Thể thao

Những huấn luyện viên tiêu biểu của thể thao thành tích cao Nghệ An

Minh Quân 15/11/2024 10:13

Những năm gần đây, thể thao thành tích cao Nghệ An đã gặt hái nhiều vinh quang ở các đấu trường trong nước cũng như quốc tế. Phía sau ánh hào quang ấy là sự cống hiến của những người thầy - huấn luyện viên tâm huyết.

Bùi Duy Vinh – Huấn luyện viên bộ môn Võ cổ truyền – Boxing – Kickboxing

Sinh năm 1972 tại phường Lê Mao (TP Vinh), trong một gia đình không có truyền thống thể thao hay võ thuật, nhưng niềm đam mê võ thuật của Bùi Duy Vinh lại được truyền cảm hứng từ người anh trai từng phục vụ trong quân ngũ.

Bùi Duy Vinh (1)
Võ sư Bùi Duy Vinh truyền dạy võ thuật cho các học trò. Ảnh: NVCC

Năm 1989, khi võ sư Ngô Xuân Vỹ, em ruột võ sư Ngô Xuân Bính, về thành phố Vinh phát triển môn võ Nhất Nam, Bùi Duy Vinh đã tìm đến xin học. Dù bắt đầu muộn hơn so với các đồng môn khác, nhưng chỉ sau 3 tháng, anh đã xuất sắc giành vị trí số 1 trong lớp. Năm 1991, Bùi Duy Vinh được chọn tham dự Đại hội Võ cổ truyền toàn quốc tại Hà Nội. Sau đó, khi Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện Thể dục Thể thao tỉnh thành lập đội tuyển Võ cổ truyền để chuẩn bị cho Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, Bùi Duy Vinh là một trong những vận động viên đầu tiên được ghi tên.

Năm 1994, khi môn Pencak Silat mới được đưa vào Nghệ An, Bùi Duy Vinh quyết định chuyển sang học môn võ quốc tế có nguồn gốc từ Indonesia này. Tuy nhiên, thời đó luật thi đấu Pencak Silat chưa hoàn thiện, và sau 3 lần thất bại trên võ đài do những nguyên nhân ngoài chuyên môn, Bùi Duy Vinh cảm thấy rất buồn nên quyết định quay trở lại với môn Võ cổ truyền.

Mặc dù sự nghiệp thi đấu của Bùi Duy Vinh không nổi bật như một số vận động viên khác, nhưng khi chuyển sang làm huấn luyện viên, anh lại gặt hái nhiều thành công. Sau khi được bổ nhiệm làm HLV trưởng môn Võ cổ truyền tại Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện Thể dục Thể thao Nghệ An vào năm 1998, Bùi Duy Vinh đã xây dựng một đội tuyển Võ cổ truyền xứ Nghệ vững mạnh, với những tên tuổi sau này đã làm rạng danh thể thao Nghệ An như: Lê Thanh Tuấn, Phan Công Tuyến, Bùi Duy Tuấn, Lê Tuấn Dũng, Dương Trọng Bình, Kha Hoài An, Hà Đức Tuấn, Trần Thị Linh, Nguyễn Văn An, Võ Xuân Thanh...

Đầu những năm 2000, Bùi Duy Vinh là người tiên phong đề xuất đưa các môn võ như Wushu, Boxing, và Kickboxing vào chương trình huấn luyện thành tích cao. Từ năm 2002 đến nay, dưới sự dẫn dắt của HLV Bùi Duy Vinh, bộ môn Võ cổ truyền, Boxing, và Kickboxing Nghệ An luôn nằm trong nhóm những đơn vị mạnh nhất toàn quốc, mỗi năm mang về cho thể thao Nghệ An hàng chục huy chương từ các giải đấu trong nước và quốc tế, với những gương mặt nổi bật như Ngũ Thị Thuyết, Bùi Duy Chí Thành, Nguyễn Thị Mai, Thái Bá Trung, Phan Trọng Quý...

