Những hoạt động nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
(Baonghean.vn) - Thủ tướng bổ nhiệm nhân sự 3 cơ quan; Kiện toàn BCĐ cấp Nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ; Mức thu lệ phí môn bài; Đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN lĩnh vực GTVT;... là những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần qua.
1 - Kiện toàn BCĐ cấp Nhà nước về xác định hài cốt liệt sỹ
Ảnh minh họa. |
Theo Quyết định, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực, thay bà Phạm Thị Hải Chuyền.
Ông Huỳnh Văn Tí, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban, thay ông Bùi Hồng Lĩnh.
Ông Đỗ Căn, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban, thay ông Đào Duy Minh.
Ông Nguyễn Quang Chữ, Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an, Ủy viên, thay ông Trần Văn Nhuận.
Ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Ủy viên, thay bà Nguyễn Thị Minh.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên, thay ông Trương Minh Tuấn.
Ông Đào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Ủy viên, thay ông Hoàng Công Thái.
2 - Quy chế làm việc của Chính phủ
Một phiên họp thường kỳ của Chính phủ. |
Theo Quy chế làm việc của Chính phủ, Chính phủ làm việc theo chế độ kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể Chính phủ với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân từng thành viên Chính phủ. Chính phủ quyết định theo nguyên tắc đa số đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Mọi hoạt động của Chính phủ, thành viên Chính phủ phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm. Nếu nhiệm vụ giao cho Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm....
3 - Thủ tướng chỉ thị xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng
Nhiều ô tô hết niên hạn sử dụng vẫn lưu thông ảnh hưởng đến an toàn giao thông. (Ảnh minh họa) |
Chỉ thị nêu rõ, hiện nay, tình trạng phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định tham gia giao thông gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh vận tải.
Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục thông báo danh sách phương tiện cơ giới đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định cho Bộ Công an, Công an các địa phương và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị đăng kiểm trên cả nước tăng cường phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương trong công tác thống kê, kiểm soát, xử lý đối với tất cả các phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định trên địa bàn. Tổ chức tập huấn cho các lực lượng liên quan về phương pháp tra cứu, kiểm soát, nhận biết phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định.
4 - Đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa
Xuất khẩu gạo tháng 9 và 9 tháng sụt giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ 2015. (Ảnh minh họa: Internet) |
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam rà soát tình hình thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, đề xuất giải pháp cụ thể, tích cực nhất để thu mua lúa gạo, tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 8/10/2016.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9 năm 2016, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 396.000 tấn với giá trị đạt 176 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng ước đạt 3,76 triệu tấn, với 1,69 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nếu không có đột phá về thị trường, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 từ kế hoạch 6,5 triệu tấn sẽ giảm mạnh còn khoảng 5,7 triệu tấn theo đường chính ngạch.
5 - Mức thu lệ phí môn bài
Ảnh minh họa. |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định người nộp lệ phí môn bài; miễn lệ phí môn bài; mức thu và khai, nộp lệ phí môn bài.
Cụ thể, về mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, Nghị định quy định mức thu đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng là 3 triệu đồng/năm; đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ trở xuống là 2 triệu đồng/năm; đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác là 1 triệu đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định trên căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
6 - Nhiệm vụ, tổ chức của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương thực hiện chức năng giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (Ban Chỉ đạo Trung ương) và trực tiếp giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý, tổ chức thực hiện và điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thực hiện chức năng giúp Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Văn phòng nông thôn mới huyện do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế làm cơ quan thường trực, thực hiện chức năng giúp Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện (Ban Chỉ đạo huyện) quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
7 - Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN lĩnh vực GTVT
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, danh mục dịch vụ sự nghiệp công nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí gồm: 1- Nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực hàng hải gồm: Dịch vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng hải; dịch vụ tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải; 2- Nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa: Dịch vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đường thủy nội địa; 3- Nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực đường bộ: Dịch vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đường bộ.
Danh mục dịch vụ sự nghiệp công nhà nước hỗ trợ một phần chi phí theo lộ trình tính giá dịch vụ công là nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực đường bộ gồm: Dịch vụ vận hành khai thác bến phà đường bộ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Nghị định cũng quy định 7 trường hợp được miễn lệ phí môn bài
8 - Nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng
Ảnh minh họa. |
Đó là một trong những nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thông báo nêu rõ, triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và hàng hóa, đã tiến hành tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định về việc vừa phải thực hiện chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu; cắt giảm thời gian kiểm tra đối với sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý; xây dựng, ban hành một số Nghị định theo hướng tập trung khắc phục các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường chống gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng...
9 - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu
Hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh Kinh tế Á - Âu và các nước thành viên giai đoạn 2016 - 2018 sẽ được áp dụng biểu thuế ưu đãi nhập khẩu mới. Ảnh minh họa |
Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất VN-EAEU FTA phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1- Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này.
2- Được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á - Âu và các nước thành viên, bao gồm các nước sau: Cộng hòa Ác-mê-ni-a; Cộng hòa Bê-la-rút; Cộng hòa Ca-dắc-xtan; Cộng hòa Cư-rơ-gư-xtan; Liên bang Nga; các nước thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á - Âu (theo quy định tại Điều 15.2 của Hiệp định này); Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước).
3- Được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu nêu trên vào Việt Nam, do Bộ Công Thương quy định.
4- Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á - Âu và các nước thành viên, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) Mẫu EAV do Bộ Công Thương quy định.
10 - Xem xét khởi tố vụ vận chuyển trái phép ngà voi
Kiểm tra ngà voi nhập lậu tại cảng Cát Lái. |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại quốc gia (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) về vụ việc vận chuyển trái phép ngà voi.
Trước đó, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép ngà voi với số lượng lớn, được cất giấu tinh vi trong hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu Cảng Sài Gòn.
Xét báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Tổng cục Hải quan về vụ việc này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan xem xét, nếu đủ căn cứ thì khởi tố vụ án, tập trung khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ tổ chức, đường dây và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|