán cùng các cơ quan đại diện của New Zealand tại Vương quốc Anh (New Zealand House).
Ngót 115 năm trước, sau khi rời Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đặt chân đến nước Pháp. Đầu năm 1913, Người quyết định tìm đến nước Anh mà lúc bấy giờ được coi là quê hương của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân, là đế quốc hùng mạnh nhất thế giới với biểu tượng hình ảnh "mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh". Tháng 5/1913, Người đã lên chuyến tàu từ thành phố cảng Dieppe ở vùng Normandy miền Bắc nước Pháp, vượt qua eo biển La Manche cập cảng Southampton ở miền Nam nước Anh. Hồi đó Southampton là bến cảng nổi tiếng thế giới, do đây là nơi con tàu Titanic huyền thoại xuất phát đi New York để sau đó gặp thảm họa rồi mãi mãi nằm dưới đáy sâu của Đại Tây Dương vào tháng 9/1912.
Đến nước Anh, Bác Hồ đã lưu lại thị trấn Newhaven một thời gian ngắn rồi đáp tàu hỏa lên London. Theo các bạn bè nước Anh kể lại, là một khách sạn sang trọng , danh tiếng ở Thủ đô nước Anh vào đầu thế kỷ trước, Carlton là địa điểm đi lại lưu trú của nhiều nhân vật nổi tiếng tầm cỡ trong giới chính trị và các nhà tư bản kinh doanh làm ăn lớn của châu Âu và thế giới. Thời gian làm việc ở khách sạn Bác đã có dịp tiếp xúc trao đổi với các giới công nhân lao động, nhiều chiến sĩ cộng sản và các nhà cách mạng đến từ nhiều nước khác nhau.
Một điều tôi rất nhớ là khi sang trình Quốc thư tại nước kiêm nhiệm Ireland, mấy vị lãnh đạo nước này đã kể cho tôi nghe về mối quan hệ tình bạn, tình đồng chí của Bác Hồ của chúng ta với các nhà cách mạng Ireland hồi đó đang tìm đường đấu tranh giành độc lập từ ách đô hộ của người Anh. Chính trong thời gian ở nước Anh, Bác của chúng ta đã bắt đầu tiếp cận và giác ngộ chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Cộng sản trên con đường hoạt động cách mạng bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc .
Bạn bè nước Anh từ lâu đã hết sức ngưỡng mộ Bác Hồ của chúng ta. Năm 1990, khi Bác Hồ được UNESCO ra nghị quyết vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa”, các tổ chức hội đoàn ở Anh mà nòng cốt là Hội Hữu nghị Anh - Việt, Ủy ban Ủng hộ Việt Nam - Lào - Campuchia, Đảng Cộng sản Anh, Thư viện K.Marx... đã cùng nhau kiến nghị hình thức đời đời ghi nhớ tên tuổi của Bác ở nước Anh bằng cách thiết lập một tấm biển kỷ niệm Người gắn trên bức tường ngay cạnh cổng chính của tòa nhà Đại sứ quán New Zealand trên Đại lộ Haymarket.
Về việc này, các tổ chức bạn bè đã phải vượt qua rất nhiều vấn đề vướng mắc về thủ tục kéo dài trong suốt 2 năm, tấm biển xanh Blue Plaque đã được khánh thành tại một buổi lễ trang trọng với sự tham gia của chính quyền thành phố, các tổ chức bạn bè Anh, đại diện Đại sứ quán Việt Nam và Đại sứ quán New Zealand cùng đông đảo bà con Việt kiều tại Anh. Tấm biển ghi dòng chữ giản dị "HỒ CHÍ MINH (1890-1969), người sáng lập ra nước Việt Nam hiện đại đã làm việc tại khách sạn Carlton ở đây năm 1913".
Khách sạn Carlton ở London (Anh), nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành làm việc trong thời gian sống ở nước Anh năm 1914. Ảnh tư liệu
Kể từ khi tôi sang nhậm chức, hàng năm, Đại sứ quán và bạn bè cùng cộng đồng Việt Nam ở Anh đều tổ chức lễ đặt lẵng hoa trang trọng trước tấm biển kỷ niệm Người tại đây.