Bùi Duy Vinh (2)
Huấn luyện viên Bùi Duy Vinh (giữa) học trò Phan Trọng Quý (trái) và con trai Bùi Duy Chí Thành. Ảnh: NVCC

Năm 2019, Bùi Duy Vinh được Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam phong tặng danh hiệu Đại võ sư nhờ những đóng góp to lớn cho nền võ thuật cổ truyền nước nhà. Hiện nay, anh đang giữ cương vị Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Nghệ An, nhiệm kỳ 2021 – 2025. Dù ở bất kỳ cương vị nào, võ sư Bùi Duy Vinh vẫn luôn dành hết tâm huyết và kinh nghiệm của mình để gìn giữ và tiếp nối ngọn lửa võ thuật từ các thế hệ cha anh.

Hoàng Hữu Nghĩa - Huấn luyện viên bộ môn Cầu mây

Sinh năm 1962 tại xã Diễn Thọ (Diễn Châu). Sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Hoàng Hữu Nghĩa được phân công về công tác tại Sở Thể dục Thể thao (nay là Sở Văn hóa và Thể thao), với vai trò là cán bộ phụ trách phong trào của Phòng Nghiệp vụ.

Năm 1996, Hoàng Hữu Nghĩa chuyển sang công tác tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện Thể dục Thể thao tỉnh, với vai trò là HLV bộ môn đá cầu. Năm 1997, khi môn cầu mây bắt đầu được đưa vào huấn luyện thành tích cao tại Trung tâm, anh chuyển sang làm HLV bộ môn này. Năm 1998, đội tuyển cầu mây Nghệ An lần đầu tiên tham gia Giải trẻ Quốc gia và xuất sắc giành 1 Huy chương Vàng ở nội dung đội tuyển 3 nữ.

 Nguyễn Thị My và HLV Hoàng Hữu Nghĩa
HLV Hoàng Hữu Nghĩa và vận dộng viên Nguyễn Thị My. Ảnh: NVCC

Từ đó, dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Hữu Nghĩa, năm nào đội tuyển cầu mây Nghệ An cũng mang về huy chương cho thể thao tỉnh nhà. Cùng với đó, đầu những năm 2000, nhiều vận động viên cầu mây Nghệ An đã trưởng thành nhanh chóng và được gọi vào các đội tuyển trẻ Quốc gia, đội tuyển Quốc gia như Bạch Hà, Hồ Minh Thuận, Đậu Bảo Hiền (nữ), Phạm Viết Thành (nam)…

Năm 2009, Đội tuyển cầu mây Nghệ An có tấm Huy chương Vàng vô địch Quốc gia đầu tiên. Từ đó đến nay, cầu mây Nghệ An đều giành được từ 3-5 Huy chương Vàng tại các giải trẻ Quốc gia, giải vô địch Quốc gia. Tại các kì Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VI (2010), lần thứ VII (2014), lần thứ VIII (2018) và lần thứ IX (2022), cầu mây là một trong những môn mang về nhiều huy chương nhất cho đoàn thể thao Nghệ An.

Từ năm 2006 đến năm 2017, Hoàng Hữu Nghĩa lần lượt giữ cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển cầu mây nam quốc gia và huấn luyện viên trưởng đội tuyển nữ quốc gia, đồng thời đảm nhận vai trò trưởng bộ môn cầu mây của Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện Thể dục Thể thao Nghệ An. Sau những vận động viên như Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Quyên, và Đinh Thị Thúy Hằng vào đầu những năm 2010, huấn luyện viên Hoàng Hữu Nghĩa tiếp tục phát hiện và giới thiệu cho đội tuyển quốc gia cầu mây nữ những tài năng người Nghệ An như Nguyễn Thị My, Ngô Thị Ngọc Quỳnh.

“Chính thầy Hoàng Hữu Nghĩa đã phát hiện, huấn luyện và động viên em rất nhiều, giúp em vượt qua khó khăn và luôn nỗ lực hết mình trong các giải đấu để mang vinh quang về cho tỉnh nhà, cho quốc gia”, vận động viên Nguyễn Thị My – người từng cùng các đồng đội ở đội tuyển giành được những tấm Huy chương Vàng mang tính lịch sử ở Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016, Giải vô địch cầu mây thế giới các năm 2022, 2023, ASIAD 2023, chia sẻ.