Đầu tháng 5/2000, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Bác Hồ. Hồi đó, tình hình kinh tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngân sách ngoại tệ của Đại sứ quán phải nói là rất hạn chế. Hồi đó, lãnh đạo ta cũng chưa có chủ trương tổ chức sinh nhật Bác ở nước ngoài. Mặc dù vậy, tôi vẫn họp với anh em trong Đại sứ quán, nhấn mạnh năm nay là năm chẵn và Vương quốc Anh là địa bàn đặc biệt có dấu ấn hoạt động của Bác, nên Đại sứ quán cần tìm cách tổ chức sinh nhật Bác thật trọng thể và có mời khách sở tại cũng như Ngoại giao đoàn ở London. Trong điều kiện hạn hẹp về kinh phí, anh em đã trao đổi và đề xuất phương án tổ chức ở Đại sứ quán trên tinh thần tiết kiệm. Tuy nhiên, lúc này tôi nảy ra ý định tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác ngay tại địa điểm có di tích lịch sử, nơi Bác đã từng sống và làm việc ở London trong những năm đầu hoạt động cách mạng bôn ba tìm đường cứu nước, tức là ngay tại trụ sở Đại sứ quán New Zealand .
Sở dĩ tôi có ý tưởng này là vì, trong Ngoại giao đoàn rất đông đảo ở London tôi có quan hệ rất thân thiết với Đại sứ New Zealand. Hồi mới sang nhậm chức tôi đã chủ động sớm tới chào xã giao Đại sứ New Zealand ở đây. Ông Paul East vốn là Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand được cử sang làm Đại sứ ở London trước tôi chừng 1 năm (Khối Liên hiệp Anh gọi Đại sứ các nước thành viên là Cao ủy – High Commissioner). Do Vương quốc Anh là đối tác quan trọng hàng đầu, nên New Zealand luôn cử quan chức cấp rất cao sang làm Đại sứ.
Ông Paul East là người có cảm tình với Việt Nam, trước kia ông đã có thời gian phục vụ trong chiến tranh Việt Nam tại một đơn vị công binh. Sau Hiệp định Paris và nước ta được thống nhất, ông đã rất quan tâm thúc đẩy quan hệ New Zealand với Việt Nam. Đại sứ Paul East rất phấn khởi khi biết tôi đã từng có thời gian theo học tại Đại học Victoria ở Thủ đô Wellington của New Zealand và nhận xét tôi nói tiếng Anh Kiwi English. Ông chia sẻ với tôi là các cơ quan đại diện của bạn rất tự hào có trụ sở là Di tích Bác Hồ đã từng sống và làm việc. Ông vui mừng biết tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Bác, đồng thời, ông cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia các hoạt động kỷ niệm về Bác với Đại sứ quán ta.
Tuy trong anh em Sứ quán ta vẫn còn ý kiến ngần ngại, nhưng tôi vẫn tin tưởng và quyết định tới gặp Đại sứ Paul East nêu đề nghị được mượn địa điểm tổ chức chiêu đãi kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Bác Hồ tại Đại sứ quán New Zealand. Thật vui mừng khi Đại sứ Paul East ngay lập tức đồng ý cho Sứ quán ta sử dụng địa điểm và đích thân đưa tôi đi xem luôn mấy phòng chức năng để có lựa chọn thích hợp cho hoạt động này. Cuối cùng chúng tôi thống nhất chọn phòng rộng và đẹp nhất là phòng Ballroom trên Penthouse tầng 19 của Tòa Đại sứ.
Vậy là chúng tôi lập tức bắt tay triển khai các công việc chuẩn bị cho sự kiện. Một kết quả hơn cả mong đợi là Đại sứ Paul East không những nhất trí cùng đứng tên liên danh với tôi để mời khách đến dự sự kiện mà còn đề nghị được lo toàn bộ phần hậu cần phục vụ cho buổi chiêu đãi. Ông còn hào phóng cung cấp toàn bộ số rượu vang New Zealand cho hoạt động đặc biệt này. Như vậy, anh em Sứ quán ta chỉ việc chuẩn bị một số món ăn Việt Nam mang đến là xong.
Đúng ngày 19/5/2000, trước khi diễn ra chiêu đãi, tôi và Đại sứ Paul East cùng tất cả cán bộ, nhân viên Đại sứ quán ta và các nhà Ngoại giao New Zealand cũng như đông đảo bạn bè và khách mời đã cử hành lễ đặt lẵng hoa trang trọng trước tấm biển Blue Plaque trước cổng tòa Đại sứ của bạn.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và các nhà Ngoại giao New Zealand cũng như đông đảo bạn bè và khách mời đã cử hành lễ đặt lẵng hoa trang trọng trước tấm biển Blue Plaque. Ảnh tư liệu
Đại sứ Paul East cử hành lễ đặt lẵng hoa trang trọng trước tấm biển Blue Plaque trước cổng tòa Đại sứ quán. Ảnh tư liệu
Phát biểu tại cuộc chiêu đãi ở Penthouse ngay sau đó, Đại sứ Paul East đã đánh giá cao những thành tựu đổi mới và chính sách đối ngoại của Việt Nam, vui mừng trước những bước phát triển mới trong quan hệ New Zealand - Việt Nam. Bày tỏ sự kính trọng và ngưỡng mộ đối với thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Paul East nêu bật niềm vinh dự và tự hào về việc Tòa Đại sứ New Zealand là địa điểm di tích hoạt động của Bác tại Thủ đô của Vương quốc Anh, khẳng định luôn trân trọng và quan tâm bảo quản chu đáo tấm biển Blue Plaque kỷ niệm Người như một đóng góp thiết thực cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
“
Tấm biển xanh gắn tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tòa nhà được xây dựng trên nền khách sạn Carlton cũ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc trong những năm tháng ở London. Ảnh: TTXVN
Sự kiện kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Bác Hồ ở London năm ấy đã được dư luận sở tại, Ngoại giao đoàn cùng đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Anh đánh giá cao, để lại những ấn tượng sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như đất nước và con người Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Mấy ngày sau đó tôi đã viết thư cảm ơn sự đóng góp và giúp đỡ đầy tình cảm của các bạn New Zealand. Vợ chồng tôi cũng đã mời Đại sứ Paul East và phu nhân thưởng thức một bữa tối đậm đà hương vị Việt tại tư dinh của chúng tôi trên phố Victoria Road ở cạnh Kensington Garden.
Mãi đến năm 2012, khi tôi dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta sang thăm New Zealand, Đại sứ Paul East lúc này đã về hưu, biết tin, đã ngay lập tức bay từ Auckland về Wellington gặp tôi. Cả hai chúng tôi đều hào hứng cùng nhau ôn lại kỷ niệm sự kiện đặc biệt không thể nào quên của 12 năm trước ở New Zealand House London.
Sau này tôi được biết, Đại sứ Vũ Quang Minh đã thành công trong việc phối hợp với bạn bè và chính quyền Anh thiết lập tấm biển kỷ niệm Bác ở Newhaven, điểm đến đầu tiên khi Bác đặt chân đến nước Anh hơn 100 năm trước.
Tháng 9 năm 2002, Đại sứ quán ta tại Anh nhận được thư của ông Paul Tag, một công chức người Anh đã về hưu, người em họ của Patricia Loseby, con gái của Luật sư Francis Henry Loseby, người đã từng bào chữa cho Bác thoát khỏi nhà tù của chính quyền thực dân Anh trong vụ án nổi tiếng ở Hong Kong hồi năm 1931 của thế kỷ trước. Trong thư ông P. Tag cho biết Patricia vừa qua đời ở tuổi 83. Patricia tham gia câu lạc bộ thuyền buồm tại Hong Kong cho đến vài năm trước, khi bị ốm quay về nước Anh sinh sống những năm tháng cuối cùng tại một nhà dưỡng lão ở thị trấn Midhurst thuộc hạt West Sussex, miền Nam nước Anh.
Bác Hồ tiếp đón Luật sư Loseby cùng vợ và con gái Patricia tại Hanoi 1/1960. Ảnh tư liệu
Bác Hồ cùng Luật sư Loseby cùng vợ và con gái Patricia tại Hanoi 1/1960. Ảnh tư liệu
Ông P. Tag cho biết, do Patricia không có chồng con và người ruột thịt, nên trước khi mất bà đã di chúc lại nhờ ông chuyển cho phía Việt Nam những kỷ vật trước kia Bác Hồ đã tặng gia đình Luật sư Loseby, trong đó, đáng chú ý là bức ảnh chụp Bác ra đón vợ chồng Luật sư Loseby cùng con gái Patricia tại phòng VIP sân bay Gia Lâm, tháng Giêng năm 1960. Khi đó Luật sư Loseby và gia đình đã nhận lời mời của vị thân chủ cũ của mình mà nay đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm Việt Nam với tư cách là thượng khách của nguyên thủ quốc gia đúng vào dịp Tết Canh Tý 1960.
Theo lời kể của ông P. Tag, gia đình luật sư đã vô cùng ấn tượng với chuyến đi, hết sức cảm động trước tình cảm của Bác dành cho ân nhân của mình. Patricia đã đặc biệt khâm phục sự gần gũi và thân mật, sự trọng thị, giản dị và chân thành của một vị nguyên thủ quốc gia mà Bác đã thể hiện đối với gia đình Luật sư Loseby trong suốt thời gian chuyến thăm lịch sử sang Việt Nam lần đó.
Tin Patricia Loseby - con gái của vị luật sư ân nhân của Bác Hồ qua đời, đã khiến tôi cùng anh em trong Đại sứ quán rất bàng hoàng và xúc động. Ngay hôm sau tôi đã viết thư gửi tới người thân và bạn bè của Patricia, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam bày tỏ tình cảm tiếc thương và gửi lời chia buồn sâu sắc trước sự đau thương mất mát to lớn này. Đại sứ quán ta đã dự lễ tang của bà tại Midhurst, đồng thời, tôi cũng báo cáo ngay về nước đề nghị Tổng Lãnh sự ta tại Hong Kong có hình thức chia buồn và tham gia lễ truy điệu do CLB Thuyền buồm Hong Kong, nơi Patricia Loseby đã từng là thành viên tích cực trong nhiều năm, tổ chức để tưởng niệm người đã khuất. Các kỷ vật mà ông Paul Tag mang đến Đại sứ quán theo lời di chúc của gia đình Loseby sau đó cũng đã được chúng tôi nhanh chóng chuyển về nước cho Bộ Ngoại giao và Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Vương quốc Anh, tôi đã không ít lần có dịp quay trở lại London và lần nào tôi cũng đến thăm tấm biển kỷ niệm Bác Hồ Blue Plaque tại Tòa Đại sứ New Zealand. Đáng kể nhất là tháng Giêng năm 2013, tôi vinh dự được giao nhiệm vụ đi tiền trạm, chuẩn bị, tổ chức và tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Vương quốc Anh theo lời mời của Thủ tướng David Cameron. Đây là chuyến thăm chính thức Anh lần đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng ta.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại sứ bạn xuống tận tầng hầm của tòa nhà, tham quan khu vực bếp của khách sạn là nơi Bác Hồ đã làm việc trước đây. Tổng Bí thư và mọi người đều bồi hồi xúc động hồi tưởng về những năm tháng Bác Hồ của chúng ta đã từng sống và làm việc.
Trong chương trình chuyến thăm đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đặt chân đến nước Anh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã đến đặt những lẵng hoa tươi thắm trước tấm biển kỷ niệm Bác Hồ tại Đại sứ quán New Zealand. Đại sứ Vũ Quang Minh đã liên hệ trước với Đại sứ bạn ở đây giới thiệu cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuống tận tầng hầm của tòa nhà, tham quan khu vực bếp của khách sạn là nơi Bác đã làm việc trước đây. Tổng Bí thư và mọi người đều bồi hồi xúc động hồi tưởng về những năm tháng Bác của chúng ta đã từng sống và làm việc ở Thủ đô nước Anh trên con đường hoạt động cách mạng “tìm hình của nước”. Đúng lúc ấy có ai đó trong đoàn đã khẽ đọc câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên:
"Và sương mù thành London ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya…”.
Trong suốt gần 40 năm công tác trong ngành đối ngoại và tính cả thời gian học đại học ở Liên Xô, tôi đã có dịp sống, làm việc và đi công tác ở nhiều nước có di tích hoạt động của Bác Hồ kính yêu, được tận mắt chứng kiến và cảm nhận những tình cảm sâu đậm của đông đảo bạn bè quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài đối với vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Có thể liệt kê cả một danh sách dài những địa điểm ở hàng chục nước trên thế giới từ châu Á , châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ… mà tôi đã từng vinh dự, tự hào được đến thăm. Tất cả những nơi đó đến nay vẫn như còn in đậm dấu chân Người!
Đối với tôi, ký ức về các hoạt động tưởng nhớ Bác tại New Zealand House ở London mãi mãi là những kỷ niệm đáng nhớ và sâu sắc nhất, không thể mờ phai./.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.