Hồ Phi Lược – Huấn luyện viên bộ môn lặn

Sinh năm 1969 tại xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) - một địa phương giàu truyền thống về môn bơi lặn, Hồ Phi Lược biết bơi và bơi giỏi từ rất sớm. 15 tuổi, Hồ Phi Lược được các huấn luyện viên của Trường Đào tạo thể dục, thể thao Nghệ Tĩnh (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh) tuyển vào bộ môn bơi của đơn vị, bắt đầu sự nghiệp vận động viên thành tích cao. Trong gần 7 năm là vận động viên, tấm Huy chương Vàng duy nhất mà Hồ Phi Lược giành được là tại Giải Vô địch trẻ bơi, lặn Quốc gia năm 1988.

Hồ Phi Lược
Hồ Phi Lược và vận động viên Nguyễn Trọng Dũng. Ảnh: NVCC

Năm 1991, ở tuổi 22, sau những kết quả không như mong đợi tại các giải vô địch quốc gia, Hồ Phi Lược giã từ sự nghiệp vận động viên. Cũng trong năm đó, anh thi đậu vào Trường Cao đẳng Thể dục, thể thao Trung ương 3 (Trường Đại học Thể dục, thể thao Đà Nẵng), chuyên ngành bơi, lặn.

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp, Hồ Phi Lược được tạo điều kiện về công tác tại Trường Đào tạo thể dục, thể thao tỉnh. Năm 1995, tại giải đấu quốc gia đầu tiên đưa học trò đi thi đấu là Giải Vô địch bơi, lặn trẻ Quốc gia, Hồ Phi Lược đã có những thành tích đầu tiên trong sự nghiệp huấn luyện khi các học trò của anh giành được 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng ở môn bơi.

Từ năm 1998, Hồ Phi Lược tập trung hoàn toàn vào công việc huấn luyện viên bộ môn lặn. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi năm anh đưa các học trò tham gia 3 giải đấu toàn quốc là Giải Vô địch bơi, lặn trẻ Quốc gia, Giải Vô địch bơi, lặn các câu lạc bộ Quốc gia và Giải Vô địch bơi, lặn các nhóm tuổi Quốc gia và hầu như năm nào các học trò của anh cũng giành được huy chương.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, trong số các học trò của anh có 2 gương mặt nổi bật là Nguyễn Trọng Dũng và Nguyễn Thị Tú Anh – những vận động viên thường xuyên giành được huy chương Vàng tại Giải lặn vô địch Quốc gia, Giải lặn vô địch các nhóm tuổi Quốc gia, Giải lặn vô địch trẻ Quốc gia, Giải lặn vô địch Đông Nam Á, Giải vô địch lặn trẻ châu Á… Nguyễn Trọng Dũng còn giành 2 Huy chương Vàng SEA Games, 2 Huy chương Vàng Giải lặn Cúp thế giới.

VĐV lặn Nguyễn Tú Anh cùng HLV Hồ Phi Lược
HLV Hồ Phi Lược và vận động viên Nguyễn Thị Tú Anh. Ảnh: Minh Quân

“Điều tôi tâm đắc nhất là trong 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi đã tận dụng khoảng thời gian bị cách ly, phong tỏa để tập trung chỉnh sửa kỹ thuật và nâng cao tâm lý thi đấu cho các học trò, trong đó có Nguyễn Trọng Dũng và Nguyễn Tú Anh. Có lẽ nhờ vậy mà từ năm 2022, thành tích thi đấu của các vận động viên lặn Nghệ An đã được cải thiện đáng kể,” huấn luyện viên Hồ Phi Lược chia sẻ./.

Mới nhất

x
Những huấn luyện viên tiêu biểu của thể thao thành tích cao Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO